Thứ Ba, 13 tháng 7, 2010

Quốc hoa và quốc sỉ

Không ai nói ý tưởng chọn một loài hoa làm quốc hoa là vớ vẩn, nó là một ý tưởng hay và thiết thực. Quốc hoa là loài hoa biểu trưng cho đất nước, chỉ cần một bó quốc hoa tặng  du khách ta đã có thể cho khách biết về đất nước mình mà không cần phải nhiều lời. Hay lắm. Nhưng việc chọn quốc hoa sao lắm sự nhiêu khê đến thế? Thành lập ban tuyển chọn, hội nghị hội thảo mấy tháng trời không xong là sao.


            Nhìn ra nước ngoài thấy Lào chọn hoa sứ, Thái chọn hoa phong lan, Nhật chọn hoa anh đào, Hà Lan chọn hoa hoa tulip … đâu có ầm ầm ào ào hội nghị hội thảo như ta. Hoa nào đẹp nhất, được dân ta ưa chuộng nhất, phổ biến nhất, dễ trồng nhất ấy là quốc hoa thôi, đừng đơm đặt cho nó nhiều ý nghĩa, làm rắc rối thêm vấn đề vốn rất đơn giản. Bản thân cái đẹp đã chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp rồi, khỏi phải tán tụng thêm nữa.


            Nếu thấy hoa sen đẹp, dân ta ưa chuộng lại dễ trồng thì chọn hoa sen, không nên sợ có Ấn Độ đã chọn rồi, cũng không nên sợ hoa đó là hoa của Phật giáo. Cái áo mình mặc ra đường nếu nó đẹp, được mình ưa thích và thể hiện được con người của mình thì mình cứ mặc. Nếu cứ sợ áo ấy có người dùng rồi thì suốt đời chẳng bao giờ dám mặc áo ra đường.


            Dù thế nào thì quốc hoa cũng là chuyện nhỏ, quốc sỉ mới là chuyện lớn. Du khách đến nước ta, sau khi nhận bó quốc hoa họ phải thấy được đây là một đất nước hiếu khách, văn minh và đáng yêu, khi đó bó quốc hoa trên tay họ mới có giá trị thật sự, ngược lại nó chỉ là thứ hoa hoè hoa sói, tóm lại nó chỉ là một bó vô hồn vô cảm.


 Quốc hoa có cần không nếu du khách hàng ngày vẫn gặp nạn taxi chèo kéo, giành giật, lừa đảo. Tất cả các loại giao thông từ xe buýt đến tàu bay vẫn liên miên gặp nạn trễ giờ, hoãn chuyến. Họ vẫn gặp các nhân viên ngang nhiên móc ngoặc, tư túi, móc túi khách hàng giữa ban ngày ban mặt, thậm chí bị sỉ nhục bị đánh đập.


Quốc hoa có cần không khi mà du khách không hề được coi trọng, thậm chí bị ngang ngược đối xử như những người ăn chực nằm nhờ. Một hội nghị quốc tế với bao nhiêu quan khách đạo cao đức trọng lập tức bị lùa đi khỏi khách sạn không hề được nói rõ lý do. Hỏi ra mới biết có một vị quan to về đây nghỉ mát và ông thích ở khách sạn đó.


Quốc hoa có cần không khi mà du khách triền miên gặp nạn tắc đường, tai nạn giao thông xảy ra từng giây từng phút trên mỗi nẻo đường họ đến. Bất kì lúc nào cũng có thể bị cúp điện, càng xây nhiều nhà máy thuỷ điện thì nạn cúp điện càng tăng. Nạn ô nhiễm gần như vô phương cứu chữa, đường phố bụi bặm, các dòng sông ô nhiễm, các ao hồ bị lấn chiếm, bị bức tử, trở thanh nơi thải rác ở khắp nơi.


Quốc hoa có cần không khi mà hằng ngày du khách vẫn gặp nạn bạo lực học đường, trò đánh trò, trò đánh thầy, thầy đánh trò, thầy đánh thầy. Nạn dâm tặc hiếp đáp học trò, hiếp đáp cô giáo vẫn xảy ra trước mũi những người có trách nhiệm. Ngay những người có trách nhiệm cũng không giữ được mình nói gì đến thầy trò. Vụ hiệu trưởng Sầm Đức Xương tham gia đường dây dắt gái và ngủ ngay với những học trò nhỏ của ông quả là một vết nhơ khó rửa đối với ngành giáo dục.


Có ai ngờ những em học sinh tuổi chưa tròn mười bảy đã có trong tay danh sách khách làng chơi, rất nhiều các quan chức trong tỉnh Hà Giang có  tên trong danh sách bẩn kia, đứng đầu là chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô. Gần đây nhất người ta đã chứng minh được ông là kẻ mua dâm chuyên nghiệp, trong mobile của một ả điếm còn lưu mười mấy bức khoả thân của ông.


Than ôi một khi quốc sỉ không được tôn nghiêm thì quốc hoa phỏng có ích gì.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét