---(Đọc tập “Ký ức vụn” - 2009 của nhà văn Nguyễn Quang Lập)---
LÊ NGỌC – VIẾT VĂN NGUYỄN DU K9
Sau hai mươi năm vắng bóng trên văn đàn Việt, lần này, Nguyễn Quang Lập trở lại ngoạn mục với “Ký ức vụn” – tập tạp văn “độc” đã vào đến vòng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2009.
Sách chia làm năm phần: “Những người bạn khó quên”, “Vui buồn một thuở”, “Người từng gặp”, “Thương nhớ mười ba” và “Bạn văn”. Năm mươi chín câu chuyện là năm mươi chín mảnh ký ức sinh động bị cắt vụn của nhà văn về chính mình, về thời thơ ấu, người thân, bạn bè văn nghệ, về quê hương hay đơn giản chỉ là những miền đất anh đã đi qua, những người anh đã gặp... Rất đẹp, từng mẩu ký ức rời rạc ấy, khi thì nhang nhác truyện ngắn, lúc lại ra hồi ký, rồi giống như chân dung, hiểu là ghi chép hay tản mạn, tạp văn, tùy bút cũng được, “gói” vào nhau thật dễ chịu. Cũng bởi “vụn” nên ngắn và gọn. Nhà văn viết những cái riêng, cái tế nhị mà vô tư, hồn nhiên, không quan ngại, kiêng dè, bề bộn chất đời, chất nhân tình thế thái.
Đặc biệt, ngấm ngầm trong từng trang “Ký ức vụn” là một mưu toan lớn của tác giả: phá vỡ những “vùng cấm” trong văn chương Việt, thiết lập và khẳng định khát vọng tự do dân chủ trong sáng tạo, nhất là trong một xã hội hiện đại mà nền dân chủ còn nhiều cửa ngõ chưa thông như ở Việt Nam (!)
Từ “âm mưu” phá vỡ “vùng cấm” văn chương…
Nghệ thuật “thô tục hóa” ngôn ngữ
Tập sách cuốn hút người đọc bởi thứ khẩu văn hóm hỉnh, bỗ bã của người Bình Trị Thiên. Vô hình chung, cái cách Nguyễn Quang Lập viết ngông, hành văn dân dã, đời thường, xưng “mình”, gọi “nó”, phương ngữ Quảng Bình “hè”, “ tề”, “chi”, “ni”, “nì”, “mô”, “rứa”, “ri”, “răng”, “mi”, “tui”, “mạ”, “mự”, “ mần”, “chớ”, “ui chầu”, “răng”… dày đặc kết hợp các câu văn ngắn, không có lời thoại, tưởng không có chuyện mà lại có chuyện, nhiều màu nhiều vị: khi trong sáng, hồn nhiên, ngộ nghĩnh; khi lại hài hước, dung tục, khóc cười “hu hu”, “hi hi”, “ha ha”, “he he”…, văng tục “mịa”, “cụ chúng mày”, “bố mày”, “bố con cu mày”, “đ. mẹ”… đủ cả, lại là bước đột phá về cách hành ngôn nhắm thẳng tới mục đích phá vỡ tính thi pháp bó buộc của văn tự văn học, nhằm gây cười cho độc giả. “Vùng cấm” ngôn ngữ của văn chương bắt buộc phải mở lối cho ngôn ngữ đời thường dung tục đi vào. Ngay cái đặc danh Blog “Bọ Lập” cũng được sử dụng như một địa hạt hợp pháp của tiêu chí bình dân hóa, dân chủ hóa, không quên tôn cao lòng tự tôn quê hương.
Nguyễn Quang Lập tin rằng:“Tục, nếu dùng đúng chỗ, sẽ được thanh hoá, làm câu văn của mình sáng lên, sinh động lên, gần gũi với cuộc sống… Tôi dùng từ tục khi không có từ thanh nào để thay thế”. Và ông đã làm tốt điều đó. Mỗi trang viết đậm đà chất “xứ bọ” làm người đọc thú vị, hả hê, cất tiếng cười khoái chí, thậm chí ngay sau đó có thể khóc, thương, giận hờn và nuối tiếc cái gì đó thật gần mà đã xa xôi, khó cắt nghĩa. Ngay cả khi viết về bi kịch đời người, Nguyễn Quang Lập cũng viết hài hước, khiêu khích. Nhà văn không độc đoán ở góc độ sử dụng ngôn ngữ hay xây dựng hình tượng sao cho khác người nhưng độc quyền ở mức độ đời thường hóa những chất liệu trào lộng tiếu lâm dân gian, cách kể chuyện khôi hài, cách nói phóng dụ và sắp đặt các chi tiết đời thực dưới cảm – nhãn quan tinh nhạy. Cách nói tục của nhà văn, xem ra cũng đã gợi lên trong người đọc những xúc cảm thẩm mỹ tích cực, những suy ngẫm sâu xa về cuộc đời hay triết lý về cái Đẹp đích thực.
Cách “hiện thực hóa” đời sống người bình dân
Tiếp cận “Ký ức vụn”, dễ thấy một loạt bài lấy khí phách tả chân để nói nhiều hơn chuyện thực về những con người có thực, hữu danh và vô danh, sang và hèn, những “anh cu”, “con, thằng” nhưng đầy cá tính, kiểu như “không đứa mô giống đứa mô” nấp dưới những cái tên “con ăn ruồi”, “thằng hai đầu gối”, “thằng sứt môi”, “thằng Thanh”, “thằng Á”, “chị Du”...hay chị diễn viên, một anh đánh dậm thời chiến, một bà cụ bán hàng nước, một anh chàng chuyên nghề liệm xác, một đứa trẻ dị hình hay một con chó tên Giôn. Tất thảy đều mang những ám hiệu của một số phận đặc biệt trong cuộc sống bi hài…Dòng ký ức chảy tràn trên trang giấy bông lơn nhưng sâu nặng vui buồn, như muốn sẻ chia, thương cảm với số phận không lành lặn của những người bạn, người dân quê chân lấm, hiền lành. “Ký ức năm hào”, “Thằng sứt môi”,”Thằng hai đầu gối”… là những chuyện lấy nước mắt của độc giả và thức tỉnh lương tri trong họ.
Hiện thực xã hội đi đôi với việc xây dựng tính cách nhân vật đối lập nhau nghiệt ngã: có những đoạn xây dựng tính cách trẻ thơ với những trò chơi nghịch ngợm, vô tư, những kỷ niệm đẹp đẽ, hồn nhiên và kỷ niệm của tác giả nơi thị trấn Ba Đồn bé nhỏ hay làng Đông – vùng quê nơi gia đình anh sơ tán làm người đọc bâng khuâng tìm lại mình. Lại có những đoạn trực tả những thói hư tật xấu như tính đạo đức giả, sự giả dối của những thằng Thanh, thằng Tụy, thằng cu Hó, Bê cờ lê mê tê, ông Đề cương, …gây nhiều ngạc nhiên và tiếng cười hả hê thú vị. Thái độ khách quan của nhà văn về cái Xấu chứng tỏ cái Tâm sáng của một người cầm bút hiểu rõ về chân lý: “Không có gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi”. Nguyễn Quang Lập miêu tả con người với đa chiều khuôn mặt, cả cái Xấu và cái Thiện, lúc ngợi ca thương cảm, khi phê phán giễu cợt với mục đích cao nhất là lên tiếng biện minh cho họ: ai cũng có cái xấu và cái tốt, có điểm mạnh và điểm yếu. Một lần nữa, những “vùng cấm” của bản chất người lại được khai phá. Ngòi bút châm biếm sắc sảo, phóng khoáng của nhà văn cứ mặc sức đả phá cái Xấu, cái Giả rồi cất lời tôn vinh cái Thiện, cái Thật quanh quất trong đời sống đâu đây.
Ngay cả cái cách mà nhà văn đề cập đến các vấn đề thời sự nóng hổi như sự thay da đổi thịt của làng quê Việt, sự lớn mạnh của quá trình đô thị hóa hay kể lại những tình huống trớ trêu như người dân lầm tưởng tác giả là nhà văn Ngô Tất Tố, sự ấu trĩ của anh em văn nghệ sỹ khi đua nhau uống nước tiểu để bồi bổ sức khỏe…Những nhầm lẫn văn hóa, hiểm họa sống còn của văn hóa làng xã trong thời buổi hội nhập và tính cả tin đồng loại, thói a dua, bảo thủ cộng đồng… là một trong những những vấn nạn, những thói tật xấu của xã hội Việt. Những câu chuyện giản đơn của Nguyễn Quang Lập đem lại nhiều gợi ý mang tính thời sự cập nhật, nhắc chúng ta về hành vi và trách nhiệm. Tính nhân văn dân chủ rất cao ấy cho thấy một tầm nhìn khác, một nỗi trở trăn lớn nơi người cầm bút, chiêu dụ sự đối thoại cảm thông của nhiều thế hệ độc giả.
Lối “ bình dân hóa” hình tượng nghệ sỹ
Phần “Bạn văn” là chuỗi ký ức sâu xa của tác giả về những nhân vật đặc biệt: những người bạn, người anh, người chị, người đồng chí văn nghệ tài hoa một thời gắn bó với nhà văn trên khắp miền đất nước như Trần Dần, Bùi Giáng, Nguyễn Khải, Ngô Tất Tố, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Đăng Khoa, Hữu Thỉnh, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Ánh, Nguyễn Thanh Sơn…Dưới ngòi bút phóng túng tếu táo của nhà văn, chân dung của mỗi văn nghệ sỹ hiện lên hài hòa với đủ đầy ái ố hỉ nộ, điểm tốt, tật xấu, tài năng, số phận, nửa thật nửa đùa, kích thích trí tò mò của bạn đọc.
Cái dạn dĩ của Nguyễn Quang Lập là dám vi phạm “vùng cấm” về nhân vật trí thức tài năng, phá vỡ hình tượng toàn bích của giới văn nghệ sỹ bằng cách dựng lên những chân dung văn học rất bạo, rất nghịch, rất “người”. Cái ái ngại cho tác giả là cách viết thô, nghịch, phơi bày trần trụi chuyện riêng tư của mình, của anh em văn nghệ sỹ, không nề hà cả chuyện giường chiếu – một vấn đề tế nhị khó nói rất dễ chạm đến lòng tự ái của nhiều nhà văn đương thời được “chỉ tên điểm tật” rõ ràng, kể cả những nhà văn có hoàn cảnh nhang nhác giống như tác giả đề cập. Nào là chuyện Phạm Ngọc Tiến ngâm “dụng cụ sinh sản” vào nước nóng để chọn giờ lành đẻ con trai; nào là chuyện khôi hài về một liệu pháp chữa bệnh phản khoa học bằng nước tiểu mà ngay cả những người trí thức, đặc biệt anh em văn nghệ sỹ cũng tin và thực hành, sau cùng ai nấy ngẩn tò te đổ tội cho nhau…Đùa vui thân thương thế, vừa hạ thấp vừa tôn cao hình tượng nghệ sỹ nổi tiếng rất cần ở nhà văn một bản lĩnh văn hóa vững vàng. Điều lạ là sau mỗi trang viết, người đọc không cảm thấy khó chịu, trái lại còn thích thú khi nhận ra: hóa ra thần tượng của họ bấy lâu nay cũng là những con người giản dị, bình thường. Những chân dung văn nghệ sỹ nổi tiếng nước nhà đều trở nên thật hơn, gần hơn. Họ trở lại đời sống thật sau trí tưởng tượng hóm hỉnh của Nguyễn Quang Lập.
Cách tiếp cận xã hội và con người thể hiện ước mơ về một xã hội dân chủ đúng nghĩa
Nếu nói các tác phẩm của Nguyễn Quang Lập rất thật, ừ thì thật đấy, trần trụi đến mức thông tục đấy, mà nói nhà văn kể chuyện như bịa, ừ thì bịa giỏi chứ. Bằng chứng là từ những câu chuyện có thật, những nhân vật có thật, tác giả gia thêm hoặc bớt đi các chi tiết thật rồi xếp chúng theo trình tự lôgíc nào đó để có được một tác phẩm hoàn thiện. Thêm cái kết truyện đôi khi giật cục bắt độc giả muốn đọc và tự giải mã những nghi ngờ của họ. Từ trí thức đến người dân lam lũ quê mùa đọc xong cũng hiểu, cũng cười ngây ngất!
Cách tiếp cận xã hội xưa và nay với nhiều chiều kích, cách nhìn con người trong tính hai mặt của nó: phần sinh học và phần xã hội với nhiều hoàn cảnh - tầng lớp, nhiều số phận – thân phận giúp nhà văn có một thái độ công bằng, dân chủ. Ông tả chân một xã hội nhiều mặt với những con người nhiều mặt, dùng đối thoại và độc thoại nội tâm của các nhân vật, như một phương pháp thám hiểm vùng tiềm thức của con người. Người đọc tự chìm vào những suy tư của mình rồi làm một hệ quy chiếu để so sánh với tâm sự của tác giả, ít nhiều họ đã tìm thấy mình trong đó.
Trong sáng tạo, nói đến dân chủ, có nghĩa là đồng nhất được tự do cá nhân và yêu cầu xã hội. Văn chương xưa nay từ một sản phẩm của cá nhân để đi đến cái đích đại chúng. Nguyễn Quang Lập, với “Ký ức vụn”, đã làm sâu sắc điều này.
Nói “Chuyện giường chiếu”, phá vỡ “vùng cấm” văn chương đạo đức để đến gần mức “dân chủ hóa” công khai
Văn chương Việt ít dám nói về vấn đề tế nhị của con người là chuyện “sinh hoạt giường chiếu”, hoặc giả gần đây có nhiều tác phẩm dám nói nhưng vẫn ở mức độ nói giảm nói tránh. Nguyễn Quang Lập đi một đường khác: ông đánh động vào cái cấm kỵ đó bằng thứ ngôn ngữ thông tục, bỗ bã mà xưng tụng: “giường chiếu có văn hóa của giường chiếu”.
Thực vậy, tính dục (sexuality) là một hiện tượng văn hóa. Theo triết gia hiện đại nổi tiếng của nước Pháp Michel Foucault: tính dục cũng là một nét cơ bản của “bản chất người” –thứ “bản chất người” mà theo ông, nên để ở dạng số nhiều, tức là phải đa chiều và phức tạp, dưới sự tạo tác của xã hội. Như thế, nhà văn khám phá “bản chất người” trong mỗi nhân vật phải vừa là cái tôi riêng (self) vừa là cái chung (common), vừa là cái tốt vừa là cái xấu, vừa là cái được chấp nhận và cái không được chấp nhận như một tất yếu trời sinh, chỉ có điều phần nào nên ít hơn, phần nào nên trội hơn. Dù ở khía cạnh nào thì tất cả đều phải được hợp thức hóa để phục vụ cho mục đích xây dựng những hình tượng chân thực tiêu biểu cho thời đại đó.
Văn học Việt xưa coi “chuyện giường chiếu” là cấm kỵ vì các diễn ngôn về tính dục thời đó được nhìn dưới góc độ đạo đức. Xã hội hiện đại dân chủ, diễn ngôn tính dục được nhìn nhận dưới góc độ khoa học, thông qua phân tâm học, là một bản năng tự nhiên và là một nhu cầu của con người. Cho nên, khi nói về “chuyện giường chiếu” của bản thân, của bạn bè, Nguyễn Quang Lập nói rất thô, thẳng, không giấu diếm, không né ai. Những danh từ rất tục chỉ bộ phận sinh dục nam như: “chim”, “cặc”, “dái”, “cái ấy” hay các từ chỉ khoản sinh hoạt giường chiếu như: “mần”, “make love” được nhà văn sử dụng rất hồn nhiên. Như thế, tác giả của “Ký ức vụn” đã mưu toan phá vỡ “vùng cấm” văn chương đạo đức để đến gần mức “dân chủ hóa” công khai, gần thứ văn học tự do của công chúng.
…đến khát vọng dân chủ trong sáng tạo
Ăngghen đã nói: “Tự do là tất yếu được nhận thức”. Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ. Không ai được phép đặt ra các vùng cấm cho bất cứ ai. Khi sáng tác, nghệ sỹ phải chịu nhiều sức ép từ phía các lực lượng thống trị, từ phía công chúng và cuối cùng là sức ép từ chính bản thân người viết. Nghệ sỹ sáng tạo trên cái vốn hữu hạn của chính mình, cho nên: “Bất cứ người viết tài năng nào cũng đều chạm phải những bức tường. Họ không thể viết về tất cả những gì họ muốn, hoặc người đọc muốn. Nhà văn, hơn bao giờ hết, cần được hoàn toàn tự do trước trang viết của mình” (Êrenbua).
Từ âm mưu phá vỡ “vùng cấm” văn chương theo cách nhà văn thể hiện đã hợp thức hóa mối liên quan giữa tác giả và các hình tượng, chân dung văn học, giữa tác giả và độc giả, đương nhiên sau đó là các hình tượng, chân dung văn học và công chúng. Đó cũng là cách thể hiện đầy đủ nhất tinh thần và khát vọng dân chủ tự do trong sáng tạo của Nguyễn Quang Lập.
Những “hành vi” suồng sã quê mùa chất phác của nhà văn tuyệt nhiên không phải là một thứ văn dễ dãi từ một cái đầu hời hợt, ngược lại tự nó và nhờ nó đã chế nên thứ đặc sản văn chương ngon lành, tốn ít gia công mà lại nhiều dư vị: văn chương bình dân. Thứ văn nhất định là dành cho những người dân quê lam lũ cần nhiều hơn nữa tiếng cười, nghe có vẻ không mấy hợp với văn chương đô thị song lại có sức cuốn hút nhiều giới, nhiều đối tượng, dù ở hình thức văn học mạng hay viết. Sự xuất hiện ngang tàng của thứ văn nghịch ngợm này đã hoán đổi vai trò của người cầm bút với người phát ngôn đòi quyền dân chủ trong sáng tạo, làm đã cơn khát của một xu thế văn học thành thị hoa mỹ chạy đua sex đang ngày một xa rời quần chúng nhân dân.
Mang tinh thần nhân văn dân chủ, Nguyễn Quang Lập bạo dạn “viết bất kỳ chuyện gì chợt nhớ, chợt thấy, chợt ngẫm ra…”. Không viết hằn học gai góc, cứ mình mình ta ta, tự mình bảo kê cho lý lẽ của mình, thận trọng điểm ra những mặt khuất của đời người, phận văn chương và tình người, lẽ đời, dứt khoát đi ra ngoài quỹ đạo của lối văn xưng tụng, mềm rớt, văn Nguyễn Quang Lập là một thứ “của lạ”. Hồn nhiên mà thâm hậu, viết vu vơ mà đầy chất sống, “Ký ức vụn” tưởng chỉ đọc cho vui để cười nhưng rồi lại khóc, lại bâng khuâng, nhớ thương, tiếc nuối ngay được. Hơi thở dài tiếc nuối xót xa của tác giả kéo dài sau những câu văn ngắn trơ ngắn trọi, những câu văn gấp, những câu chuyện kết thúc vội vàng bi ai sau tiếng cười khôi hài như muốn khiêu khích lòng tin của độc giả. Thứ văn chất phác thật thà chạm được mạch tâm cảm của nhiều người, dù là trong cuộc hay ngoài cuộc. Không thể đo lường tính toán được hết những cung bậc xúc cảm trong thế giới ngầm do ký ức vụn gây ra, song mỗi câu chuyện đã đánh thức phần trắc ẩn thiêng liêng trong mỗi chúng ta. Những câu chuyện về nhiều người, giữa nhiều người một thời có thể sẽ có duyên trở thành những tư liệu có giá trị sống chân thật và đầy nhân văn. Cũng cần nhận ra rằng: cách nói tục xen nhiều phương ngữ đôi khi bị lạm dụng, làm cho tính thẩm mỹ của câu văn bị giảm sút.
Cách “đi bằng hai chân trên mặt đất với tất cả sắc thái đa chiều cuộc sống”như thế dễ gần đời, gần dân, mà như vậy thì việc thực thi dân chủ hiệu quả hơn nhiều. Hay như cách sử dụng văn học mạng qua Blog để văn mình đến với quảng đại công chúng, đến mà không dễ đi, mọi người tự do bình luận phát biểu ý kiến (comment) cũng là cách dân chủ hóa văn học tích cực của Nguyễn Quang Lập. Đằng sau mỗi trang văn thông minh và phóng túng, Nguyễn Quang Lập ngậm ngùi che giấu một niềm tin yêu con người, nỗi ưu tư thời thế đầy bất trắc.
Có lẽ điều quan trọng và thiết thân nhất với mỗi người nghệ sĩ là hãy luôn luôn khảo cứu ngay chính bản thân mình để hiểu mình rõ hơn, biết cách nói ra những điều mình muốn nói, để có tác phẩm đạt đến tính Chân. Hãy trình diện cho người đọc xem hết các phương diện tinh thần của mình để có được sự đồng cảm, góp phần làm phong phú đời sống, để đạt tới tính Mĩ. Cái tâm sáng với cái tài cao sẽ đưa tác phẩm vượt qua mọi rào cản để đạt được tính Thiện. Hình thức tuỳ theo tác giả chọn, quan trọng là nội dung phải có những xung đột bên trong. Điều quan trọng là người viết phải đứng trên tác phẩm của mình, nhìn cho được cái tổng thể. Người kể chuyện phải hiểu tác phẩm của mình, biết tác động của nó đến với độc giả, xã hội. Và dĩ nhiên, nhà văn phải công bằng và tác phẩm phải mang tính nhân văn. Từ việc nhân danh một quan điểm thẩm mỹ, qua tác phẩm của mình, người nghệ sỹ bày tỏ một thái độ thẩm mỹ. Thái độ ấy thực chất bao gồm hai khía cạnh chính: tuyên dương và tuyên chiến. Sáng tạo, khi thử nghiệm một cái gì mới, cũng là một cách tuyên chiến với những cái cũ, cái khuôn thước, gò ép. “Có thể nói sáng tạo, tự bản chất, là những sự tuyên chiến”.
Như thế, cùng với vùng ký ức đang dang dở về đời văn Bọ Lập, hy vọng từ những mảnh ký ức vụn vặt ý nghĩa trong “Ký ức vụn” lần này sẽ góp phần hoàn thiện một chân dung nhà văn xứ Quảng tài hoa. Rõ ràng, với “Ký ức vụn”, Nguyễn Quang Lập đã chọn cho mình một lối đi riêng. Lối viết ấy có thể khiến nhiều người thích, và đương nhiên cũng sẽ có những người “dị ứng”. Nhưng văn chương, xét tới cùng là cuộc chơi của mỗi cá tính. Trong “cuộc chơi liều” ấy, tự do là một “thiết chế” của sáng tạo. Chỉ có tự do sáng tạo mới đem lại quyền dân chủ cho người sáng tác và người tiếp nhận, phát huy tối cao quyền tự do cá nhân. Có những điều lớn lao không bao giờ nói hết một điều bé nhỏ. Ngược lại, những cái tầm thường vụn vặt, nhiều khi, lại nên chuyện! “Ký ức vụn” nằm trong số đó.
Hà Nội, 13/09/2009
Lê Ngọc Thụy Nguyên
------------------------------------------------------------------------------------
(*) Bản chưa rút gọn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét