(Nhân đọc cuốn tạp văn “Ký Ức Vụn” của Nguyễn Quang Lập)
Đinh Thị Thanh Bình
Lâu nay, tôi thích tìm đến những tác phẩm có vấn đề và những tác phẩm văn chương ấn tượng nhưng chỉ toàn những tác phẩm nhàn nhạt và đèm đẹp. Hẳn cũng có rất nhiều người giống tôi nên khi cuốn tạp văn “Ký Ức Vụn” của Nguyễn Quang Lập ra đời đã tạo được sự hấp dẫn và gây xôn xao đến vậy. Cuốn sách là những mảnh ký ức sinh động về nhiều vùng đất đã in dấu chân anh, về bạn bè văn nghệ hay những người rất đỗi chân quê anh đã từng gặp, như cô Thi, thằng Thanh, thằng Tụy, anh cu Luật xứ Ba Đồn. Đọc truyện của anh, xúc cảm như được trải ra, được căng ra cao độ với những cung bậc của cảm xúc; tim như thắt lại; giọng như nghẹn ngào; và mắt thì cay xè sau những cái nhếch mép cười giễu cợt đầy chao chát; tức giận với sự phi lý do chính tạo hóa và cuộc sống gây ra và đừng nói không có tiếng chửi thề khi đọc; Như cái cách mà Nguyễn Quang lập đã nói: “Sau khi cười xong, người ta nhận ra chút gì đó ngậm ngùi, đăng đắng là cách tôi vẫn hay làm.”
Cuốn sách gồm năm phần: những người bạn khó quên, buồn vui một thủa, người từng gặp, thương nhớ mười ba, bạn Văn. Gần ba trăm trang sách đọc liền một mạch. Cuốn sách hấp dẫn ngay từ những trang đầu. Đa phần người đọc bị blog cuốn hút sang mua cuốn “Ký Ức Vụn” nhưng với tôi thì ngược lại, từ việc đọc sách tôi mê mẩn trên những trang blog của Nguyễn Quang Lập, với những bài viết và comments. Và nhờ như thế tin rằng mình hiểu anh hơn... Nguyễn Quang Lập đưa tới một giọng văn hoàn toàn khác; cái giọng không bị lẫn vào bất cứ nhà văn đương đại nào. Tạo nên một hiện tượng văn học; nó mới mẻ nhưng không hề lạ lẫm mà ngay lập tức cuốn người đọc vào những trang viết của anh. Còn phải nói rõ hơn rằng bởi sự nhạy bén thẩm mỹ của một cá tính nghệ thuật mạnh mẽ trong lao động quên mình mà Nguyễn Quang Lập đã có công lớn trong việc bẻ một bước ngoặt ngôn ngữ của nền văn chương Việt Nam. Nhà thơ Y Phương đã nói: “Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa. Phải tin vào những giá trị tích cực của văn hóa.” Một lần nữa Nguyễn Quang Lập đã làm thêm được một việc là khẳng định giá trị văn hóa, tôn vinh nét đẹp truyền thống của quê hương mình qua lối khẩu âm, phương ngữ.
Anh viết bằng tiềm thức, bằng giọng văn đời nhất nhưng vẫn biết tìm và đặt mình đúng giới hạn trong văn chương, nơi anh có thể diễn được hết mọi cử chỉ của mình với sự chân thành và lòng tự trọng. Những đắng đót như được chắt lọc gần cả cuộc đời của Nguyễn Quang Lập, và đây là chén rượu Bọ Lập mời tất cả chúng ta; nó chứa đầy những hỷ, nộ, ái, ố trong kiếp nhân sinh mà anh đã trải qua và chiêm nghiệm; được nung nấu trong một thời gian không hề ngắn; hỏi làm sao chén rượu đó không nồng, không say?!?
Vẫn biết đọc nhau, xem nhau, nghe nhau bằng nguyên lý nào đó là sự đọc, sự xem, sự nghe máy móc vô duyên nhất vì đánh mất con người nhiều nhất. Nguyên lý còn che đậy những bất lực về rung cảm nghệ thuật, ngọn lửa và cái cân của một tác phẩm. Nhưng sự trơn tru (như tượng bằng thạch cao), cái gì cũng đủ cả, có phải, có trái, có dưới, có trên, có sau, có trước, đầy những "nhưng mà", "tuy nhiên", "đồng thời", "vả lại"... Sự nói cái gì cũng đúng cả, trong thực tế có nghĩa là không nói gì cả, không suy nghĩ gì cả và không có ích gì cả. Nhiều chữ đấy, nhưng ít nghĩa, thậm chí là vô nghĩa. Hãy nên nghĩ đây là những lời góp ý mang tính xây dựng và tôi không mong được nghe lại câu mà chính tác giả đã hờn dỗi: “Tôi viết là viết phục vụ đồng bào đồng chí của tôi, những người lao động quê mùa chân lấm tay bùn đọc chơi cho vui, chứ sức mấy mà mong đám thị thành văn vẻ các ông để mắt, không dám đâu.”(Nguyễn Quang Lập)
Nguyễn Quang Lập đã chọn một cách khác, một lối viết riêng. Lối viết ấy có thể khiến nhiều người thích, và đương nhiên cũng sẽ có những người “dị ứng”. “Khẩu văn” hình thành từ khi có blog. Nguyễn Quang Lập là người Việt Nam đầu tiên khởi xướng dòng văn học khẩu văn, tạo ra một loại ngôn ngữ văn xuôi mới thời hiện đại. (Năm kia có anh Joe Ruelle – một sinh viên người Canada nổi tiếng ở Việt Nam cũng có in sách kiểu này rồi. Cuốn sách do NKB Kim Đồng in và cũng là tuyển tập các bài viết trên blog với nhan đề: “Tớ là Dâu”)
Cái gọi là khẩu văn tàn nhẫn với chính những người trong cuộc nhưng người ta lại thường không nhận ra hết những hệ quả do nó mang lại. Nếu không có sự nhìn nhận đứng mức mà cứ “lao vào”, cứ “xăm xăm băng mình”, cứ” tự quyết” bằng những khả năng quá mức cho phép thì phương pháp “khẩu văn” cũng chỉ kết thúc như một cách để thỏa mãn cái tôi, như một cách để thành món lạ giữa những thứ đáng chán ngấy chứ không thể trở thành một phương pháp văn chương đúng nghĩa.
Khái niệm tin tưởng vào cái nhìn và ký ức dường như không còn tồn tại... Nguyễn Quang Lập sẽ thật bất công với chính bản thân mình, nếu cứ đẩy mình hay quăng bắt chính mình trong mớ bòng bong của cuộc đời mà cứ tưởng rằng đó là tình yêu, là nhu cầu, là khao khát, là những ấm áp yêu thương...
Một trong những đức tính dân tộc của ta là tính trung dung, chiết dung, cái gì cũng ở mức vừa phải chứ không nổi bật. Tính dân tộc hiện đang được nói đến trong mỗi việc như là sự thể hiện lòng yêu nước; ở Ký Ức Vụn lại không thiếu những điều đó. Có lẽ chính vì thế mà hầu hết những nhân vật thời ấu thơ hay những bạn văn trong Ký ức vụn cứ lúc đầu xấu rồi cũng đều tốt cả;
Tính dân tộc lại càng xuyên thấm trong việc thể hiện hình tượng, những con người xuất phát từ đời thực chứ không phải sự màu mè tô vẽ, dưới con mắt nhìn chân thật và với tính nghệ sĩ sẵn có Nguyễn Quang Lập đã tạo dựng được một không gian gần gũi nhất giữa người đọc và các nhân vật của mình. Như đồng chí Phạm Văn Đồng đã từng lưu ý các nhà văn: “Con người mới trong tác phẩm của chúng ta phải có quan điểm giai cấp công nhân rõ ràng nhưng đó là con người Việt Nam với tính tình cổ truyền đẹp đẽ.” Đọc Ký Ức Vụn ta dễ bị Nguyễn Quang Lập đánh lừa; bởi chính cảm xúc, tình thương, tình yêu dân tộc và ký ức tuổi thơ làm ta mất đi cái lý trí tỉnh táo để đánh giá tác phẩm dưới một văn bản; nhưng phải chăng như thế là đủ để cảm thụ một cuốn sách. Hay như Trịnh Quốc Dũng đã khẳng định: “Ký ức vụn đã thức tỉnh lương tri người đọc hướng về những cảnh đời éo le.” Cái tình đã được Nguyễn Quang Lập khơi gợi lên trong mỗi con người một cách khéo léo và sâu sắc nhất.
Bằng cái nợ đời cứ đeo bám lấy anh; Là người không để những nguyên lý thông thường cuốn đi, lần này Nguyễn Quang Lập đã trả được phần nào ân tình với chữ nghĩa...
Đ.T.T.B
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét