Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Nhớ thời sinh viên-1. Nhà quê ra tỉnh

Hôm qua mình cùng Tâm Chánh đi nhậu ở nhà  Võ Đắc Danh. Nhân nói chuyện các nhà văn xưa đa phần đều không có bằng đại học, Tâm Chánh hỏi rất chân thành,  nói anh Lập có đi học đại học không. Tự nhiên nhớ cái thời sinh viên, cái thời khốn khó nhưng vui cực. Ngẫm lại chẳng có thời nào vui như thời này.


            Mình và thằng Viết ( Nguyễn Xô Viết) có giấy báo trúng tuyển Bách Khoa Hà Nội cùng một ngày. Mình nhớ khi đó mình đang đi nhặt phân bò ngoài đồng, con Vị hàng xóm tất tả chạy ra đồng hai tay vẫy vẫy, nói vơ anh Lập nời, anh trúng Đại học rồi. Mình vất cả gánh phân bò chạy về nhà. Con Vị chạy theo mình vừa thở vừa hỏi, nói Bách Khoa là răng, là trăm khoa à, anh phải học hết cả trăm khoa à. Mình chẳng biết trả lời sao, nào có biết Bách Khoa là gì, thấy bạn bè tranh nhau thi vào Bách Khoa mình cũng thi, đứa nào cũng đăng kí Khoa vô tuyến điện mình cũng đăng kí, cũng chả biết vô tuyến điện là cái gì.


            Chiều đó mạ mình chạy ra chợ mua 2 đồng mực tươi, loại mực cơm nhỏ bằng ngón tay cái. Món này mình rất thích, bây giờ vẫn thích, đây là món duy nhất mình ăn không biết chán. Suốt bữa cơm bà cứ gắp hết con này đến con khác cho mình, nói ăn đi con, ra Hà Nội không có mực tươi mô con. Rồi bà khóc tủi, chắc là bà cảm phận nghèo mà khóc, con cái đỗ vào đại học mà không thể làm mâm cỗ để ăn mừng. Ba mình đi vay hàng xóm được ba chục đồng cho mình, anh chị em bà con kẻ cho ba đồng người cho năm đồng, cộng lại đúng 108 đồng, đó là món tiền duy nhất mình nhận được từ gia đình. Từ đó cho đến khi ra trường mình đều tự kiếm sống lấy, không phải xin gia đình nữa, vì nếu có hỏi xin thì ba mình cũng chỉ có một cách duy nhất là chạy đi vay mượn.


Nhà thằng Viết làm thợ may, khá hơn nhà mình nhiều, nghĩa là không bao giờ bị đứt bữa. Ba mạ nó còn mổ gà làm mâm cỗ ăn mừng, cho nó 200 đồng, bà con tới mừng thêm 100 đồng là 300 đồng. Thấy nó khoe có ba trăm đồng, mình lác mắt. Thằng Viết ra Hà Nội năm đầu chẳng biết tiêu gì còn gửi tiền về cho nhà, có lẽ cả nước chẳng có đứa nào đi học lại gửi tiền về nhà như nó. Đa phần chưa hết tháng đã tiêu sạch bách, viết thư về nhà chữ nghĩa du dương lắm, con thương con nhớ con yêu… Quan trọng nhất vẫn là  tái bút với nhân tiện, à quên… là cái đoạn xin tiền, hi hi.


Buồn cười bà con đến thăm chẳng có ai dặn dò phấn đấu, tu dưỡng, học giỏi như thời này, toàn dặn dò đề phòng bị ăn cắp, bị trấn lột. Tâm lý nhà quê cứ ra phố là sợ, nhất là phố Hà Nội lại càng sợ. Chẳng ai ở Hà Nội cả, thậm chí có người chẳng biết Hà Nội ở hướng nào, nhưng kể chuyện trộm cắp ở Hà Nội cứ vanh vách, nói oa chà, Hà Nội trộm cắp như rươi, một mét vuông tám thằng ăn cắp. Ai nấy nghe thế thì hết hồn. Có một nhúm tiền mà mạ mình may cái túi nhỏ phía trong lưng quần, găm ba bốn cái kim băng, dặn đi dặn lại cách thức lấy tiền, giữ tiền cứ y như đang mang theo bảo bối.


 Hai thằng đi nhờ xe tải ra Vinh, từ đó nhảy lên tàu chợ ra Hà Nội. Tàu chợ chật như nêm, hôi rình, ghế chẳng có, phải trải nilon giữa sàn tàu mà ngồi, thế mà hai thằng sướng rêm. Suốt đêm hai thằng nằm áp tai xuống sàn tàu  nghe tàu chạy say sưa. Thủa bé đến lúc đó có biết tàu hoả là gì đâu, xem phim, mà chỉ phim Liên Xô mới có, thấy nó dài loằng ngoằng lao sầm sập thật đã quá trời, nghĩ bụng tàu bè máy bay chỉ là thứ để ngắm chứ không bao giờ được hưởng, chẳng ngờ có ngày được ngồi tàu, thật sướng củ tỉ. Tiếng xình xịch của tàu nghe cũng đã, tiếng còi tàu thỉnh thoảng hú lên, nghe sao mà sang trọng thế không biết, hi hi.


Ấn tượng đầu tiên bước chân đến Hà Nội là người và xe nườm nượp, đông hơn cả ở quê khi có hội hè. Thằng Viết cứ túm áo mình nhìn ra đường phố ngơ ngơ  ngác ngác, nói oa chà họ đi mô rứa hè, họ đi mô rứa hè. Suốt cả ngày hôm đó hai thằng nghĩ mãi không ra người ta ra đường làm gì mà đông đến thế. Đến khi đến trường mới choáng, cả mấy ngàn chiếc xe đạp xếp đầy bãi giữ xe. Ở quê vào phiên chợ, nhiều lắm cũng chỉ có vài chục chiếc, còn ở đây cả mấy ngàn chiếc, lại toàn xe sang, xe Phượng hoàng, xe  Favorite, xe Diamond… đủ cả. Hai đứa há hốc mồm trước sự giàu sang của học trò Hà Nội.


Lần đầu tiên biết thế nào là cầu thang, là lan can. Đứng ở tầng 4 nhà C1 nhìn xuống sân trường thấy ngờm ngợp. Không dám tựa lan can, sợ chẳng may lan can gãy một phát ngã lộn cổ xuống đất thì tan xương nát thịt. Vào toilet khu giảng đường mới kinh hoàng, gạch men láng coóng, vòi hoa sen I nôx  sáng choang, nhìn cứ ngất ngây. Thằng Viết lần đầu vào toilet đi ngoài, đi xong nó chạy ra mắt trợn mồm há, nói ua chầu chầu lập ơi, hố xí sạch đẹp vô cùng, ngồi ăn cơm trong nớ cũng được. Không bằng mình, toilet ở phòng thí nghiệm có xí bệt không phải xí ngồi, có lẽ thời này chỉ có phòng thí nghiệm mới có xí bệt thôi chứ chẳng nơi nào có. Mình đau bụng nhảy vào, thấy cái xí bệt cứ ngơ ra, không biết đặt hai chân vào đâu, loay hoay mãi không biết  làm thế nào trong khi đau bụng quăn quại. Mình chạy ra gọi thằng Lân, nó vào toilet thấy xí bệt thì ôm bụng cười rũ. Mình tức, nói mày chỉ mau lên không tao tương ra cả quần bây giờ. Nó bảo tụt  quần ra đặt đít vào, thế thôi, ngu! Bây giờ nhớ lại cứ cười mãi, đúng là ngu thật.


Mình nhớ lần đầu nhập phòng nội trú vừa lúc mất điện, anh Tước bảo với mình, nói Lập Lập, cậu kiểm tra cái cầu chì xem thế nào. Mình cứ đứng trơ ra, đực mặt như ngỗng ỉa. Ở quê có điện đâu mà biết cầu chì, học vật lý điểm 9 điểm 10 đỏ choét, bảo vẽ kí hiệu cầu chì thì nửa giây là xong ngay nhưng cái cầu chì tròn méo thế nào thì chịu. Mang tiếng sinh viên khoa vô tuyến điện mà cái cầu chì lại không biết, đến nhục. Nhục nhất vào văn phòng khoa, có điện thoại mình nhấc lên, bên kia đầu dây nói cho tôi gặp cô Dung, mình dạ rồi đặt ống nghe vào tổ hợp. Cô Dung chạy lại đã thấy điện thoại đặt vào tổ hợp mất rồi. Cô nhìn mình như nhìn người ngoài hành tinh, nói em sinh viên năm mấy rồi mà điện thoại không biết dùng. Xấu hổ chết được.


Đám học trò ở quê ra như mình với thằng Viết ngày mới đến trường đều đứng ngồi khép nép, nhìn đám học trò Hà Nội đi lại ngênh ngang nói cười tự nhiên như chỗ không người thì phục lắm, sợ nữa. Đứa nào mình cũng gọi anh xưng em, không dám ho he gì với chúng nó cả. Nghe chúng nó  xổ ra mấy câu tiếng Nga lại càng sợ , lo ngay ngáy không biết mình có học hành theo kịp chúng nó không. Con gái Hà Nội thì mê li, rất ngưỡng mộ. Hầu hết đều biết ăn diện, biết đánh phấn bôi son, các nàng lướt qua khi nào cũng nghe thơm nức. Lại gọi nhau tíu tít, nói ấy ơi, gì ơi, mình ơi… nghe ngọt lịm sườn. Nghe các nàng nói, thấy điệu bộ các nàng, cái cách ăn mặc của các nàng tự nhiên thấy mình quê một cục.


Mình với thằng Viết mới cố tẩy rửa quê mùa đi cho ra vẻ người Hà Nội. Đầu tiên là tập tọng nói giọng Bắc, giọng Bắc chả nói được cứ cố vặn lưỡi ra nói cái giọng Bác ngọng, nói chời ôi, xao thế nhẩy, xung xướng nắm thay… chết cười. Nói thế nào cũng lòi ra cái ông bọ, thấy cái nhà đẹp thì đua nhau nói ôi giời nhà đẹp nhỉ, hè? Đấy kìa, nhà đầu kia, tề! Nhỉ, hè!


Mình với thằng Viết đi qua quán bia hơi, thấy thanh niên ngồi vắt chân chữ ngũ rung đùi bên vại bia, nhấm nháp lạc rang, thỉnh thoảng nhấp ngụm bia rất là tay chơi. Thằng Viết hăng hái sắp hàng mua hai vại bia làm tay chơi. Hai thằng cũng vắt chân chữ ngũ cũng rung đùi ra vẻ đây dân phố. Nhưng khi nhấp vào một ngụm bia, hai thằng lập tức bụm mồm, mặt nhăn như bị, nói đ. Mạ, như nước đái bò. Không dám nhổ toẹt, sợ bị chê là quê, cố nuốt cho trôi.  Bỏ hai vại bia không uống thì sợ bị chê là quê, hai thằng bèn mua bánh ngọt nhai đầy mồm rồi rót bia vào mồm, cố nuốt trôi hai vại nước đái bò, hi hi đến khổ.


Thằng Viết bây giờ làm giám đốc sở điện, vừa được điều đi chỉ huy một dự án điện lực Miền Trung rất to, chả biết tiền bạc có kiếm được không nhưng rượu bia thì bảo đảm bét nhè. Không biết nó có nhớ hai vại nước đái bò thủa mới từ nhà quê ra tỉnh nữa không, hi hi.


(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét