3. Nhớ Liên Xô vẫn là nhớ những mùa world cup, hồi đó tối nào có tuyển Liên Xô ra sân là dân tình háo hức lắm, nôn nao chờ đến giờ bóng lăn, y chang như đội tuyển nhà mình thi đấu vậy. Cầu thủ Liên Xô ai cũng thuộc mặt nhớ tên, quên ai thì quên chứ những Oleg Blokhin, Rinat Dasaev, Anatoly Demyanenko, Lev Yashin, Oleg Protasov… thì không thể quên được. Tham gia World cup từ năm 1958, trừ năm 1974 vì tự ái không đá với Chile bị Fifa xử thua, không lọt được vào chung kết, còn thì từ đó cho đến năm 1990 không world cup nào Liên Xô không có mặt, thậm chí năm 1966 họ đã vào tận bán kết.
Một đội tuyển quốc gia liên tù tì lọt vòng chung kết World cup là đáng nể lắm nhưng dân mình thì nghĩ khác, Liên Xô là nhất, thắng là đương nhiên thua là vô lý. Xưa báo chí không đưa tin Euro, world cup nhưng hễ Liên Xô thắng trận nào hết thảy đều đưa tin rất háo hức, thua thì lờ đi, hi hi. Hồi mình mới năm sáu tuổi chi đó, hình như năm 1960 thì phải, một chiều đi học về thấy mâm cỗ to, tưởng giỗ kị gì té ra ba mình nghe tin Liên Xô vô địch Euro cup mừng quá mổ luôn con heo mới nuôi hơn chục cân ăn mừng.
Còn nhỏ chẳng biết Euro ơ reo là cái gì, được ăn cỗ là mừng rồi. Vừa ăn vừa nghe lóm bác Thông với ba mình kháo chuyện Liên Xô nghe sướng rêm. Bác Thông làm ở công an tỉnh, trưởng phó ty gì đó nhưng chưa thấy bác đi xe con về nhà bao giờ, từ Đồng Hới về Ba Đồn hơn bốn chục cây bác toàn đạp xe đạp. Hễ bác đạp xe về nhà, thế nào cũng dừng lại trước ngõ nhà mình, chân dạng tay phanh háo hức đưa tin Liên Xô, chỉ đưa tin Liên Xô không thôi, chưa khi nào bác đưa tin nước khác.
Khi thì bác nói này, biết tin gì chưa, Liên Xô vừa thử bom nguyên tử thành công. Khi khác lại nói này, biết tin gì chưa, Liên Xô vừa phóng thành công vệ tinh nhân tạo. Chuyện bóng đá cả ba mình lẫn bác Thông đều say. Một hôm, hình như năm 1962, thấy bác Thông kéo tay ba mình thì thầm, nói biết tin gì chưa, nội bộ tuyển Liên Xô có vấn đề rồi, thua cả Colombia, Uruguay thì lạ quá. Ba mình gật gà gật gù mặt mày nghiêm trọng, nói chắc không phải đâu anh, tui nghe nói Lev Yashin bị cúm, bắt hỏng nhiều quá. Bác Thông trợn mắt xua tay, nói anh nói chi lạ, cúm răng mà cúm, Liên Xô mà cúm à.
Năm 1966 mình học lớp 2, chiến tranh phá hoại đã lan rộng khắp khu IV, dân Thị trấn sơ tán ra trảng cát, ngày đêm chui rúc dưới hầm cát khổ cực vô cùng, thế mà bác Thông với ba mình vẫn say sưa chuyện bóng đá. Bóng đá World cup chỉ nghe qua đài BBC, bác Thông là công an được nghe đài BBC thoải mái. Thỉnh thoảng ba mình chui ra khỏi hầm, chạy sang nhà bác Thông, nói răng rồi răng rồi. Bác cười khà khà, nói Liên Xô thắng chơ răng, Liên Xô toàn thắng, Bắc Triều tiên cũng thắng. Ba mình lập tức mổ con gà nấu cháo cho cả nhà ăn, cổ cánh để dành cho bác Thông với ba mình nhậu mừng Liên Xô, Bắc Triều Tiên thắng lợi.
Bác Thông nhấp chén rượu khà một tiếng rõ to, nói è he đế quốc thực dân chơi chi lại Liên Xô. Ba mình chấm chấm mút mút cánh gà, nói đúng đúng, chuyến ni Liên Xô, Bắc Triều đều vào tứ kết, giỏi quá giỏi quá. Đến khi nghe tin Bắc Triều Tiên thua Bồ Đào Nha ở vòng tứ kết, bác Thông chạy sang nhà mình, ngồi bệt giữa nhà, nói Bắc Triều thua Bồ rồi, tức quá tức quá. Ba mình ngồi thừ thở hắt ra, nói răng rứa hè. Bác Thông trợn mắt chém tay, nói tại thằng Nam Hàn nó phá quá, các đồng chí mình không yên tâm đá bóng. Ba mình gật đầu cái rụp, nói đúng đúng, mả cha thằng Nam Hàn ác chi ác lạ. Đó là lần đầu tiên mình nghe ba mình chửi thề.
Mình nhớ như in buổi chiều tháng 7 năm đó ( 1966), một buổi chiều khốc liệt dân Thị trấn quê mình. Máy bay Mỹ thả bom trúng bãi giấu xăng dầu của bộ đội ở làng Chánh Trực, lửa cháy ngút trời từ 2 giờ chiểu đến 8 giờ tối. Máy bay Mỹ hết đợt này đến đợt khác quần nát Thị trấn, dân Thị trấn kéo nhau chạy lên làng Vùng Nổ, ba bốn chục người nhét chật cứng một hầm, nhiều đứa con nít ngất xỉu, thằng Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) cũng ngất, nếu ba mình không kịp lôi nó ra khỏi hầm chắc nó chết luôn.
Cả nhà mình rời khỏi làng Vùng Nổ chạy ngược lên làng Đông Dương. Dọc đưòng gặp nhà bác Thông cũng đang gồng gánh chạy lên làng Pháp Kệ. Nửa đêm gặp nhau trên trảng cát, ai nấy xơ xác tơi tả nói không ra hơi, cơm không nước hết đói khát vàng mắt. Không thể tin được ba mình với bác Thông lại nói chuyện bóng đá. Bác Thông hớt hãi chạy đến, nói anh Đạng anh Đạng, biết tin gì chưa, Liên Xô thua rồi.
Mạ mình, chị Nghĩa chị Liên tưởng Liên Xô thua Mỹ sợ quá khóc rú lên. Bác Thông vội vàng xua tay, nói không phải mô không phải mô, Liên Xô đời mô thua Mỹ, là nói chuyện thua bóng đá. Bán kết Liên Xô thua Đức, tranh giải ba Liên Xô thua luôn Bồ, rứa mới đau. Ba mình đứng lặng phắc, rất lâu sau ông mới thở hắt ra, nói toàn đế quốc thực dân thắng cả hà bay, đ. mạ. Lần đầu tiên mình nghe ba mình văng tục.
Hồì nhỏ không thể hiểu được, cứ tưởng bóng đá là chuyện của con nít quan tâm, ai dè các cụ say bóng đá yêu Liên Xô đến mức ấy. Đến khi lớn lên, được xem ti vi, biết world cup là gì, biết Liên Xô đá đấm ra sao thì mình cũng có tâm trạng y chang các cụ. World cup 1986, Liên Xô gặp Bỉ ở vòng 2, trận ấy Liên Xô đá trên cơ Bỉ nhưng ông trọng tài, tên gì quên mất rồi, xử ép, bắt việt vị tào lao, mấy lần Liên Xô được hưởng 11 m đều lờ tịt. Liên Xô thua tan nát, cả hội ngồi lặng thinh, im lặng như một nấm mồ. Anh Ngô Minh nốc cạn chén rượu dằn mạnh cái chén, nói đ. mạ, có thằng trọng tài ở đây tao đấm nát mặt.
World cup 1990, hồi này chia tỉnh mình đã ra làm việc ở Quảng Trị, Liên Xô thắng Cameroon 4-0 ai nấy hỉ hả, nhậu nhẹt tưng bừng cho đến sáng, ca hát vang trời. Đến khi đá với Argentina thua, đá với Romania thua tiếp ai nấy thất thần như người mất sổ gạo. Trận đá với Romania, thua 2 quả rồi mà Liên Xô rề rà như là đang thắng, có cảm tưởng đá tảng đang đeo chân họ. Chị Kim Quí, nghệ sĩ kịch nói, rất ít khi xem bóng đá, chỉ trận nào có Liên Xô chị mới thức xem với chồng con. Thấy cầu thủ Liên Xô chạy lệt bệt trên sân, chị sốt ruột kêu to, nói vơ Liên Xô nời, đá đi với.
Nhưng Liên Xô không nghe chị Kim Quí, họ rời world cup với những gương mặt thất trận, buồn thế thảm. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng mình nhìn thấy Liên Xô, từ đấy về sau vĩnh viễn không còn thấy Liên Xô trên sân cỏ thế giới nữa. Cả quạt tai voi, xe đạp Sputnik, tủ lạnh Saratop cũng không còn. Ôi Liên Xô ôi là Liên Xô.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét