Trước khi bà con đọc bài báo nói về sự thiếu lương thiện trong khoa học thì mời bà con xem xét tin dưới đây để xét xem đây có là kiểu làm báo chụp giật, cẩu thả, xào xáo lại của nhau và dẫn nguồn vô tội vạ- Một cách thiếu lương thiện trong nghề báo. Tin dưới đây là do ông Nguyễn Tôn Hiệt đưa, ông khẳng định báo Pháp Luật Việt Nam đưa bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xuất sắc nhất châu Á”,
do Phượng Lê viết “theo báo Firmenpress” [sic]. Kì thực không có tờ nhật báo Firmenpress, đó chỉ là tờ nhật báo bịa.
" Đó chỉ là một trang web tên là firmenpresse.de do công ty LayerMedia Inc. làm chủ. Công ty này có văn phòng tại Burgstr. 2, Filderstadt, BW 70794, GERMANY." Ông Nguyễn Tôn Hiệt khẳng định như vậy. Ông Nguyễn Tôn Hiệt cũng chỉ ra rằng firmenpresse.de là một trang chuyên đăng các bài “press release” tự quảng cáo tiếp thị (PR) trong mọi lĩnh vực, từ thương mại, nghệ thuật, công nghệ, cho đến chính trị, do các khách hàng tự viết gửi đến.
Trang này còn hướng dẫn cho khách hàng thực hiện các Mẹo và Xảo thuật (Tipps und Tricks) để viết các bài tự quảng cáo tiếp thị có hiệu quả! Bà con bấm vào đây để xem toàn bộ bài viết của ông Nguyễn Tôn Hiệt. Đề nghị báo Pháp luật Việt Nam, VnEpress và các báo dẫn lại tin của hai tờ báo này cần xem xét kĩ lưỡng nghiêm túc bài viết của ông Nguyễn Tôn Hiệt, nếu thấy đúng, mà chắc là đúng, thì cần điều chỉnh kịp thời để tránh làm tổn thương và mất uy tín đối với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng!
Sau đây mời bà con đọc bài báo của tui
Lương thiện trong khoa học
Lại có thêm thông tin về đạo văn trong khoa học, ấy là việc một báo cáo khoa học của Thạc sĩ Nguyễn Thế Dũng, giảng viên trường ĐH Sư phạm Huế được công bố từ năm 2004, vừa rồi đã bị một giảng viên ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cóp nguyên xi và đăng trên tạp chí khoa học của trường này. Thực ra trường hợp này không còn là đạo văn mà là chiếm đoạt công trình khoa học, một hành vi bất lương và phạm pháp trong nghiên cứu khoa học.
Không rõ đây là trường hợp thứ bao nhiêu các nhà khoa học nước nhà chôm chĩa công trình của nhau? Ở ta không có một thống kê chu đáo nào về đại nạn này như ở Trung Quốc. Một khảo sát gần đây của Trung Quốc cho thấy, có 2.000 nhà khoa học của 6 viện nghiên cứu hàng đầu đã đạo văn hoặc giả mạo số liệu nghiên cứu. Còn nghiên cứu do Hiệp hội Khoa học và công nghệ nước này thực hiện với 32.000 người thì kết quả: 55% người được hỏi nói rằng mình biết người phạm tội lừa đảo học thuật. ( theoVNN). Nước ta tình trạng tương tự chắc chắn cũng không kém.
Gần đây thôi, theo Tạp chí Tia sáng, năm 2000 hai tác giả nguyên là nghiên cứu sinh Việt Nam tại Nhật và một tác giả người Nhật công bố một báo cáo khoa học trong hội nghị về ứng dụng tối ưu hóa tại Nga. Đến năm 2004 bài báo đó được xuất hiện trong một hội nghị cũng về ứng dụng tối ưu hóa tại Nhật với 10 tác giả từ Việt Nam! “Điều khó tin là 99% câu chữ, 100% các số liệu, thậm chí hình con tàu Shioji Maru trong bài báo năm 2004 lấy nguyên vẹn từ bài báo năm 2000”. Cũng vậy, Sự kiện ban biên tập tạp chí Euro Physics Letters (một tạp chí vật lý hàng đầu của châu Âu) thông báo rút một bài của nhóm tác giả Việt Nam “do đạo văn quá nhiều”. Thật đáng buồn và đáng xấu hổ.
Không nơi nào đòi hỏi sự trung thực và tính lương thiện cao như trong nghiên cứu khoa học, bởi vì nếu các nghiên cứu khoa học lại là kết quả của gian dối, của ăn cắp và tước đoạt thì cuộc sống sẽ ra sao khi đem ứng dụng cái gọi là “nghiên cứu khoa học” ấy. Nghiên cứu khoa học không phải để thỏa mãn ý muốn của cấp trên, càng không phải là mục đích để thoả mãn sự háo danh. Mục đích tối thượng của nó là để nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển xã hội. Các trò đạo chích, nịnh bợ và chiếm đoạt trong khoa học chẳng những làm hoen ố thanh danh các nhà khoa học mà còn làm cho cuộc sống đình trệ và rối loạn. Phải ý thức tầm mức quan trọng của tính lương thiện trong khoa học như vậy để kịp thời ra tay ngan chặn. Bàng quan, thơ ơ hay bỏ qua thực trạng trên là có tội với cuộc sống, khác nào tiếp tay cho sự bất lương.
Nhà dột từ nóc, điều đó giải thích vì sao học trò của các ông thầy đạo chích kia đã coi các hành vi sao chép, chôm chĩa các công trình khoa học là chuyện bình thường, chuyện đương nhiên. Thậm chí họ không cần làm các tiểu luận, các luận văn mà bỏ tiền ra mua. Những mẩu quảng cáo, rao vặt viết thuê luận văn, tiểu luận... tràn lan trên các trang mạng không còn làm ai xúc động. Thầy của họ còn ăn cắp, còn chiếm đoạt công trình khoa học của đồng nghiệp thì tại sao bắt họ phải học thật, làm thật, nghiên cứu thật.
Buồn thay, đáng lo thay, xấu hổ thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét