Đại hội Nhà văn (ĐH NV) lần thứ VIII sắp diễn ra ở Hà Nội vào trung tuần tháng tám năm nay. Trước đó, tại các ĐH khu vực, ở đâu cũng thấy thiếu vắng rất nhiều. Ví dụ ĐH NV khu vực TP.HCM, số hội viên HNV là 158, đến dự chỉ 96. ĐH NV khối cơ quan trung ương ở Hà Nội, số hội viên HNV là 250 đến dự chỉ 151. Điều này cho thấy các NV đã không còn quan tâm đến cái hội của mình như trước đây nữa. Trước đây ĐH đại biểu, chỉ 50% hội viên được đến dự ĐH, các NV phải trải qua cuộc bầu bán “hai thằng gạch một” rất căng thẳng, ai trúng thì thở phào nhẹ nhõm, mừng vui khôn xiết, ai trật thì buồn thiu, có người còn bật khóc nữa.
Còn nhớ năm 1989, ĐH NV lần thứ IV, trước ĐH đã bàn tán xôn xao cả trong Hội lẫn ngoài đời, ai cũng háo hức chờ ngày ĐH. Đoàn NV ở Bình Trị Thiên đến Vinh thì gặp lụt, anh em phải dùng đủ ngón nghề mới vượt được phà Bến Thủy về dự ĐH đúng ngày, mừng hết lớn. Hơn 400 NV, trừ một vài người ốm liệt giường, tất cả đều có mặt, có người còn hoãn cả chuyến công tác quan trọng ra nước ngoài để ở nhà dự ĐH.
Sở dĩ các NV quan tâm đến ĐH NV kinh khủng như vậy chỉ vì khi đó cái danh hội viên là thực danh, nó rất sang. 100% hội viên đều có tác phẩm, hơn 70% là các NV ít nhiều nổi tiếng, nhiều NV làm xôn xao dư luận một thời. Mọi hoạt động của HNV đều ảnh hưởng đến xã hội, có những quyết sách của HNV làm rúng động xã hội chứ không phải chuyện chơi. Một quán phở đã treo băng rôn: Nhiệt liệt chào mừng đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ IV! Trong những ngày diễn ra ĐH, báo chí cũng như ngoài đời đều bàn tán xôn xao.
Bây giờ những chuyện đó tuồng như không còn nữa. Hội viên HNV nhiều đến nỗi ngay các NV cũng chẳng biết họ là ai, viết cái gì. Những NV thực danh một ngày bỗng bẽ bàng thấy mình ngồi cùng chiếu với những người mù tịt về văn chương. Tài không tài chưa tính, nhưng hội viên HNV trước hết phải là NV, đằng này không phải NV cũng là hội viên thì quả là chuyện lạ xưa nay. Cũng như người ta nói với nhau “thằng này tiến sĩ nhưng mà khá đấy”, các NV cũng vậy, cũng nói với nhau “thằng này hội viên nhưng mà biết viết văn đấy”. Thật buồn!
Ngày xưa cứ đến kỳ HNV công bố giải thưởng văn chương chẳng những các NV được giải thấy hãnh diện, bạn văn yêu quý nể trọng mà tác phẩm được giải được xã hội vồ vập đón đọc và bàn tán rất háo hức. Những cuốn sách được giải HNV năm 1991 như Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng, Mảnh đất lắm người nhiều ma chẳng những tôn vinh NV mà còn làm cho HNV sang giá và sáng giá. Ngày nay thì thế nào? Sách được giải không ai biết, trao giải khi nào không ai hay, thậm chí sách được giải còn kém hơn cả những sách không được giải. Uy tín HNV trước xã hội mất mát dần đi, teo dần cho đến zero.
Giải thưởng danh hiệu tùm lum, trong khi vẫn bị chê chưa có tác phẩm ngang tầm thời đại. Không ai biết cái tầm thời đại nó ở đâu mà vươn tới. HNV cũng bó tay. Cứ tưởng tác phẩm được giải là tác phẩm để đời, hóa ra đời không nhận. Báo Văn Nghệ là tiếng nói của NV Việt chục năm nay bỗng lặn mất tiêu trong đời sống xã hội.
Chỉ có các NV là tự... sướng với nhau. Ai được vào Hội thì tiệc tùng linh đình, hân hoan lắm. Có người bày cuộc nhậu rồi rút thẻ hội viên bắt mọi người hôn lên cái thẻ ấy. Có người còn xui được cả làng đi rước cái thẻ hội viên từ đầu làng đến cuối xóm, cờ đèn kèn trống linh đình. Rồi thì bon chen đi tìm kiếm danh hiệu, chức này danh nọ. Có người còn ra chỉ tiêu năm nay phấn đấu vào Hội đồng ban văn, ban thơ… năm sau phấn đấu vào cho được BCH. NV không phấn đấu có tác phẩm lại đi phấn đấu mấy thứ kia chỉ có nước Nam ta là một.
Khi NV rời bỏ tác phẩm, cũng là rời bỏ thực danh để đi kiếm hư danh thì HNV liệu có thực hay không, hay cũng chỉ là một hư danh? Có lẽ nghĩ như vậy mà nhiều người không đi dự ĐH nữa, họ ngồi nhà để cứu lấy cái thực danh của họ, ấy là tác phẩm, cái làm nên họ, cũng là làm nên HNV.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét