Cần có giải pháp cụ thể để nền kinh tế không bị phụ thuộc là một trong những vấn đề trọng tâm được ĐBQH thảo luận.
Trong phiên thảo luận về "đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; phương án đảm bảo cân đối ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013...", ngày 2/6, nhiều ĐBQH bày tỏ lo lắng về tình hình căng thẳng trên Biển Đông và cho rằng cần sớm có các giải pháp thích ứng phù hợp đối với nền kinh tế.Đáng chú ý nhất là ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, ĐBQH tỉnh Thái Bình đồng thời là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, ĐB Lộc cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới trong việc duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này. Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đầy triển vọng nói trên, có thể là một cách thức hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu này.
Liên quan tới quá trình đàm phán và cách thức thực hiện các hiệp định thương mại tự do, đại biểu Lộc đề nghị cần có các phương án đàm phán để đạt được các cam kết khả thi nhất cho nền kinh tế, trong đó đặc biệt cần thận trọng và cứng rắn trong các vấn đề có ảnh hưởng lớn tới người lao động, tới nông dân và sản xuất nông nghiệp như quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm, nông hóa phẩm, lao động.
Đồng thời chú trọng bảo lưu các không gian kinh tế chính sách cần thiết để Chính phủ có thể hành động vì lợi ích công cộng hoặc định hướng cơ cấu kinh tế và bảo đảm cho các doanh nghiệp có thể hưởng lợi thực chất từ các cam kết.
Theo ông Lộc, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế.
"Thực tế hiện nay, về nguồn cung ứng đầu vào sản xuất trong ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50 - 60% từ thị trường Trung Quốc và có tới 90% hợp đồng EPC (Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) trong dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng và vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh”, TS.Lộc dẫn chứng.
Ông Lộc cũng cung cấp thông tin hiện Trung Quốc chiếm khoảng 10% xuất khẩu Việt Nam.Tuy không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ một lượng gạo không nhỏ và nhiều nông sản khác của Việt Nam. Do đó, thị trường này có nhiều ảnh hưởng tới thu nhập của một bộ phận đáng kể và nông dân và những người sản xuất nông nghiệp của nước ta.
“Vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc là rẻ mạt, có mặt hàng chỉ bằng 1/10 giá bán ở thị trường các nước phương Tây và luôn có rủi ro rình rập nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu sang thị trường này bởi hàng rào thuế quan nhập khẩu ở các thị trường Âu - Mỹ còn cao. Chúng ta chưa có được nền công nghiệp chế biến phát triển và chưa biết cách nào để vượt qua khoảng cách xa xôi, bảo quản dài ngày trong quá trình vận chuyển và chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm hết sức ngặt nghèo của những khách hàng giàu có và khó tính trên thế giới”, TS.Lộc phân tích.
Song ông Lộc cho rằng: Chúng ta rất cần tìm ra những lối ra cho nền kinh tế, để tránh tình trạng lệ thuộc bỏ trứng tất cả vào chung một giỏ như hiện nay. Nhưng cũng cần thừa nhận một thực tế là, chúng ta đang kinh doanh trong một nền thương mại kinh tế toàn cầu, nơi mọi doanh nghiệp, mọi nền kinh tế đều có sự ràng buộc, liên hệ chặt chẽ đến nhau. Điều này đúng cả Việt Nam và Trung Quốc.
ĐB Lộc cũng khẳng định Trung Quốc không dễ gì trả đũa ngược đối với Việt Nam khi tranh chấp Biển Đông đang leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam .
“Chúng ta biết rằng, các hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo của Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có lợi ích lớn, nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại Việt Nam . Tất cả những điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi áp dụng biện pháp nào”, ông Lộc khẳng định.
Bích Ngọc/ĐVO
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét