Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Chuyện cái cổng chào

Còn 100 ngày nữa là đến Đại lễ nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, tưởng mọi việc đã hòm hòm rồi bỗng xảy ra chuyện lùm xùm quanh việc Hà Nội tính xây 5 cái cổng chào ở 5 cửa ngõ đi vào Thủ đô. Lúc đầu đã quyết xây 5 cái cổng, đã phê duyệt triển khai lắp dựng cổng chào đầu tiên, bây giờ lại tuyên bố chỉ xây 4 cổng thôi. Lại nghe ông bí thư Thủ đô nói: “Tôi vừa hội ý với đồng chí Chủ tịch thành phố và đồng chí Phó chủ tịch thường trực rằng chúng ta cũng nên có cân nhắc khẩn trương về việc nên làm 5 cái hay 3 cái, để tạo sự đồng thuận trong nhân dân”.


Lúc đầu định xây kiên cố 5 cái cổng, sau bảo chỉ làm tạm thôi, bỏ ra 50 chục tỉ, giải phóng 18 ngàn mét vuông mặt bằng làm thử cái đã, nếu thấy ổn thì xây kiên cố, không ổn thì bỏ đi, khoẻ re. Thì Bí thư Hà Nội đã nói rồi đấy: “Đối với 5 cổng chào thì thành phố cũng có hướng chưa làm vĩnh cửu luôn, chưa làm kiên cố luôn. Trước mắt sẽ chỉ làm bằng vật liệu tạm thời để nếu không phù hợp sẽ tiếp tục thay”.


Hà Nội tấc đất tấc vàng, giải phóng vài trăm mét mặt bằng để đặt cái tượng cũng phải tính nát nước, đằng này phải tiêu tốn 18 ngàn mét vuông mặt bằng chỉ để làm thử, nghe mà sợ quá. Lại có người nói cứ giải phóng mặt bằng, nếu không làm cổng thì ta làm bãi giữ xe, nghe như chuyện của những người thích đùa.


Sở dĩ có chuyện lùm xùm như vậy là vì vào khoảng đầu tháng 6 năm nay bỗng ai đó nảy ra ý tưởng Hà Nội sẽ xây dựng 5 cổng chào do 5 doanh nghiệp tặng toàn bộ hoặc đóng góp một phần, tổng trị giá là 50 tỷ đồng. Ý tưởng nghe bùi tai thế là triển khai làm liền, chẳng đưa ra hỏi dân một tiếng, đến khi dân kêu ầm ầm mới tá hoả tam tinh thấy quá nhiều bất cập xung quanh chuyện xây 5 cái cổng.


Không nói thời gian quá gấp, chỉ 3 tháng đến thánh cũng trở tay chẳng kịp, nói ngay đến khái niệm cái cổng Thủ đô là gì mới thấy quá là tù mù. Trước hết cái cổng chào Hà Nội không phải là cái cổng làng, bởi vì dù văn hoá Hà thành trưởng thành từ văn hoá làng xã Bắc hà nhưng Hà Nội ngày nay đương nhiên không phải là cái làng phóng đại. Ai cũng biết vậy nhưng khi xây dựng dự án này thì tất cả các cổng chào đều án ngữ các lối vào Hà Nội, giống y chang cái cổng làng.


Người ta xác định có 5 lối vào chính, một là đường Láng - Hòa Lạc, hai là đưởng Nội Bài, ba là  đường Hà Nội - Lạng Sơn, bốn là đường Hà Nội - Hải Phòng, năm là đường quốc lộ 1A. Chưa nói bao nhiêu tuyến đường chính, 5 hay 7 hay 9 hay 11 tuyến, mà câu hỏi đặt ra ngay tức khác, rằng nếu coi cổng chào Hà Nội như cổng làng thì tại sao chỉ đặt cổng chào ở các tuyến đường bộ, thế còn tuyến đường sông, đường sắt, đường không thì sao. Nếu vậy thì khả năng phải làm 50 cái cổng chào chứ không phải là 5 cái.


Chịu khó tìm hiểu một chút sẽ thấy nếu quan niệm cổng chào thủ đô như cái cổng làng thì nước Pháp phải làm chừng 150 cái cổng chào, nhưng  thủ đô Paris chỉ làm đúng một cái, đó là Khải Hoàn Môn. Nằm giữa quảng trường Étoile, vị trí của Khải Hoàn Môn là điểm cuối của đại lộ Champs-Elysées, khu vực tập trung khách du lịch của Paris, thế thôi, nó không hề là cái cổng vào của thành phố. Năm 1806 Napoléon cho xây dựng Khải hoàn môn để vinh danh Paris anh hùng, ông làm cái cổng chào để khai thác tối đa tính biểu trưng của nó mà không hề quan tâm đến giá trị sử dụng của nó (tức giá trị thực của cái cổng). Vì thế nó đã trở nên một công trình nổi tiếng thế giới, hàng năm hơn 1 triệu lượt khách viếng thăm.


Xây một cái cổng chào cho Thủ đô, thành phố nghìn năm tuổi là cần thiết. Nếu học theo nước Pháp để làm cái cổng chào mang tính biểu trưng cao, cho thấy Thăng Long-Hà Nội là thành phố văn hiến, anh hùng, vì hòa bình và tự do, lấy từ ý tưởng rồng bay của Lý Công Uẩn nghìn năm trước thì hay biết bao nhiêu. Đằng nay vì không biết cái cổng Thủ đô nghìn năm nó khác với cái cổng lối vào Thủ đô chỗ nào, tức nó khác với cái cổng làng chỗ nào. Không biết làm cái cổng để khai thác tính biểu trưng của nó hay muốn làm ra cái cổng thuần tuý là cái cổng, thành thử cứ loay hoay không biết làm 5 cổng, 4 cổng hay 3 cổng, làm tạm để chào mừng Đại lễ nghìn năm hay làm cái vĩnh cửu, ôi vân vân và vân vân


Ấm ớ và tơ lơ mơ, tù mù và tuỳ tiện thể hiện quá rõ trong việc xây cổng chào Hà Nội. Đây là một dẫn chứng rõ nhất của sự tuỳ hứng, ưa gì làm nấy, chẳng cần quan tâm đến dân đang nghĩ gì, phản ứng ra sao. Gần nghìn năm trước, năm 1284, khi đất nước gặp nạn Nguyên Mông, Trần Nhân Tông đã cúi xuống hỏi dân hoà hay là đánh. Dân đã cho ông câu trả lời và ông đã thắng.  Một việc lớn như thế khi biết hỏi dân cũng tất thành huống hồ xây mấy cái cổng chào, tại sao quí vị không biết cúi xuống hỏi dân một tiếng, hay quí vị vốn quen dạy bảo dân chứ không quen không muốn không thích hỏi dân, thứ dân mà có kẻ bảo là gian, hu hu.



Cổng chào…kiểu Mỹ


Hiệu Minh

 




[caption id="attachment_6191" align="alignleft" width="300" caption="Cổng chào bang Virginia"][/caption]

Tôi có dịp đi một số bang ở bên Mỹ và rất thích cổng chào của họ. Đó là một bảng tôn sơn xanh, đôi khi là tấm gỗ đơn sơ treo lủng lẳng trên cành cây. Dân Mỹ không biết hình thức là gì. Cổng chào gì mà như cái biển quán cơm tù. So sánh với Hà Nội đang đầu tư 50 tỷ đồng (gần 3 triệu đô la) để làm 5 cổng chào nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội thì thấy ta hơn hẳn Mỹ về đoạn làm…cổng.
 Xem qua thiết kế 5 cổng chào hoành tráng, nhiều người không khỏi ngạc nhiên về tầm cỡ những công trình mà họ định thực hiện trong vẻn vẹn có 3 tháng. KTS Nguyễn Trực Luyện đã phải thốt lên rằng, kiến trúc nhàm chán và sáo rỗng với sự gắn kết khiên cưỡng giữa lịch sử và giá trị Thăng Long. Nhiều người cho rằng đó là một sự lãng phí rất lớn đối với một nước nghèo như VN ta.


 So sánh Mỹ và VN, biết đâu chúng ta có thể rút ra cách làm cổng chào như thế nào cho tiện
 Hoa Kỳ: Diện tích: gần 10 triệu km2. Dân số: 310 triệu. Mật độ dân số: 32 người/km2.  Thu nhập bình quân GDP nominal: 46.300$/người/năm
 Việt Nam: Diện tích: 331ngàn km2. Dân số 86 triệu. Mật độ dân số 259 người/km2. Thu nhập bình quân GDP nominal: 1.046$/người/năm



Cổng chào West Virginia. Ảnh: Hiệu Minh

 

Cổng chào vào các bang nước Mỹ: hầu hết là bảng đơn giản, đủ cho người đi xe hơi nhìn là đã vào bang mới, để người lái xe cẩn thận với luật lệ sở tại như cài dây an toàn, nếu không sẽ bị phạt “click it or ticket”.
Họ rất sợ sự hoành tráng của cổng chào làm lái xe mất tập trung và gây tai nạn. Ước tính từ khoảng vài trăm đô la cho đến 1000 đô la cho một … cổng chào.
Cổng chào của Hà Nội: toàn cỡ to bằng tòa nhà chục tầng, hoành tráng và tốn kém. Ước tính khoảng gần triệu đô một cổng chỉ để chào mà chưa biết đã chào được ai.
Người ta thu nhập gần 50.000$/năm/người mà chi cho bảng chào cỡ khoản nghìn đô. Việt Nam ta  chi hàng triệu đô cho một cổng chào trong khi thu nhập 1000$/năm/người.
Nước bé, dân số đông, thu nhập đang ở mức nghèo, mật độ dân số VN gấp 10 lần nước Mỹ, thu nhập kém họ những 46 lần, nhưng cổng chào to gấp hàng nghìn lần nước Mỹ.


Vài hình ảnh về cổng chào bên Mỹ để bạn đọc tiện so sánh với dự án 50 tỷ cho năm cổng chào của Hà Nội. Theo đường link xem các loại cổng chào kiểu Mỹ.


02-07-2010


(Nguồn: blog Hiệu Minh)



 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét