Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Chữ tâm tròn méo thế nào?

Dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế mới ban hành, theo đó hơn 400 dịch vụ y tế đồng loạt tăng giá đã gây một làn sóng dữ dội từ phía công chúng. Lướt qua các bài báo với cái tít được giật: Tăng viện phí, tụt nhân tâm; Tăng viện phí dồn người nghèo vào thế bí; Người nghèo khốn cùng vì tăng viện phí… đủ thấy tâm trạng xã hội như thế nào.


Bộ y tế viện lẽ mức giá cũ được quy định từ năm 1995 tới nay đã quá chênh lệch so với thời điểm hiện tại. Thế thì tại sao không có cơ chế tăng dần mức thu theo thời giá, để ngâm quá lâu, khi các bệnh viện phải "xé rào" rồi đột ngột tăng ào ào đẩy dân phải thế bị động khốn cùng? Đó chẳng qua chỉ cái lý cùn của mấy ông tự cho mình là chủ mà thôi.


Cũng vậy khi Bộ y tế một đằng thì nói  viện phí không quyết định toàn bộ chất lượng dịch vụ y tế, đằng khác khi giải thích về chuyện chất lượng dịch vụ y tế kém thì Bộ lại nói nguyên nhân hàng đầu là không có tiền. Từ đó ta hiểu tiền đã quyết định nghề và cái tâm nghề nghiệp của ngành y như thế nảo  rồi.


 Nếu ngành y không treo câu “ Lương y như từ mẫu” như một  xác tín nghề nghiệp cùng với 12 điều y đức, như những lời  thề thiêng liêng của Hippocrate, trở thành  những nguyên tắc đạo đức y khoa Việt thì những gì Bộ y tế nói và làm nó cũng giống như bất kì bộ nào đó nói và làm, dân cũng chẳng có gì lạ lắm. Nhưng ngành y thì khác, chữ tâm đối với ngành y thời nào và ở đâu cũng phải được coi như giá trị thiêng liêng nhất, tạo nên hai tiếng lương y. Ngày xưa gọi bệnh viện là nhà thương cũng xúât phát từ nghĩa này. Vì vậy việc đột ngột tăng giá dịch vụ y tế trung bình tới khoảng 7-10 lần, thậm chí đến 20 lần, trực tiếp đánh vào sự khốn cùng của người nghèo đã làm cho người ta đặt câu hỏi liệu ngành y còn có chữ tâm nữa hay không.


 Tăng viện phí để làm gì khi mà ngành y không cho thấy trình độ bác sỹ, cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị, vv...được nâng cấp. Hàng loạt bệnh viện bị xuống cấp nghiêm trọng. Hầu hết các bệnh viện trung ương đều quá tải, trong khi nhiều bệnh viện địa phương trở thành niềm kinh hãi của người dân, họ gọi đó là các trạm giết mổ.


Tăng viện phí để làm gì trong khi ngành y không cho thấy các trò láu của họ đã được dẹp bỏ. Những trò xét nghiệm móc tiền dân, cách tính giường bệnh bằng cách đếm đầu bệnh nhân bất chấp nhiều người cùng nằm trên một giường, thói kê đơn buộc người ta phải đến nơi mình cần bán thuốc… đã huỷ hoại cái chữ tâm của ngành y đến ghê gớm.


Tăng viện phí để làm gì khi mà ngành y không cho thấy “tiêu cực phí” ở các bệnh viện đã chấm dứt. Tiền lót tay cho bác sĩ, khoản “ bồi dưỡng” cho các nhân viên bệnh viện đã trở thành cái lệ hiển nhiên mỗi khi có người nhà ốm đau mang đến các bệnh viện công, đó gọi là tiêu cực phí.


 Tiêu cực phí nó là bệnh nan y nguy hiểm nhất tồn tại hơn nửa thế kỉ này không hề được giải quyết, nó giống như bệnh thành tích trong giáo dục, tiền mãi lộ trong giao thông, trò rút ruột công trình trong xây dựng… chỉ nghe nói “không” trong các văn bản giấy tờ còn ngoài đời nó là một đời sống khác, cuồn cuộn trôi giữa vô số những rêu rao.


 Hãy nâng cao trình độ bác sĩ, nâng cao cơ sở hạ tầng, dẹp bỏ các trò láu và triệt bỏ tiêu cực phí khi đó hãy nói đến chuyện tăng viện phí. Đừng một mặt hàng năm tiêu hàng chục nghìn tỉ của Nhà nước để không cải thiện được gì, một mặt ra sức tăng viện phí, móc túi người nghèo, làm vậy người ta gọi là bất lương y.


 Ngày 27/2/ 1955 trong bức thư gửi tới ngành y nước ta, Bác Hồ đã viết:  “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe của đồng-bào.”   Lời thương mến đó toả sáng một chữ tâm, cái chữ mà ngày nay dường như người ta không còn biết nó méo hay tròn, dùng để làm gì, than ôi!


 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét