Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

MỘT THỜI ĐÃ SỐNG - Kỳ 5

V- CHẾT CÒN HƠN SỐNG KHỔ

 * MINH DIỆN 
(tiếp theo)
                 Nguyễn Lập tiếp tôi trong Văn phòng Bí thư huyện ủy. Căn phỏng to, sang  trọng  trong tòa nhà mới xây lớn nhất thị trấn hướng chính Đông. Ở đây nhìn rõ con đường thẳng tắp hướng Bắc Nam. Trên tường ảnh Karl Marx, Engels, Lenin lồng khung kính treo dưới hàng chữ  “Chủ nghĩa Marl-Lenin bách thắng muôn năm”, dưới  là bức tượng Hổ Chí Minh  và hàng chữ mạ vàng: “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”..
                  Nhìn bức tượng bằng thạch cao, tôi vụt nhớ những mảnh thạch cao ở trụ sở  ủy UBND xã Thái Ninh tối hôm nọ do những bức tượng bị vỡ khi xảy ra xô xát giữa dân với chính quyền. Những mảnh vỡ tung tóe rất phản cảm, nhưng bí thư đảng ủy Nguyễn Xuẩn (đúng lả xuẩn thật) không cho dọn, cứ khăng khăng giữ nguyên hiện trường!
Lập đứng dậy bắt tay tôi không chặt, không lỏng, khẽ nhích mép cười. Mái tóc lốm đốm bạc phủ trên cái trán phẳng, bóng, không có nếp nhăn. Bộ com lê màu nâu thẫm ôm lấy khổ ngưởi thấp đậm. Lập vẫn bảnh bao, bình thản sau sự kiện xảy ra ở xã Thái Ninh,  hay cố tỏ ra như vậy tôi không biết, và nghĩ cũng chả cần xét nét làm gỉ. Điều tôi muốn biết là ý kiến của bí thư huyện ủy  về sự kiện đó.
                Tôi thân mật hỏi Lập với tư cách bạn bè chứ không phải với tư cách một nhà báo:
               - Chuyện ở Thái Ninh thế nào ông ?
               Lập trả lời tôi khô cứng như gỗ:
               - Do “thế lực thù địch” kích động quần chúng bất mãn! Thường vụ Huyện ủy chúng tôi đã họp và đã chỉ đạo khởi tố vụ án .
                 Vậy là rất đơn giản. Không gì đơn giản hơn là đổ cho cái gọi là “thế lực thù địch” trừu tượng nào đó và khởi tố một vụ án hình sự! Tôi hỏi:
                - Thái Ninh là ngọn cờ đầu của huyện, đảng bộ vững mạnh, trong sạch liên tục nhiều năm, cái “thế lực thù địch” nào chui vào đươc?
                 Lập châm thuốc hút , dửng dưng như không nghe thấy câu hỏi của tôi, mắt Lập dán vào  tờ báo Nhân Dân  cô văn thư vừa đặt lên bàn.
                         > Nhìn lại sự kiện Thái Bình 1997  
                  Thấy Lập lảng tránh trả lời, tôi không hỏi nữa. Bằng kênh thông tin riêng, tôi biết trong cuộc họp thường vụ huyện ủy, Lê Hữu  Liêm đã  phê phán Lập hữu khuynh,  để xảy ra vụ Thái Ninh. Theo Liêm, người cầm đầu vụ  bạo loạn ở Thái Ninh chính là Trần Văn Huấn, một đại tá cựu chiến binh. Ông Huấn từng là Phó chủ nhiệm Chính trị sư đoàn trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, về hưu năm 1980, tham gia cấp ủy và làm Chủ tịch hội Cựu chiến binh xã Thái Ninh. Tinh ông cương trực, thẳng thắn, sống liêm khiết, coi trọng dân  chủ. Ông là người đấu tranh chống tiêu cực quyết liệt. Ông đã từng chỉ mặt bí thư đảng ủy mắng: “Anh phá đảng, hai dân chứ bí thư con mẹ gì?”. Vì thế mà ông  bị cô lập, bị đánh bật  khỏi đảng ủy, mất chức chủ tịch hội cựu chiến binh. Không chùn bước, ông Huấn đã tự  thành lập  “Hội đồng chống tham nhũng” gồm các cựu chiến binh chí cốt.  Ông tuổi Mão nên dân Thái Ninh gọi  Hội đồng  chống tham những của ông Huấn là “Hội đồng mèo” săn bắt “chuột tham nhũng”.  “Hội đồng mèo” công khai đứng ra đấu với “Hội đồng chuột” (cấp uỷ, chính quyền xã), làm đơn tố cáo các vụ tiêu cực. Nhiều  lần ông Huấn  nhày vào  lật tẩy  các công trình xây dựng  của xã,  phát hiện ăn cắp vật tư, khai khống tiền bạc…
                 Đảng ủy xã Thái Ninh gọi ông Huấn là “thằng chột” vì ông bị thương mất một mắt, ghét ông  như  muốn đào đất đổ đi.  Nguyễn Xuẩn đã đề nghị xử lý hình sự ông Huấn về hành vi thành lập hội trái quy định,  can thiệp vảo công việc của chính quyền, xúc phạm danh dự cá nhân, làm ảnh hưởng “uy tín” lãnh đạo! Cách làm  của Nguyễn Xuẩn  hệt như  cách làm của Vũ Bá Kiến, Bí thư đảng ủy xã Thái An, đối với  thầy giáo Quỳnh.  Chủ tịch huyện Lê Hữu Liêm cũng đồng tình.  Nhưng  Lâm có mối quan hệ  đặc biệt với đại tá Trần Văn Huấn: Bố  Lập trước kia  là chiến sỹ của Trần Văn Huấn, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trung đội trưởng Huấn đã băng bó viết thương cho bố Lập. Ông Huấn cũng  là người  đề nghị cho  Nguyễn Lập sang Liên Xô học .  Vì  tình nghĩa sâu nặng như vậy, nên  Lâp không ngả theo Liêm trong trường hợp này.
                  Lê Hữu Liêm đã vin vào để tranh công đổ lỗi. Lập trở thành bù nhìn trong cuộc họp thường vụ huyện ủy  xử lý vụ bạo động ở xã Thái Ninh vừa qua.   Trong cuộc họp đó, Lê Hữu Liêm kết luận một cách võ đoán, rằng “thế lực thù địch” điều khiển cuộc bạo loạn  và chỉ đạo toàn bộ guồng máy chính quyền  lao vào cuộc trấn áp. Trưởng công an huyện trực tiếp chỉ huy  lực lượng hỗn hợp cảnh sát , an ninh  xuống xã, lập biên bản hiện trường, lập danh sách các đối tượng  để khởi tố vụ án hình sự đậm mầu sắc chính trị. Ban chỉ huy quân sự huyện  cấm trại 100%, và một đơn vị bộ đội địa phương được  điều về đóng quân ngay sát cơ quan lãnh đạo huyện để kịp thời ứng phó...
                    Sự thật là như vậy, nhưng Nguyễn Lập dấu. Tôi nhìn Lập lọt thỏm trong chiếc ghế sa lông bọc da, có cảm giác anh ta đã bị bó chặt lại. Từ mái tóc bết xuống  cái trán không có nếp nhăn, đến khuôn mặt phẳng lì với cặp mắt luôn lảng tránh người đối thoại, Lập  không còn chút bản lĩnh nào. Được đào tạo chính quy, được ôm ấp  nâng nưu  đặt lên thảm đỏ quyền lực mà vẫn không ra hồn!
                    Năm nào tôi cũng về thăm quê , nhưng  chỉ được gặp  Lập vài lần , nên  không  ngờ  Lập sống  nhạt nhẽo, vô vị  đến thế.   Cuộc sống của Lập hình như  chỉ bó hẹp  trong cái  dãy hành lang   hun hút giữa những căn phòng đã được đánh số thứ tự kia,  chật chội ,  buồn tẻ và cứng nhắc .  Trí  não Lâp hình như  đã  đóng băng và,  trái tim không còn biết rung động!   Nhớ có  lần vui chuyện , để thử Lâp,  tôi đọc cho Lập nghe mấy câu thơ của  Xec-gây Es-xê-nhin: 
                       “ Matxcova! Matxcova!
                        Ta yêu người!
                         Như một đứa con trai yêu mẹ!
                         Như một người Nga yêu Tổ quốc Nga”...
                Cứ tưởng đã học ở Nga hơn  năm, sáu năm,  thì ít nhiều Lập cũng hiểu về nhà thơ vĩ đại vào bậc nhất của nước Nga có tâm hồn chân thật mênh mông như biển cả.  Nhưng Lập hầu như không hề biết có ông Es-xê-nhin  trên thế gian này, hơn nữa  Lập không muốn nghe tôi đọc tiếp bài thơ. Tôi tự hỏi, dưới lớp da phẳng lì kia chất chứa cái gì, trong cái đẩu tròn như trái bí kia nghĩ  gì?
                Lập rót nước mời tôi, rồi nói bằng cái giọng đều đều, như đọc một bài văn:
               - Huyện ta  nói chung, xã Thái Ninh nói riêng là một điển hình tiên tiến . Các nơi hiện nay   mới đạt  65 %  số hộ dân có điện nhưng huyện ta 100% có điện từ năm ngoái.  Hệ thống kênh mương   đã cứng hóa 90 %. Trường học, trạm xá đã ngói hóa 100% trong đó 2/3 là nhà cao tầng. Đường liên thôn liên xã 100%  lát gạch, trảỉ nhựa. Cả huyện không còn nhà tranh vách đất, cuộc sống đang đi lên từng ngày từng giờ...
                Thôi  đừng “đọc” nữa! Tôi muốn kêu lên.  Tôi  đã đọc hàng chục trang tài liệu như vậy rồi.  Rất nhiều con số  phóng đại tô mầu.  Như những  mảnh ghép  kệch cỡm .   Khi đọc   tài liện đó , dẫu biết giả dối , tôi  chưa   đánh giá Lập quá tệ, vì  nghĩ  đó là do  cán bộ cấp dưới.  Bây giờ    nghe nó  phát ra từ  miệng Lập  một  bí thư huyện ủy , người trí thức  bằng xương bằng thịt,  tôi có cảm giác buồn nôn!
                Thống kê  hàng loạt các  công trình phúc lợi ,  tự hào  mình đi trước thiên hạ,  phê phán  cựu chiến binh, cán bộ nghỉ hưu bất mãn  và trách dân không biết điều, nhưng tuyệt nhiên  không  lý giải một cách minh bạch  tiền  ở đâu để xây dựng các công trình đó,  và nó đã  bị lạm dụng thế nào?
                 Sự thật  hơn là  70% tiền đầu tư vào các công trình phúc lợi là tiền dân đóng góp.  Công trình càng to đẹp hoành tráng  thì dân càng phải thắt lưng buộc bụng .  Các chỉ tiêu càng nhanh hoàn thành, cán bộ  càng nhanh được đề bạt,thì  sức dân càng nhanh xuống dốc.  Hơn ba mươi loại phí chưa đủ chi, còn moi  móc  thêm.   Một đàn vịt 30 con phải đóng 7 kg thuế cỏ. Một cuộc họp phổ biến kiến thức nông nghiệp mỗi gia đình phải đóng 8 kg thóc.  Để được nghe tiếng loa phóng thanh điếc tai, mỗi hộ 5 cân thóc. Một đêm hát chèo mỗi vé 3 kg thóc... Tận thu không đủ thì đi vay, rồi bổ vào đầu  dân . Một xã có 5.000 dân ,  vay nợ 1,5 tỷ đồng, mỗi khẩu 30. 000 đồng.
                   Tiền ấy vào công trình một ,vào túi cán bộ ba , bốn phần.  Cán bộ giàu  rất nhanh như thổi, mà không phải tốn mồ hôi nước mắt.  Mèng   như   anh trưởng thôn một năm cũng kiếm  10  tấn thóc.  Nhà to, vườn rộng , xe đẹp nhất thôn nhất xã là của cán bộ đảng viên.  Vợ con cán bộ ti toe, hơm hĩnh khoe giàu sang, nhìn ngứa mắt.  Lương chủ tịch xã 280. 000 đồng  mà Lê Hữu Khiết đi xe hơi Toyoya, nhà thờ tổ vừa cháy  xây cái khác to hơn. Tiền đâu ra? Đó là tiền lại quả của những nhà thầu các công trình, tiền  bán đất công, tiền thu phí chồng phí...tiền ăn cắp của dân .   Tước đoạt của dân như thế mả  lại kể công với dân, kết tội dân, thì vua chúa ngày xưa cũng chẳng bằng.  
               Tôi hỏi Lập:
              - Các ông  có bằng chứng gì  mà bảo  thế lực thù địch  ở  Thái Ninh ?
              - Tôi chưa trả lời anh được!
              - Ông Trần Văn Huấn có tội gì mà  đòi bắt?
              - Tôi chưa trả lời anh được!
              - Thế thầy  giáo Quỳnh ?
              - Tôi chưa trả lời anh được!
              - Xã Thái Ninh có bao nhiêu đảng viên?
              - Hơn 250 đồng chí!
               -Đêm hôm trước có đảng viên nào bênh  bí thư đảng ủy và các cán bộ xã không?
              -Hình như không!
               Tôi thấy Lập giật thót, mặt tái đi vì lỡ lời. Lảng tránh được một loạt câu hỏi không ngờ bị hố một câu.   Lập quờ tay định chộp cái máy ghi âm của tôi.  Một chút tình cảm tốt đẹp tôi dành cho Lập về sự chân thật và nếp sống còn khá trong sạch so với những người khác bay biến nốt.  Lập sợ sự thật như loài gián sợ ánh sáng.  Lập  đã mất hẳn những ý nghĩ của riêng mình, mất hẳn cách nhận xét đánh giá  thực tế khách quan, không còn tin vào chính bản thân mình.  Thế giới của Lập chỉ còn bó hẹp trong bốn bức tường , nhìn   những bức chân dung như tranh Thánh và chiêm nghiệm mớ  học thuyết lỗi thời  như kinh kệ !
               Tôi nói với Lập:
                - Ông từng học ở Nga , thừa biết  chế độ xã hội chủ nghĩa, người dân  được chăm lo từ khi sinh ra cho đến lúc chết, nhưng   chế độ sụp đổ  không  ai bênh.  Phải chăng họ vô ơn , như ông bảo  dân ta  vô ơn?   Chả ai quay lưng với người tốt!  Không ai ngu  đập bể cái bình quý!  Chỉ  ghét họ mới không bênh!  Thử  hỏi  hơn hai mươi triệu đảng viên đảng cộng sản Liên Xô sao  không một ai xông ra cứu đảng  của mình lúc nó sụp đổ?   Ở  xã Thái Ninh  cũng vậy , hơn 250 đảng viên mà  không một ai đứng ra can ngăn dân đốt phá nhà các cán bộ xã.  Đó là sự thật, việc gì  phải dấu? Tôi khuyên ông với tư cách một người bạn, hãy chấp nhận sự thật dù rất đau đớn.
               Tôi đứng dậy bắt tay Lập. Lập giữ tay tôi lại, nói:
              - Cuộc gặp hôm nay anh đừng  đưa lên báo nghe?
                Tôi  ra khỏi cổng  huyện thì gặp chủ tịch Lê Hữu  Liên.  Như một sự tình cờ,  Liêm rất vồn vã mời tôi vào quán uống nước:
              - Anh về quê cả tháng rồi mà tụi tôi không biết?
                Đúng là nói điêu không biết ngượng! Mới hôm bắt thầy Quỳnh tôi chả gặp em trai ông là gì?  Chắc có chuyện gì  ông  mới ngó đến tôi chứ bình thường vác mặt lên không thèm nhìn. Thôi kệ, cứ đóng kịch đi!
                Liêm đặt tấm thân  to béo kềnh cảng  như con hải cẩu xuống cái ghế trong quán nước, những múi thịt sần sùi trên mặt đỏ au vì lạnh, cất tiếng nói oang oang như lệnh vỡ. Hình như Liêm muốn phô trương sức mạnh của mình từ cái bụng đến cái miệng, để khẳng định ta đếch ngán thằng nào!  Dù sao nhìn Liêm vẫn có sức sống, không vô vị  nhạt  kiểu nước ốc ao béo như  bí thư huyện ủy. Liêm hỏi thẳng tôi:
              - Tay Lập nói gì với ông thế?
                Ý đồ  lộ ra rồi.  Lão muốn biết  Lập sẽ xử lý những vụ đang xảy ra trong huyện thế nào và  có nói xấu mình với nhà báo không?  Cái cảnh  đồng sàng dị mộng  chả riêng  đây  mà  là  căn bệnh phổ biến ở  các bộ máy công quyền hiện nay.   Cùng  chung ý tưởng bảo vệ sự độc tài , nhưng mâu thuẫn quyền lợi bản thân và phe nhóm, nên nội bội rối như canh hẹ.  Việc chung không lo , lo đấu đá giành giựt ghế.  Nhũng “Tào tháo thời đại”  có khi hạ mình moi thông tin từ anh lái xe, công vụ...
              Tôi nói với Liêm:
              - Lập không đồng tình bắt ông Huấn và chính trị hóa vụ Thái Ninh?
              Liêm trợn mắt lên, những múi thịt trên mặt đỏ gay:
               - Hữu khuynh như ông Lập thì  bỏ mẹ!  Nếu nghe tôi bắt lão Huấn thì đâu có rắc rối?  Hôm nọ mà không  bắt  giáo Quỳnh thì  Thái An cũng  loạn !  Mình nắm công cụ  chuyên chính trong tay  phải trấn áp ! Hữu khuynh  lơ tơ mơ là chết cả  nút.  Hiện nay đang phát triển kiểu dân chủ Chí Phèo đấy. Chính cái nghị định  279 của Trung ương  đẻ  thứ dân chủ Chí Phèo ở nông thôn. Phải dẹp!  Cứ   nhằm mấy thằng đầu bò mà đe, cần thì bắt, là đâu vào đấy hết...
                 Nghe chủ tịch huyện Lê Hữu Liêm nói mà gai cả người.  Chính quyền đã sử dụng cái thiết chế hiện hành đã bị quan liêu hóa, để  hợp thức hóa những quyết định  của mình, dù có những quyết định sai trái,  và giải quyết mọi mâu thuẫn trong xã hội .  Cán bộ cho mình cái quyền phán xét,  định đoạt số phận của dân. Tự họ đã phá vỡ mối quan hệ hữu cơ giữa đảng và dân , đẩy dân sang vị trí đối đầu. Phớt lờ đơn từ khiều nại cùa dân, dân bức xúc phản kháng  thì  cho là phản loạn và  gọi dân Chí Phèo... là một minh chứng cho điều đó...
                   Nếu tôi nói theo Liêm, hoặc mặn mà với ông ta thế nào cũng được hậu đãi, nhưng vì miếng ăn mà phải bán mình thì nhục. Tôi chào Liêm ra về và sau đó cùng Ruỹnh  sang xã Thái Hà, nơi  đang  sảy ra cuộc “chiến tranh” giữa  thôn Đông và thônTây.
               Một con mương tưới tiêu có thể bước qua , trước của chung, giờ chia đôi, chả khác gì dòng sông Bến Hải sau hiệp định Giơ-ne-vơ.  Giữa mương cắm một cái cọc nhọn hoắt phân chia ranh giới hai thôn Đông, Tây. 
               Khi còn hợp tác xã, đất đai cào bằng, ruộng của làng Đông ở làng Tây, và ngược lại.  Giờ chia ra , đất tốt , đất xấu, đất thừa, đất thiếu . Cuộc tranh giành đất  căng thẳng, quyết liệt.  Dân không tin chính quyền,  tự đứng ra giải quyết.  Cầm đầu các cuộc tranh chấp là những người dân bầu.  Từ xóm đến thôn  bị cuốn vào “cuộc chiến giành đất”.  Nói miệng không xong   vác dao búa nện nhau.  Có người bị sứt đầu mẻ trán. Hôm trước thôn Đông  tấn công  thôn Tây, dồn  hàng chục người   lên mái đình làng.   Đường cùng các “chiến binh bất đắc dĩ” nạy ngói ném xuống như mưa.  Tiếng kẻng  báo động  ầm ĩ , dân thôn Tây với cuốc, xẻng giáo mác rầm rập kéo tới, quyết một phen sống mái với “quân thù”.  Quân thôn  Đông phá vòng vây tháo chạy, bỏ lại năm “chiến binh” bị thương.
               Sau khi trao đổi “tù binh”, hai bên ký   thỏa thuận đình chiến,  lấy  con kinh tưới tiêu là biên giới.  Người hai làng không được bước qua con kinh đó. Dù họ mạc, thâm chí cha con vợ chồng , người yêu cũng không được đi thăm nhau qua cái biên giới ấy. 
              Chả biết anh chàng xi tình tếu táo nào đã treo một chiếc loa trên cây cọc giữa con kinh, và tiếng hát nỉ non cứ ngân lên: “ Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về....” Nghe rất bi hài.
                Mất niềm tin vào đảng chính quyền , từng bộ phận quần chúng đã dùng biện pháp tự sử với nhau. Tôi ghi trong sổ nhật ký phóng viên những việc xảy ra trên địa bàn  trong huyện:
              Ngày.......
              Dân xã Thái Ninh rào làng, tuyên bố nội bất xuất, ngoại bất nhập để đối phó công an huyện về xã điều tra vụ đốt nhà cán bộ xã mấy ngày trước. Đội quân của trưởng công an huyện không vào xã được. Hai sỹ quan  an ninh giả làm người bán cá giống, đột nhập vào xóm 10,  bị bắt trói một ngày rồi thả về...
             Ngày........
             Một số cán bộ  xã Thái Hà bỏ trốn .Dân truy lùng bắt nộp sổ thu chi các loại phí và tiền bán đất công. Bắt  công khai việc chia đất phần trăm và đất thổ cư. Những người không kịp trốn phải nhờ họ tộc  bảo vệ bằng các loại hung khí...
             Ngày......
             Hơn chục cán bộ chủ chốt xã Thái Ấp mang con dấu đảng ủy, ủy ban lên huyện trả và tuyên bố từ chức. Chủ tịch xã tự mang nộp 50 triệu đồng được nhà thầu lại quả trong công trình xây nhà văn hóa xã...
            Ngày.....
            Chủ tịch xã Thái An,  Lê Hữu Khiêt   đi trao giải thưởng Ten-nis “Bông lúa vàng”  vừa về tới đầu làng thì  bị một nhóm thanh niên chặn lại. Sau một lúc đôi co, nhóm thanh niên đập vỡ cái cúp thủy tinh, bẻ hai cây vợt Ten -nis , đốt chiếc xe Toyota của Khiết và lột truồng Khiết ném xuống ao bèo. Bí thư đảng ủy Vũ Bá Kiến và trưởng công an xã Vũ Bá Đạo sợ quá trốn lên huyện.
            Ngày....
            Đài truyền hình tỉnh đưa tin một số vụ gây rối, khẳng định  có bàn  tay của thế lực thù địch kích động  một số  phần tử lưu manh, côn đồ.  Đưa ý kiến  của nhân  dân khắp nơi  phản đối việc gây rối,  dũng cảm tố giác bọn lưu manh ,côn đồ và kiến nghị chính quyền thẳng tay trừng trị. Đưa hình ảnh  một số đối tượng đã  ăn năn, hối hận...
             Ngày.....
             Những cuộc khiếu kiện được tiếp đón không nhiệt tình. Cách trả lời thường là sự im lặng kéo dài,hoặc lờ đi, hoặc cho thanh tra công khai nhưng kết luận không có gì.  Một cán bộ lãnh đạo  lý giải về những vấn đề đã và đang xảy ra trong tỉnh : “Những  biểu hiện tiêu cực nảy sinh do một số  cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất,  lợi dụng chức quyền tham nhũng , đè nén dân, làm mất uy tín của Đảng và Nhả nước. Mặt khác cũng là do một số người lợi việc mở rộng dân chủ trong quá trình đổi mới và những khó khăn đang gặp phải , đã có hành động cực đoan quá khích, thậm chí tiếp tay cho địch, gây rối nội bộ,nói xấu đảng  và Nhà nước”.  Lời giải thích như hai vế một phương trình,rất cân đối, nhưng thiếu khách quan, thiếu thuyết phục, nhất là không đưa ra được những giải pháp có hiệu quả, do đó không hạ nhiệt được bầu không khí đang nóng bỏng...
            Ngày....
             Công an tỉnh về các điểm nóng phố hợp với công an huyện. Số cuộc biểu tình vẫn tăng lên. Một nguồn tin 120/ 260 xã đã đã có biểu tình. Vấn đề không còn đơn thuần là kinh tế, kinh tế chỉ là điềm xuất phát, vấn đề chính là tự do dân chủ...
           Ngày.....
            Cuộc diễu hành bằng xe đạp quy mô chưa từng thấy. Hơn 3000 chiếc xe đạp từ 30 xã tập trung trước cửa đền Đức Thánh Trần rồi theo quốc lộ lên thành phố. Mỗi xe một lá cờ.  Dòng xe đạp như một dòng sông đỏ rực phù xa cuộn chảy, sóng đỏ nhấp nhô,  làm ấm bầu trời mùa Đông giá lạnh. Đẹp tuyệt vời. Rất trật tư và kỷ luật. Không  chiếc xe nào lạng lách tách khỏi hàng. Không làm cản trở giao thông. Cứ 50 xe lại có một tổ sửa chữa đi kèm sẵn sàng bơm vá và giải quyết các sự cố.
            Đoàn xe diễu hành qua mấy đường phố chính . Dân phố hoan hô.
             Gần trưa đoàn xe tập trung trước quảng trường  Uỷ ban nhân dân tỉnh. Mấy  người đại diện  mang một lá thư thỉnh nguyện,  xin gặp chủ tịch tỉnh để trao tận tay lá đơn tố cáo tham nhũng và ức hiếp dân.
             Trên quảng trường,  các  lề đường chung quanh, hàng ngàn chiếc xe đạp dựng thẳng hảng, hàng ngàn người ngồi yên lặng.  Không  la ó, nói tục.  Không một bông hoa trong các bồn hoa bị ngắt. Không một cành cây trên đường bị bẻ. Không một cọng rác vứt xuống quảng trường.
             Một buổi chiều qua đi. Ông chủ tịch không ra gặp.
             Đên buông xuống.  Đêm mùa Đông giá lạnh. Gió từ dòng sông hun hút thổi lên làm những cây trụ đèn ở quảng trường run bần bật.
               Dòng người kết lại  truyền cho nhau hơi ấm. Rồi quây thành vòng tròn nằm tay nhau  và tiếng hát bật lên, rất tha thiết, hào hùng:
                  “Rừng núi dang tay nối lại biển xa
                   Ta đi vòng tay lớn để nối sơn hà
                   Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
                    Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
                    Cờ nối gió đêm vui nối ngày
                    Dòng máu nối con tim đồng loại
                    Dựng tình người trong ngày mới...”
           Một đêm qua đi như thế.
           Ngày hôm sau mọi người vẫn ngồi đợi gặp ông chủ tịch tỉnh. Nhân dân chung quanh và các nơi mang  bánh mì, cơm vắt, nước tiếp tế. Trời sập tối. Ông chủ tịch tỉnh vẫn không ló mặt.
           Một đêm rét mướt nữa lại nặng nề trôi qua. Ông chủ tỉnh tỉnh vẫn không xuất hiện. Thay vào đó là hàng ngàn cảnh sát cơ động và an ninh chình nổi đã   chốt chặt các ngả sẵn sàng chờ lệnh .
            Tôi không có lời nào để tả hết được sự nhẫn nhịn của người dân quê tôi. Suốt hai ngày hai đêm, hơn ba ngàn con người, từ mọi ngả tập trung lại, chịu đói rét giữa trời , mà tuyệt nhiên không có bất kỳ một hành động quá khích nào sảy ra. Đó là những kẻ lưu manh ư? Du côn?  Hành động cùa những người diễu hành và biểu tình  hôm nay , như một bàn tay thánh thiện vả vào mồm những kẻ điêu toa!
             Ngày.....
             Có tin ở huyện  dân đang bao vây Viện kiểm sát, công an và ủy ban, đòi trả tự do cho thầy Quỳnh và hai cựu chiến binh bị bắt, có nguy cơ bị đàn áp, đoàn diễu hành lập tức kéo về điểm nóng đó.
             Bấy giờ đã 6 giờ chiều. Số người biểu tình đã lên gần chục ngàn. Dân từ 36/ 38 xã trong huyện đổ về đây đưa kiến nghị thả những người bị bắt, công khai tài chính, chia lại ruộng đất , xử lý triệt để  tham nhũng. Không khí rất căng thẳng nhưng vẫn chưa xảy ra quá khích.
            Tôi không biết giờ này bí thư  Lập và chủ tịch Liêm ở chỗ nào trong  tòa nhà to nhất thị trấn kia ? Tôi bỗng nhớ lại cảnh bí thư đảng ủy xã Thái Ninh rúc trong gầm cầu thang .  Bình thường  vênh váo, lạnh lùng ,  xảy  ra chuyện thì hốt hoảng run sợ, trốn chạy. Những kẻ muốn làm anh hùng lại nhát như cáy!
             Có lẽ sẽ không quá to chuyện nếu chính quyền  không trấn áp cuộc biểu tình.  Nhưng những cái đầu nóng đã không biết kiềm chế. Hơn 500 cảnh sát cơ động  trang bị  dùi cui, lá chắn được điều tới  cùng với  3 xe vòi rồng và hàng chục  con chó Bẹc-giê.  Nhiếc dùi cui vung lên  tới tấp. Vòi nước mạnh thổi vón  dân vào một đống. Những con chó Bec-giê dữ như cọp nhe răng gầm gào.  Và lựu đạn cay phủ khói mù mịt...
            - Thế này là chúng nó giết dân rồi!
            - Thà chết hơn sống khổ!
            - Xông lên!
            Tiếng thét, tiếng hô náo loạn. Gạch đá bay như mưa vào lực lượng công an. Quần chúng các nơi đổ về mỗi lúc một đông. Đã lên tới hơn chục ngàn người. Một chiếc xe vòi rồng bị lật nhào. Hai con chó Bẹc-giê bị đập chết tươi. Công an phải tạm rút. Trong lúc tắt điện và trong bầu không khí hỗn loạn có tiếng bảo nhau:
              - Cứ  thằng nào đi giày da mà choảng!
              - Cứ nhăm vào bọn mọt dân hại nước đánh  bỏ mẹ nó!
              - Đập chết những thằng xưng danh đảng để vụ lợi cá nhân…!
              - Đả đảo bất công, tàn ác!...
              Mấy tiếng đồng hồ sau trật tự được vãn hồi. Mười hai cán bộ chiến sỹ công an  bị thương được chở đi bệnh viện. Hơn  bốn chục người dân bị thương dân tự  đưa về các làng xã. Cổng  trụ sở công an, viện kiểm sát và tòa nhà huyện ủy , ủy ban bị đập nát...
                Tôi cùng với Thận và Ruỹnh ngồi trên bờ sông. Mặt trời sau những ngày u ám mới lóe lên chiếu xuống mặt nước đóng váng, lăn tăn. Buồn quá!
                 Tôi nhớ ngày làng tôi từ tổ đổi công lên hợp tác, thực hiện công hữu hóa ruộng đất, trâu bò  và tư liệu sản xuất, tôi vui xướng cùng đội thiếu niên tiền phong đi khắp làng  gõ trống ếch hô khẩu hiệu hoan nghênh. Bố tôi dắt con trâu ra bờ sông này, tắm cho nó, kỳ cọ rất sạch trước khi bàn giao cho hợp tác. Ông lưu luyến từ biệt con trâu như từ biệt người thân. Ông nói với tôi: “Đừng hô hoán lên như vậy! Không tốt đẹp gì đâu! Hôm nay vỗ tay thì ngày mai vỗ đít. Mày hoan hô cho cố vào, thế nào cũng có ngày người ta réo tên bố mày lên mà chửi cho mà xem!”
                  Bây giờ  tôi càng thấm thía lời bố tôi.
                 Một con đò nhẹ lướt trên sông. Người chèo đò hát nghêu ngao chả ra đầu ra đũa gì:
                                     “Mảnh đất này nuôi ta
                                      Mảnh đất này cho ta tình thương
                                      Tình thương! Ôi tình thương!
                                      Tình thương đã chết!
                                      Tình đất tình người ai cướp mất!
                                       Người đi đi trong đêm tối
                                       Người quen nghe nói dối...”
           M D
         (còn nữa)
---------------
                                                                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét