* TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG
Hôm 21 tháng 5, 2014, ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao Việt Nam, gọi điện thoại cho người đồng nhiệm Hoa Kỳ, John Kerry, thảo luận về cuộc khủng hoảng liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan thăm dò dầu khí HD 981 vào quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp, vào luôn bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Ðây là lần đầu tiên một ngoại trưởng của Việt Nam gọi điện thoại trực tiếp cho người đồng nhiệm Hoa Kỳ; và hệ quả là ông Kerry mời ông Minh sang thăm Washington để “tham vấn toàn diện các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai quốc gia.”Bên trong Việt Nam, người ta hy vọng chuyến viếng thăm của ông Minh có thể sẽ nâng cấp mối quan hệ song phương Việt-Mỹ từ “đối tác toàn diện” lên thành “đối tác chiến lược,” đồng thời củng cố vị trí Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp với Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là, một mối quan hệ chiến lược với Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam giải quyết các quan ngại về an ninh ra sao?
Một mối quan hệ chiến lược có thể được xem là phương cách thúc đẩy tư thế của Việt Nam trên trường quốc tế và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền quốc gia. Mối quan hệ chiến lược cũng có thể được xem là sự mở rộng chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ ngoại giao của ViệtNam ngõ hầu tránh né không để bị rơi vào cuộc tranh chấp giữa các cường quốc. Giới lãnh đạo Việt Nam mong muốn thiết lập được mối quan hệ chiến lược với tất cả năm thành viên thường trực Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã ký thỏa thuận “quan hệ chiến lược” với Anh và Pháp, “quan hệ chiến lược toàn diện” với Trung Quốc và Nga, nhưng chỉ mới đạt được “quan hệ toàn diện” với Hoa Kỳ từ tháng 7, 2013.
Khái niệm “quan hệ chiến lược” của Việt Nam thiếu vắng những nội dung thực chất. Trên thực tế, quan hệ này bao gồm một số khái niệm hợp tác nhưng khi đi vào chi tiết thì lờ mờ. Tại buổi Hội Thảo Quốc Tế về Việt Nam Học tại Hà Nội hồi tháng 11, 2012, khái niệm quan hệ chiến lược được định nghĩa là bao gồm bốn nguyên tắc: Không gây hấn, không liên kết với một quốc gia để chống lại một quốc gia khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, và tin cậy nhau. Theo nghĩa này, quan hệ chiến lược chỉ là một chuỗi ràng buộc thụ động chứ không tích cực.
Vụ khủng hoảng giàn khoan bộc lộ nhược điểm của quan hệ chiến lược; nó không giúp thúc đẩy sự tin tưởng lẫn nhau cũng như không giúp bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. Trong vụ này, sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc, đối tác chiến lược toàn diện gần gũi nhất của Hà Nội, vi phạm. Ba thành viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam có quan hệ chiến lược, là Pháp, Anh và Nga, thì bày tỏ sự lãnh đạm. Cay đắng hơn nữa, một trong những hãng thông tấn lớn nhất của Nga, RIA-Novosti, còn đăng một bài báo so sánh Việt Nam với Ukraine , đồng thời chê trách các hành vi bạo động đối với công nhân Trung Quốc làm việc tại ViệtNam. Mỉa mai thay, sự ủng hộ mạnh mẽ nhất mà Việt Nam có được lại đến từ Hoa Kỳ, đối tác toàn diện chứ chưa phải chiến lược của Việt Nam .
Việt Nam đang mưu cầu sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ. Nếu muốn dựa vào Hoa Kỳ để chống lại các đe dọa từ Trung Quốc, Việt Nam cần đạt được một mối quan hệ cao hơn là thứ quan hệ chiến lược được định nghĩa một cách mù mờ; hoặc là Việt Nam phải đưa thêm các nội dung thực chất vào trong mối quan hệ chiến lược ấy. Ðã đến lúc giới lãnh đạo Việt Nam phải nhìn nhận một thực tế là đồng hành ý thức hệ cùng với tình xã hội chủ nghĩa anh em chẳng ngăn được ý đồ của Trung Quốc muốn xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Việt Nam . Giới lãnh đạo Việt Nam phải nhìn nhận rằng mâu thuẫn quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự thất bại trong vai trò vùng đệm hiệu quả của khối ASEAN, đã và đang khiến cho cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Washington tại Á Châu trở thành gần như không thể tránh khỏi.
Sau Chiến Tranh Lạnh, giới lãnh đạo Việt Nam chia ra làm hai khuynh hướng. Khuynh hướng của nhóm thiểu số bao gồm những người có đầu óc cải cách, nghiêng về phương Tây. Nhóm đa số bao gồm những nhân vật thủ cựu, ủng hộ liên minh xã hội chủ nghĩa với Trung Quốc để bảo tồn chế độ.
Nhu cầu thay đổi và hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu cũng như sự xâm lấn của Trung Quốc khiến Hà Nội đẻ ra một chính sách có tính thỏa hiệp. ViệtNam đang áp dụng tính thỏa hiệp ấy trong chính sách đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ đối ngoại cũng như trên con đường mưu cầu một quan hệ chiến lược với nhiều quốc gia khác nhau.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Ðông cùng với tinh thần chống Tàu ngày một lên cao của dân chúng và của giới đảng viên Ðảng Cộng Sản khiến cho khuynh hướng thân Trung Quốc mất thế đứng và tính chính danh. Vụ khủng hoảng giàn khoan khiến Hà Nội nhận thức được rằng chính sách dựa trên liên minh ý thức hệ và khúm núm đối với Trung Quốc, thay vì đứng thẳng lưng nhìn thẳng vào sự vi phạm của Trung Quốc, là không thể đứng vững. Trên báo chí cũng như trên Internet, đã và đang có một sự đồng thuận trong dư luận, kêu gọi chính sách Thoát Trung - ra khỏi quỹ đạo Trung Quốc.
Ngày 22 tháng 5, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố một cách rõ ràng, Việt Nam không bao giờ đánh đổi chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để “lấy hữu nghị viển vông.” Lời tuyên bố của ông Dũng có thể cũng là lời nói thay cho toàn bộ giới lãnh đạo bắt đầu sáng mắt trước sự thảm bại của chính sách khúm núm trước Trung Quốc. Lời tuyên bố cũng có thể do áp lực của dư luận quần chúng và nhu cầu giải quyết trò chơi cân bằng cán cân quyền lực. Chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Minh cần được hiểu trong bối cảnh như vậy.
Nếu ông Minh được cử đi sứ để chơi trò chơi nguy hiểm này, nếu muốn thành công, ông ta cần được sự ủng hộ trọn vẹn của một giới lãnh đạo đoàn kết chặt chẽ phía sau một mục đích và chiến lược rõ ràng. Ngoài điều này ra, chẳng còn gì có thể giúp vớt Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn hiện nay.
NMH
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét