“Đối với người Đà Nẵng, ngày nào cũng là ngày 19 tháng Giêng năm 1974, ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam!”
Trước khi tổ chức các hoạt động vào ngày 19/1/2014 nhân 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng đã dành cho báo điện tử Infonet cuộc phỏng vấn với rất nhiều tâm huyết:- Thưa ông, theo một số thông tin thì vào ngày 19/1/2014 sắp tới, TP Đà Nẵng sẽ tổ chức các hoạt động nhằm ghi dấu 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép (19/1/1974 - 19/1/2014). Ông có thể xác nhận điều này?
Ông Bùi Văn Tiếng: Ghi dấu việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng và của Việt Nam thì đối với người Đà Nẵng, ngày nào cũng là ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Nghĩa là nỗi nhớ khôn nguôi. 40 năm chỉ là cái mốc thời gian trong dòng chảy liên tục của lịch sử. Đối với người Việt Nam , đối với người Đà Nẵng yêu nước thì ngày nào cũng là cái ngày để nhớ Hoàng Sa là của chúng ta.
Chính vì vậy ở Đà Nẵng từ hàng chục năm nay đã có nhiều hoạt động để ghi nhớ, để khắc sâu vào tâm khảm, làm chuyển biến nhận thức về vấn đề khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cho nên đối với Đà Nẵng, hoạt động nhân 40 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa có thể được xem là hoạt động bình thường chứ không phải là sự kiện gì quá đột xuất, quá nổi bật.
- Trong số những “hoạt động bình thường” mà ông vừa đề cập, có hoạt động gì có thể đem lại nhiều thông tin mới làm gia tăng hơn nữa sự khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, thưa ông?
Ông Bùi Văn Tiếng: Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng sẽ phối hợp với Trung tâm Minh triết Việt (thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) do Giáo sư Nguyễn Khắc Mai làm Giám đốc, tổ chức một cuộc hội thảo khoa học vào chiều 19/1 tại Đà Nẵng để bàn chuyên đề về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như các vấn đề có liên quan về Trường Sa và biển Đông.
Ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng trả lời phỏng vấn Infonet (Ảnh: HC) |
Dự kiến cuộc hội thảo sẽ có các diễn giả chính được mời đến từ hai đầu đất nước, gồm những người chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa trên phương diện lịch sử và những người chuyên nghiên cứu trên phương diện công pháp quốc tế… Hội thảo không hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp mới mẻ về mặt học thuật. Bởi vì thực ra những kết quả nghiên cứu cũng đã được công bố nhiều lần, các diễn giả cũng đã có nhiều dịp trao đổi báo cáo kết quả nghiên cứu của mình.
Thế nhưng điều đáng quan tâm là hội thảo này diễn ra đúng vào dịp 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, và diễn ra ngay tại Đà Nẵng, nơi Tổ quốc đã giao cho sứ mệnh quản lý quần đảo này, nơi có UBND huyện Hoàng Sa, và là nơi mà như tôi đã nói là hằng ngày hằng giờ đều đau đáu về Hoàng Sa, nên chắc là sẽ có ý nghĩa chính trị nhiều hơn.
Đây là một trong những sự kiện để chứng tỏ việc nhớ về 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa không chỉ là việc riêng của người Đà Nẵng mà còn là việc chung của tất cả những ai là người Việt Nam!
Hoạt động thứ hai là Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng sẽ cho ra mắt đặc san số Xuân Giáp Ngọ 2014, với nội dung chuyên đề về Hoàng Sa. Trong đặc san này, những người nghiên cứu lịch sử của Đà Nẵng cũng sẽ công bố một số tư liệu mới, một số cái nhìn mới về vấn đề chủ quyền của Đà Nẵng, của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Ngoài ra, trong thời gian qua, Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng phối hợp với UBND huyện Hoàng Sa và NXB Thông tin - Truyền thông tiến hành chỉnh lý, bổ sung cuốn “Kỷ yếu Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn và NXB Thông tin - Truyền thông xuất bản vào tháng 1/2012, nay sẽ tái bản lần thứ nhất và ra mắt nhân dịp 40 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Đây cũng là những món quà tinh thần mà người Đà Nẵng muốn dâng lên Tổ quốc, muốn gửi đến huyện đảo Hoàng Sa thân yêu của mình.
- Trong chuỗi hoạt động nhân 40 năm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép còn có những hoạt động gì có thể giúp cho đông đảo công chúng hình dung rõ hơn sự kiện này để càng khẳng định hơn nữa quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam?
Ông Bùi Văn Tiếng: Nhân dịp này, UBND TP Đà Nẵng sẽ tổ chức chấm, công bố, trao giải thưởng và trưng bày kết quả cuộc thi tuyển phương án kiến trúc Nhà trưng bày Hoàng Sa. Đến nay đã có 43 đồ án gửi đến dự thi, trong đó đáng chú ý là có 01 đồ án của Nhật Bản và rất nhiều đồ án của các kiến trúc sư ở Hà Nội, TP.HCM chứ không chỉ là kiến trúc sư ở Đà Nẵng. Có thể giải thưởng không nhiều tiền nhưng với kết quả ban đầu về số lượng tác phẩm dự thi như thế đã chứng tỏ có những cái còn lớn hơn tiền hấp dẫn các kiến trúc sư tham dự cuộc thi. Đó chính là tình yêu đối với Hoàng Sa.
Một khi Nhà trưng bày Hoàng Sa được xây dựng bên bờ biển Đông, trên tuyến đường vừa được HĐND TP Đà Nẵng đặt tên là Võ Nguyên Giáp, nối liền với hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa, chắc chắn sẽ góp phần vào công cuộc đấu tranh để khẳng định chủ quyền của nước ta, của Đà Nẵng đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngoài ra, trong dịp này, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ tổ chức tại Đà Nẵng cuộc triển lãm những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Bộ đã tổ chức rất thành công ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác. Về cơ bản, các hiện vật và tư liệu trưng bày trong dịp này cũng đã được TP Đà Nẵng tổ chức 2 lần trong năm 2013, trong đó có một lần dành riêng cho du khách nước ngoài, và rất thành công.
Điều quan trọng là cuộc triển lãm lần này do Bộ Thông tin - Truyền thông trực tiếp tổ chức. Bên cạnh đó, tại cuộc triển lãm này cũng sẽ lần đầu tiên công bố một số tư liệu gốc của chính quyền Việt Nam Cộng hòa về quần đảo Hoàng Sa trên phương diện hành chính công quyền trong khuôn khổ công trình nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954 - 1975” do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng thực hiện.
Đấy là một số hoạt động chính mà như tôi đã nói từ đầu là không phải cái gì quá đột xuất, hoặc là sự kiện gì quá nổi bật. Vì đối với người Đà Nẵng thì tất cả những gì liên quan đến Hoàng Sa đều là những vấn đề đã trở nên máu thịt và đó là việc làm thường xuyên, không ngừng nghỉ!
- Xin ông cho biết những yêu cầu và mục tiêu được đặt ra cho những hoạt động như ông vừa nêu?
Ông Bùi Văn Tiếng: Những hoạt động nhân sự kiện 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có lẽ không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng mà còn ở nhiều nơi trong cả nước cũng như trên thế giới. Tôi nghĩ các hoạt động này đều cùng chung một mục đích là làm sao càng ngày càng có nhiều người trở thành “công dân danh dự của Hoàng Sa”, tức là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và quyết tâm làm điều gì đó dù lớn, dù nhỏ cho công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, để đòi lại Hoàng Sa bằng các giải pháp hòa bình!
=>Phần tiếp: “Cần “kéo” Hoàng Sa vào với đất liền!”
HẢI CHÂU (thực hiện) / Infonet
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét