Cứ đến tháng 7 mình thường bị tiếng thị phi, lâu ngay thành quen, cứ đến tháng 7 là hãi lắm. Phàm là người nổi tiếng phải chấp nhận giai thoại tin đồn, lắm khi tin đồn giai thoại vô cùng thất thiệt cũng phải nghiến răng mà chịu, cứ đánh đu với mấy cái tin đồn nhảm giai thoại dởm, rồi thanh minh thanh nga sẽ rất mất thời giờ, rách việc, lắm khi bây hôi thêm ra.
Bản thân mình cũng chịu ối tin đồn, lắm khi điếng người không biết làm sao. Nhưng bây giờ không dám kể chuyện mình nữa, kẻo rồi có kẻ lại bảo ông Lập khéo PR thì bỏ mẹ. Thôi thì kể chuyện người khác vậy.
Tin đồn có hai loại, một là do các fans đồn thổi, đa phần cũng do yêu mến, lo lắng cho thần tượng của mình, nghe phong thanh chuyện gì đó là lập tức phóng lên liền. Loại hai là do căn bệnh đố kị ghen ghét mà ra.
Hồi chiến tranh, thông tin đã lạc hậu lại bị cản trở rất nhiều, đa phần chỉ nhờ thông tin mồm, tốt cũng như xấu. Hồi này đồn đại về chết các nghệ sĩ bị chết bom, hết đồn Quang Hưng chết lại Châu Loan chết. Ái Vân vừa xuất hiện trong phim Chị Nhung, đẹp mê tơi, đám trai trẻ ngất ngư con cà cưỡng, tháng sau khắp khu IV đồn râm ran Ái Vân chết rồi. Mình hồi đó 18 tuổi, mê Ái Vân như điếu đổ, bỏ cả học hành, công việc nằm buồn suốt một tuần.
Bây giờ những tin đồn kiểu đó chỉ nửa phút sau người ta kiểm chứng được ngay chứ ngày xưa thì khó lắm, điện thoại không, thư từ có khi vài ba tháng mới tới nơi, thành thử những tin đồn chết chóc làm gia đình người nổi tiếng hoảng hốt lo sợ vô cùng.
Thị trấn quê mình có nhạc sĩ Quách Mộng Lân, làm nhạc cũng hay diễn kịch cũng giỏi, anh là niềm tự hào của dân Thị trấn. Tối hôm trước anh đem đoàn văn công xung kích về diễn vở” Đất” cực hay, ngày sau cả Thị trấn xôn xao tin đồn anh chết bom ở dốc U bò.
Cả nhà anh tá hỏa tam tinh, chạy ngược ngước xuôi, chạy vô tận Đồng Hới, vừa vào đến ngõ thấy vắng hoe đã khóc con ơi con ơi ầm ĩ, hóa ra anh vẫn sống nhăn đang ngồi ăn cơm với vợ.
Một tinh đồn có thể làm rối loạn cả đám đông, cả gia đình, dòng tộc, cơ quan đoàn thể nhưng chẳng ai ngăn được lời đồn, có những đồn đại rất vô lý mà người ta vẫn tin. Mình nhớ đâu khoảng năm 64, 65 chi đó, thời đó mình chừng 9, 10 tuổi, một đoàn văn công về quân đội về quê biểu diễn, có chú Lê Lữ ngâm thơ cực hay, chú làm thơ ra để ngâm, thơ chú hay, ngâm lại càng hay. Mỗi lần ngâm ai ai cũng cảm động, nước mắt rưng rưng.
Chú ở trong nhà mình, cả nhà ai cũng quí, thưong chú lắm. Chú đi chừng hai ngày thì tin đồn máy bay bắn chết cả đoàn văn công, nhà mình rụng rời, khóc thương chú Lê Lữ như ri. Nếu bình tĩnh suy xét thì nếu cả đoàn văn công bị chết nhất định đài báo sẽ đưa tin, nhưng mặc kệ, thời chiến nghe nói có người chết vì bom là tin liền.
Tháng sau mình đi về xã Quảng Phúc mua gạo, đau bụng chạy vào hố xí thì thấy chú Lê Lữ ngồi chồm hổm ở đó. Hóa ra đoàn chú đang diễn mấy xã loanh quanh quê mình, chẳng đi đâu xa. Mình mừng húm, một lúc kiếm được hai niềm vui, một là chú Lê Lữ còn sống, hai là thấy được con cu của người nổi tiếng hi hi.
Hết chiến tranh sang kì hậu chiến, đói kém kinh hồn, lời đồn đại dành cho người nổi tiếng cũng theo đó mà thay đổi luôn. Người bị đồn vượt biên, kẻ bị đồn xu thời, lang chạ.
Thời cả nước đói kém, hễ ai ăn trắng mặc trơn tất không tránh được ghen ghét đố kị. Văn nghệ sĩ có khi còn đói rách lầm than hơn người thường, nhưng trước công chúng bao giờ cũng tỏ ra sang trọng, nhìn ngoài tưởng là giàu lắm. Vậy nên tiếng đồn tùm lum, đàn ông bị đồn lang chạ, đi rải con khắp nước, cộng thêm tội cơ hội nịnh nọt cấp trên, đàn bà thì bị đồn cặp bồ với mấy ông to, kẻ giàu có.
Chị Q. là ca sĩ, xinh gái hát hay, cứ về nơi nào diễn xong thế nào cũng có xì xào, nói con đó ngủ với thằng nọ, ông kia. Một hôm mình gặp chị ở bến phà, thấy đầu chị cạo trọc lóc, quá ngạc nhiên. Hỏi chị sao thế, chị khóc nói người ta đồn chị ngủ cả thường vụ tỉnh ủy, chồng chị chịu không thấu, nói anh thì tin em không bao giờ làm thế, nhưng sáng nào đến cơ quan cũng bị người ta trêu bị tỉnh ủy cắm sừng, chịu không thấu, thôi bỏ nhau đi.
Chị Q. chấp nhận bỏ chồng, kí xong đơn thì ra sông tự tử, may người ta cứu được, chị quyết định cạo trọc đầu đi tu. Chồng chị van nài trở về mấy chị cũng không chịu, thế là xong một đời tài hoa vì những đồn đại ác ý. Ngao ngán hết nỗi.
Kịp đến thời đổi mới, đời sống kinh tế khấm khá lên một chút thì đồn đĩ cao cấp, HIV, đồng tính, rõ là thời nào kiểu đồn đại của thời đó. Lắm người bị đồn shock đến nỗi hóa rồ, nhiều khi tru lên như sói.
Lạ là thời này người nổi tiếng đàn ông ít bị tai tiếng hơn người nổi tiếng đàn bà. Đàn ông cùng lắm chỉ bị đồn là gay, là buôn lậu trốn thuế, quịt nợ ăn gian. Đàn bà bị những cú đồn có thể ảnh hưởng cả đời người, đặc biệt là những cô gái trẻ.
Cô Y. ca sĩ nổi tiếng như cồn, nghe nói cát- xê một đêm hơn một triệu, chỉ đi lưu diễn Ấn Độ một tuần về là có tiếng đồn HIV, báo chí chính thống thì không đăng, nhưng bờ lóc bờ leo thì lắm chuyện lắm. Chỉ một cái comment nói vu vơ nửa kín nửa hở hôm trước là y như rằng hôm sau xôn xao cả cư dân mạng, lan ra rất nhanh ngoài đời, khiến ông bồ đẹp trai chẳng biết hư thực ra sao bèn bỏ của chạy lấy người cho chắc ăn, gây ra cú shock lớn cho cô ca sĩ trẻ này.
Mình có quen một anh bạn, anh đang yêu một nữ diễn viên điện ảnh đẹp mê hồn, đem về nhà bố mẹ anh em ai cũng thích. Bà mẹ nghe có người rỉ tai nói con bé lesbian đấy. Lúc đầu tưởng cô được giải thưởng ca nhạc quốc tế, bà cười tít mắt, tự hào lắm, sau biết đó là bệnh đồng tính nữ thì bà sợ xanh mắt, một hai ép con trai bỏ cho bằng được.
Dạo này sao mà lắm tin đồn bắt bớ quá, ngồi đâu cũng nghe nói thằng này sắp bắt thằng kia sắp bắt. Có người còn đọc cho mình nghe một danh sách những người sẽ bị bắt, không chống thì chầy. Nghe mà sợ quá. Người có tin đồn bị bắt đã sợ, đi đâu cũng nơm nớp sợ tai nạn bất ngờ, ngồi nhà nghe tiếng gõ cửa cứ giật mình đánh thót, gia đình vợ con họ hàng lại càng sợ hãi khôn xiết.
Ôi, một khi loạn tin đồn bắt bớ thì biết ngay xã tắc không thể yên ninh. Nghĩ mà buồn, buồn chảy nước mắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét