Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2009

Ông tất nhiên rồi

 aTuần trước đến Cục sân khấu nói chuyện cho lớp Nghiệp vụ sân khấu, vừa ra khỏi Cục được chục mét chợt có tiếng gọi ê nhà văn, quay lại té ra là anh đang ngồi quán nước vỉa hè. Anh vẫn trẻ khoẻ như cách đây hai mươi năm, tóc đen mượt, da dẻ hồng hào, thoáng nhìn dễ nhầm anh chỉ hơn bốn mươi, sáu lăm tuổi mà đựơc như thế thật quá phục.


            Anh làm văn viết báo hơn hai chục năm trước, trường phái nét mới, điểm sáng  bài nào bái nấy nhạt hoét. Ai chê, anh cười  ha ha ha rất hồn nhiên, nói tôi văn dốt báo dát, viết lách để kiếm cơm thôi.  Dứt lời anh lại cười ha ha, cặp mắt sáng tươi, nụ cười mãn nguyện trơn tuột.


  Hơn hai mươi năm mới gặp không lẽ không ngồi với nhau, mình đến kéo ghế ngồi, nói ông anh vẫn trẻ khoẻ quá nhỉ. Anh cười khì khì, nói tất nhiên rồi, nhìn cái mặt già cấc của mày anh thương quá. Rồi anh rót bia cho uống, nói chú mày viết khoẻ nhỉ, anh đọc chú mày suốt, phục thằng em quá. Biết anh nịnh thối, mình chỉ mỉm cười không nói gì.


Anh có cái mặt hiền khô, ai giỏi quan sát mới thấy mắt anh thỉnh thoảng hắt lên mấy tia sang ngược rất đáng sợ, còn thì hỏi trăm người cả trăm người đều nói thằng đó hiền lành, có gì đâu. Tướng ấy gọi là mặt Phật tâm xà, ai không biết dễ mắc lỡm vào tròng vớí anh lắm.


 Gần gũi như vợ anh- chị giáo viên cấp ba hẳn hoi, thông minh phết- cũng đinh ninh chồng mình đã hiền lành còn giỏi giang, ai ai cũng yêu mến. Chị xinh đẹp, ngưỡng mộ anh lắm, coi anh như trời, lâu lâu anh kéo vài người nổi tiếng, ít kẻ quan to đến chơi nhà, nói chuyện gì cũng giành thế bề trên, nói ông phải thế này nghe chưa, ông phải thế kia nghe chưa, đôi mắt vợ anh nhìn anh lóng la lóng lánh vô cùng kiêu hãnh.


Anh chạm cốc, nói uống đi em, được đãi bia mấy thằng thông minh như mày không tiếc tiền, suốt ngày hầu bọn ngu dốt chán lắm. Rồi anh kéo mình tới gần, nói này, anh nói thật nhé, viết như chú mày chỉ gãi ngứa thôi gãi ngứa thôi, bây giờ chúng nó thối nát lắm, để anh cung cấp tư liệu cho mày, viết cả năm không hết. Nghe anh nói lại nhớ chuyện xưa.


Hồi ở Huế mình làm báo siêng hơn viết văn, trúng vào kì đất nước đổi mới, dân báo được dịp chống tiêu cực khắp nơi. Trong tỉnh Bình Trị Thiên  hồi đó nhóm Quý Doãn, Thanh Ba, Thế Thịnh khởi đầu bằng vụ Vịt anh đào, phóng sự mấy số báo liền, xôn xao khắp tỉnh, nổi tiếng đến nổi hễ gặp Quý Doãn, Thanh Ba, Thế Thịnh  ở đâu là lập tức có người gọi vào quán, nói ê ê vào anh đ. vào anh đ. ( Nói lái của Vịt anh đào)


            Mình cũng hăng máu vịt lắm, suốt ngày chạy rong chống tiêu cực. Một hôm gặp anh, anh kéo vào quán, ngó ngược ngước xuôi, mặt mày nghiêm trọng, nói có vụ này hay lắm, chỉ có mày khui mới chắc thắng. Anh kể chuyện tiêu cực bệnh viện huyện nọ, mình đi liền.


            Trước khi đi anh còn gặp dặn đi dặn lại, nói  thằng  này mày phải thế này, thằng kia mày phải thế kia. Mình nói bệnh viện huyện nhà anh, anh thuộc như lòng bàn tay, sao anh không đi? Anh cười buồn vỗ vai mình, nói anh phải cậy nhờ chú mày, thấy quê hương như thế anh đau lắm chứ, có điêù anh bất tài… làm được gì tốt. Cái mặt anh ngứơc lên chân thành vô biên, mình cảm động lắm.


            Vụ ấy cũng nổi tiếng, ông giám đốc bệnh viện mất chức, đang hí hửng  tự thấy mình công to thì biết thực chất ông phó giám đốc nhờ anh đánh cho đổ ông giám đốc, mình ngớ ra, ân hận, xấu hổ vô cùng. May ông giám đốc mấy năm sau lại phục chức, cuối đời còn lên làm giám đốc sở, nếu không mình áy náy suốt đời. Từ đó lẳng lặng chấm dứt luôn cái sự chống tiêu cực.


            Hơn một năm sau gặp anh, mình chửi anh té tát, nói anh biến em thành thằng đánh thuê à. Anh tỏ ra ân hận, nói anh xin lỗi, chẳng qua thằng bạn anh nó nhờ anh, chứ vụ đó anh có kiếm được bao nhiêu đâu. Mình trố mắt nhìn anh, nói ủa, té ra anh chống tiêu cực để kiếm ăn à, nước này ai cũng như anh có mà loạn. Anh cười khì khì, nói tất nhiên rồi, mình lo cái thân mình thôi, nước non là cái đéo gì đâu em.


            Từ đó mình tránh gặp anh, rồi chia tỉnh chia teo, mình về Quàng Trị  ra Hà Nội, lâu ngày cũng quên mất anh, hơn hai chục năm mới gặp lại, không ngờ anh ra Hà Nội cũng đã lâu.


            Tuồng như anh đã quên chuyện cũ, lại kéo tay mình thì thầm, nói vụ Biển đảo ông này như thế này ông kia như thế kia, vụ Bauxite ông này như thế này ông kia như thế kia, mày chơi không, anh cấp tài liệu lôi chúng nó ra ánh sáng đi, nhơ nhuốc lắm.


            Mình cười nhạt, nói thèm vào, em là thằng nhà văn thấy việc chướng tai gai mắt thì nói, em đâu có điên đi nói xấu chế độ, đả kích cá nhân. Anh cười khì khì xoa đầu mình, nói anh tưởng mình anh hèn, hoá ra mày cũng hèn.


            Tưởng sẽ không gặp anh nữa, ai dè lại gặp, thế mới chán.


 Hôm qua mình đi xin chữ kí một ông xếp, người ta nói ông đang họp, mình mò tới tận nơi. Chẳng biết họp gì, thấy ai nấy mặt mày nghiêm trọng. Mình tìm mãi mới thấy ông xếp, đưa giấy tờ cho ông ký, vừa lúc thấy anh lên phát biểu.


            Anh nói dài mình cũng không để ý, chỉ đến cái đoạn anh nhắc đến mình thì mình mới ngơ ngác ngước lên. Rõ ràng anh nhìn thấy mình hẳn hoi nhưng anh cứ tỉnh bơ, nói tôi thấy chúng ta hơi tả khuynh, cần phải làm mạnh, xiết chặt vào, để mấy ông nhà văn nói năng văng mạng, vô chính trị là không có được. Có ông nhà văn tài cũng có một chút nhưng huếnh lên, lại bị bọn xấu  xúi dục, làm bờ lóc bờ leo nói xấu chế độ không ra làm sao, rất đáng xấu hổ.


            Mình quyết định ngồi lại chờ hết cuộc họp gặp anh. Vừa thấy anh đi ra, chưa kịp chửi anh đã vui vẻ kéo mình ra một góc, nói anh mượn mày lấy điểm lãnh đạo chút, đừng giận anh nha. Mình tức, nói anh nói thế mà không biết xấu hổ à. Anh cười khì khì xoa đầu mình, nói tất nhiên rồi, mày hay xấu hổ tào lao mới chóng già đấy em ạ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét