Tôi và tất cả những ai có tên trong cuốn sách này đều do tôi tạo ra, kể cả bố mẹ tôi.
8. Người đem thông báo sửa sai, tức quyết định tha mạng cho ba tôi về là anh Mỹ. Bây giờ anh đang đứng khoanh tay nhìn ba tôi, cố cắn răng không khóc. Chỉ có anh Mỹ là có bộ mặt nghiêm trang, bộ mặt của đứa trẻ mười lăm tuổi nghèo đói khiến cho già dặn. Vừa đến tuổi dậy thì đã ngụp lặn bơi lội tha hồ trong muôn vàn lớp sóng muôn năm và đả đảo, mặt anh vốn đã già dặn lại càng già dặn thêm.
Anh Mỹ vốn hồn hậu chất phác, hồn hậu chất phác từ lúc mới sinh ra cho đến già vẫn hồn hậu chất phác, chưa khi nào anh nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Mãi tới khi người ta kính cẩn đeo trước ngực một thực danh, anh tôi vẫn không nghĩ về đời xa hơn một bước chân. Toàn bộ óc não của anh chỉ để chứa các loại kiến thức về vỏ trái đất, khiến anh trở nên một nhà địa mạo học danh tiếng, tuồng như mọi đau thương không hề để lại dấu tích trong bộ não đáng nể kia, kể cả những ứy ức cay đắng nhất. Nhiều lần bị người đời giáng cho vỡ mặt, anh cũng không hề chứa chấp.
Ba tôi ngước nhìn anh Mỹ tôi, chờ đợi ở đứa con cả, niềm tin cậy vô song của ông, nói cho ông nghe rốt cuộc đã xảy ra điều gì trong khoảng thời gian ông rơi vào khoảng không hình trụ. Anh Mỹ tôi quỳ xuống, áp mặt lên ngực ba tôi, nấc lên một tiếng ba ơi. Anh khóc, lúc này anh mới khóc, tiếng khóc thầm da diết, cho biết anh yêu ba tôi biết nhường nào.
Ba tôi vẫn nằm cứng đơ, hình như ông đang cố nghĩ xem mình đã tỉnh hay vẫn còn treo lơ lửng trong giấc mơ hình trụ. Anh Mỹ gạt nước mắt, nói ba ơi, tỉnh có lệnh đình chỉ. Ba không có tội gì hết. Anh Mỹ vừa dứt lời, ba tôi liền vùng dậy, hú lên một tiếng rất dài, nói Cách mạng muôn năm. Ba tôi chồm dậy, nói rứa a và nhảy ra khỏi chuồng bò, cứ thế chạy vòng quanh chuồng bò hết vòng này đến vòng khác, tay vung miệng hô Cách mạng muôn năm Cách mạng muôn năm, hệt một kẻ lâm bệnh cuồng loạn.
Anh Tường, anh Thắng tôi thích thú nhảy cả tẩng theo ba tôi, hả hê tham gia vào cuộc mừng tái sinh điên dại của ông. Cả xóm Long Hòa vây kín chuồng bò, lặng lẽ đứng nhìn ba tôi rối rít chạy và hô, chạy và hô , phía sau là hai đứa con ông cũng chạy nhảy cuống cuồng. Ai nấy nước mắt chứa chan.
Bác Thông gái gạt nước mắt chen đám đông đi vào kêu to, kêu rất to, to đến nỗi lạc cả giọng, nói muôn năm ai, anh Đạng ơi muôn năm ai, chết hết rồi anh còn muôn năm ai. Không ngờ tiếng kêu như xé của bác Thông gái có tác dụng tức thì cắt đứt cơn cuồng loạn của ba tôi. Ông đổ sụp dưới chân mạ tôi khóc nấc lên, tiếng khóc nghẹn, rưng rức kéo dài cho đến lúc cả nhà tôi chìm trong giấc ngủ khuya khoắt một ngày vui đắng ngắt.
Với anh Mỹ mọi việc thế là xong, không cần phải nghĩ ngợi Anh chẳng quan tâm thiên hạ đang bàn tán xôn xao việc ba tôi bất ngờ được tha bổng, trong vòng bảy mươi tám tiếng đồng hồ, từ tên tiểu tư sản phản động Nguyễn Quang Đạng nghiễm nhiên trở thành đồng chí chủ tịch Thị trấn Nguyễn Quang Đạng, tất cả là nhờ vào cú điện thoại kịp thời của nhân vật số sáu Chính phủ, nghe nói một thời là bạn chí thiết của ông.
Một vạn hai quần chúng hôm qua còn hừng hực đả đảo ông hôm nay đã quầy quần bên ông, nói cười hớn hở như không hề có chuyện đả đảo bao giờ. Bây giờ chỉ cần ba tôi khẽ hô muôn năm lập tức tất cả sẽ rào rào muôn năm vô cùng háo hức. Mặc kệ, anh Mỹ tôi không quan tâm. Chỉ cần ba tôi sống, muôn năm hay đả đảo mà ba tôi sống được cũng đều tốt cả. Ba tôi sống thế là xong, khỏi cần nghĩ ngợi xa xôi, khỏi cần nhớ đến những đau khổ đắng cay chính anh đã chịu đựng suốt bảy mươi tám giờ qua.
Bảy mươi tám giờ qua, thoạt tiên anh Mỹ và mười chín thanh niên choai chọn lọc trong mấy trăm gọi là trí thức tiên tiến khắp 31 xã được điều động vào Đội cờ đỏ của Huyện nhà. Những ai học qua lớp 7, thuộc lòng Hằng đẳng thức đáng nhớ và biết chắc chắn Truyện kiều là của Nguyễn Du đều mặc nhiên coi là trí thức của Huyện nhà. Đội cờ đỏ là lực lượng trí thức tiên tiến. Lực lượng trí thức tiên tiến bao giờ cũng tiên tiến nhưng bao giờ cũng đáng ngờ, lẽ dĩ nhiên phải được kèm cặp bởi một người như Trần Ngô Đống tiên sinh, một nông dân tiên tiến.
Trần Ngô Đống tiên sinh ở làng Đông, xuất thân nghề hoạn lợn. Người ta gọi Trần Ngô Đống tiên sinh là nông dân tiên tiến vì Tiên sinh có khả năng thuộc lòng vô biên chỉ thị của cấp trên, cộng với khả năng tin tưởng sắt đá đối với cấp trên, bất kể cấp trên đó là ai, miễn là cấp trên.
Trần Ngô Đống tiên sinh không hề biết bất kì một chữ quốc ngữ nào nhưng chỉ cần ai đó đọc qua chỉ thị một lần Tiên sinh thuộc lòng được một nửa, đọc thêm lần nữa Tiên sinh thuộc lòng cả chỉ thị, nếu đọc đến lần thứ ba thì dù có cạo sạch vỏ não Tiên sinh cũng chẳng bao giờ quên.
Vì thế Tiên sinh được giao phó một nhiệm vụ cực kì vẻ vang, vẻ vang đến nỗi ngay cả trong giấc mơ đẹp nhất của Tiên sinh cũng không thể có: quản lý và chỉ đạo đội ngũ trí thức tiên tiến của huyện nhà tham gia cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, mở màn bằng cuộc đấu tố cũng long trời lở đất, nhờ đó Tiên sinh được vinh dự đút cu vào mồm tên điạ chủ ba đời nhà Tiên sinh đã làm thuê cho nó.
Anh Mỹ theo Trần Ngô Đống tiên sinh cả thay chín mươi mốt ngày, chỉ làm đúng hai việc: Đo đạc ruộng đất phát không cho nông dân và làm các báo cáo véo von cho lãnh đạo huyện đọc trước quảng đại quần chúng. Anh đã hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ này, được lãnh đạo huyện xoa đầu khen giỏi, được Trần Ngô Đống tiên sinh luôn tặng cho chín chữ vàng hệt chín chữ vàng ngọc Đội Trưởng đã ban ba tôi.
Anh nổi lên như một trí thức tiên tiến xuất sắc nhất trong số hai chục trí thức tiên tiến của huyện nhà, được lãnh đạo tỉnh biết đến, đánh công văn điều động cán bộ về huyện, nêu đích danh Nguyễn Quang Mỹ làm ba tôi sung sướng đến phát khóc. Trần Ngô Đống tiên sinh tự hào hết cỡ, đi đâu cũng khoe tiên sinh đã đào tạo Nguyễn Quang Mỹ thành cán bộ của tỉnh.
Thực ra trong bụng Tiên sinh không phục lắm. Đáng lẽ người được điều động lên tỉnh là tiên sinh chứ không phải là thằng oắt con Nguyễn Quang Mỹ, bởi vì Tiên sinh thuộc nằm lòng hàng trăm chỉ thị của cấp trên, còn anh Mỹ một đôi câu cũng không thuộc nổi. Nhưng lãnh đạo mỗi nơi mỗi khác. Lãnh đạo tỉnh cần ngay, cần khẩn cấp thứ người có khả năng viết diễn văn mở đầu bằng “ Trong không khí dạt dào” và kết thúc bằng một câu lục bát chứa chan niềm tin tưởng. Thứ chữ nghĩa đó có đánh chết Tiên sinh cũng không làm được nhưng anh Mỹ thì thừa sức.
Tiên sinh đành bấm bụng chế tạo ghen ghét thành niềm tự hào hết cỡ, cách thức mọi người của mọi thời ít nhiều đều áp dụng. Ở đâu Tiên sinh cũng nhắc đến anh tôi như một học trò xuất sắc của Tiên sinh.
Cho đến đêm 21 tháng tư năm 1953, đêm trước ngày anh tôi chuẩn bị khăn gói lên tỉnh nhận nhiệm vụ mới, bỗng nhiên Tiên sinh được lãnh đạo huyện ra lệnh phải quản lý khẩn trương Nguyễn Quang Mỹ, con trai tên tiểu tư sản phản động Nguyễn Quang Đạng.
Thông tin Nguyễn Quang Đạng, một trí thức ưu tú của huyện nhà hóa ra là một tên phản động, gián điệp nằm chờ của Quốc dân đảng, được cơ sở báo lên lúc tám giờ đêm, chín giờ hai mươi Tiên Sinh nhận lệnh, chín giờ hai mươi bảy phút Tiên Sinh đã tống cổ anh Mỹ vào buồng giam không một lời giải thích.
Suốt đêm Tiên sinh tra khảo anh, nhằm moi ra cho bằng được bằng chứng về tội làm gián điệp cho Quốc dân đảng của ba tôi nhưng bất lực. Anh tôi không nói được, vừa không muốn nói vừa không biết gì để nói.
Tiên sinh coi đó là thói ngoan cố bẩm sinh của những kẻ phản động có cùng huyết thống. Tiên sinh ra lệnh mười chín trí thức tiến tiến còn lại, mỗi người được phép đá một cú thật lực vào mặt anh Mỹ cùng với câu hỏi, được chỉ đạo phải nói làm sao vang lên niềm căm phẫn : “ Có khai không?”. Kết quả là anh Mỹ tôi hộc máu mồm ngất xỉu.
Tiên sinh lại ra lệnh mười chín trí thức lần lượt vạch quần đái vào mặt anh cho đến khi nào tỉnh lại. Lại bắt đầu cuộc tra khảo mới với câu hỏi oai hùng: “ Có khai không?” vang lên niềm căm phẫn của mười chín trí thức tiên tiến huyện nhà, mới hôm qua còn coi anh tôi như một tấm gương sáng chói.
Đến ngày thứ ba, dù có đái ướt hết toàn thân, anh Mỹ tôi cũng không thể gượng dậy được, thực tế anh chỉ là một đóng thịt nhão nhoét, bê bết máu, cái chết chỉ còn tính được từng giờ. Thế mà anh đã đứng vụt lên ngay tức khắc khi được tin công văn tỉnh đánh về thông báo ba tôi hoàn toàn vô tội. Thậm chí anh đã vụt chạy được hơn hai chục bước mới chịu đổ sụp xuống vũng nước động trước sân ủy ban huyện.
Anh tôi không cần biết ở đâu ra cái công văn thần kì đó. Giờ đây anh chỉ có một ý nghĩ: làm sao kịp về nhà trước khi người ta đem ba tôi ra trường bắn. Lệnh đình chỉ đã có nhưng mới về đến huyện. Từ ủy ban hành chính huyện về đến ủy ban hành chính Thị trấn chỉ đúng chín trăm năm chục mét, nhưng công văn giấy tờ nhất nhất phải đi theo đường bưu điện, có thể hết tuần sau mới tới nơi.
Một phát súng chỉ không đầy nửa giây trong khi đường công văn phải đi hết một tuần. Dù nghĩ về đời không xa hơn một bước chân, anh tôi vẫn thừa sức biết được điều đó. Có một sức mạnh vô hình đã vực anh tôi đứng dậy. Một sức mạnh vô hình khác đã mang anh tôi đi đúng chín trăm năm mươi mét, đến sát thềm ủy ban hành chính Thị Trấn. Anh tôi ngã sấp mặt lên bàn làm việc Phó chủ tịch Thị Trấn, vốn là một gã kéo xe lôi, xòe tờ giấy sửa sai đẫm máu và bùn đất ra, kiên trì chờ đợi Phó chủ tịch đánh vần cho bằng hết bốn trăm hai mươi bảy từ trong đó có hơn quá nửa số từ rỗng toếch, số còn lại mới thực sự cứu sống ba tôi.
Phó chủ tịch đọc xong, ngồi ngẩn đi hôi lâu, thở hắt ra, nói ua chầu chầu trúng trật tùm lum ai biết mô mà lần hè. Khi đó anh tôi mới chịu ngã vật ra bất tỉnh. Ấy là lúc ba tôi đang chìm trong giấc mơ hình trụ trong rặng trâm bầu làng Đông. Không ai có thể gọi ba tôi tỉnh giấc, người ta đành đặt ba tôi lên võng gánh ông về, gánh luôn cả giấc mơ hình trụ với vô vàn những cái mặt không đầu.
Đến khi ông mở mắt thì lệnh tha bổng của cấp trên đã có ngay trước mặt, cứ y như ba tôi vừa chui qua cái ống hình trụ để tìm kiếm sự sống vậy. Thế là xong. Anh Mỹ tôi không nghĩ ngợi gì thêm nữa. Anh vui vẻ đi lên huyện, cũng vừa lúc Trần Ngô Đống tiên sinh một mình lủi thủi ra khỏi huyện. Lãnh đạo huyện lập tức điệu Tiên sinh về làng không một lời giải thích. Tiên sinh về đến làng vẫn chưa hết ngơ ngác, nói đụ mạ, cải cách chi lạ rứa bay.
Nhưng Tiên sinh vẫn không thôi tin tưởng, không lẽ mấy trăm chỉ thị đã nhỡ thuộc lòng phải nhét vào xó bếp sao, tiên sinh vừa mài dao phay vừa ngẫm nghĩ. Nhất thời chịu khó hoạn lợn kiếm cơm, biết đâu có ngày lại được cầm dao thiến dái thiên hạ, Tiên sinh nghĩ thầm và an tâm hoạn lợn cho đến già.
Đội trưởng được vội vã đưa lên huyện, đề phòng quần chúng nổi khùng sau sửa sai, một ngày sau ông biến mất tăm, đi đâu không biết, không một ai quan tâm, như là chưa hề có ông ở trên đời. Chỉ có ba tôi biết Đội trưởng đi đâu nhưng ông không nói. Đội trưởng rời khỏi huyện vào ban đêm, gặp ba tôi ở cổng uỷ ban huyện, Đội trưởng đi giật lùi, nói tui vô can nha đồng chí Đạng, huyện uỷ nói rồi tui vô can, dứt lời ông ù té chạy, phút chốc biến vào đêm đen.
Chị Hiên đóng cửa chặt suốt ba ngày không dám bước ra khỏi nhà. Ba tôi tưởng chị tự tử, đạp cửa xông vào, chị quì sụp vái lấy vái để, nói ôi cậu Đạng ôi… tui đả đảo tui… tui đả đảo tui. Từ đó về sau chị đổ bệnh tâm thần, gặp ai chị cũng kéo lại ngó trước ngước sau thì thà thì thầm, nói cách mạng nói không phải tui nói mô nha, cách mạng giết không phải tui giết mô nha.
Chừng ba tháng sau bụng chị phình to, ngày ngày chị ngồi ngạch cửa nhìn ra đường, hễ ai đi qua là chị đấm bụng bùm bụp, nói tui đả đaỏ tui, tui đả đảo tui. Có lẽ chị đấm bụng dữ quá, cái thai phải tòi ra khi chưa đầy sáu tháng. Khắp Thị trấn đồn ầm lên chị đẻ ra cái điếu cày.
Hết phần một.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét