Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Học sinh Việt Nam giỏi hay không?


Từ Hà Nội, nhà giáo có tiếng Phạm Toàn nói kết quả xếp hạng cao của Việt Nam trong bảng đánh giá giáo dục của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) mới đây 'không có ý nghĩa'.
PISA, thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD), tổ chức thi kiểm tra kiến thức của học sinh tuổi 15 ở một loạt các nước và học sinh Việt Nam có thứ hạng cao hơn học sinh của Anh, Pháp và Mỹ.
Thứ hạng dựa trên khảo sát với sự tham gia của hơn nửa triệu học sinh trên toàn cầu.
Bình luận về chuyện Việt Nam đứng thứ 17 trong bảng xếp hạng của PISA, một trong các nhà giáo đi đầu trong việc cải cách giáo dục ở Việt Nam nói:
"Đó là một thành tích vô bổ. Đó là một thành tích không dẫn đến một cái gì có ích cả."
Ông nói thêm: "Hiện nay ở Việt Nam tất cả các giá trị đều là những giá trị giả cả. Cái nguy hiểm nó là ở chỗ ấy.
"Học giỏi cũng không chắc đã là giỏi, mà có một thể chế dân chủ cũng chưa chắc là dân chủ, có tình trạng tự do cũng chưa chắc là tự do."
'Lối sống mới'
Nhà giáo Phạm Toàn nói việc học phải được đặt trong bối cảnh chung của sự phát triển xã hội.
Trong một lần trả lời phỏng vấn dài với trang tin BấmVietnamNet, ông Toàn từng nói:
"Nhìn xa hơn thì chúng ta phải nghiên cứu hệ thống dạy trẻ con một lối sống mới, lối sống ấy phải có một nguyên lý mà từ ông Thủ tướng đến thằng bé con phải tuân theo.
"Đó là cái gì? Đó là đi tìm sự đồng thuận bằng cách đi tìm sự xung đột, xử lý xung đột ở ngay xung quanh: Trong gia đình, trong lớp học... Đến khi lên làm thủ tướng thì đã sẵn phản ứng nhạy bén với những "mùi xung đột" để mà xử lý, xây dựng một xã hội hiện đại, ổn định.
"Con người thời hiện đại phải có cung cách sống đồng thuận. Cách làm giáo dục của chúng tôi là làm thế nào để cho cả ba đối tượng: Con trẻ, cha mẹ và nhà trường đồng thuận được với nhau về những công việc mình phải làm."
'Chảy máu trẻ con'
Khi nói chuyện với BBC hôm 4/12, ông Toàn tỏ vẻ bi quan:
"Việt Nambây giờ có sản xuất được cái gì đâu, cho nên người ta đi buôn hàng Tàu có lãi hơn là sản xuất.
"Hàng trăm ngàn doanh nghiệp đóng cửa, vậy thì mảnh đất để cho trẻ con và người lớn phát triển tài năng hình như chưa có.
"Mà chảy máu trẻ con ra nước ngoài là cực kỳ ghê gớm”.
“Hôm nay tôi vừa gặp một anh, tôi hỏi 'thế cháu đang làm gì?', mọi khi cháu dịch tôi hay hiệu đính hộ.
- Anh ấy bảo 'à, bây giờ nó là công dân Pháp rồi'.
- [Tôi] bảo thế còn đứa nữa?
- [Anh ấy] bảo 'đứa nữa là công dân Mỹ rồi.'
- Tôi mới trêu tôi bảo 'thế thôi ông bố ở nhà làm công dân Trung Quốc đi cho nó thành cái chân kiềng.
            [Đó là] bối cảnh buồn phiền, người ta không thấy một niềm tin, không thấy tương lai, người ta không thấy chỗ để đầu tư vào, chứ không phải chuyện học nữa mà là chuyện xã hội học của việc học."
Khảo sát PISA một lần nữa khơi dậy tranh luận về chất lượng giáo dục của Việt Nam.
Thứ trưởng giáo dục Nguyễn Vinh Hiển giải thích: “Vì PISA chưa đánh giá được toàn diện học sinh, những năng lực khác của chúng ta cũng còn yếu”.
Bộ Giáo dục – Đào tạo Việt Namnói sẽ phân tích kỹ hơn báo cáo kết quả PISAđể xác định các yếu tố ảnh hướng lớn đến kết quả học tập của học sinh.
(Theo BBC)
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét