Trong một bài báo của mình, bà Nguyễn Thế Thanh đã chỉ ra bốn điểm mới mẻ của Đại hội Đảng XI, ấy là việc bầu trực tiếp Tổng bí thư hay không được đem ra thảo luận công khai, số dư rất cao đối với cả hai danh sách bầu uỷ viên Trung ương chính thức (UVTW) và uỷ viên Trung ương dự khuyết (UVDK), đại hội đã tranh luận công khai và quyết liệt về sở hữu TLSX, cuối cùng là những lời tâm huyết, thẳng thắn và trung thực đã được vang lên trong Đại hội. Có lẽ ít ai không đồng tình với nhận định trên, bởi vì nó là những điểm sáng rõ nhất trong kì Đại hội này.
Cho dù việc bầu trực tiếp tổng bí thư chưa được thực thi, các đại biểu được đề cử tại Đại hội được trúng cử còn quá ít và một số quyết sách lớn cho tương lai hảy còn để ngỏ… thì tất cả những gì đã nghe, đã nhìn thấy cũng đủ cho chúng ta tin Đảng ta đã tỏ rõ quyết tâm đổi mới, thực bụng muốn lắng nghe tâm ý của dân. Ai cũng biết cái mới không bao giờ có ngay sau câu thần chú, nó là kết quả của sự phấn đấu gian khổ trường kì, vì thế mỗi bước đi mới mẻ trong tiến trình dân chủ nhằm “đưa dân chủ lên ngang tầm thời đại” của Đảng đều được nhân dân phấn khởi ghi nhận và tin tưởng.
Dân đã phấn khởi khi thấy Quốc hội không ngừng đổi mới, không ngừng cố gắng dân chủ, công khai và minh bạch. Việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và một số đại biểu chất vấn một cách thẳng thắn và quyết liệt về trách nhiệm của các bộ trưởng và thủ tướng, cũng như việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lồi chất vấn thẳng thắn, không né tránh bất kì vấn đề gì, kể cả những vấn đề được coi là nhạy cảm…trong kì họp thứ 8 Quốc hội khóa XII vừa rồi đã cho thấy dân chủ nghị trường không còn xa lạ với chúng ta. Tại Đại hội Đảng XI, tuy chất vấn hãy còn ít và e dè nhưng việc thảo luận công khai và cởi mở một số vấn đề lớn của Đảng, của Đất nước, kể cả những vấn đề lâu nay bị coi là huý kị làm cho dân càng phấn khởi hơn, cho thấy dân chủ không còn là thứ ngôn ngữ an ủi nhau, nó thực sự có mặt trong đời sống của dân, trong sinh hoạt của Đảng.
Tuy nhiên để có một nền dân chủ ngang tầm thời đại, chúng ta cần phải mới nhiều hơn nữa. Những quan niệm cũ kĩ, lạc hậu, thậm chí ấu trĩ về sở hữu TLSX, về những đặc trưng của CNXH cần phải rũ bỏ. Phản biện phải được tôn trọng, được nuôi dưỡng và bảo vệ, sao cho nó thực sự có sức sống, bởi vì chính nó là một phần không thể thiếu của cái mới, của sự phát triển và tiến bộ xã hội. Quan trọng nhất là tiếng nói của dân, bao gồm cả tâm trạng lẫn ý nguyện, phải được thực sự lắng nghe một cách trân trọng và cầu thị.
Khi nói về thành công của Đại hội, tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí, khi đã đưa tin kịp thời, phản ánh được tâm trạng, nguyện vọng của nhân dân, giúp gắn kết giữa Đảng, xã hội và nhân dân”. Điều Tổng bí thư nói không chỉ đúng cho sự thành công của Đại hội, ở bất kì lĩnh vực nào nếu tâm trạng, nguyện vọng của dân được công khai kịp thời trên báo chí và được Đảng chăm chú lắng nghe, đều nhất định thu được thành công, ngược lại thì không, đó là một sự thật. Cũng tại Đại hội, ông Đỗ Hoài Nam đã nói : “Đảng phải làm cho dân xem Đảng là của mình, là mình. Dân phải tin thì mới như thế được. Không có niềm tin máu thịt ấy của dân thì có thể mất Đảng, mất chế độ.” Đó cũng là một sự thật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét