Về vụ ‘Oan án Nguyễn Thanh Chấn”
* VÕ VĂN TẠO
(Cựu Hội thẩm nhân dân - TAND T.p Nha Trang)
Một quyết định dũng cảm:
Ngày 4-11-2013 , với việc trả tự do cho dân oan Nguyễn Thanh Chấn theo quyết định đình chỉ thi hành hành án, VKSNDTC đã gỡ lại phần nào niềm tin của nhân dân. Công luận ghi nhận, trong oan án tai tiếng này, công lý - dù mải “ngao du đâu đó” hơn 10 năm trời đằng đẵng - rốt cuộc cũng quay về.
Mặc dù đến cuối chiều 6-11-2013, kết thúc phiên tái thẩm, Hội đồng xét xử TANDTC chỉ tuyên hủy 2 bản án sơ và phúc thẩm oan sai đối với ông Chấn, không tuyên ông vô tội; và một vài yếu nhân trong ngành tư pháp vẫn tuyên bố ông Chấn chưa chính thức vô tội, những ai am hiểu pháp luật ở ta đều đoan chắc, việc chính thức công dân Nguyễn Thanh Chấn vô tội chỉ là vấn đề thủ tục. > Chưa tuyên ông Chấn vô tội là chưa thoả đáng ! .
Bởi lẽ, với chức trách và nghiệp vụ của mình, cũng như theo “tập quán” bàn bạc, thống nhất liên ngành lâu nay đối với những vụ trọng án (trái với quy định của luật pháp: các cơ quan này phải độc lập tác nghiệp và chỉ tuân theo pháp luật), VKSNDTC không đơn phương ra quyết định đình chỉ thi hành án ông Chấn. Nếu không xác định 100% ông Chẩn thực sự oan uổng, có ăn gan trời thì VKSNDTC cũng chẳng dám thả khỏi trại giam một người vẫn trong tình trạng còn bị nghi ngờ phạm trọng tội “giết người”.
Dĩ nhiên, trước khi quyết định trả tự do cho ông Chấn, VKSNDTC không thể không cân nhắc thật kỹ càng và lường trước những hệ lụy tiếp theo (tùy mức độ sai phạm, hàng loạt cán bộ công an, VKS và tòa án liên can sẽ phải bị xử lý hình sự hoặc hành chính, nếu pháp luật không bị ngồi xổm lên). Theo chức năng được pháp luật hình sự hiện hành quy định, mọi sai sót của cơ quan điều tra và/hoặc của tòa án, đều có trách nhiệm của ngành kiểm sát. Trong quá trình công an điều tra, VKS có trách nhiệm giám sát, uốn nắn các lệch lạc. Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ, VKS có trách nhiệm xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung, thậm chí đình chỉ truy tố - nếu nhận thấy chưa đủ căn cứ thuyết phục để tiến hành truy tố.. Nếu thấy đủ căn cứ và thuyết phục, mới ra cáo trạng. Việc khởi tố bị can, tạm giam, đều phải được VKS phê chuẩn - nếu phù hợp với quy định của pháp luật. Tại tòa, VKS giữ quyền công tố và hoàn toàn có quyền rút lại hoặc điều chỉnh lời buộc tội, yêu cầu Hội đồng xét xử và các bên tham gia tố tụng tuân thủ nghiêm túc luật pháp tố tụng. Rõ ràng, trong tố tụng hình sự, pháp luật giao chức năng, quyền lực cho ngành kiểm sát rất lớn. Trong vụ án này, không chỉ có sự tham gia của VKS tỉnh Bắc Giang, mà còn có VKSNDTC (vì TANDTC xử phúc thầm). Vì vậy, ra quyết định đình chỉ thi hành án ông Chấn (như phân tích ở trên, đồng nghĩa trả tự do cho người vô tội bị oan sai) cũng có nghĩa như VKSNDTC tự vả vào mặt mình và đồng nghiệp một cú tát trời giáng. Quá đau đấy! Nhưng phải cố mà chịu, để tỉnh táo lại trên tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng.
Sai phạm cả 3 cơ quan, 2 cấp
Như thông tin nhiều cơ quan truyền thông đã đăng tải, sai phạm bắt nguồn từ cung cách làm việc cẩu thả, tùy tiện, chủ quan, thậm chí vi phạm pháp luật một cách quá thô bạo của các điều tra viên Công an tỉnh Bắc Giang. Bằng hành hạ, dọa dẫm, bức cung, tạo hiện trường và chứng cứ giả mạo, bỏ lọt nhiều tình tiết sự thật quan trọng, họ buộc ông Chấn “thú tội”.
Tuy nhiên, luật pháp quy định quy trình xử lý một vụ án hình sự rất chặt chẽ. Công an kết luận là việc của công an. VKS có trách nhiệm xem xét lại, nếu thấy chưa rõ ràng, phải yêu cầu điều tra bổ sung hoặc đình chỉ khởi tố. Khi VKS đồng ý truy tố, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ và căn cứ diễn biến xét xử tại tòa, nếu thấy căn cứ buộc tội chưa thuyết phục, thẩm phán và Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hoặc đình chỉ tố tụng… Luật pháp cũng quy định, thủ tục xét xử có 2 cấp: sơ thẩm và phúc thẩm (chưa kể các thủ tục đặc biệt: giám đốc thẩm và thái thẩm). Cấp phúc thẩm có toàn quyền sửa sai hoặc tuyên hủy bản án sơ thẩm - nếu phát hiện tòa sơ thẩm sai lầm. Rõ ràng, khi quy định 3 cơ quan và 2 cấp như vậy, luật pháp không nhằm mục đích “vô duyên” “đẻ” thêm biên chế - tổn hại ngân sách, mà nhằm hạn chế đến mức thấp nhất (có thể) tình trạng oan sai.
Rất tiếc, nhiều quan chức VKS Bắc Giang và VKSNDTC đã không thực hiện đúng chức trách, quyền hạn và nghiệp vụ của mình. Rất tiếc, tại tòa 2 cấp, lời ông Chấn rập đầu kêu oan, tố bị bức cung; những bằng chứng ngoại phạm và lập luận có giá trị của luật sư Nguyễn Đức Biền bị Hội đồng xét xử và công tố viên bỏ ngoài tai. Rất tiếc, đơn kêu cứu của vợ chồng ông Chấn từ các năm 2003, 2004 đến VKSNDTC không được cứu xét kịp thời. Rất tiếc, đơn kêu cứu gửi năm 2006 đến Văn phòng Chính phủ, lại “nằm” bất động ở đó (theo giải trình của VKSNDTC tại họp báo 5-11-2013). Khó có thể nói khác: thói vô cảm, vô trách nhiệm ở các “công bộc” đã trở thành cố tật và ở bất cứ ngành, cấp nào cũng đầy rẫy.
Nói lời xin lỗi mà cũng khó thế a?
Công bằng mà nói, tại các nước văn minh, hệ thống luật pháp chặt chẽ và cơ bản được tôn trọng, dù hiếm hoi, án oan sai vẫn khó tránh. Thực tế đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng để nhiều nước bỏ án phạt tử hình. Có điều, ở ta, tình trạng công an lạm dụng vũ lực, đánh đập, bức cung, tạo chứng cứ giả, chà đạp thô bạo pháp luật tố tụng không phải hiếm. Và vụ ông Chẩn chỉ là một trong rất hiếm hoi các vụ án oan sai kết thúc có hậu.
Khó định lượng được tổn thất nặng nề về mọi khía cạnh vật chất, tinh thần, sức khỏe, danh dự của dân oan Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình.
Sai phạm của các cán bộ, cơ quan liên quan trong kỳ án này là không thể phủ nhận. Thế nhưng, từ khi báo chí đưa tin ông Chấn bị oan đến nay, chưa thấy một cá nhân, tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nói một lời xin lỗi với dân oan khốn khổ Nguyễn Thanh Chấn cùng gia đình, xin lỗi nhân dân – đã đóng thuế để nuôi bộ máy công quyền các cấp.
Đặt vấn đề như thế có khắt khe chăng?
Vì sao sau chiến tranh thế giới nhiều thập kỷ, lãnh đạo các quốc gia gây hấn như Đức, Nhật… vẫn chính thức nói lời xin lỗi người dân các nước phải chịu thống khổ?
Còn nhớ vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ trong khi thi công (26-9-2007 ), làm 54 công nhân ta thiệt mạng. Lập tức Đại sứ Nhật tại Hà Nội Norio Hattori và Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Hitoshi Kimura sang Việt Nam công cán sau đó đều có lời chia buồn, xin lỗi gia đình các nạn nhân và nhân dân Việt Nam (cầu Cần Thơ được Nhật tài trợ ODA. Liên danh 3 hãng tư nhân Nhật gồm Taisei, Kajima và Nippon là nhà thầu chính).
Phải chăng, tính tự trọng, thái độ phục thiện, biết ăn năn xin lỗi để tiến bộ là thứ gì đó quá “xa xỉ” với quan chức Việt Nam ta?
V.V.T.
----------------------
+ Bài liên quan:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét