Tôi đã đọc say sưa một cách thích thú tập tạp văn “ký ức vụn” của Nguyễn Quang Lập. Lối văn tưng tửng, viết nhẹ như không, lôi cuốn người đọc bằng những trận cười, “cười ra nước mắt”. Bởi đằng sau những trận cười ấy là nỗi buồn, nhưng cũng chính nhờ cái cười mà người ta thấm thía hơn cái nỗi buồn được ẩn trong từng câu chữ, ẩn trong cái giọng điệu tưng tửng ấy.
Tập sách gồm rất nhiều những câu chuyện với những tựa đề rất giản đơn như: Thắng Á, Thằng cu Đô, Thằng Tiến…Nhưng bên trong là những câu chuyện chân dung về những người bạn, những người đã từng đi qua cuộc đời và để lại trong kí ức tác giả một hình ảnh, một số phận, một phác thảo cuộc đời. Đọc Ký ức vụn, cảm giác ban đầu thấy Nguyễn Quang Lập nói toàn chuyện linh tinh, tầm bậy tầm bạ. Nhưng khi đọc xong rồi suy ngẫm ta lại thấy đằng sau giọng văn có vẻ “ba trợn ba trạo” mà thực chất toàn chuyện cần thiết, nghiêm chỉnh của đời sống, chuyện gần gũi hàng ngày với đời sống của con người. Đó là chuyện ăn, chuyện ngủ, chuyện gia đình, dục vọng, là tình yêu, tình bạn, niềm thương nhớ quê hương, chiến tranh, sự giả trá, nhân cách làm người, chuyện thơ văn, rồi những cảm xúc như đau thương, oan khuất, mỉa mai, chua xót, oái oăm... Toàn những chuyện đời, rất chi là đời. Tất cả được Nguyễn Quang Lập vẽ lên bằng chất hài từ giọng điệu, ngôn từ.
1.Chất hài trong khẩu văn, trong cái “tục”
Đọc Ký ức vụn ai cũng cười nghiêng nghả vì ở đó cái tục, cái thanh hòa vào làm một. Văn của Ký ức vụn rất nhiều câu từ tục, giống như những ngôn từ người ta vẫn thường dùng trong đời thường, trong những câu chuyện giờ giải lao, hay trong bàn rượu, chén chú chén anh. Những câu chửi cửa miệng như “mịa”, “bố mày”, “cụ chúng mày”, hoặc phương ngữ như “ẻ vô”… Nguyễn Quang Lập sử dụng như không. Rõ ràng là các tác phẩm được viết bằng chữ trên giấy, in thành sách mà người đọc khi cầm quyển sách đọc lên cứ có cảm giác như mình đang được nghe kể bằng vô số thanh âm hài hước, lạ tai của cuộc sống, bằng những con chữ ngổn ngang được phô bày một cách tự nhiên không cần, hoặc không thèm gọt giũa. Lối văn nói đầy ắp chất cười của dân gian, chất cười từ cuộc sống lao động đời thường, từ cách nói tục tự nhiên đến lạ, tự nhiên đến mức như đó là chuyện bình thường của người đời, và nó được sử dụng quá thường xuyên. Có lẽ vì thế TS Đỗ Ngọc Thống lại thấy cái tục trong văn Nguyễn Quang Lập là một biện pháp tu từ. Phạm Xuân Nguyên lại nhận thấy “Lập nói tục rất có duyên”. Ngay chính Nguyễn Quang Lập cũng từng nói: “Tôi nghĩ nếu loại bỏ hết cái tục thì cuộc sống cũng như văn chương sẽ nhạt đi nhiều lắm. Phải nói cái tục một khi đặt đúng chỗ nó sẽ được thanh hóa, hết bậy, lời nói hay câu văn bỗng nhiên có sức quyến rũ lạ thường. Nhưng dùng nó không dễ. Muốn dùng nó thì anh phải khá nhạy cảm với cái bậy, biết ghê răng với cái bậy. Tôi không dám nói tôi giỏi dùng cái tục, bởi vì không phải khi nào tôi dùng nó cũng thành công, nhưng tôi là kẻ dám dùng . Một khi tôi biết chắc không thể kiếm được cái thanh nào thay thế được cái tục, và chỉ cái tục mới làm tỏa sáng câu văn thì có đánh chết tôi cũng dùng”.
Nguyễn Quang Lập rất hay dùng tiếng địa phương vùng Bình Trị Thiên, dùng một cách tự nhiên đến hứng thú. Đi kèm với chi tiết phúng dụ, bao giờ Nguyễn Quang Lập cũng kéo thêm câu cửa miệng “ua chầu chầu”, “hay hè”…
Chuyện nói tục trong văn Nguyễn Quang Lập không phải để tạo cảm giác, gây ấn tượng mà quan trọng hơn, cao tay hơn là nó đã tạo được cảm xúc thẩm mỹ, gợi cho người đọc suy nghĩ, triết lý sâu sắc về cuộc đời... đó là cái tục có ý nghĩa và được đón nhận. Nguyễn Quang Lập nói tục để tạo cho ta những phản ứng thẩm mỹ bất ngờ, gợi cho ta suy ngẫm về muôn nỗi cuộc đời, gợi niềm khát khao cái đẹp đích thực.
2. Chất hài từ trong cách kể chuyện.
Với lối viết ngắn gọn, hiện đại lại tưng tửng, viết như không phải đang viết, những câu chuyện, những mảnh đời, những mảng màu kí ức cứ hiện lên mồn một.
Không thể không nói đến tài dựng chân dung của Nguyễn Quang Lập. Mấy chục đứa, “không đứa mô giống đứa mô”. Từ chân dung như Đăng Điệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Chu Lai…Từ chị Thuận hay ăn ruồi, thằng hai đầu gối, thằng Á, chị Du, thằng Thanh, con Hà ở quê anh... đến đám bạn bè nhà văn, rồi người đẹp chị MYZ, Tuyết Nga, Hồng Ánh... “đứa mô ra đứa nấy”. Các chân dung hiện lên bằng những câu chuyện mà độc giả không biết thật hay đùa, chỉ biết mình đã được hưởng những tràng cười
Các nhân vật như đi đứng, nói năng trước mắt ta. Mỗi người nói với ta một điều về sự sống. Như cô em họ Thu Vân ở Ba Đồn vừa đẹp, vừa thông minh lại giỏi giang nhưng 25, 26 tuổi vẫn “nhơn nhơn” với cái mác chưa chồng, hỏi ra mới biết không phải vì cô không thích lấy chồng mà vì không biết lấy ai? Ai đáng để lấy vì anh nào cũng bị cô chê là “nhạt”. Với lối kể chuyện đủng đỉnh, tưng tửng khiến người đọc vừa buồn cười vừa tưng tức. Ví dụ như câu chuyện kể về anh người yêu thứ tư của Thu Vân, anh này là tiến sĩ ngữ văn, du học Nga về, tiền bạc không nhiều nhưng sách đầy nhà, gíao du tòan giáo sư tiến sĩ, bàn những chuyện trên trời, tầm quốc gia quốc tế. Để kết cho mối tình chóng vánh và đáng chán ấy, cũng là để kết một chân dung anh trai “nhạt”, Thu Vân xử anh chàng mắc bệnh khoe mẽ, đạo mạo đang ngồi trước mặt mình: “Điên tiết nó bảo anh biết Đức Khôi nói gì không, anh nói anh chỉ nghiên cứu Mạc Ngôn chưa nghiên cứu Đức Khôi. Nó nói Đức Khôi là bố em, ông chết lâu rồi, có đâu mà anh nghiên cứu.”
Hay chân dung ông Trần Chu đã 60 tuổi, Nguyễn Quang Lập tóm tắt tiểu sử nhân vật đầy “tiếng tăm” này như sau: “Thực sự ông có 14 vợ, 7 vợ ở xóm này, 3 vợ ở Đông Hà, 2 vợ ở Đà Nẵng, 1 vợ đi Mỹ, còn 1 bà ốm đau đã chết. Ông có 6o chục đứa con, 123 cháu. Quả là đại đội con, tiểu đoàn cháu” Rồi ngay cả cách ông Trần Chu này trị vì giang sơn “xóm bẩy vợ” của ông đoàn kết cũng được Nguyễn Quang Lập kể tưng tửng như sau: “Thằng Hoan nói nhưng các cô ở gần nhà nhau làm sao mà đoàn kết? Ông nói đoàn kết chơ, bà mô kêu ca ghen tuông, tui đè cổ mần cho cả đêm, trợn mắt ra, sau không dám kêu ca nữa.”
Ngoài những câu chuyện kể về các chân dung ra thì những chuyện về chiến tranh, xã hội, ma mãnh cũng được Nguyên Quang Lập kể bằng ngòi bút rất hài. Như chuyện “Ma”. Chuyện kể về một căn phòng của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong dãy nhà cấp 4 của Thị xã Quảng Trị, trụ sở Tạp chí Cửa Việt. Một căn phòng có ma, và cái việc nó có ma ấy được chứng thực bằng một chuỗi các sự kiện gây cười. Mà đỉnh cao cho sự hài hước đó là sự kiện Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên và Nguyễn Quang Lập ngủ chung trong căn phòng được khẳng định là có ma, bóng ma là một anh bộ đội. Tối đấy cả ba người tán nhăng tán cuội xong thì đi ngủ, nhưng Bảo Ninh chưa kịp ngủ thì đã vùng dậy đổi cho Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên sờ của mình, rồi lại đến Phạm Xuân Nguyên bị sờ. Câu chuyện cứ đổ ập vào người đọc những trận cười hả hê, cười đến đau bụng.
Trong đó có những đoạn văn dài viết theo lối khẩu văn khiến người đọc cười chết ngất: “Tối sau Bảo Ninh nói mày cút sang phòng khách ngủ để tụi tao ngủ đây. Mình cười nói các ông hay nhỉ, tôi sang ngủ với ma còn các ông về ngủ với vợ tôi à? Bảo Ninh cười khì khì nói ờ nhỉ, quên quên.”…
“Vừa chợp mắt Bảo Ninh bỗng vùng dậy hét vang đù mẹ thằng Lập nha! Mình ngồi dậy hỏi sao. Bảo Ninh nghiến răng dơ nắm đấm đe đe: Mày sờ chim tao. Mình cười phì nói bộ tôi không có chim sao phải sờ chim ông.”
“Bảo Ninh nói hay thằng Nguyên, đù mẹ đúng rồi thằng Nguyên. Thằng Nguyên vùng dậy ngơ ngác hỏi cái gì cái gì. Mình nói nghi ai lại nghi thằng Nguyên, của vợ nó, nó còn nhác sờ nữa là cái thứ chim ông.”
Thằng Nguyên kêu lên thôi ngủ đi ông ơi! Bảo Ninh vừa chui vào màn vừa cằn nhằn hay là vợ thằng Lập sang sờ tao hì hì.”
Hay truyện “Niệu liệu pháp” kể về việc uống nước tiểu chữa được nhiều bệnh, hay truyện “hot boy” kể về những mẫu đàn ông lên ngôi của từng thời kì…
Tập tạp văn Ký ức vụn của Nguyễn Quang Lập đã đem lại cho độc giả những nụ cười hài hước mà ưu tư, suy ngẫm. Trong văn chương có rất nhiều lối viết, rất nhiều giọng điệu, thậm chí rất nhiều cách xắp đặt ngôn từ, và cách xây dựng truyện với ngôn từ và giọng điệu hài hước cũng là một lối viết để mang lại những thành công riêng, dư vị riêng, dấu ấn riêng.
HN 09-2009
Vũ Thị Huyền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét