Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Tướng Pháp nêu quan điểm về Tuyên bố ADIZ của Trung Quốc


Tuyên bố của Trung Quốc về khu vực ADIZ vẫn là chủ đề gây tranh cãi và căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều nước liên quan.
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Tướng Pháp Daniel Schaeffer – nguyên Tùy viên quân sự Đại sứ quán Pháp tại Trung quốc, Việt Nam và Thái Lan, nay là chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 của Pháp, về vấn đề này.
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào tuyên bố thành lập khu vực ADIZ của Trung Quốc?
Ông Daniel Schaeffer: Tôi cho rằng đây là vấn đề cực kỳ phức tạp. Cần phân biệt không phận của một quốc gia có phần khác so với các vùng lãnh thổ khác.
Một quốc gia có quyền kiểm soát các máy bay bay vào vùng không phận của mình, nhưng bên ngoài không phận của quốc gia đó, mọi nước khác đều có quyền bay, theo các quy định quốc tế và các quy định về an ninh quốc tế.

Tướng Pháp Daniel Schaeffer 
        Nếu nhìn vào luật biển, chúng ta sẽ thấy không phận trên biển của một quốc gia được thiết lập không chỉ trên các vùng lãnh hải mà còn trên cả vùng biển bên trên phần thềm lục địa kéo dài. Đối với Trung Quốc, vùng không phận trên biển kéo dài tới 24 hải lý tính từ đường bờ biển của nước này. Khi đó, sẽ xảy ra một số vấn đề.
Trước hết, đối với việc phát hiện từ xa, bất cứ nước nào có đủ khả năng và phương tiện thì có thể phát hiện một phương tiện bay sắp đi vào vùng không phận của mình, dù các vùng phủ sóng radar có thể bao trùm lên các vùng phát hiện của nước khác. Điều này không quan trọng và các nước đều có quyền làm như vậy. Và nếu Trung Quốc có một hệ thống phát hiện ở khu vực như vậy thì cũng chẳng có gì đáng nói.
Điều đáng nói là khu vực Trung Quốc thiết lập vùng phòng vệ hàng không trên biển Hoa Đông không nằm trong giới hạn của vùng không phận. Vậy thì Trung Quốc không có quyền kiểm soát hàng không đối với các báy bay từ Nam lên Bắc và từ Bắc xuống Nam. Nếu đối chiếu những quy định của luật pháp quốc tế về tự do hàng không với những tuyên bố của Trung Quốc và việc xác lập đường giới hạn vùng nhận dạng phòng không mới của nước này, thì vùng nhận dạng phòng không mới của Trung Quốc là không phù hợp với các công ước quốc tế và Trung Quốc không có quyền kiểm soát đối với các máy bay bay qua khu vực này, bên ngoài không phận của Trung Quốc.
Phóng viên: Phải chăng việc thiết lập khu vực ADIZ là một hành động muốn thể hiện sức mạnh của Trung Quốc?
Ông Daniel Schaeffer: “Đúng là Trung Quốc muốn thông qua việc thiết lập vùng phòng không để thể hiện sức mạnh quân sự đang gia tăng của nước này, nhưng hành động này sẽ chỉ thách thức Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và một số nước khác.
Tuy nhiên, có quản lý được hay không lại là một chuyện khác. Đối với vùng phòng không, trong một khu vực do mình thiết lập và đặt yêu cầu thông báo 24/24 giờ, thì hiển nhiên Trung Quốc phải áp dụng các biện pháp thực thi, nhất là khi hành động này của Trung Quốc chưa phù hợp với các công ước quốc tế.
Để thực hiện, Trung Quốc cần có các phương tiện phục vụ cho việc phát hiện hàng không có tầm hoạt động lớn hơn. Các radar mà Trung Quốc hiện có chỉ có tầm phát hiện trong vòng 300 km, trong khi khu vực nhận dạng phòng không này lại rộng lớn hơn nhiều so với khoảng cách này.
Phóng viên: Hành động này của Trung Quốc liệu có nhằm vào quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư?
Ông Daniel Schaeffer: “Rõ ràng việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, bao phủ cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là hành động “tiến thêm một bước” nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo này.
Thông qua việc khẳng định chủ quyền đối với quần đảo này, Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền của mình đối với toàn bộ vùng biển Hoa Đông.
Hành động của Trung Quốc sẽ khiến quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và ngay cả với Hàn Quốc thêm căng thẳng. Quyền lợi của Hàn Quốc cũng bị đụng chạm khi khu vực nhận dạng phòng không của Trung Quốc cũng bao trùm lên đảo Ieodo của nước này.
Ngay cả với một số nước khác trên thế giới cũng vậy, chính phủ Australia cũng đã triệu Đại sứ Trung Quốc ở Canberra để thông báo hành động của Trung Quốc là không phù hợp với luật pháp quốc tế.
            Trong số các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Đức cũng đã chính thức phát đi tín hiệu phản đối hành động này của Trung Quốc. Nhiều nước khác trên thế giới cũng đã lên tiếng phản đối hành động đơn phương này của Trung Quốc”.
        PV: Xin cảm ơn ông./.
Đào Dũng/VOV-Paris
------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét