Mình quen Trần Khắc Tám từ năm 1982 khi mình vừa chuyển quân từ Quảng Ninh về Đà Nẵng. Một buổi sáng mình đến Hội văn nghệ chơi, thấy một anh chàng ốm nhom đi đứng nhẹ tênh như là không dính đất nhưng mặt mũi sáng trưng, đẹp trai nữa, đôi mắt tươi sáng lạ thường. Mình hỏi nhỏ Thanh Quế ai đó, anh Quế kéo mình đến chỗ nó, nói Tám Tám, Nguyễn Quang Lập đây này.
Nó bắt tay mình, cái nhìn vô cùng ấm áp thân thiện, nóiLập vừa ở Quảng Ninh vào à. Té ra nó đọc rất nhiều, mình mới in có hơn chục bài thơ mà nó đọc hết, nói vanh vách bài này bài bài nọ, còn biết mình là bộ đội tên lửa, vừa được giải thơ Trung ương Đoàn, học Bách Khoa, người Quảng Bình. Mình sướng rêm, không ngờ thế mà mình cũng nổi tiếng, ít nhất cũng có một người thích thơ mình, đó là Trần Khắc Tám, hi hi.
Hồi đó Hội Văn Nghệ Quảng Nam- Đà Năng rất mạnh, lực lượng hùng hậu, qui tụ nhiều văn tài khét tiếng, tụi mình chỉ là đám văn trẻ loăng quăng, mấy thằng hay chơi với nhau là mình, Trương Điện Thắng, Thuận Hữu, Nguyễn Tấn Sĩ, Trần Khắc Tám…suốt ngày đàn đúm, đói rách thế mà hễ gặp nhau là kéo nhau vào quán bù khú, tranh nhau đọc thơ văng cả bọt mép, say sưa ngất ngưỡng con cà cưỡng, thằng nào thằng nấy hung hăng lắm, như sắp giật giải Nobel đến nơi, hi hi.
[caption id="attachment_4552" align="alignleft" width="117" caption="Trần Khắc Tám và bọ Lập năm 1983"][/caption]
Tám lăng lẳng theo hội này, không hăng máu vịt như tụi mình, chỉ lẳng lặng ngồi nghe, ừ ừ à à, thỉnh thoảng nói một câu tiếng nào tiếng nấy rời như cơm nguội, nếu không nhìn vào mắt nó, chỉ nghe nó nói thật chán ngắt. Tuồng như nó sống để nhìn và ứng xử chứ không phải để nói. Mắt nó biết nói, chỉ nhìn vào mắt nó thì biết nó yêu ghét thế nào, vui buồn ra sao.
Ngồi đâu cũng vậy, ai bảo đọc thơ thì bẽn lẽn ngượng ngùng như gái bị gợi tình, nói thơ tui có chi mà. Ép mãi rồi cũng đọc một bài, được khen mắt lóng la lóng lánh hệt gái nhận được nụ hôn đầu, nói hay thiệt không hay thiệt không. Rồi ngồi im nghe người khác nói mắt ngước nhìn háo hức, ai nói chuyện với nó, chỉ cần nhìn mắt nó thôi cứ muốn nói mãi.
Bạn bè ai có thành công gì nó hân hoan mừng rỡ giống người nhà có được thành công, ngồi đâu cũng chép miệng nói ông đó giỏi hè, bà kia giỏi hè vô cùng chân thành, ánh mắt sáng trưng đầy ngưỡng mộ không một gram ghen tị, y chang fan hâm mộ nói chứ không phải đồng nghiệp nói về đồng nghiệp.
Lâu lâu gặp mình ít khi thấy nó vồ vập, vô vô ra ra lờ vờ, nói đợi tui chút nghe, ai không biết tưởng nó lạnh lẽo, chỉ cần nhìn vào mắt nó là biết nó mừng rỡ thật lòng thế nào. Ối người vừa gặp tay bắt mặt mừng, có khi ôm choàng thắm thiết, kì thực ánh mắt lạnh tanh, kéo vào quán uống đôi ba chén nói dăm ba câu rồi kiếm cớ chuồn thẳng. Đau nhất là trước khi chuồn còn ôm choàng thắm thiết, nói gặp lại cậu mừng lắm mừng lắm, bữa nay mình kẹt quá, nhất định anh em mình phải có một bữa nhậu ra trò, sau đó thì mất hút con mẹ hàng lươn, hi hi.
Sau 1984 mình ra quân về Huế làm việc, nhận luôn việc xuất bản. May Trần Khắc Tám làm ở công ty phát hành sách, có bản thảo nào mình liền hỏi nó mày mua bao nhiêu, nó bảo mua bao nhiêu mình in bấy nhiêu, in xong vác sách vào nộp nó, lấy cái sec ra, khoẻ re. Cũng có khi phải ăn chực nằm chờ cả tuần mới lấy được tiền, những lần như vậy mình đều ở nhà nó.
Mỗi lần vào cơ quan tìm nó, chưa bao giờ thấy nó tay bắt mặt mừng, ôm choàng thắm thiết, gặp cái là nó lẹ làng giải quyết hết việc cơ quan rồi dắt xe ra, nói đi hè, coi như đương nhiên mình phải về nhà nó, không cần phải bàn.
Chẳng riêng gì mình, anh em văn nghệ từ Bắc vào từ Nam ra đều về ở nhà nó, có người ở đến hai ba tháng nó vẫn vui vẻ như không. Vợ nó hiền lành nhu mì, phàm là bạn chồng lập tức vợ nó coi như người nhà, đối đãi vô cùng tử tế. Nói thật mình chưa thấy vợ ai hiếu khách được như vợ Trần Khắc Tám. Ở nhà nó thoải mái như ở nhà mình, lúc nào cũng thấy gương mặt sáng trưng của hai vợ chồng nó, như là việc mình đến là đem đến niềm vui cho chúng nó vậy.
Thời này đói kém, nhà cửa chật chội, bữa cơm không phải chuyện đùa, ăn nhà ai một bữa, bữa thứ hai đã phải tính xem có nên không. Mình nhớ có lần cùng đường, tiền hết gạo hết, suýt chết đói ở Ngã Tư Sở vẫn chẳng dám đến nhà ai. Bạn bè đã ăn cơm hết lượt, nhà ông anh ruột cách đó chừng mấy trăm mét thì đã ăn mòn bát rồi. Nếu không gặp anh Xuân Diệu có khi chết đói thật, may.
Chuyện này mình đã kể, nhắc lại để mọi người hiểu cho cái thời này cay cực như thế nào, có được một nhà như nhà Trần Khắc Tám thật hiếm lắm thay. Nhiều người đã ăn ở lại còn phá quấy, rượu say lên còn chửi bới đập phá lung tung, vợ chồng nó vẫn niềm nở không một lời ta thán, quá phục.
Gần gũi nó mấy chục năm chưa khi nào thấy béo lên được chút nào, nó bị hen lại đại tràng kinh niên, uống thuốc còn nhiều hơn cơm cháo. Nhiều đêm khuya khoắt thấy vợ nó loay hoay với cơn hen bất chợt của nó cho đến ba bốn giờ sáng mới yên, vừa thương vừa áy náy quá. Đôi lần muốn bỏ đi, vợ chồng nó đều vội vàng can ngăn, nói không không, è he có chi mô mà.Ông đi vợ chồng tui còn buồn hơn. Những lúc như vậy đôi mắt nó anh lên tươi sáng lạ thường.
Mình bị tai nạn nằm liệt giường hai năm, thỉnh thoảng nó gọi điện ra hỏi ông khoẻ không, chỉ hỏi thế thôi rồi không biết nói gì thêm nữa, hình như nó nghĩ nói gì lúc này cũng sáo. Ra Hà Nội lần nào nó cũng đến thăm mình, ngồi nắm tay mình mắt rưng rưng không nói gì. Đến năm mình gượng dậy được, đi lại vững vàng nó mừng lắm, cả vợ lẫn chồng bay ra thăm. Nó cười cười nói nói vui hơn tết, nói hay rồi hay rồi, ri là có cơ hội vô Đà Nẵng chơi với tui được rồi.
Nó nói tui ráng làm cái nhà rộng rãi để đón rước bạn bè thì bạn bè cũng khá lên cả, chẳng ai vô ở nhà mình nữa, toàn ở khách sạn không thôi. Hè ni tui đón cả nhà ông vô ở nhà tui một tháng. Khai trương cái nhà không có bạn bè vô ở buồn lắm, tủi nữa. Nó cười, nụ cười rưng rưng.
Chẳng ngờ một tháng sau thì nó chết, cái chết vô lý hết sức. Nó đi tập thể dục về đi qua đường, một bà đi xe máy chở hai cái sọt củ cải đi qua, cọng sắt cái sọt ngoắc vào áo nó, lôi nó đi hơn chục mét, đưa vào bệnh viện một ngày thì nó đi.
Nó đi vào đúng tuổi 49, khi hai thằng con đã khôn lớn giỏi giang, khi nhà cửa đàng hoàng, công việc vợ con không còn phải lo nghĩ, bạn bè cũng đã khá lên nó khỏi phải lo đón rước, chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng nó đã tổ chức thành công đang kì phát triển, tuồng như mọi việc trời giao nó đã hoàn thành, thì nó đi, thế thôi.
ĐI CHỢ CHIỀU NHỚ MẸ
NHÌN VỀ ĐÂU CŨNG THẤY THIẾU MỘT NGƯỜI
Trần Kỳ Trung
Mới đó, Trần Khắc Tám đã xa chúng ta sáu năm rồi.
Thật lạ, cho đến tận giờ, tôi vẫn nghĩ Tám vẫn đang mải miết với công việc, với thơ, tạm tránh bạn bè .
Vì tính của Trần Khắc Tám vẫn như vậy.
Tôi nhớ, khi Trần Khắc Tám nhận nhiệm vụ Giám đốc trưởng chi nhánh nhà xuất bản Kim Đồng ở miền Trung, có trụ sở ở một căn nhà nhỏ đường Nguyễn Chí Thanh ( Đà Nẵng ), rất ít người biết. Chi nhánh có vài nhân viên, gần như Tám đảm đương hết mọi công việc từ giao dịch, vận chuyển, thanh toán đến tiếp Cộng tác viên... Trong căn phòng làm việc chật chội, bốn bề ngồn ngộn sách, Tám tiếp tôi, bên cạnh chai nước lọc, nói những ý tưởng lớn để xây dựng Chi nhánh của một NXB Trung ương phát triển đúng tầm vóc. Điều khắc khoải mà Trần Khắc Tám quyết phải làm, làm thế nào đưa được sách của NXB Kim Đồng xuống tận các trường Trung học, các trung tâm CLB thiếu nhi, các lớp mẫu giáo, các thư viện ở nông thôn... Rồi chuyện xây dựng được một mạng lưới Cộng tác viên hùng hậu viết truyện thiếu nhi ở miền Trung và Tây Nguyên... Những điều Tám với tôi, tôi không nói ra nhưng cảm giác thấy khó là bởi với dáng vóc của Tám thế kia, nhỏ người, tiếng nói không to, đi đứng lúc nào cũng khoan thai, mực thước như một anh giáo làng, liệu có thể làm được không? Hay là...
Nhưng tôi đã lầm. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn những điều Trần Khắc Tám nói với tôi đã trở thành hiện thực.
Tôi đã dự nhiều buổi Trần Khắc Tám giới thiệu sách của NXB Kim Đồng ở trung tâm văn hóa thiếu nhi thành phố Đà Nẵng, nhiều cuộc thi tìm hiểu sách thiếu nhi được tổ chức mà Trần Khắc Tám là chủ khảo, cả những đợt phát hành sách của NXB Kim Đồng thật rầm rộ, được đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi hào hứng mua sách. Trụ sở của Chi nhánh NXB Kim Đồng ở thành phố Đà Nẵng mới có hơn năm đã phát triển khang trang, không phải thuê chỗ mà có một trụ sở chính đàng hoàng, mặt tiền ba tầng tại đường Trần Phú...Những điều đến chính tôi, dù là một con người ít mơ tưởng, cũng ngạc nhiên khi thấy kết quả của Trần Khắc Tám đã làm.
Trần Khắc Tám đã nói là làm, làm hết khả năng, hết công suất. Với tập thể cũng thế, với bạn bè cũng thế. Quả thực, nếu không có Trần Khắc Tám, có lẽ ... tôi đã không viết được sách thiếu nhi. Không biết từ đâu, Trần Khắc Tám gặp tôi, nói : “ Này, tôi thấy ông viết được chuyện cho thiếu nhi đó. Cứ mạnh dạn lên!” . Tôi lắc đầu:“ Cảm ơn ông ! nhưng tôi nghĩ viết truyện cho thiếu nhi, chắc khó!”. Trần Khắc Tám lại động viên: “ Ban đầu cái gì chẳng khó. Ông cứ viết đi, có gì tôi góp ý cho.”. Tôi thực hiện lời động viên của bạn, mày mò viết quyển tiểu thuyết thiếu nhi: “ Cuộc phiêu lưu không định trước” , miệt mài trong ba tháng. Bản thảo đưa cho Tám, Tám mừng như chính mình viết. Tôi nhớ, Tám đọc cẩn thận bản thảo của tôi, góp ý từng chi tiết để bản thảo hoàn chỉnh. Khi quyển sách được xuất bản ở NXB Kim Đồng, Trần Khắc Tám bỏ tiền túi ra đãi tôi, không cho tôi trả. Tám nói với tôi một câu, làm tôi nhớ mãi: “ Quyển sách của ông xuất bản, chỉ cần tôi và ông sướng, thế cũng “ đã” lắm rồi!”.
Sống chân thành với bạn như thế, tôi nghĩ, ở đời đâu có nhiều người. Nhưng những người sống chân thành, hết lòng lo cho mọi người, không hiểu sao, nếu tôi nhận xét chính xác, thường có tâm trạng buồn. Có thể với Trần Khắc Tám, cái làng quê ở Quảng trị nắng rát ràn rạt, gió cát thổi mịt mù, những trận lụt khủng khiếp... lại một thời bom đạn xé nát tất cả còn in đậm trong tâm trí của Tám. Lớn hơn là những hình ảnh của người thân trong gia đình của Trần Khắc Tám. Vết nghèo in đậm trên đòn gánh ngang vai của người Mẹ, khổ thế, mọi người trong gia đình vẫn rất thương yêu, đùm bọc, sống chân thành. Điều đó đã tạo cho Trần Khắc Tám một cách nhìn đời hướng “ thiện”. Trong thơ của Tám, cũng như cách sống ngoài đời, bao giờ Tám cũng rất sợ con người sẽ sống “ác” với nhau, quay lưng lại với mọi nỗi khổ của đồng loại. Nếu có tiếng cười hồn nhiên, rất trong, là lúcTám viết về thiếu nhi. Đọc thơ, tạp văn của Tám viết cho các em thiếu nhi tôi hay liên tưởng đến hình ảnh của Tám hồ hởi kéo con gái tôi đi khắp cả quầy sách, giới thiệu những cuốn sách hay mà cháu chưa kịp đọc. Chỉ khi nói về nhân tình thế thái, Tám mới có những trăn trở, day dứt. Tám muốn mọi người sống nhân ái, thương nhau bằng tình cảm, bằng hành động, bằng thơ... Lời thơ của Tám không nói những điều cao siêu, thường chỉ là những chi tiết rất nhỏ như một chiếc lá vàng rụng xuống đường trong đêm cuối thu, một tiếng chim gù nghe thấy bất chợt trong góc phố, tiếng hát nho nho của một cô gái đạp xe trên đường đi học về và thậm chí một ngày sinh nhật tự mình tổ chức, xung quanh không có bạn bè... Lời thơ phảng phất một nỗi buồn khôn tả, dẫu vậy không làm cho người đọc cảm thấy thương hại mà chỉ thấy đồng cảm như Tám đang nói về số phận từng con người trong xã hội này, chứ không nói riêng cho Tám.
Tôi nghĩ, thật mừng, cả công việc và thơ, Trần Khắc Tám đã thu gặt được một số thành quả nhất định.
Và tôi cũng nghĩ, giá như không có một tai nạn giao thông ác nghiệt sáng hôm ấy, khi Trần Khắc Tám cùng vợ đi bộ tập thể dục để Tám ở lại với chúng ta, tôi và các bạn nhìn đời thêm đẹp. Vì trước mặt chúng ta có một người bạn luôn sống tốt, làm việc tốt cho mọi người.
Đau quá!
Để bây giờ tôi ở Đà Nẵng :“ Nhìn về đâu cũng thấy thiếu một người”. ( Lời thơ trong một bài thơ của Trần Khắc Tám)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét