"Đừng nên dồn ép bắt người dân tiếp nhận những giá trị văn hóa quá cao siêu, bằng một công thức viển vông, thiếu thực tế".
Đó là nhận định của TS Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông của nhiều quốc gia trên thế giới, trước đề án chi hơn 10 ngàn tỷ đồng để xây mới và trùng tu hệ thống nhà hát trên cả nước.Đừng làm cho cái 'sự ế' tăng thêm
- PV:- Bộ VHTT&DL vừa đưa ra đề án đầu tư xây mới và trùng đại tu lại 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế hiện nay, các sân khấu nhà hát không thể sáng đèn hàng đêm vì không có khan giả. Ông đánh giá tính thực tế của đề án này như thế nào, thưa ông?
- TS Nguyễn Xuân Thủy: - Theo tôi đây cũng là một ý tưởng tốt, vì nó tạo ra trung tâm văn hóa cho các địa phương trên cả nước, tăng thêm nhịp độ phát triển và thưởng thức văn hóa của người dân.
Tuy nhiên, ở đây phải nhìn thấy rằng, nhìn vào thực tế hiện nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, hầu hết là văn hóa gia đình, tức là sử dụng Internet, sử dụng vô tuyến, đài phát thanh - truyền hình. Do các phương tiện thông tin đại chúng quá phong phú, chương trình dày đặc, mỗi loại lại có sự hấp dẫn riêng của nó, nên tạo cho người dân có thói quen, ít đi đến các nhà hát, kể cả rạp chiếu phim để thưởng thức văn hóa.
Vì vậy, nên xem xét lại mức độ cần thiết của dự án này. Tôi thiết nghĩ, tùy từng địa phương, tùy nơi để đầu tư, ví dụ tỉnh nào đó, vùng sâu vùng xa, nhân dân ít có các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, Internet thì trên cơ sở nhu cầu của người dân mà xây dựng đề án.
Có thể là Tuyên Quang, Cao Bằng nếu nhân dân cần xem phim, xem hát thì hãy xây dựng. Còn những nơi như HN, TPHCM nếu thấy đã đủ nhà hát, nhà văn hóa rồi thì theo tôi không cần xây thêm nữa.
Ngay như Nhà hát lớn Hà Nội cũng là một nhà hát có tiếng và thu hút được nhiều người, nhưng không phải lúc nào cũng sáng đèn, rồi Nhà hát cải lương, Nhà hát Tuổi trẻ, cùng một số trung tâm văn hóa khác, tôi thấy bằng đó cũng đã đủ để sử dụng thì không nên xây dựng thêm nữa.
Tức việc xây dựng nhà văn hóa phải tiệm cận với nhu cầu thực tế, chứ không phải xây dựng nhiều nhà văn hóa ở khắp cả nước, kể cả vùng cao, vùng xa, xây xong thì để không, dĩ nhiên như vậy thì sẽ gây lãng phí.
Nên phải xem người dân thích loại hình văn hóa nào, chứ không phải xây dựng tràn lan. Nói tóm lại, nên rà soát lại cái gì cần làm và có sự thăm dò ý kiến của người dân, khảo sát, đánh giá, thống kê, từ đó rút ra nơi nào thật cần thiết phải xây.
- PV:- Còn nhớ, Thái Nguyên cũng có tới 4 nhà hát mà bỏ hoang cả bốn, rồi các nhà văn hóa xã hiện nay xây ra cũng chỉ để tiếp khách và tổ chức hội nghị, thậm chí để tổ chức đám cưới.
- TS Nguyễn Xuân Thủy: Giờ đây, chúng ta lại chi hơn 10 ngàn tỉ đồng để nâng cấp, trùng tu, xây mới có phải vì chúng ta dự đoán nhu cầu hưởng thụ văn hóa nhà hát của dân sẽ tăng vọt nên phải đón đầu đáp ứng?
: - Tôi cho rằng dự báo như vậy là thiếu thực tế, khoa học, các nhà hát đang xây dựng, thừa ế ra tại Thái Nguyên, thậm chí Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ... tại sao lại làm cho "sự ế" đó tăng thêm?
Còn nhu cầu của người dân có tăng lên hay không thì phải nhìn vào thực tế công suất sử dụng hiệu quả. Nếu những nơi đang thừa ế mà lại kêu là sắp tăng lên thì tôi lại thấy nó giống như là các Trung tâm thương mại, xây dựng thêm rồi lại để không như Cửa Nam, Hàng Da rồi hàng trăm khu trung tâm thương mại khác khắp cả nước, xây dựng xong không ai đến.
Nhà hát cũng vậy, nếu không tính toán kỹ, dự báo thì phải trên cơ sở khảo sát, trên cơ sở thăm dò ý kiến của dân, thống kê trực tiếp nhìn nhận nhu cầu của người dân mà đầu tư xây dựng.
Việc dự báo cũng phải nhìn khả năng truyền tải nghệ thuật đến đâu, chúng ta có bao nhiêu đoàn văn công, khả năng văn hóa quần chúng như thế nào, mức độ hưởng thụ của người dân như thế nào?
Tôi lấy ví dụ như một nhà hát ở Bắc Ninh, thì nó có đoàn văn công, đoàn quan họ Bắc Ninh có khả năng thu hút người xem, 1 tuần bao nhiêu lần, dựa trên đó mà hãy xây dựng cái cơ sở văn hóa tương xứng với nhu cầu. Chứ có tỉnh không có đoàn văn công nào, thậm chí hàng tháng không biểu diễn lần nào thì xây nhà hát làm gì, khi nó không có tác dụng, thậm chí vô ích.
Nhà quản lý đang mơ mộng với văn hóa cao siêu
- PV:- Hiện chúng ta đã có 71 nhà hát. Việc xây thêm như vậy chẳng lẽ phải hiểu là cách Bộ văn hóa muốn phổ biến nhà hát theo đầu dân theo kiểu “tính cua trong lỗ”? Nếu không như vậy, theo dự đoán của ông, lý do thực khiến Bộ đưa ra đề án này là gì?
- TS Nguyễn Xuân Thủy: - Đúng là Bộ văn hóa đang có ý định tính toán theo đầu dân, nhưng thiết nghĩ, đừng có tính theo kiểu bao nhiêu đầu dân thì có 1 nhà văn hóa, như vậy mới là có văn hóa mà phải trên cơ sở thực tế là người dân có nhu cầu, nhu cầu đó được nghiên cứu cẩn thận, một cách khoa học thì hãy xây dựng.
Tại sao các nhà quản lý, không nhìn vào các nhà văn hóa tại địa phương hiện nay, mà lấy làm kinh nghiệm, cứ nghĩ mỗi xã có một nhà văn hóa thì người dân sẽ đến đó hưởng thụ văn hóa, nhưng thực tế không phải như vậy. Nhiều nhà văn hóa hiện nay đều phòng không, nhà trống, không được sử dụng, gây lãng phí bao nhiêu tỷ đồng, số tiền đó có thể dùng làm nhiều việc có ích, tốt hơn.
Tiền đó có thể sử dụng mua những phương tiện thông tin cho hộ dân nghèo, tỷ lệ hộ dân không có vô tuyến hiện nay trên cả nước cũng không ít, hơn 20%, có phải 15-17 triệu người không có vô tuyến. Sao không tích tiền đó, để mua vô tuyến tặng cho những gia đình không có vô tuyến, như vậy ta sẽ truyền bá được những tư tưởng, văn hóa đến từng gia đình, người dân được hưởng thụ văn hóa một cách hợp lý và thuận lợi hàng ngày, hàng giờ, chứ không phải đến tận nhà hát.
Còn ý tưởng của Bộ văn hóa là tốt, phải có nhà hát, ở các nước có opera, có giao hưởng, nhạc cổ điển, nhưng nước ta trình độ dân trí chưa đến mức cảm thụ được. Ví dụ ở Nga, có nhà hát Bolshoi, có những vở kịch, vở opera cực kì hay, nhưng người xem được những chương trình đó mới đủ trình độ văn hóa, ngang tầm với thời đại.
Nhưng đó là do trình độ văn hóa nước họ cao như vậy cho nên nước mình kể cả biểu diễn múa ba lê đã có mấy người xem vì trình độ dân trí của ta chậm hơn các nước khác ít nhất cũng nửa thế kỷ, ta phải công nhận, thực tế chúng ta trải qua bao nhiêu năm chiến tranh, đời sống nhân dân khó khăn, đô hộ bao nhiêu năm, nên không thể có trình độ nhận thức nhanh như các nước khác.
Vì vậy việc xây dựng nhà hát phải trên cơ sở trình độ dân trí hiện tại, dự báo trong tương lai, chứ không rất lãng phí, chứ đừng nên dồn ép bắt người dân tiếp nhận những giá trị văn hóa quá cao siêu, bằng một công thức viển vông, thiếu thực tế.
Hiện nay, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Nhật bình quân mỗi năm người ta có khoảng 15-20 đầu sách/người dân, trong khi nước mình có 3,5 đầu sách/người dân. Tại sao ta không tập trung phát triển mạnh cái xuất bản, báo chí, có trung tâm thư viện lớn, thu hút người dân đến đọc sách/báo, theo tôi nó thực tế hơn, nâng cao dân trí nhanh hơn.
Còn nếu cứ làm theo nghị quyết của Quốc hội, của các cấp, mỗi tỉnh có bao nhiêu nhà văn hóa, nhà hát thì mới tương ứng với tiêu chuẩn xã văn hóa, tỉnh văn hóa, trên cơ sở những tính toán viển vông như vậy nên họ mới đưa ra những dự án rất tốn tiền.
Có nghĩa chúng ta cũng đã cầu thị, học hỏi, làm theo nước ngoài nhưng áp dụng không nhuần nhuyễn, hợp lý, cho nên không tạo ra hiệu quả, đồng tiền không đúng chỗ đúng nơi, không có trọng tâm nên người dân không được hưởng thụ thực chất.
- PV:- Chúng ta đã có những bài học về chuyện lãng phí những công trình xây dựng phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long như Bảo tàng Hà Nội, rạp Đại Nam. Bài học kinh nghiệm rút ra lẽ ra phải là gì? Sự chậm tiếp thu của các người làm văn hóa bắt nguồn từ những lý do nào?
- TS Nguyễn Xuân Thủy: - Tôi cũng đã từng có dự báo, viết tâm thư gửi cho Hà Nội, trước khi xây dựng các công trình kỉ niệm 1000 năm Thăng Long, nghi ngờ những công trình xây dựng này có đảm bảo được chất lượng hay không?
Những dự báo của tôi chính xác 90 đến 100%, tôi có dự báo nhiều tuyến không đảm bảo trong đó có tuyến Đại lộ Thăng Long, tiến độ xây chậm, hỏng, rồi hàng loạt công trình khác trong đó có Bảo tàng Hà Nội. Những công trình xây dựng không đúng trọng tâm, không đúng nhu cầu xã hội thì nó gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ chứ không phải hàng chục nghìn tỷ. Vì vậy, theo tôi đó là bài học cảnh báo cho những cơ quan chức năng, trong khi dự toán, dự báo, chiến lược phát triển, quy hoạch phải trên cơ sở thực tiễn và tính khoa học khi tính toán.
Trên cơ sở như Bác Hồ từng nói: "Nơi nào dân cần thì chúng ta làm, dân không cần thì chúng ta không làm". Các nhà lãnh đạo cũng phải nắm rõ để tránh lãng phí, nhà hát không cần thiết thì không nên triển khai, tránh lãng phí.
Còn câu chuyện tại sao Bộ văn hóa chậm tiếp thu nghĩ nhanh, tôi thấy có mấy nguyên nhân:
Thứ nhất, cán bộ tham mưu, đội ngũ công chức quá yếu, các cấp từ vụ trưởng trở xuống không có khả năng tham mưu tốt cho các cấp lãnh đạo, cấp Bộ, bởi vì ta hay lấy con ông cháu cha vào, rồi những người giỏi thì ra ngoài cơ sở kinh doanh, yếu thì vào công sở với đồng lương ít, để sáng cắp ô đến, tối cắp ô về.Tầm nhìn, chiến lược yếu kém, viết đề án thì viết theo lý thuyết, ngồi trong phòng lạnh, làm không hết trách nhiệm, không đi thực tế xô xát, không đi điều tra thì làm sao đúng thực tế.
Thứ hai, phương án đề ra đã sai từ đầu, lãnh đạo cơ quan chức năng nên xem lại cách nhìn nhận. Bộ trưởng Bộ văn hóa, Bộ GTVT trước khi đưa xuống các đề án để tham mưu thực hiện thì phải biết được ý nghĩa thực tiễn của nó như thế nào.
Thứ ba, trong thực tiễn của nước ta, người dân hay dư luận, lãnh đạo cứ vẽ các đề án ra để có thành tích báo cáo, vẽ ra để có điều kiện cho những kẻ tham nhũng có cơ hội trục lợi, dự án nào chả có tham nhũng, lãng phí, nên hầu hết là do các anh tham mưu cứ vẽ đề án ra để cấu xé với nhau, trong đó có cả tài chính, có cả ngân hàng, nhà thầu.
Công chức cắp ô tính cua trong lỗ
- PV:- Dường như đang có sự lệch pha giữa tình hình thực tế và chiến lược dài hơi được những nhà quản lý vạch ra. Theo ông, sự lệch pha này có nguồn gốc từ đâu, do những nhà quản lý “tính cua trong lỗ” hay do bệnh thành tích?
- TS Nguyễn Xuân Thủy: - Hoàn toàn đúng! Tôi lấy ví dụ, việc đưa ra đường sắt cao tốc Bắc - Nam, rất buồn cười, một đất nước nghèo nàn mà lại muốn xây dựng một tuyến đường mà trên thế giới không phải nước nào cũng xây dựng. Thế thì rõ ràng giữa cái chiến lược và yêu cầu thực tế cách xa nhau nên Quốc hội không thông qua.
Để thấy hàng ngày cái lãng phí lớn hơn cái tham nhũng rất nhiều, 1 cảng biển xây dựng lên để không, đường cao tốc xe ít chạy, hàng hóa không đi qua, không thu hút đầu tư...đó là bài học thực tế. Đường HCM là một ví dụ dài gần 1500km, tiêu tốn 70 đên 80 nghìn tỷ nhưng xe đi qua rất ít, mà trong GTVT xe qua lại ít thì lại lỗ, thế là lại vứt tiền qua cửa sổ.
Cả chuyện xây dựng nhà hát cũng vậy, đó là chiến lược xây dựng trên lý thuyết, trên tầm vĩ mô quá xa và tầm nhìn không hợp lý, vì vậy gây lãng phí quá lớn cho nhà nước. Trong khi bao nhiêu cầu treo của người dân bị hư hỏng, bao nhiêu con đường đi miền núi không xây dựng, xảy ra tai nạn, đi lại khó khăn. Sao không đầu tư giúp người dân nâng cao văn hóa bằng những việc làm thiết thực.
Nguyên nhân chính tôi nghĩ là do cán bộ tham mưu, nhà lãnh đạo cơ quan chức năng tầm nhìn chiến lược phát triển không phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước, cái đó đòi hỏi các nhà quy hoạch có nhiều kinh nghiệm, thì mới quy hoạch có những phương án, đầu tư sát thực tế.
Thứ 2, chạy theo thành tích, nghị quyết của TƯ, địa phương đặt ra mỗi tỉnh phải có đường này, đường kia, nhà văn hóa cấp này, cấp nọ mà làm bao nhiêu tiền thì nhà nước lại rót xuống.
Thứ 3, trong khi thực hiện có yếu tố ích kỷ, có yếu tố cá nhân, vừa có thành tích, vừa có điều kiện xè xẻo ở mức độ nào đó, để cải thiện nâng cao đời sống.
- PV:- Thời gian gần đây, các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa đưa ra nhiều kế hoạch phát triển văn hóa dựa trên việc xây dựng cơ sở hạ tầng như việc quy hoạch nhà hát hay quy hoạch điện ảnh. Là một người làm nghề, ông bình luận thế nào về phương cách phát triển bằng xây dựng này của Bộ Văn hóa, thưa ông?
- TS Nguyễn Xuân Thủy: - Theo tôi, văn hóa hay ngành nào cũng cần có cơ sở hạ tầng, thì mới có thể phát triển, nhưng hạ tầng cần phụ thuộc trình độ, nhu cầu, khả năng tiếp thu và điều kiện thực tiễn của đất nước.
Như xây dựng trường quay Cổ Loa, tại sao không nắm bắt yêu cầu của các nhà quay phim, đóng phim, khả năng 1 năm đóng bao nhiêu bộ phim, chất lượng thế nào, chiếu ra có người xem không thì hãy xây dựng.
Hay đến nhà văn hóa thì yêu cầu dân đến đâu xây đến đó, nhà hát cũng vậy, việc nêu ra không phù hợp thực tiễn, nên hạ tầng gây lãng phí thêm, nếu đầu tư đúng chỗ thì sẽ khác.
Thanh Huyền (Thực hiện)/ĐVO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét