Thứ Năm, 13 tháng 1, 2011

2. Ăn và yêu- Cơm Bách Khoa

Nghĩ lại ngày xưa đi học đại học sướng hơn bây giờ. Con cái vào được đại học, bố mẹ chỉ lo giấy bút và tiền tiêu vặt thôi, còn lại Nhà nước lo tất. Mấy đứa con em miền Nam tập kết còn được học bổng mỗi tháng 22 đồng, dân Quảng Bình- Vĩnh Linh tụi mình cũng được 4 đồng một tháng. Vì thế mà con nhà nghèo rớt mồng tơi như mình mới được học hành tử tế. Đặt hoàn cảnh của mình rơi vào ngay nay thì tốt nghiệp phổ thông xong là chấm hết, chẳng mơ chi đại học với đại heo, tiền đâu mà đi học?


 Tiêu chuẩn sinh viên các trường Đại học đều như nhau nhưng không hiểu vì sao sinh viên Bách Khoa ăn ở vẫn tốt hơn, có lẽ công tác quản lý ở trường này tốt hơn. Sinh viên các trường khác nhìn vào trường Bách Khoa đều lác mắt. Khu giảng đường do Liên Xô xây dựng rất hoành tráng, bốn nhà ăn Bách Khoa thuộc loại sạch đẹp nhất Bộ đại học. Sinh viên Bách Khoa được ăn ngày ba bữa. Buổi sáng được phát một cái bánh mì ngọt, hai bữa trưa chiều chỉ việc xách miệng đi ăn, không phải mang theo bát đũa gì. Đến nhà ăn cứ bốn thằng một mâm, chìa phiếu ra lấy cơm ăn, ăn xong cứ thả mâm bát đấy ra về, mọi việc có nhân viên nhà ăn lo hết. Giống y chang sinh viên Liên Xô hi hi.


 Mình đã đi chơi các trường khác rồi, chỉ có trường Kinh Tế là kha khá một chút, còn lại đều rất tệ, tệ nhất là trường Xây Dựng, sinh viên kêu la rầm trời. Trường Sư Phạm khu nội trú còn ở nhà lá, có năm chập điện cháy trụi cả khu nội trú. Trường Tổng Hợp bị nạn thiếu nước trầm trọng, các vòi nước ở các khu nội trú chảy như nước đái thằn lằn, rất khổ. Vì thế nên các anh chị ở các trường khác khi làm tốt nghiệp thường sang cư trú ở Bách Khoa để có chỗ ăn ở tốt hơn, thư viện, phòng thí nghiệm cũng tốt hơn.


 Các chị phục vụ nhà ăn Bách Khoa đối đãi với sinh viên rất vui vẻ, thân thiện, ngược hẳn với các đồng chí mậu dịch viên ở các cửa hàng ăn uống Nhà nước. Các đồng chí mậu dịch viên này thì kinh lắm, cứ làm như khách hàng đến ăn không của nhà họ, mặt mày ai nấy như đâm lê, đố thấy có nụ cười trên môi họ. Bảo đảm khi họ mỉm cười với khách hàng thì trời sập cái đoàng ngay tức khắc, thật đấy.


Bất kì khi nào mình đến cửa hàng ăn uống mậu dịch mình cũng gặp một điều khó chịu, chuyện khách hàng cãi nhau với nhân viên xảy ra như cơm bữa, trong khi suốt 5 năm Bách Khoa mình chưa gặp bất kì một điều khó chịu nào, cũng chưa khi nào thấy sinh viên cãi cọ với nhân viên hay nhân viên quát nạt sinh viên. Thực là như vậy. Cũng có thể có mà mình không biết, riêng mình thấy nhân viên nhà ăn Bách Khoa thật tuyệt vời. Rất nhiều lần mình đến nhà ăn muộn, vào lúc nhà ăn đã dọn dẹp chùi rửa, vẫn được ăn uống như thường. Chỉ cần cửa chưa đóng, nếu lọt vào được thế nào cũng được ăn. Lúc đầu các chị nói hết giờ lâu rồi em ơi, nhưng mình vờ nhăn nhó gãi đầu bứt tai nói vì thế này vì thế kia thì rốt cuộc các chị đều cho ăn cả, đôi khi còn được một mình ăn trọn cả mâm bốn người. Mình nhớ một lần mình đi ăn muộn, nhà ăn hết sạch cơm canh, mình ra về thì chị M. cầm cái bánh mì kẹp thịt lật đật chạy đuổi theo dúi vào tay mình, nói thôi ăn tạm, lần sau đừng có đi muộn quá nha em. Thật cảm động, chị có quen biết thân thiết gì mình đâu. Thế mà có thằng còn viết trên bảng tin nhà ăn một dòng to đùng: Đề nghị đuổi chị M. ra khỏi nhà ăn số 4 vì xấu quá. Khổ thân, nghe nói chị M. khóc suốt một tuần.


 Bữa cơm Bách Khoa hồi đó chẳng có gì, mỗi bữa chỉ được hai bát cơm một nửa cái bánh mì, một hai miếng thịt hoặc đậu phụ và vài ba muỗng canh, thế thôi. Chỉ có điều sạch sẽ và ngon chứ không như các trường khác, cơm khi khê khi cháy, canh khi mặn khi nhạt, dở òm. Cũng lạ cái thời cả nước phải ăn độn sắn ngô khoai bo bo thì sinh viên Bách Khoa vẫn được ăn cơm không độn. Mình không biết có trường nào phải ăn độn không chứ Bách Khoa thì hoàn toàn không. Thời kì đau khổ nhất là người ta thay hai ổ bánh mì nưóng bằng hai nắm bánh mì hấp, chứ không hề độn khoai sắn hay bo bo như dân ăn gạo đong cả nước. Chỉ vậy thôi mà sinh viên Bách Khoa đã kêu ca như cha chết, có đứa còn làm Văn tế mì ổ rất vui.: Nhớ linh xưa… mì ổ nóng dòn, thịt kho đậu phụ, canh cá mè nấu chua ngon thật là ngon… lâu ngày quá không nhớ nữa.


Mình ở quê quanh năm ăn đói, bữa cơm Bách Khoa đối với mình như thế là no đủ lắm rồi. Nhưng nhiều đứa khoẻ ăn thì đói lắm. Ngồi cùng mâm với mấy thằng khoẻ ăn, ăn tham được coi như một đại hoạ. Thấy nó xới cơm mới kinh, xới lên môi nào là dặt dặt nén nén môi đó, cố ních cho chặt bát cơm, một bát cơm của nó bằng hai bát người khác. Đã thế nó còn ăn nhanh kinh hoàng, mình vừa ăn dăm ba miếng nó đã lùa sạch bát cơm. Lại xới bát khác, lại dặt dặt nén nén… sợ kinh.


 Tụi mình gọi mấy đứa ăn khoẻ ăn tham này là bè lũ Đế quốc thực dân, gặp một lần là khiếp đến già, chẳng bao giờ dám ngồi chung mâm với chúng nó. Gặp khi nó gọi góp phiếu ăn chung mâm đều tìm cách chối, nói cậu ăn trước đi, mình còn chờ mấy đứa bạn. Nói rồi lặn mất tăm, không để nó cầm tay kéo vào. Mình đã làm Hịch chọn bạn cùng mâm đọc oang oang giữa nhà ăn: Hỡi đồng bào! Giờ ăn muộn có thể  kéo dài năm phút mười phút hoặc lâu hơn nữa. Nhà ăn số 1, nhà ăn số 2 và một số nhà ăn khác có thể bị đóng cửa. Nhưng nhân dân ta quyết không sợ, quyết không chịu làm nô lệ cho  bè lũ Đế quốc thực dân, dù chết cũng không chung mâm đụng đũa với chúng. He he.


Nhớ Cơm Bách Khoa thì trăm thằng nhớ đến việc sửa phiếu ăn cả trăm, chẳng đứa nào quên, vì tuồng như đứa nào cũng ít nhất một lần làm việc này.  Phiếu ăn in ronéo, đóng dấu đỏ, trong đó đề bữa ăn ngày ăn. Sửa  chữ khó, dễ lộ, chỉ sửa ngày ăn là dễ nhất. Đứa nào làm mất phiếu ăn hoặc có bạn đến chơi muốn mời nó đi ăn đều phải lấy phiếu cũ hoặc phiếu ăn ngày sau sửa lại  cho đúng ngày đó. Chỉ cần lấy lưỡi lam cạo con số đi rồi lấy mực nho hoặc bút chì kĩ thuật viết đè lên thế là xong. Mấy đứa khoa Chế tạo Máy, khoa Đông Lực sửa phiếu ăn kì tài. Chúng nó đa phần khéo tay, lại vẽ kĩ thuật thường xuyên nên làm mấy cái trò này dễ như trở bàn tay. Chẳng những sửa số, chữ nghĩa trên đó nếu cần chúng nó cũng làm bay. Mình vốn tay chân hậu đậu, khi nào cần sửa phiếu ăn đều phải chạy sang nhờ thằng Nghĩa khoa Chế Tạo Máy hay thằng Đức khoa Đông Lực nhờ chúng nó sửa cho.


Có phiếu ăn sửa rồi nhưng phải khéo đưa mới lọt được, vì các chị nhà ăn đã quá quen cái trò tháu cáy này của sinh viên, rất khó lọt qua mắt các chị. Chỉ cần thấm nước vào số ngày, nếu chữ số bị nhoè là biết ngay phiếu dỏm. Thường khi phát hiện ra phiếu dỏm các chị cũng chẳng mắng mỏ gì, chỉ lườm cái rồi trả lại phiếu. Muốn đưa phiếu dỏm trót lọt phải chọn khi đông người, lại đặt cái phiếu dỏm thứ 3 trong bốn phiếu, hoặc đưa một lúc ba bốn mâm ( từ 12- 16 phiếu), các chị lo kiểm số phiếu không để ý. Lại chọn thằng đẹp trai, chưa có “ tiền án tiền sự”, vừa đưa phiếu vừa tán lia xia, nói giời ơi chị mới làm tóc à, xinh thế, trẻ ra bao nhiêu- Chị ơi chị có em gái không cho em ở rể- Bữa nay trông mắt chị long lanh dễ sợ, vừa được yêu phải không…. Đại loại thế, làm cho các chị mất tập trung, hoặc thấy phiếu dỏm cũng lờ đi cho. Trường hợp các chị phát hiện ra phiếu dỏm, dúi phiếu trở lại thì nhăn nhó gãi đầu bứt tai, nói chị ơi thương em đi, bữa nay em có khách, em biết chị thương em mà. Các chị cười cái lườm cái, nói cậu này mồm miệng ghê lắm, chỉ lần này thôi nha. Lập tức cười toe toét, nói ôi cảm ơn chị quá, em yêu chị vô cùng. Hi hi thế là xuôi chèo mát mái.


 


Cơm Bách Khoa rất nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội, bạn bè  đến chơi nếu mời đi ăn là chúng nó đi liền. Mình có vài thằng bạn ở các trường khác chiều thứ bảy nào cũng đến “thăm” mình để kiếm bữa cơm Bách Khoa, thành thử thứ bảy nào mình cũng phải lo một vài ba phiếu dỏm. Cho chúng nó ăn uống no nê, chẳng được khen lại còn bị ghen tị, nói è he, tao mà được ăn cơm Bách Khoa thì tao học giỏi bằng mười mày. He he có lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét