Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

Quà tết và hai chữ liêm sỉ…

Những năm gần đây, không, hơn chục năm gần đây, cứ gần tết lại rộ lên chuyện quà cáp biếu xén của quan chức trong bộ máy công quyền Nhà nước. Không ai không bức xúc về đại nạn này và mong muốn dẹp bỏ nó nhưng tóm lại vẫn đâu vào đấy, quà tết ngày càng nhiều ngày càng to. Theo báo Dân Trí trong một cuộc thăm dò ở Hà Nội, “Có đến 80% số người làm việc trong các cơ quan, công ty được hỏi đều cho rằng khoản chi tiêu lớn nhất trong gia đình họ là dành cho việc quà cáp, biếu xén.” Con số này cho thấy quà tết trở thành một cái lệ không thể thiếu, như là món cống nộp bắt buộc đầu năm dù không muốn cũng không thể. Đó là một bi kịch xã hội, một bi kịch lớn.


            Dễ thấy tệ đút lót, trò móc ngoặc, thói nịnh bợ không lúc nào thực thi dễ dàng như trong những ngày lễ tết. Tại đây người ta dễ dàng cống nộp và phi tang đồ cống nộp nhờ núp bóng nhân nghĩa uống nước nhớ nguồn, đạo lý ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Rất khó bắt tận tay day tận mặt loại này, càng không thể cấm. Gần đây cả chủ tịch lẫn bí thư Hà Nội đều lên tiếng kêu gọi công chức và công sở không chúc tết, không gửi quà  tết đến cấp trên. “ Đừng biếu quà Tết ai, đừng để ai biếu mình”, ông Phạm Quang Nghị bí thư Hà Nội đã nói vậy. Tiếc thay lời kêu gọi chân thành và khẩn thiết kia cũng sẽ rơi vào vô vọng mà thôi, bởi vì điều đó vừa phi thực tế vừa phi nhân văn.


            Làm sao có thể ngăn cấm người ta đến nhà nhau để chúc tết một khi tết là những ngày để thăm hỏi, để chúc tụng, để quà cáp. Làm ăn đầu tắt mặt tối quanh năm, vô lẽ đến ngày tết ai ở nhà nấy, thế thì còn đâu tình thân ái, đạo nhân nghĩa. Và giả sử có cấm được thì “tết” là những ngày nào? Đối với Nhà nước là 8 ngày còn đối với dân Việt là trọn vẹn cả tháng chạp và tháng giêng. Kinh nghiệm cho hay những tay đại bợm tham nhũng chẳng ai dại giở trò đút lót trong dịp tết là những ngày có đông đúc người thăm hỏi, qua lại.


            Bộ tài chính vừa đưa ra dự thảo qui chế về quà cáp tặng biếu, trong đó có ghi rõ: Trong trường hợp không thể từ chối nhận, hoặc người thân đã nhận quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn thì đối tượng phải công khai báo cáo với thủ trưởng cơ quan và nộp lại quà tặng...Quy chế này còn nói rõ chỉ được phép nhận quà tặng có giá trị dưới 500.000 đồng(!?). Báo SGGP đã đặt câu hỏi rất có lý rằng thế nào là “ không thể chối từ” và làm sao có thể biết món quà gói kín kia có trị giá trên 500.000 đồng để mà chối từ? Khéo không  khi qui chế này ban hành, chẳng những không ngăn cản được các hành vi tham nhũng mà còn tạo các lỗ hổng pháp lý cho các trò đút lót lộng hành.


            Cho nên việc ngăn cản, cấm đoán việc chúc tết đưa quà tết xem ra chỉ là “phép thắng lợi tinh thần”. Một khi tham nhũng đang là quốc nạn diễn ra quanh năm không chỉ ba ngày tết, diễn ra một cách trắng trợn và thô bạo, không cần núp bóng nhân nghĩa thì làm sao có thể dẹp được thói nịnh bợ, trò móc ngoặc, tệ đút lót mượn danh chúc tết và mừng tết? Chỉ còn một cách là trông chờ liêm sỉ của mỗi một con người. Có liêm sỉ người ta sẽ biết thế nào là  chúc tết, thế nào là trò nịnh bợ để tự mình chọn lựa đi hay không đi, đến hay không đến trong một cuộc du xuân. Có liêm sỉ người ta cũng sẽ biết thế nào là quà tết, thế nào trò đút lót, đồ cống nộp để tự mình quyết định trao hay không trao, nhận hay không nhận trong việc trao nhau một món quà.


            Nhưng liệu liêm sĩ có còn không? Nếu còn, nó có đủ sức ngăn chặn lòng tham hay không? Điều này mỗi một chúng ta tự hỏi, tự trả lời và tự tìm kiếm lấy chứ cũng không thể trông chờ vào Nhà nước.


     Bài đọc thêm:

CƠ QUAN AI CŨNG SỢ "ĐI TẾT SẾP"


Chuẩn bị Tết Tân Mão, báo đài đưa một thông tin thú vị: ngày 4-1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố phải thực hiện nghiêm chủ trương không biếu tặng quà cho lãnh đạo trong dịp tết.


Ông Nghị nói: “Tất cả chúng ta ngồi đây đều là lãnh đạo hết, vì thế đừng ai đi biếu quà cho người khác và cũng đừng để ai đến biếu quà cho mình. Hãy dành sự quan tâm tới các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi nhà đều được vui đón tết”…


Có thể nói “thông điệp” không biếu ai và kiên quyết không nhận quà cấp dưới “đi tết” của vị lãnh đạo cao nhất Hà Nội được dư luận rất đồng tình, nhất là đội ngũ nhân viên các cấp.


Thực tế cho thấy như ở cơ quan tôi, việc “đi tết sếp” thật lòng ai cũng sợ. Hằng năm cứ đến “tháng củ mật” là cánh nhân viên chúng tôi lại lo ngay ngáy việc “đi tết sếp”. Các anh chị trung niên thì thào hỏi nhau: “Năm nay đi tết sếp thế nào? Khoảng bao nhiêu thì vừa phải phép, vừa đỡ tốn kém?”…


Thấy các anh chị chuẩn bị “đi tết sếp”, mấy nhân viên trẻ mới về cơ quan lo toát mồ hôi. Mà đâu phải chỉ có một sếp thôi!


Chẳng riêng cơ quan tôi, dường như nhân viên ở đâu cũng ngán “đi tết sếp”. Nhưng ngán mấy cũng chẳng thể không đi vì đã thành thông lệ rồi; nhiều đồng nghiệp đi, mình thôi sao đặng. Khổ nỗi tiền thưởng tết ít, thu nhập quanh năm cũng ba cọc ba đồng, phải dè sẻn mới đủ chi dùng.


Tết đến. Đùng một cái phải lo bao nhiêu thứ, từ mua quần áo cho con; về quê lễ tết tổ tiên, họ hàng hai bên gia đình; chỉnh trang cửa nhà và mua đồ tiếp khách; rồi “đi tết” thầy cô giáo, lại còn khoản “mừng tuổi” các cụ già, lì xì con trẻ…


“Đi tết sếp” chẳng biết bao nhiêu là vừa. Biếu “phong bì” không thì vừa chẳng có điều kiện “dày dặn”, vừa sợ bị sếp mắng mình quá “cơ chế” mà thiếu vế tình cảm. Biếu ít, không bằng đồng nghiệp thì ngại, lo sếp phật ý, gây khó dễ cho mình trong công tác, nhất là khi đề bạt, bổ nhiệm. Mà quà biếu sếp sang một tí thì có khi cả gia đình… “mất tết”!


Đó là chưa kể còn lo những thứ mình biếu liệu gia đình sếp đã có chưa, rồi sếp ông, sếp bà có thích không? Nhỡ biếu gì “phạm húy nhà sếp” thì chết chứ chẳng đùa! Thực tế có không ít gia đình lục đục, vợ chồng trách cứ nhau vì chuyện này.


So đo tính toán chán, lại mất vài buổi tại siêu thị mới mua được quà biếu sếp. Mấy tối giáp tết, mọi việc gia đình phải tạm gác để đến nhà sếp trước. Mệt nhất là gặp lúc gia đình sếp vắng nhà, khi ấy các “thuộc hạ” tha hồ chờ đợi...


“Đi tết sếp” khổ thế nhưng chẳng biết các sếp có hiểu tình cảnh của những người phải “đi tết” mình không? Nếu thấu, hãy cảm thông độ lượng, dũng cảm có động thái rõ ràng, tuyên bố công khai trước toàn thể cơ quan như vị bí thư Thành ủy Hà Nội để cấp dưới đỡ khổ.


Mặt nữa, mỗi nhân viên chúng ta cũng cần dũng cảm bỏ cái lệ “đi tết sếp” bằng phong bao, vật chất, mà ngày xuân chỉ gửi lời chúc tết chân thành. Văn minh được như thế có khi cả chúng ta và sếp đều thấy thanh thản.


CÁT BỤI( Tuổi trẻ)


      

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét