Các nhà sản xuất phim truyền hình thường viện cớ kịch bản nước ta thiếu và yếu nên buộc họ phải mua kịch bản nước ngoài để làm phim. Không phải như vậy đâu. Ðó là cách đổ thừa cho biên kịch nước nhà, như xưa nay người ta vẫn làm, phim hay nhờ đạo diễn, phim dở do kịch bản tồi!
Thiếu và yếu
Nói rằng kịch bản nước ta vừa thiếu vừa yếu không sai, nhưng đáng ra phải nói đầy đủ hơn, rằng điện ảnh nước ta cái gì cũng vừa thiếu vừa yếu, thiếu và yếu số một là các nhà sản xuất và quản lý.
Ngày nay điện ảnh được xã hội hóa, rất nhiều hãng phim tư nhân ra đời là điều đáng mừng. Cái chính là có quá nhiều hãng phim thành lập ồ ạt, bản thân các ông bà chủ hãng tư nhân ấy rất yếu về văn hóa xinê, nhiều người có thể nói là không biết gì cũng liều mạng mở hãng phim.
Có nhà sản xuất cái gì cũng biết một tí, rung đùi cho mình nắm hết càn khôn, bắt tay chỉ ngón hết mọi việc, từ biên kịch đến đạo diễn nhất mực phải làm theo. Nhà sản xuất này cũng đinh ninh biên kịch nước ta yếu nên trực tiếp chỉ huy biên kịch, bắt viết A phải viết A, bắt viết B phải viết B, ai can ngăn cũng không nghe. Kết quả kịch bản gửi lên tivi bị loại ngay từ vòng gửi xe. Nhà sản xuất đinh ninh do biên kịch dốt chứ không phải do mình, biên kịch dốt thế thì ra nước ngoài mua kịch bản về làm cho khỏe xác.
[caption id="attachment_4070" align="aligncenter" width="500" caption="Bọ Lập đứng cạnh bà chị xinh đẹp Dương Thu Hương và hai nhà thơ Đông Trình, Nguyễn Duy tại đại hội nhà văn năm 1995 ( ảnh tư liệu gia đình của Nguyễn Hữu Hồng Minh)"][/caption]
Nhiều hãng có ban bệ biên tập đông đúc, làm việc bài bản lắm. Họ chẳng cần kịch bản hay, cứ nhè đám sinh viên viết kịch bản, mua cả mớ mỗi tập 2-3 triệu đồng rồi đem về cho biên tập xào xáo. Khốn nỗi biên tập của họ không có khả năng làm ra kịch bản hay thì làm sao biến cái dở thành cái hay, biến cái hỏng thành cái tốt được.
Phim bị người ta chê quá bèn đùng đùng ra nước ngoài mua kịch bản. Kịch bản phim người ta làm rồi giá rẻ như bèo, có nơi còn cho không, khỏi phải chi trả tiền giá cao mua kịch bản hay trong nước, lại chắc mẩm có phim hay dại gì không mua. Họ đem về giao cho biên tập thay tên đổi bối cảnh, gọi là Việt hóa rồi đem đi sản xuất. Rất nực cười!
Việt hóa là một công việc rất khó
Thật ra mua kịch bản nước ngoài về làm phim không phải chỉ ở nơi kịch bản vừa thiếu vừa yếu, ngay cả những nơi có đội ngũ biên kịch hùng hậu nhất thế giới như Mỹ cũng mua kịch bản phim hay nước khác về sản xuất. Và phần lớn họ đã thành công.
Lý do mua kịch bản phim hay nước ngoài về làm ra phim dở có rất nhiều, ở đây tôi chỉ nói sự thẩm định khi chọn mua kịch bản và khả năng Việt hóa kịch bản.
Chọn lựa những phim nước ngoài phù hợp tâm lý tiếp nhận của người Việt rất khó. Cũng như người Mỹ không thể mua kịch bản Tam quốc diễn nghĩa của Trung Quốc đem về Mỹ hóa rồi dựng phim được, mặc dù đó là phim cực hay, cực kỳ nổi tiếng.
Khi xem các phim nước ngoài là ta đang xem chuyện của người ta, không liên quan đến mình. Còn khi anh đã đem kịch bản nước ngoài làm phim của mình thì người xem không còn xem chuyện của người ta nữa mà đang xem câu chuyện của chính đất nước mình. Mỗi người xem đều tìm kiếm trong đó ký ức của họ, thẩm định lại các giá trị văn hóa Việt mà họ có. Khi đó kịch bản không những phải có một cốt truyện hay mà dứt khoát phải phù hợp phong hóa với dân ta nữa.
Và để thẩm định những phim có thể phù hợp với phong hóa Việt đòi hỏi phải có chuyên gia, ngay cả chuyên gia thì không chỉ một người mà là cả một nhóm chuyên gia chuyên môn cao mới có thể làm được việc này. Các nhà sản xuất nghe phong thanh phim này hay, phim kia hay, nước người ta đông người xem lắm là vội vàng mua kịch bản về để chế tác, không thèm hỏi ai, đó là một sai lầm.
Có nhà sản xuất kịch bản đưa đến cho tôi một mớ kịch bản nước ngoài nhờ Việt hóa. Tôi đọc xong và trả lại, nói rằng phim này không thể Việt hóa được. Họ không tin đem nhờ người khác Việt hóa, kết quả làm ra một phim dân chúng kêu trời.
Thật ra Việt hóa là một công việc rất khó, nó còn mất công hơn cả viết ra một cái mới, trong khi giá Việt hóa cho một tập phim chỉ xêm xêm giá biên tập, vì thế ít ai nhận làm cái việc vừa khó vừa ít tiền này. Người nhận việc này đa số là những biên kịch ít việc làm hoặc những biên kịch trẻ chỉ mong có ai thuê, giá nào cũng được. Nói thẳng những người này viết một kịch bản cho ra hồn còn khó, làm sao Việt hóa được một kịch bản của Tây! Anh chưa giỏi nấu đồ ta, làm sao chế biến đồ Tây thành đồ ta ngon lành được.
Box:
Có người thuê tôi Việt hóa, họ hỏi giá bao nhiêu, tôi nói 10 triệu đồng một tập. Người này kêu trời, nói một kịch bản sáng tác chỉ có 7 triệu một tập, anh sửa sang lại chút chút lấy gì cao thế. Tôi nói không phải sửa sang mà sáng tác lại, cái trò sáng tác lại dựa trên cái cũ bao giờ cũng khó hơn viết cái mới toanh. Tất nhiên người này không chịu, cho là tôi quan trọng hóa, bỏ đi một giờ như gió.
Nhiều nhà sản xuất quan niệm sự Việt hóa rất ấu trĩ, họ nghĩ chỉ cần thay tên Việt, đổi bối cảnh Việt, sửa lại đôi câu thoại quá Tây thế là xong. Không đâu, Việt hóa kịch bản phim Tây có thể hình dung thế này: ta mua đồ Tây về chế biến thành món ăn của ta. Nói cho nó có nghề một chút thì thế này: ta kể lại câu chuyện của Tây bằng ngôn ngữ của ta, văn hóa của ta.
Một khi anh chưa nắm được ngôn ngữ điện ảnh thì làm sao phân biệt ngôn ngữ điện ảnh ta khác ngôn ngữ điện ảnh Tây như thế nào, làm sao đòi Việt hóa phim Tây. Đây là lý do căn bản nhất khiến việc chuyển kịch bản Tây ra phim ta phần lớn đều hỏng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét