Bạn Ngu Ngơ ghé qua nhà Ngu Ngơ chơi. Vừa vào nhà, chưa kịp chào hỏi gì ông đã nằm xoài ra sàn nhà mắt nhắm miệng há. Ngu Ngơ Mũm Mĩm sợ quá, nói bác ôi bác làm sao thế, bệnh tật gì không, sao lăn đùng ra thế kia? Hỏi đi hỏi lại năm lần bảy lượt, bạn Ngu Ngơ mới mở mắt cười cái hậc, nói rồi cũng chết sạch cả mà thôi. Ngu Ngơ Mũm Mĩm trợn mắt há mồm, nói ai chết, ai chết? Chết hết là cớ làm sao? Bạn Ngu Ngơ mới uể oải ngồi dậy, nói tôi vừa đi Tây Nguyên về, chứng kiến cái chết cuả voi Păk Cú, thảm lắm. Ngu Ngơ Mũm Mĩm kêu to, nói voi Păk Cú ở Bản Đôn a. Bạn Ngu Ngơ gật đầu thở ra, nói đúng rồi, nó bị bọn voi tặc tấn công để cắt cặp ngà. Thân mình voi bị chém hàng trăm nhát rất sâu. Phần mặt, vòi cùng toàn bộ phía sau mông voi bị đốt cháy đen. Đuôi voi có hai đoạn bị chặt gần như đứt hẳn, hai chân sau bị chém lòi cả xương.
Ngu Ngơ Mũm Mĩm cùng túm lấy bạn Bạn Ngơ, nói voi tặc a? Voi tặc là bọn nào? Bạn Ngu Ngơ nói thế ông bà không đọc báo nghe đài à. Voi tặc là bọn giết voi lấy ngà, chặt đuôi voi lấy lông, cả xương voi chúng nó cũng không từ. Mấy thứ đó làm đồ trang sức kiếm thiếu khối gì tiền. Cụ Mác nói đúng, khi lợi nhuận lên tới 100% thì dù có treo cổ lên chúng nó cũng cứ làm. Khổ thế đó… Mũm Mĩm ngồi bệt xuống, nói đúng là khổ thật. Em đọc báo thấy nói chẳng riêng gì voi PắK Cú, những con voi nhà khác cũng đang bị tấn công. Voi Backhăm bị chết trong rừng, voi Bắc Lanh bị ngã gãy mất một cái ngà. Chả biết voi bị ngã gãy ngà hay lòng người gãy gục vì cái lợi.
Ngu Ngơ cười cay đắng, nói voi tặc là ai voi tặc là ta/ đói cơm rách áo hoá ra voi tặc. Mũm mĩm chép miệng thở than, nói em nghe nói năm 2007, UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự án bảo tồn voi nhà, cuối năm 2009, Sở này cũng đã đề xuất lập trung tâm bảo tồn voi quy mô 200ha ở Vườn quốc gia Yok Đôn với số tiền đầu tư là 58 tỷ đồng, sao đến giờ không thấy đâu. Ngu Ngơ vỗ vai Mũm Mĩm, nói em ơi, em như ở trên trời, bây giờ mà tin vào mấy cái dự án đó thì người còn chết mất ngáp nữa là voi. Bạn Ngơ gật đầu cái rụp, nói phải phải. Ông bà biết người ta chăm sóc voi như thế nào không? Không à? Để tôi kể cho nghe.
Để voi không đi xa, người ta được cột chân voi bằng dây xích sắt, thả rong trong bãi thả voi, không có người canh. Bọn voi tặc muốn sát hại voi dễ như bỡn, chúng nó làm gì mà chẳng được. Mũm Mĩm kêu to, nói úi giời, một con voi bốn năm trăm triệu, một đống của cải lại không có người canh a. Bạn Ngơ nhăn nhó gật đầu, nói có người canh làm sao bọn voi tặc dám ngang nhiên triệt phá voi như thế được.Vì sao không có người canh voi a? Vì không có kinh phí. Người ta có thể bỏ ra 50 triệu để cứu một con voi trong tình trạng không thể cứu được, voi chết tiền cũng mất theo. Nhưng người ta không có kinh phí một hai triệu đồng/tháng để chi trả cho người canh voi. Thế đấy, khổ thân voi.
Mũm Mĩm ôm mặt kêu trời, nói thôi đừng nói cụ voi ở nơi rừng núi xa xôi, ngay cụ rùa ở ngay Hồ Gươm, giữa Thủ Đô Hà Nội mà cũng bị bọn câu tặc hành cho te tua. Lại thêm rùa tai đỏ phá hoại, rồi cũng có ngày cụ rùa thăng thiên như cụ voi thôi, khổ lắm.
Bạn Ngơ chắp tay vái trời, Ngu Ngơ Mũm Mĩm cũng chắp tay vái theo. Cả ba đồng thanh kêu to, nói voi ơi ta bảo voi này/ còn vô trách nhiệm đố mày thoát thân
Bài đọc thêm:
AI BẢO KHOẺ NHƯ VOI
Nói đến Đắk Lắk, có hai thứ khiến người ta phải nhớ là cà phê và voi. Nhưng đặc sản thứ hai đang ngày càng hiếm. Thậm chí bây giờ đến Buôn Đôn xem voi, du khách nhiều khi sẽ được ngắm những chú voi kỳ quái: ngà không có hoặc bị cắt gần hết, đuôi ngắn tí tởn vì bị cắt trộm! Không khéo chẳng lâu nữa, người trên xứ voi này muốn xem một con voi đúng nghĩa chắc phải về Sài Gòn để vào sở thú!
Xin trở lại sự kiện chú voi Păk Cú đã chết sau hơn hai tháng vật lộn với hàng trăm vết thương trên cơ thể. Khi đoạn phim chúng tôi thực hiện về cái chết của Păk Cú được chiếu trên Truyền hình Tuổi Trẻ, nhiều bạn đọc đã phải thốt lên: kinh hoàng! Những con người dã man đã chém hàng trăm vết khắp cơ thể voi. Voi chưa chết, chúng dùng xăng đổ lên mình voi rồi đốt, da voi cháy đỏ hỏn từng mảng lớn. Chú voi Bản Đôn ấy trong đường cùng đã bứt xích cứu mạng mình, nhưng vẫn không qua nổi vì vết thương quá nặng.
Và trong những ngày này, trên kênh VTV1 có phát một ký sự về Đắk Lắk. Trong phim có đề cập việc số lượng voi nhà đang sụt giảm nhanh chóng: Cụ thể năm 1980 là 500 con, năm 1990 còn 299 con, năm 2005 còn 94 con. Số liệu mới nhất (vào đầu năm 2010) là 57 con. Và bây giờ không biết con số ấy là bao nhiêu...
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, từ đầu năm 2010 đến nay có khoảng chục voi rừng lẫn voi nhà bị chết. Chúng chết vì môi trường sống bị thu hẹp, chết vì phải làm quá sức, không còn không gian rừng riêng cho mình để hít thở, chết vì rừng không còn đủ cây thuốc để voi có thể tự chữa bệnh cho mình... Trên cái nền thiếu thốn đủ thứ ấy, những chú voi to lớn bỗng trở nên yếu đuối, không còn sức tự vệ trước bọn trộm sẵn sàng làm tất cả để kiếm tiền.
Những ngày này, những người làm công tác bảo tồn voi đang mong ngóng tiền từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rót về cho dự án bảo tồn đàn voi của Đắk Lắk, vừa được phê duyệt cuối năm 2010 với giá trị 61 tỉ đồng. Chặng đường bảo tồn đàn voi còn lắm gian nan khi phải qua nhiều công đoạn của một dự án. Với tốc độ tận diệt voi như thế này, không ít người đã hóm hỉnh rằng: sợ khi khu bảo tồn đưa vào hoạt động lại không còn con voi nào!
Khi tôi ngồi viết những dòng này thì tin từ Bản Đôn về cho biết bộ da Păk Cú đã được một doanh nghiệp ở TP.HCM lên mua rồi, năm mươi hoặc sáu mươi triệu gì đấy. Voi chết còn có giá như thế, huống gì còn sống. Khi rừng chưa hẳn là nơi trú ngụ lý tưởng, cứ ngỡ ở buôn làng đàn voi nhà có thể sống bình an. Nào ngờ nơi tưởng bình an lại là nơi nguy hiểm nhất!
Càng nghĩ lại càng “giận” cho ai bỗng dưng đặt cho con vật to xác này câu “khỏe như voi”! Vì bảo nó khỏe nên mới đồn rằng mang chiếc nhẫn có luồn chiếc lông đuôi voi, đeo sợi dây chuyền có móc mẫu ngà, răng, xương voi... cũng sẽ khỏe như voi. Và vì những lời đồn vô căn cứ này khiến voi bị thảm sát.
Có một điều lạ là voi vẫn cứ chết, các cơ quan chức năng vẫn cứ kêu gào bảo vệ nó. Nhưng thị trường vẫn công khai bày bán các sản phẩm được làm từ voi tại khu du lịch Bản Đôn, các tiệm vàng ở TP Buôn Ma Thuột mà không hề bị cơ quan chức năng xử lý. Người mua càng đông thì tính mạng voi càng nguy hiểm... Luật lệ có đủ hết, nhưng từ trước đến nay ở thủ phủ voi này, duy nhất chỉ có một vụ chặt đuôi voi nhà ở huyện Lắk được xử lý hình sự!?
NGUYỄN PHAN ( Tuổi trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét