Công trình Nhà hát 3 nón lá |
Nhà báo Lê Thanh Phong: Một gia đình nghèo, có chút ít tiền dành dụm hay vay mượn được, thì phải tính toán thật sát sao để chi tiêu cho hợp lý. Một quốc gia cũng vậy, Việt Nam đi vay “mướt mồ hôi”, vậy mà ngành VHTTDL lãng mạn như con của “đại gia”, hết đăng cai ASIAD 18 lại sang đề án 10.000 tỉ đồng xây nhà hát thì chắc chắn sẽ khánh kiệt.
1. Sau khi Festival Đờn ca tài tử kết thúc, Bạc Liêu đã một lần nữa khẳng định thương hiệu "chơi sang" với cả nước. Bởi, trong khi tỉnh cần được hỗ trợ các công trình phục vụ dân sinh cấp thiết nhưng lại sẵn sàng mạnh tay đầu tư xây dựng nhà hát, trung tâm hội chợ cùng các công trình liên quan đến lĩnh vực văn hóa có vốn đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Công trình "kỳ vĩ" nhất Bạc Liêu phải kể đến là nhà hát 3 nón lá với tổng vốn đầu tư 222 tỉ đồng. Đây cũng là công trình kỳ lạ nhất Việt Nam bởi chưa xây xong nhưng đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam ưu ái trao bằng chứng nhận công trình có mô hình ba chiến nón lá lớn nhất Việt Nam .
Một tỉnh còn nghèo nhưng lại "tha thiết yêu văn hoá", dù người dân còn đánh vật với cái ăn hàng ngày, dù điện-đường-trường-trạm còn thiếu nhưng vẫn quyết tâm hi sinh để mạnh tay đầu tư xây dựng công trình văn hoá. Vẫn biết rằng đời sống văn hoá tinh thần luôn phải được quan tâm, nhưng vấn đề là phải quan tâm thế nào cho có hiệu quả, cho đúng và tránh lãng phí.
Tuy nhiên, nhà hát này cũng chỉ có 800 chỗ. Sắp tới, Việt Nam sẽ có hơn 50 nhà hát “nghìn ghế”!?
2. Không chỉ riêng Bạc Liêu, mà cả đất nước Việt Nam này đều “tha thiết yêu văn hoá” – Bộ VHTT&DL đã chứng minh điều này khi dự kiến sẽ đầu tư 7000 tỷ đồng để nâng cấp và xây mới các nhà hát.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn từ nay đến năm 2020 mà Bộ VHTT&DL mới đưa ra, cả nước sẽ xây mới và nâng cấp 71 nhà hát, trong đó xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000- 3.000 ghế, 40 nhà hát có quy mô từ 1.000- 2.000 ghế, nâng cấp và cải tạo 20 nhà hát đã bị xuống cấp… với tổng kinh phí là gần 7.000 tỉ đồng.
Hiện nay trên cả nước có hơn 70 nhà hát lớn nhỏ, phần nhiều đang ở trong tình trạng…đắp chiếu. Rất ít nhà hát đỏ đèn hàng đêm. Không hiểu Bộ VHTT&DL căn cứ vào đâu để dự đoán một mức tăng vọt về nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân đến độ phải xây dựng thêm nhiều nhà hát to đẹp như thế trong vòng 6 năm tới???
Việc xây mới các nhà hát tràn lan mà không dựa vào nhu cầu thực tế của từng địa phương sẽ dẫn đến lãng phí lớn. Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội đã đầu tư nâng cấp và xây mới rạp Công nhân, rạp Đại Nam, rạp Kim Đồng… nhưng đến nay các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ở đây vẫn còn "èo uột”, nhiều nơi trở thành địa điểm tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, hội nghị, hội thảo...
Trước đó vào tháng 4, nhiều chuyên gia đã lên tiếng can ngăn khi Bộ VHTT&DL đưa ra dự thảo Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,theo đó sẽ xây dựng 3 phim trường ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, trong khi phim trường Cổ Loa với kinh phí 100 tỷ đang bị bỏ hoang, xuống cấp.
3. Có thể thấy, các đề án của Bộ khi đưa ra còn nặng về xây dựng cơ bản, chưa chú trọng đến đầu tư chất lượng nghệ thuật cũng như đào tạo nguồn nghệ sĩ, quản lý trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Theo Quy hoạch đến năm 2020, nhà nước sẽ đầu tư 7.000 tỉ đồng cho việc xây mới và nâng cấp các nhà hát, nhưng chỉ có 31 tỷ đồng cho xây dựng các tác phẩm mới. Trong 5 năm từ 2015 đến 2020, chỉ có 15 tác phẩm mới được dàn dựng và biểu diễn trong cả nước. Thế thì người ta sẽ biểu diễn cái gì trong 50 nhà hát “nghìn ghế” ấy?
Cũng như kế hoạch định đăng cai tổ chức Asiad 18 của Bộ VHTT&DL vừa mới bị rút cách đây không lâu, cần phải nhìn vào một thực tế là các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy nguồn thu hầu như không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao.
4. Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn của Việt Nam , chúng ta cần có cái nhìn thực tế và thẳng thắn.
Không thể mơ mộng kiểu 1 sự kiện thể thao có thể nâng tầm vị thế quốc gia, nâng cao thể lực người Việt.
Không thể lãng mạn và chơi sang kiểu có thật nhiều nhà hát to đẹp thì nhu cầu thụ hưởng và trình độ văn hoá của người dân mặc nhiên tăng cao.
Những kiểu mơ mộng và chơi sang đó chỉ khiến đất nước thêm khó khăn, niềm tin thêm hư hao, nội lực thêm phân tán.
Vị thế một quốc gia sẽ được nâng cao khi và chỉ khi quốc gia đó có đủ nội lực để đi lên bằng chính sức mạnh tổng hợp của mình.
Để phát huy nội lực và sức mạnh thì Việt Nam cần thay đổi nhiều điều trong cách điều hành và quản lý đất nước. Hãy bắt đầu bằng việc tiết kiệm, chống lãng phí tiền của và nguồn lực của xã hội./.
Trà Xanh - (VOV)
-----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét