Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Những chuyện có thật và bịa đặt của tôi 3

nguyen-quang-lap[1]Truyện dài


Tôi và tất cả những ai có tên trong cuốn sách này đều do tôi tạo ra, kể cả bố mẹ tôi.


 3. Sau khi tôi chào Đời, nói thế cho oách, trận mưa lớn bỗng biến thành cơn giông đêm bốc đi toàn bộ tranh tre mái chuồng bò mà ba tôi tin theo tập tục ngớ ngẩn đã bứt hết dây lạt buộc cho mạ tôi dễ đẻ. Gió giật điên cuồng, rơm lót nền chuồng bò bốc lên tha hồ, tấp lên tôi và mạ tôi chừng vài giây rồi nhanh chóng bị gió cuốn tan tác. Gió mưa ập đến nhanh quá, không ai kịp mặc quần cho mạ tôi. Bà trần như nhộng giữa toang hoác.


 Chị Nghĩa chồm lên che chở cho tôi. Một cơn gió giật làm chị xô nghiêng. Chị rú lên kinh hãi. Quờ quạng tìm tôi trong rơm rác, chỉ sợ tôi bị gió cuốn lên trời. Đúng vậy. Nếu ba tôi không kịp chạy sang nhà bác Thông mượn tấm bạt trùm lên, có khi tôi đã bị gió mang theo cùng rơm rạ, cứt bò khô.


 Mưa đổ xuống như trút nước, có cảm tưởng toàn bộ khối nước khổng lồ của thế gian đổ xuống chuồng bò nhà tôi, sẵn sàng cuốn phăng cái thằng đầu bò có tên Nguyễn Quang Lập suốt đời chẳng làm nên công cán gì chỉ nói năng ba láp là giỏi.


Tôi không sợ. Tôi chưa có đủ trí khôn để biết sợ, nếu có đủ trí khôn tôi cũng không sợ, đời tôi rặt những nể nang chứ không có cái gọi là sợ hãi. Nếu biết sợ hãi thì lúc này đây chắc chắn tôi cũng không sợ. Một khi người ta nhận thấy Đời toàn rơm rác, cứt bò khô, ngập ngụa nước và một trời giông gió, ai muốn chung sống với nó nữa mà sợ! ( Hi hi nói phét phát cho sướng mồm, chứ nếu  không biết sợ thì làm sao tôi tồn tại đến ngày nay.)


 Không ai cho tôi ăn cả. Tôi thiếp đi trong cơn đói chập chờn với giấc mơ đầy thức ăn, giấc mơ thường xuyên đến với tôi trong suốt tuổi ấu thơ. Chị Nghĩa chui vào nằm cạnh tôi từ lúc nào, ôm lấy tôi thút thít khóc, nói tội em quá em nờ. Chị nhắc đi nhắc lại hoài câu đó, nhắc đến trọn đời chị câu đó với tôi mà không hề ra tay giúp đỡ tôi được một việc gì bởi vì chị không thể có bất kì cái gì tôi cần.


 Bây giờ chị là chị cả, dù chị là con thứ ba của ba mạ tôi. Anh cả nhờ thành tích dạy “bình dân học vụ” và nhờ vào lí lịch tuyệt hảo, chủ yếu ba tôi đã kiên cường bám trụ cái chuồng bò, đã được ra Hà Nội học tiếng Nga chuẩn bị đi Liên Xô. Chị Liên, người con thứ, đi lấy chồng cách đây mấy tháng khi chị chưa đầy mười sáu tuổi. Tối nay chị cũng không có mặt. Có thể chị đã biết tin mạ tôi trở dạ nhưng bà mẹ chồng trời đánh đời nào cho chị bước ra khỏi nhà sau bảy giờ tối


Tôi nằm buồn thiu trong tấm bạt che giữa cơn mưa cứ năm phút lại đổ ập xuống một đợt, nghe râm ran tiếng ếch nhái hồ hởi gọi tình, nghe loa phát thanh kiên trì hát và đưa tin hai miền Nam Bắc nô nức thi đua sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, cuộc thi đua giữa máu và mồ hôi qua loa phóng thanh lúc nào cũng diễn ra rộn ràng y chang hội diễn văn nghệ.


Lẫn giữa tiếng ếch nhái và tiếng loa phóng thanh là tiếng gì nghe như tiếng người, nhiều âm rè, thỉnh thoảng nhói lên chói ta. Mãi sau tôi mới biết đó tiếng hát say bét nhè trong của  ông Kiểm Hát, người đàn ông cụt chân, hàng xóm của nhà tôi, sống bằng nghề đan nơm, ba năm nữa là người bạn chí thiết của tôi.


 Ông Kiểm Hát nói và hát triền miên trong cơn say từ chiều đến giờ vẫn không dứt. Thoạt đầu nghe như tiếng rên, kế đến như tiếng thét, tiếng chửi, tiếng bù lu bù loa về một điều gì đó. Cuối cùng ông kết thúc bằng một câu ca tục tĩu được cất lên khá là du dương : “ Sinh ra cái đạo làm trai / ăn cho no vuốt cặc cho dài”- chân lý mọi thời đại của ông.


Không biết trời xui đất khiến thế nào, hễ cứ đến giờ loa phát thanh là ông say. Giờ say của ông chuẩn như giờ của đài. Hễ say là ông nói và hát rất to, rất triền miên, lời lẽ rất vô nghĩa cứ lặp đi lặp lại. Tiếng ông to đến nỗi át cả tiếng loa phóng thanh, điều tối kị của thời này, nó đồng nghĩa với xấc xược, giở trò đểu với chính quyền.


Công an huyện ba bốn lần gọi ông lên yêu cầu thay đổi giờ say, một yêu cầu rất nghiêm túc, ấy là vì người ta châm chước đến mười tám lần cầm mã tấu đi trừ gian diệt ác của ông. Tất cả những lần giết người của ông đều thành công. Chỉ duy nhất một lần, cũng là lần cuối cùng, ông không giết được người lại bị người chém đứt một cẳng chân.


Dân Thị Trấn không phải ai cũng giỏi giết người, vô số người thèm có được một lần trừ gian diệt ác như ông để ghi vào lý lịch, vinh danh cho con cháu được hưởng lộc mà không được. Ít ai bị công an gọi lên lại được mời ngồi, mời nước chè thuốc lá và khuyến cáo những lời nhã nhặn. Chỉ có công thần số 1 Thị Trấn mới được hưởng đặc ân đó.


Ông không hề lấy đó làm vênh vang, ông thừa biết người ta chẳng coi ông ra gì, còn có ra gì đối với kẻ hết khả năng chạy nhảy, chỉ còn trơ lại mỗi cái mồm. Bịt mồm kẻ cố cùng không phải chuyện dễ, không khéo bịt được cái mồm này lại mở ra trăm ngàn cái mồm khác. Lịch sử bịt mồm thiên hạ cho thấy có quá nhiều ví dụ về điều này.


Vả chăng, phàm là kẻ có tội đã biết hết mọi nhẽ ở đời, đối xử nhã nhặn có khi còn khó chịu hơn việc ra đòn hung bạo. Công an vâng vâng dạ dạ rất lễ độ, ông cũng vâng vâng dạ dạ rất lễ độ. Công an rón rén bắt tay ông. Ông cũng rón rén bắt tay công an. Công an kính cẩn chào ông, cung kính tiễn ông về với  vẻ thân ái không ai có thể bắt chước được và rủa thầm hai tiếng đụ mạ khi quay vào phòng làm việc.


Ông kính cẩn chào công an cũng với một thái độ kính cẩn, cung cúc ra về với một vẻ ăn năn không ai có thể bắt chước được và ném lên trời hai tiếng đụ mạ khi rời khỏi cổng đồn.


 Rốt cuộc vẫn đâu vào đấy, giờ phát thanh của đài cũng đồng thời giờ say của ông đã điểm. “ Sinh ra cái đạo làm trai/ ăn cho no vuốt cặc cho dài”. Mỗi câu vớ vẩn đó thôi ông Kiểm Hát đã át hết mười lăm phút xã luận trong nước, ba mươi phút tin chiến thắng trong nước, ba mươi phút ca nhạc trong nước, mười lăm phút xã luận quốc tế, ba mươi phút tin chiến thắng phe xã hội chủ nghĩa, ba mươi phút dân ca nhạc cổ, mất toi cả buổi tối yên tĩnh xóm Long Hòa.


 Tôi nằm lắng nghe những âm thanh bát nháo của Đời, lòng không một chút xao xuyến. Tôi đang đói, cơn đói chập chờn trong giấc mơ ngập ngụa thức ăn. Giấc mơ màu sữa  tươi bồng bềnh trôi nổi trong tâm thức yes or no làm tôi không tài nào ngủ được.


 Hình như mưa gió đã tạnh. May mắn làm sao khi tấm bạt bắt đầu thấm nước thì mưa gió đã rời khỏi cái chuồng bò. Tôi nhầm. Mưa gió vẫn đầy trời nhưng ba tôi đã lợp xong hai mái chuồng bò.Tấm bạt được tháo tung, ánh sáng đèn măng- sông bác Thông cho mượn làm tôi chói mắt.


 Tôi mở mắt. Xung quanh tôi là những gương mặt thân yêu, rồi đây tôi sẽ gắn bó bền bỉ nhiều năm trời cùng với họ. Ba tôi nhoẻn miệng cười, hàm răng trắng đều tăm tắp, vẫn trắng đều tăm tắp như thế cho đến khi ông bảy mươi ba tuổi, năm ông từ giã cõi đời trong khi say sưa đọc xã luận báo Nhân dân loan tin đất nước đang vào kì đổi mới.


 Khi đó đúng ba giờ chiều, ba tôi  kêu ầm lên, nói mạ mi ơi Đảng ta đã đổi và rồi ông cấm khẩu ngay ở tiếng đổi, không còn cố thêm được nữa tiếng mới. Ông ra đi trong niềm hân hoan vô bờ bến rằng cuôí cùng Đảng ta đã thức tỉnh, con cháu của ông từ nay hết đau khổ lầm than.  May mắn thay trời đã để ông đi trước khi hệ thống XHCN sụp đổ chưa đầy một năm, nếu không ông chết không nhắm mắt. Thôi, chuyện này nói sau.


 Bây giờ chị Nghĩa đang tươi tắn nhìn tôi, gương mặt tuổi dậy thì ửng hồng, cái mũi dọc dừa tuyệt vời và đôi môi tươi rói, dù ai có trang điểm bằng giời cũng không thể có. Chị có khuôn mặt duy nhất giống ba tôi, số còn lại, kể cả tôi, đều đúc từ khuôn mặt mạ tôi, khuôn mặt chẳng có gì phải xấu hổ cũng chẳng có gì đáng tự hào.


Anh Tường sáu tuổi đứng chắp tay sau đít như ông già. Anh có cái đầu loe giống hệt tôi. Mặt mũi cũng đen nhẻm giống hệt tôi. Sau này tôi biết anh giống hệt tôi đủ thứ, chỉ có một khác biệt duy nhất phân định rạch ròi tôi và anh, đó là anh làm thầy bói  vườn còn tôi là nhà văn quèn. Không phải, hình như hai thứ này chỉ là một. Cả hai đều nói dối quá khứ và bóc phét tương lai, nó làm ra vẻ là người hướng đạo nhưng vai trò bất quá một kẻ mua vui.


Anh Tường nghiêm trang nhìn tôi như để xem xét có đúng tôi chui ra từ bụng mạ hay là một nơi nào khác.Cuối cùng anh gật gù kết luận , nói thằng ni mới đẻ nhỏ hè. Kết luận hiển nhiên sau nửa giờ soi xét rất nghiêm túc. Đời anh khốn nạn vì những kết luận hiển nhiên như thế, dù đầu óc không hề tăm tối.


 Anh Thắng bốn tuổi ngồi xổm cạnh tôi, mặt hiền khô lúc nào cũng chảy đầy nước mũi và nhớt dãi. Anh mân mê hai cái sừng nho nhỏ trên đầu tôi với một bộ mặt nghiêm trọng, thỉnh thoảng nheo mắt suy nghĩ rất lung.


Chừng như anh đang tưởng tượng phía trong hai khối u máu bất thường kia có chứa những điều gì rất kì ảo. Lát sau anh rời hai cái sừng, trố mắt nhìn như dán cái bụng cuốn chặt băng của tôi, đôi mắt tròn xoe như mắt con gái đầy lo lắng, rồi ngẩng lên ngẩn ngơ nhìn mọi người, nói răng không cho em ăn. Cột bụng em lại, đói em chừ.


 Mạ tôi mỉm cười bế tôi lên, gương mặt trái xoan phủ một lớp da nâu, tái nhợt sau sinh nở. Gương mặt không có một nét nào gọi là đẹp, thậm chí một chút duyên dáng cũng không, bù lại bà có sức khỏe phi phàm, suốt đời không bao giờ ốm trừ lần cuối cùng, ốm để mà chết.


 Bà vén vú cho tôi ăn. Tôi cố há miệng thật to hòng nuốt trôi núm vú nhưng không được. Núm vú sau bảy lần sinh nở đã bung ra qua cỡ cái miệng sơ sinh lần đầu tiên tập há. Mạ tôi nắn vú, tia sữa đầu đời bắn vào miệng tôi, sâu vào tận cuống họng, mát rượi và ngọt lịm.


 Không thể có gì trên đời mát rượi và ngọt lịm như sữa mẹ, phát hiện đầu đời của tôi, mãi đến bây giờ, sau bao nhiêu dâu bể đời người, vẫn còn nguyên giá trị, cho biết vì sao ta có thể mất tất cả chứ không thể mất mẹ.


 Tôi uống sữa mạ tôi không biết chán cũng không biết no, chỉ khi mạ tôi quyết định dấu vú đi hoặc khi nào sữa dội ngược trào ra miệng, ướt đầm cổ áo, tôi mới chấp nhận chia lìa với Vú. Chưa bao giờ tôi ngủ trong khi bú, điều khác biệt của tôi với trẻ con toàn thế giới, điều trẻ con toàn thế giới không hiểu tôi, cũng là điều tôi không hiểu trẻ con toàn thế giới.


Tôi bú mạ trong trạng thái hồi hộp lo âu, nơm nớp lo sợ hai bầu vú khổng lồ- niềm tự hào thầm kín của mạ tôi- bỗng dưng biến mất, hoặc chúng vẫn còn đấy nhưng nguồn sữa đã khô kiệt, hoặc nguồn sữa vẫn tràn đầy trong hai bầu vú khổng lồ nhưng chẳng còn mát rượi và ngọt lịm.


Vẫn miệng ngậm vú này, tay nắm chặt vú kia, chẳng khác gì trẻ con toàn thế giới, nhưng không phải vì sợ kẻ khác giành mất phần- tôi hoàn toàn tin tưởng lòng chung thủy vô biên của mạ tôi giành cho chồng con, dù bà cũng chỉ là thứ giống cái tầm thường luôn sống giữa rình rập điên cuồng của giống đực. Đơn giản là tôi sợ mất, cái sự mất bỗng dưng, không nguyên cớ đè nặng tâm trí tôi. Làm sao có thể đòi lại cái ta đã mất nếu không biết cái ta đã mất vì lẽ gì.


Mạ tôi cúi xuống hôn nhẹ lên trán tôi, nụ hôn thoảng qua, nhẹ đến nỗi tôi chỉ cảm được mùi trầu không chợt tỏa ra chợt biến mất, không hề hay biết đó là nụ hôn đầu đời sau bốn giờ tôi có mặt ở Đời.  Mạ tôi dấu vú đi, nói thôi, no rồi con. Tôi tiếc nuối chia lìa Vú, chợt phát hiện sau lưng mạ tôi có cái gì đen đen đang cựa quậy mỗi khi mạ tôi cựa quậy. Cái bóng!


Đen và to như con gấu đen dính chặt vào vách là cái bóng của mạ tôi. Một vật sống đen ngòm, không mắt  không mũi không mồm nhưng chắc chắn một vật sống, lặp lại y xì hình dáng và hoạt động của mạ tôi. Tôi ngạc nhiên vô cùng. Ở đâu ra cái vật sống luôn luôn dính chặt lấy mạ tôi, kiên trì lặp lại vô duyên những hoạt động chẳng có gì là thú vị của mạ tôi.


 Nó là cái gì vậy, cái bóng thì rõ rồi nhưng nó là cái gì? Tôi không thể hiểu, không cách gì hiểu nổi. Chỉ một lát sau, khi mạ tôi đưa tôi cho ba tôi bế thì tôi hoàn toàn khẳng định: bất kì ai cũng có cái bóng của mình, kể cả tôi. Cái bóng ba tôi nằm dài trên nền nhà, vươn ra ngoài cửa, thò cái đầu cũng rất dài ra tận đống rơm. Bóng của anh Thắng, anh Tường đang lúi húi quanh nồi khoai.


Hai cái bóng đang ăn khoai, chúng lấy khoai từ trong nồi, lúi húi bóc vỏ, nhanh chóng nhét vào miệng, một ví trí giả định trong đám đen hình oval dính trên cổ gọi là mặt. Chúng ăn  hết miếng này đến miếng khác. Cái bóng ăn khoai, cái bóng ăn cái bóng khoai, củ khoai cũng có bóng, thật tuyệt vời!


Nồi khoai cũng có bóng, những cọng rơm cũng có bóng, cả những con kiến bé tí đang bò lên cột nhà sau trận mưa dầm dề ngập hết hang ổ của chúng cũng có những cái bóng tí hin. Bóng chị Nghĩa đang bó gối chăm chú nhìn hai cái bóng ăn khoai, hầu như nó không cử động, ngồi im phắc hơn nửa tiếng trên vách đất chuồng bò đã lở lói gần hết.


 Tất cả đều có bóng, thế còn cái bóng của tôi đâu? Hình như nó nằm dưới lưng tôi, hoặc lọt thỏm vào cái bóng to đùng của ba tôi. A, kìa! Nó kia rồi! Hệt con chó đen nằm ngửa. Tôi thử vung tay lên, nó cũng vung tay lên.  Tôi vung chân lên, nó cũng vung chân lên. Được rồi, để tao đái xem mày có đái được không nào.


 Tôi đái. Một dòng nước như sợi chỉ trắng vọt ngược lên. Cả nhà ồ lên ca ngợi cái sợi chỉ trắng vọt ngược ấy, biểu hiện năng lượng sống dồi dào một đứa bé sơ sinh. Tôi không quan tâm lắm những lời ngợi ca thái quá có phần ngộ nhận ấy, tôi quan tâm cái bóng của tôi.


Nó đái rồi. Cái bóng đái ra tia bóng võng ngược lên trần chuồng bò, rơi xuống đúng bóng nồi khoai, nơi hai cái bóng anh tôi đang hí húi nhặt bóng khoai ăn. Thật chẳng ra làm sao, đến đái ỉa nó cũng háo hức làm theo, hỏi có việc gì trên đời nó không háo hức làm theo, việc gì trên đời nó cũng háo hức làm theo, hỏi có việc gì ta làm còn có chút thú vị nữa hả trời!


 Tôi nằm im suy nghĩ về cái bóng nhưng không nghĩ được một cái gì cho rành mạch, bán cầu trái cô đơn của tôi lúc này chẳng khác gì một miếng đậu phụ sống, trơ lì và nhạt hoét. Tôi buồn ngủ, hễ khi nào tôi đòi biết những thứ biết cũng chẳng giải quyết được gì là tôi buồn ngủ.


 Giấc ngủ chìm đi mê mệt trong vòng tay ba tôi, sau đó trong vòng tay chị Nghĩa tôi, cuối cùng trong vòng tay mạ tôi. Bốn giờ sáng, tôi mở mắt và  phát hiện ra mình đang nằm lọt thỏm giữa chị Nghĩa và mạ tôi. Anh Tường, anh Thắng đang quặp cổ nhau nằm phía dưới chân tôi, cạnh nồi khoai ăn dở.Tất cả những cái bóng đều biến mất.


Có thể chúng đã ngủ, có thể chúng đã chết, tôi không biết và cũng không quan tâm lắm. Thốt nhiên tôi thấy buồn, nỗi buồn mơ hồ bắt đầu từ đầu ngón chân trườn dần lên đến miệng và dừng lại ở đầu. Tôi thè lưỡi liếm nỗi buồn của tôi, nỗi buồn nhạt hoét, hoi hoi mùi sữa.


 Tiếng gà cánh ba bất chợt rộ lên, lúc xa lúc gần từng đợt từng đợt kéo dài đến phát chán rồi đột ngột tắt lịm.Tôi nằm nhìn ra cửa, vệt sáng đèn măng sông kéo dài tận cây rơm, khoảng sáng im lìm cho tôi biết một khoảng Đời đơn điệu và nghèo túng sẽ kéo dài mãi cho đến muôn sau.


Mấy phút sau tôi phát hiện ra cái bóng của ba tôi đã thức dậy từ lúc nào. Nó không còn vươn dài ra sân mà lù lù trên vách, tựa một con bò đen ngồi xổm. Ba tôi thức dậy lúc bốn giờ, không hề phát hiện ra tôi đã thức giấc cùng ông, đang mở to mắt ngắm nghía tấm lưng gầy guộc, bẻ gập xuống của ông. Ông ngồi bó gối im lìm nhìn ra cửa như đang đợi ai đến, đợi một điều gì đến. Người tử tế không ai đến giờ này, phúc lộc tất nhiên giờ này cũng không gõ cửa. Chỉ có những rủi ro đang rình rập, chúng vẫn thường nghiến nát số phận người ta vào những thời khắc yên bình nhất.


Từ khi ra đời đến giờ đã gần bảy tiếng, tôi không nghe ba tôi nói một câu nào, một tiếng cũng không. Ông ngồi bó gối nhìn ra cửa, không rõ toan tính những gì hơn một giờ không động cựa. Rất lâu sau ông chống gối đứng lên tiến về nồi khoai ăn dở của cả nhà, ngồi xổm hí húi bóc khoai ăn


Ông ăn hết tất cả những mụn khoai đụt nhỏ xíu còn sót lại trong nồi rồi ngồi im nhìn đau đáu vào đám vỏ khoai. Một giọt nước mắt tứa ra từ khóe mắt trái, động thành giọt lăn trên má trái. Một giọt nước mắt khác tứa ra từ khóe mắt phải, động thành giọt lăn trên má phải.


 Tuồng như ba tôi không biết ông đang khóc, chỉ mải mốt nhìn đám vỏ khoai, mặc cho nước mắt giọt vắn giọt dài tràn trề trên gương mặt sáng ngời quí phái của ông. Ba mươi mốt  năm sau tôi mới biết vì sao ông lại khóc trong đêm đầu tiên tôi có mặt ở đời. Nhưng đấy là chuyện của ba mươi mốt năm sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét