Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Đời yếm

Chẳng biết cái yếm có từ thời nào, nghe nói nó có từ thế kỉ 12 triều Lý.  Xưa dân mình quen ăn chắc mặc bền, áo quần còn chưa đủ mấy ai để ý đến nội y. Sáng kiến cải tiến nội y đặc săc này chắc chắn là của các công chúa, các tiểu thư phu nhân nhà quí tộc.  Người ta nói cái yếm ra đời để tôn cái lưng ong, thì đúng rồi, nhưng trước hết nó che bộ ngực, nơi đàn ông hay để ý tất phải có cái che đậy, bảo vệ.


             Thoạt kì thuỷ chiếc yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét làm cổ, hai đầu đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Sau thì thiên hình vạn trạng. Cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn….


Nghệ thuật nửa kín nửa hở của cái yếm gọi là tuyệt chiêu, cả ba góc luôn tình trạng sắp nhìn thấy nhưng vẫn kín đáo như thường. Tấm lưng ong lộ thiên phía sau, bộ ngực nẩy rung rinh phiá trước vô cùng hấp dẫn. Về sau sinh ra cái nịt ngực để bảo vệ bộ ngực, làm cho ngực khỏi sệ lại tránh được hoàn toàn mọi góc nhìn xéo của cánh mày râu.


Cái nịt ngực lúc đầu chỉ là tấm vải thô buộc chặt ngực, sau mới khoét lỗ cho thoáng, làm dây buộc cho tiện, gọi là cái xu chiêng. Đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, xâm lược luôn cái yếm, mẫu corset của đàn bà tây chế ngự ngực đàn bà ta rất nhanh. Gái tân thời nêu gương đeo trước, về sau cả tân thời lẫn nạ dòng, cả gái quê lẫn gái thị thành đều đua nhau đeo, cái yếm tuồng như biến mất, chỉ còn lại nơi đàn bà thuần chất quê.


Thực ra nịt ngực là biến dạng của cái yếm, nó sinh ra vì nhu cầu có bộ ngực đẹp của phụ nữ, độ nửa kín nửa hở rõ ràng hơn. Đàn bà xưa nay đều vậy, vừa muốn che vừa thích khoe, cái yếm tưởng hở nhưng kín như bưng, nịt ngực khác, góc nào cũng lồ lộ những khoảng da thịt trắng ngần, gợi cảm hấp dẫn.


Ngày nay nơi gọi xu chiêng, nơi gọi nịt ngực, nơi gọi cooc-sê tùm lum tùm la. Trước 1975 không biết miền Nam gọi là gì chứ miền Bắc đều gọi  là cooc- sê, gọi thế vừa thanh lại vừa oách. Thời này chiến tranh ác liệt, dân chúng đào hầm phòng chống bom đạn thì cái cooc- sê cũng cố thủ bằng một lớp vỏ rất dày.


Lúc đầu chị em còn cho may chồng lớp nhiều lớp vải dày cộp, sau còn lót cả catton , giống hai cái phễu nhọn cứng. Ra đường cô nào cô nấy hai khối nhọn hoắt, càng nhọn càng oách. Chả hiểu ngực cứng nhọn thì đẹp kiểu gì nhưng các cô đua nhau cứng nhọn.


Đã thế còn thắt rất chặt, ép bộ tuyệt lê trong hầm catton, thời này chị em toàn cài cúc, mỗi lần cài cúc vô cùng khó, phải có người đứng sau giúp cài cho, rất phức tạp nhưng chẳng ai chịu nới rộng ra. Nhiều người bị viêm loét ngực cũng vì thế nhưng chẳng ai rời mốt nhọn cứng, cứ đua nhau cứng hơn nữa, nhọn hơn nữa, rất lạ.


Cô nào ngực nhỏ còn độn cả một lớp vải dày cứng, đôn cái cooc- sê lên thật cao thật nhọn cho bằng chị bằng em. Nhiều cô đầu nhọn cooc- sê đâm thủng cả áo. Đi xem phim đứng trước chị em, lỡ cô nào đè ngực vào lưng, hai cái đầu nhọn đâm một phát, đau chết điếng.


Miền Nam giải phóng, ngực chị em  miền Bắc cũng được giải phóng luôn, cái cooc-sê cứng nhọn chật cứng của chị em miền Bắc gần như đồng loạt biến mất, thay vào đó là cooc-sê mút mềm mại nhẹ nhàng rộng rãi của miền Nam.


 Cho  đến năm 1980 trở đi mốt nhọn hoắt nhường chỗ cho mốt tròn đều. Các cooc –sê có thêm một gọng đỡ bằng thép hay nhựa cứng, ngoài có viền đăng ten nhìn rất ngon mắt. Dần dà các loại cooc-sê được cải tiến thiên hình vạn trạng, cooc –sê không dây vai, cooc- sê khuy móc phía trước, cooc- sê may liền áo, cooc- sê hoàn toàn không dây, chỉ hai cái kẹp móc liền ngực vô cùng giản tiện.


Ngày nay hình như chị em đang chán các loại cooc-sê, nhiều người không thèm đeo nó nữa, họ thích sự rung rinh gợi cảm khi di chuyển hơn là cứ đóng đinh chật cứng, mất cả mềm mại. Cái yếm ngàn xưa lại trở về, trên sân khấu, ngoài đường phố ta thấy gái tân thời ngay nay đang đeo những cái yếm tân thời thay luôn cả áo. Cái yếm khéo phô cái eo thon và làn da trắng mềm mại, khoe luôn đôi cánh tay tròn lẳn, ba góc chéo luôn ở tình trạng sắp nhìn thấy, mỗi bước đi lại rung rinh rung rinh.


 Thế mới biết ông bà ta xưa thật khéo chơi.


( Bài viết cho Thời trang trẻ)


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét