Thứ Hai, 19 tháng 10, 2009

“Ký ức vụn” và chất cười đa giọng điệu

 Nguyễn Anh thế

Đọc “Ký ức vụn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập tôi bỗng có liên tưởng đến những tác phẩm của Azit Nexin ở khả năng buộc người ta phải bật cười. Chỉ có điều truyện ngắn của Azit Nexin khiến người đọc bật cười bằng những từ ngữ và tình huống thông minh sau quá trình tiếp cận, phân tích và chợt hiểu vấn đề chỉ trong một khoảnh khắc. Còn tạp văn “Kí ức vụn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập sẽ khiến người đọc bật lên một tràng cười bất tận và liên tục đổi gam. Nụ cười trong tạp văn Nguyễn Quang Lập là một nụ cười đa giọng điệu. Đặc biệt, cái cười ấy nhiều khi tự nhiên như thể chất gây cười không cần phải nằm trong ý nghĩa câu chuyện mà nằm chính trong lớp vỏ chữ. Điều này khiến người ta bất ngờ và khó lí giải được tại sao Nguyễn Quang Lập lại sử dụng nhuần nhuyễn và tự nhiên tiếng địa phương đến như vậy. Tôi đặc biệt chú ý đến nụ cười đa giọng điệu của nhà văn ngay trong một tác phẩm, hơn nữa lại còn ở sự chuyển gam có khi từ một nụ cười nghiêng ngả sang nụ cười hầng hậc nước mắt hay từ nụ cười ròn tan sang một nụ cười buồn nhanh đến chóng mặt chỉ qua vài câu văn. Đằng sau sự chuyển gam cười nhanh đến như vậy, người đọc lại thấy hiện lên thấp thoáng đâu đó một thân phận và đi kèm với mỗi thân phận ấy lại là một gương mặt của chính nhà văn Nguyễn Quang Lập.

   Nguyễn Quang Lập xếp những “mảnh vụn ký ức” của mình vào thể loại tạp văn nhưng tôi lại nghĩ nó là sản phẩm của sự kết hợp giữa cả hai thể loại tự truyện và kí chân dung. Nguyễn Quang Lập viết về những người từng gặp, những người rất bình thường vẫn chìm lấp đâu đó vào cuộc sống vẫn hay mà viết về những người nổi tiếng đã được viết đến mòn bút cũng vẫn hay. Mỗi một bài viết người đọc lại nhặt được dăm ba chi tiết độc đáo đến kì dị mà chưa ai viết hoặc chẳng ai dám viết kể như nhà văn Phạm Ngọc Tiến có lần rượu say đã “khỏa thân” tiếp khách của vợ thản nhiên như không hay chuyện nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “thiên hạ đệ nhất” lười tắm... Tất cả những chi tiết đó là ngòi nổ của những tràng cười phá tung ra một phong cách Nguyễn Quang Lập. Nguyễn Quang Lập viết “Ký ức vụn” cứ tửng tưng như không. Đúng như tuyên ngôn “một ngày không nói tục nhạt miệng lắm”, chúng ta khó có thể thống kê xuể số lượng và cả “chất lượng” những tục ngôn trong tạp văn Nguyễn Quang Lập. Tuy nhiên, nhà văn tài ở chỗ nói tục mà trơn miệng như bôi mỡ, lại tài hơn nữa ở chỗ khiến người nghe lọt tai cũng dễ như bôi mỡ vậy. Đó thực sự là điều khó. Tục ngôn Nguyễn Quang Lập không gò bó, gượng ép, tục mà không thô. Có lẽ, nhà văn Nguyễn Quang Lập sẽ được phong làm chủ soái phái tôn trọng chữ của những nhóm đấu tranh đòi bình đẳng cho chữ.


   Trước khi viết bài này, tôi đã thử đem “Ký ức vụn” của nhà văn Nguyễn Quang Lập cho nhiều người, một bác xe ôm, một bà bán hàng rau, một anh công nhân đi học tại chức cùng xóm trọ đọc coi như một phép thử. Có thể nói nhà văn đã lấy lòng được thậm chí cả những người vốn coi sách là sự xa xỉ nhất. Đơn giản một điều, Nguyễn Quang Lập đã đi sát vào đời sống, viết với một góc nhìn lệch đi ba mươi độ để thấy được cả đằng sau cái đời sống vốn đang hiện hữu ấy là gì. Trong tạp văn “Anh Thu”, một tạp văn chưa đến ba trang giấy mà nhà văn Nguyễn Quang Lập đã gói gém được cả một cuộc đời. Vẫn khiến người đọc cười lăn cười lóc mà mắt lại rơm rớm nước mắt có lẽ Nguyễn Quang Lập là một. Kết cấu chính trong tất cả những tạp văn Nguyễn Quang Lập là tạo cái cười trong những chi tiết thô ráp của đời sống và bất ngờ lật ngửa góc khuất câu truyện ở phần cuối khiến người đọc tê lặng đi. Nghệ thuật này bắt gặp trong phần lớn các truyện như: Ký ức năm hào, Chẳng biết vui hay buồn, Con Giôn, Thằng hai đầu gối, Nhớ Trần Dần, Xuân Sách, Bùi Giáng, Phùng Quán… Cái tài Nguyễn Quang Lập là cái tài tạo dựng được tất cả những điều đó chỉ trong một dung lượng câu chuyện rất ngắn. Và vì thế sức nén của những câu chuyện ấy là rất lớn và tạo ra hiện tượng chuyển gam cười nhanh đến thế trong văn Nguyễn Quang Lập.


   Đứng ở một góc nhìn lệch đi ba mươi độ để viết đặc biệt phát huy tác dụng khi dựng chân dung những người nổi tiếng. Bằng cách ấy, nhà văn đã tạo ra được một seri chân dung “Made in Nguyễn Quang Lập”. Để viết được những cái chân dung như thế về những đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phùng Quán, Trần Dần, Nguyễn Khải, Nguyễn Trọng tạo, Trần Đăng Khoa, Phạm Ngọc Tiến…đòi hỏi không những nhà văn phải có một giọng văn cực kì hài hước, một sự quan sát tinh tế mà còn đỏi hỏi nhà văn phải có một sự thân thiết đặc biệt đến độ đủ để khai thác thậm chí cả những điều “sống để bụng chết mang đi ấy” của các nhân vật.


   Trong cuốn sách trên dưới ba trăm trang, nhà văn đã dựng được không dưới năm mươi thân phận . Trong ấy, mỗi thân phận một cuộc đời, mỗi thân phận một niềm vui và một bất hạnh riêng. Tôi cho rằng điều quan trọng nhất đã giúp nhà văn Nguyễn Quang Lập giải tục tất cả những tục ngôn một cách xuất sắc nhất là ở phần chìm của những tiếng cười, là cái cười hầng hậc của anh Thu, là giọt nước mắt của con chó Giôn, là dáng đi liêu xiêu của Bùi Giáng trong chiều Sài Gòn…Tất cả gói gọn trong một chữ “TÌNH”. Văn Nguyễn Quang Lập có tình, đau đáu về tình và vật vã vì tình. Tiếng cười đa giọng của Nguyễn Quang Lập không phải chỉ là cái cười mua vui, không phải là cái cười thuần túy mà nhiều khí chính tiếng cười ấy là là tiếng khóc cho một thân phận không tên giữa cuộc đời.


   Và tôi chắc rằng ai hẳn cũng thấy vui vui khi được là một mảnh trong vụn kí ức nhà văn Nguyễn Quang Lập. Vì tôi biết Nguyễn Quang Lập cũng nghĩ: “Vui vui là đủ rồi. thì cũng coi như xong một đời, có gì đâu”.


                                                                                       (Hà Đông – 09/09)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét