Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

MỘT NGƯỜI KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ ĐÃ RA ĐI

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Rét dài ngày quá khiến nhiều cụ đã phải từ giã cõi trần. Nhà tang lễ Bộ quốc phòng chỉ cho viếng một tiếng, để dành phần viếng cho người khác. Mà hình như nhà tang lễ nào ở Hà Nội mùa này cũng vậy cả. Trong hai ngày tui đã đưa tiễn ba bậc đàn anh kính mến về cõi tiên, đó là gs Hoàng Ngọc Hiến, bác Trương Đình Bảng, nguyên là giám đốc nxb Kim Đồng và anh Hà Ân nhà văn chuyên về đề tài lịch sử hiếm hoi của nước nhà.

Với Hà Ân, tui và anh em nxb Kim Đồng có rất nhiều kỉ niệm, vì anh là cộng tác viên thân thiết của nxb Kim Đồng nửa thế kỉ qua. Anh còn là nhà tử vi nổi tiếng, mỗi anh em nxb Kim Đồng và gia đình đều có lá số tử vi do anh lập. Cứ đụng việc gì lại nhờ anh xem cho. Tui cũng vậy, chẳng những nhờ anh lập lá tử vi cho vợ con, tui còn nhờ an lập cho một số bạn bè thân thiết. Trước khi đi Sài Gòn tui còn gọi điện hỏi anh và được anh khuyên, nói đi đi em, tốt lắm tốt lắm. Giờ anh đi xa chẳng biết hỏi ai nữa.

Tui chưa kịp có bài về anh, xin đăng lại bài của nhà văn Lê Phương Liên, chị làm cùng phòng văn học với tui ở nxb Kim Đồng.

Vào một ngày giáp tết Tân Mão (2011) ,nhận được tin buồn,nhà văn Hà Ân đã từ trần, tôi không khỏi cảm thấy bàng hoàng.Vẫn biết là ông ốm nặng đã lâu, Tết Canh Dần vừa qua, chịem biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng đến thăm ông, đã thấy ông đeo khăn mùi soa ở cổ như yếm dãi, đi đứng phải có người dìu, biết là ông đã yếu lắm. Trông thấy chúng tôi đến chơi, ông hỏi ngay : “Sách ra rồi à?”. Ôi tấm lòng người viết, khát vọng lớn nhất là thấy cuồn sách ,đứa con tinh thần của mình đã được hiển hiện tay người đọc.Niềm đam mê đó có lẽ đến lúc nhắm mắt , xuôi tay vẫn còn nguyên vẹn. Còn nhớ ông, trong những năm tháng thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước, ông là cây bút kể chuyện lịch sử “tả xung hữu đột” khắp trên các trangsách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Giáo Dục, báo Thiếu niên tiền phong, báo Nhi Đồng… Nhà văn Hà Ân là một người một trong những tác giả hiếm trong làng văn nước nhà, bởi viết cho thiếu nhi đã là số ít, viết truyện lịch sử cho thiếu nhi lại càng ít hơn. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã từng có bài viết về ông với những nhận xét: “…anh đúng là nhà văn của các em, người kẻ chuyện lịch sử hào hứng và thú vị của tuổi trẻ.Mà làm cho các em ham thích lâu bền đâu phải dễ.Phải có vốn lịch sử chắc chắn và biết làm cho vốn ấy sống dậy. Điều tâm huyết: Phải có sự chân tình.Khác với bạn đọc lớn tuổi, các em nhỏ không phân biệt “thật”, “giả” trong những điều nhà văn hư cấu, nhưng lại rất nhạy cảm với sự “thật”, “giả” trong chính tấm lòng nhà văn…


Người đọc nhớ đến Ông là nhớ đến những cuốn tiểu thuyết lịch sử hào hùng, Truyện Quận He, Truyện ông Đội Cấn…nhưng tiêu biểu hơn cả chính là bộ ba truyện lịch sử Bên bờ Thiên Mạc, Trên sông truyền hịch và Trăng nước Chương Dương viết về thời nhà Trần.Với cách nghĩ viết cho thiếu nhi thời ấy, ông thiên về tôn vinh những nhân cách sáng ngời, anh hùng, thánh thiện nhưng vẫn rất đời thường, rất con người.Viết về Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuần, ông đã tả những trang văn vừa hào hoa vừa sâu sắc về sự dằn vặt chữ Trung và chữ Hiếu trong lòng vị đại tướng của ba cuộc kháng chiến vĩ đại chống quân Nguyên.Viết về Trần Bình Trọng với trận đánh quyết tử bên bờ Thiên Mạc, tấm lòng người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa chắc đã bừng bừng hào khí Thăng Long. Không chỉ viết được về chất anh hùng, ông là người đã tả được vẻ thanh lịch văn võ song toàn trong những nhân vật các ông hoàng các vị tướng Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật,các vị vua Trần Thánh Tông,Trần Nhân Tông…Bầu không khí quân dân trên dưới đồng lòng của thời nhà Trần đã được nhà văn làm “sống dậy”(chữ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi) trong những trang văn mà chắc nhiều năm sau sẽ còn để người đời thưởng thức.


Nhà văn Hà Ân còn là ngừoi có tài viết truyện ngắn lịch sử, truyện Yết Kiêu , Dã Tượng, truyện Vụ án trầu cánh phượng, rồi Cái chum vàng… của ông đều là những truyện thú vị cho trẻ nhỏ …


Đến lúc tuổi đã cao, ông lại là người biết mình, ông rất vui mừng với thành công của tác giả Nghiêm Đa Văn, một người trẻ tuổi viết phóng khoáng hơn với tiểu thuyết Sừng rượu thề (viết về Lý Thường Kiệt ). Lúc gần 80 tuổi ông còn động viên dìu dắt tác giả trẻ Lưu Sơn Minh đi vào con đường viết truyện lịch sử. Những năm tháng tuổi già dường như ông đã sống để chia sẻ niềm vui với lớp trẻ. Vào những năm tháng NXB Kim Đồng ra sách định kỳ, sáng thứ sáu nào, ông cũng đi bộ từ nhà riêng (gần chợ Hàng Da) đi qua hồ Hoàn Kiếm rồi đến NXB Kim Đồng (ở phía nam khu phổ cổ Hà Nội),một đoạn đường không ngắn với tuổi già. Thế mà thứ sáu nào ông cũng đến để chia vui với những cuốn sách mới xuất xưởng, để chăm chỉ đọc Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh hết tập này sang tập khác như mọi thiếu nhi thời nay. Thế mới biết tình yêu văn học thiếu nhi là tình cảm đam mê suốt đời của những ai đã bước vào con đường đáng yêu đó.


Còn nhớ những năm tháng chiến tranh gian khổ, ông đã cùng các bạn hữu ở Hà Nội lập ra tạp chí Ngựa Gióng dành cho trẻ em.Nhưng tiếc thay, tờ tạp chí mang nét văn hóa Thăng Long dành cho trẻ nhỏ ấy chỉ sống được hơn một thập niên…Suốt mấy chục năm cuối đời ông là người lẻ bóng nhưng tình cảm gia đình thủy chung đã khiến ông rất gần với đạo Phật.


Không biết rằng lúc ra đi ông có tiếc nuối điều gì chăng, chỉ biết rằng ông đã yên tâm với tất cả những gì mình để lại trên trang sách.


Giáp tết Tân Mão


LPL

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét