Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2010

Nhớ lời Bác dạy năm xưa

Ngày nay cách đây 41 năm  Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta, mới đó đã gần nửa thế kỉ, thời gian đúng là như bóng câu qua cửa. Còn nhớ mùa thu Hà Nội năm 1969 dưới trời mưa phùn, “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, cả mấy vạn người đã vung tay thề: vĩnh biệt Người chúng ta thề… Lời thề giành độc lập tư do, non sông thu về một mối đã trọn vẹn nhưng còn biết bao nhiêu lờì thề còn dang dở. Thiết nghĩ hằng năm đúng ngày này chúng ta nên  ngồi lại với nhau nhắc lại những gì Bác dạy để ghi tâm khắc cốt, để tiếp tục thực thi những lời thề chưa trọn, hơn là năm thì ba hoạ ra quân ầm ào, khua chiêng gióng mõ nhưng kết quả chẳng thu được bao nhiêu.


Hơn 60 năm trước trong “Sửa đổi lối làm việc”, “Thuốc đắng giã tật”, v.v… (với bút danh X.Y.Z.), Bác đã nói rất nhiều về những căn bệnh mà ngày nay ta đang mắc phải ngày một trầm trọng, đó là  nạn tham nhũng, tệ  quan liêu và tác phong phê và tự phê. Người nói: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội... Lãng phí làm tổn hại nghiêm trọng cho Nhà nước và nhân dân... Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”. Tham ô lãng phí tựu trung là tham nhũng,  Bác đã chỉ ra cái gốc của tham nhũng đấy là tệ quan liêu. Vì sao hơn chục năm qua chúng ta cứ giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, càng tích cực chống tham nhũng thì tuồng như tham nhũng càng phình to ra, công cuộc chống tham nhũng tuồng như càng rơi vào bế tắc? Đó là vì chúng ta không thấy quan liêu là cái gốc của tham nhũng, là mảnh đất nuôi dưỡng, cái mộc che chắn tham nhũng.


Cơ chế quan liêu bao cấp đã bị đánh đổ nhưng căn bệnh quan liêu vẫn còn nguyên đấy, nó sống được nhờ vào thói xu phụ, tâng bốc, nịnh bợ, triệt tiêu phê và tự phê. Đây là là căn bệnh mà Bác lo lắng nhất, sinh thời  Bác đã nói rất nhiều phê và tự phê.


Bác nói: "Muốn sửa chữa cho tốt, phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không thật thà tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi". Bác nói: “Tự phê bình là gì? Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”. Khi nói ra điều này Bác cũng nói đó là một việc khó, rất khó: “Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó, khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị”.


Khó nhưng không thể không làm, bởi vì nếu không dám nhận khuyết điểm, không dám công khai hoá, minh bạch hoá những gì mình làm thì tức là ta đang chui vào tròng quan liêu từ khi nào không biết. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của  tính công khai và minh bạch, Bác đã khẳng định như đinh đóng cột: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.


Bác nhìn thấy rất rõ thói đời lắm sự bao che, vì nể nang, vì lợi ích cá nhân và phe nhóm, vì thói xu phụ thâm căn cố đế....đã ngăn cản sự phê và tự phê bằng những lý lẽ thoạt nghe rất có lý rằng mất uy tín, mất lòng tin, địch lợi dụng v. v..kì thực là những nguỵ biện rất nguy hiểm. Bác nói: “Sợ mất uy tín và thể diện mình, không dám tự phê bình. Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta. Nói như vậy là lầm to.” Bác còn nhấn mạnh một lần nữa: “ Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chất chứa lại. Thế thì khác nào tự mình bỏ thuốc độc cho mình!” Thâm chí Bác không hề e ngại đã nói thẳng: "Chớ tưởng cứ dán hai chữ cộng sản lên trán mà làm cho người ta sợ".  Và cũng nói thẳng luôn không chút rào đón: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ”.


Tất cả những gì Bác nói cho thấy cái tâm Vì dân của Bác toả sáng đến thế nào. Vì dân là lẽ sống của Bác, chính điều đó Bác trở thành một lãnh tụ vĩ đại.


 


……………..


Những trích dẫn lời Bác Hồ rút từ sách Hồ Chí Minh toàn tập, nxb Sự thật ( 1980-1989)


Bài đọc thêm:


TÊN GỌI TỔ QUỐC


Hiệu Minh


 

[caption id="attachment_6439" align="alignleft" width="176" caption="Lễ đài 2-9-1945"][/caption]

Thời đi học phổ thông, tôi rất ấn tượng tấm ảnh cụ Hồ mặc bộ ca ki, đứng trên lễ đài Quảng trường Ba Đình. Mỗi lần nghe quốc ca “Đoàn quân Việt nam đi…”, trong tôi lại trào dâng tình yêu đất nước với bao ước mơ hạnh phúc về cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Trong tâm trí hiện lên thời khắc đó, dù tôi sinh sau gần 10 năm và tuổi thơ mơ mộng không hiểu dân chủ hay cộng hòa là gì.


 

Thuở bé ngồi trên lưng trâu, nhìn về phía Thủ đô, tôi mơ ước được đứng dưới chân lễ đài để chụp một pô ảnh. Sau này tới Quảng trường, tôi không thấy còn dấu tích nào như đã đọc trong sách giáo khoa.


Đọc cuốn “Ba phút sự thật” của nhà văn Phùng Quán, lần đầu tiên tôi biết, lễ đài Độc lập 2-9-1945 do ông Nguyễn Hữu Đang làm kiến trúc sư trưởng. “Lễ đài được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải trong vòng 48 tiếng và biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích sau lễ tuyên ngôn”.


Nhà văn già Phùng Quán từng rơi lệ vì những cảm xúc dâng trào về Cách mạng Tháng 8 và ngày quốc khánh khi nhớ đến lễ đài Độc lập. Tầm vóc, hình dáng và kiến trúc của Lễ đài đã tạc sâu vào ký ức của cả dân tộc. Sau ngày Tuyên ngôn, cả nước bước vào mấy cuộc chiến tranh dữ dội của thế kỷ 20.


Trên lễ đài mỏng manh như số phận của nước Việt nam lúc đó, cụ Hồ đã mở đầu bản Tuyên ngôn bất hủ “Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng” và kết thúc bằng câu “Tôi thay mặt chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”



[caption id="attachment_6440" align="alignleft" width="180" caption="Bìa sách: " Ba phút sự thật""][/caption]

Dân tộc Việt nam bước ra từ trăm năm nô lệ. Hôm nay hòa bình với cái giá hơn 30 năm chiến tranh tàn khốc và từ ba đến năm triệu sinh mạng. Đất nước đang từng ngày thay da đổi thịt đi lên. Đâu đó, còn những bất cập trong xã hội. Đến lúc cần nghĩ đến tương lai một cách dài hạn hơn.


Đã có nhiều sách báo, học giả quốc tế viết về ông Hồ Chí Minh. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, ông Hồ người mang tư tưởng chủ nghĩa dân tộc yêu nước, đặt quyền lợi dân tộc lên trên tất cả.


Có lẽ vì thế mà năm 1945, cụ Hồ đã chọn quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Chắc rằng, tên gọi chính thức đó được cụ nung nấu từ thời ở Việt Bắc. Một cái tên bình dị, mang hơi thở của thời đại lúc đó và giúp đất nước trường tồn. Có thể cụ cũng nghĩ đến thế giới đại đồng sau này mà Việt Nam phải tham gia tiến trình đó.


Năm 1976, nước ta đổi quốc hiệu cho hợp thời kỳ thống nhất đất nước và xây dựng. Mỗi thời điểm của lịch sử, đôi khi đất nước phải ra những quyết định khó khăn. Thời gian từ năm 1950 đến 1970, mỗi quốc gia phải đứng “bên này” hay “bên kia”, và sự lựa chọn trong thực tế cũng không nhiều.


Bây giờ sau hơn 30 năm, đất nước đã hoà nhập với thế giới. Chiến tranh lạnh đi vào dĩ vãng. Thời đại internet trong thế giới phẳng, cảm giác về biên giới quốc gia, về “phe ta, phe địch” cũng mất dần.


Khi hội nhập, các công ty hay doanh nghiệp phải nghĩ đến những cái tên cho hợp với thế kỷ 21 này. Và tên quốc gia cũng không ngoại lệ, cần mang hơi thở của thời đại, trường tồn với năm tháng.


 

[caption id="attachment_6442" align="alignleft" width="172" caption="Nguyễn Hữu Đang"][/caption]

Quốc hiệu cần phải được 90 triệu con cháu Lạc Hồng, dù sống ở đâu trên trái đất, đón nhận với niềm tự hào và được bạn bè năm châu yêu mến như họ đã từng cảm phục dân tộc này qua bao cuộc chiến tranh.


 

Nếu hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về quốc hiệu cho 100 năm sau hay lâu hơn nữa mà không phải thay đổi, chắc sẽ được nhà tiên tri tặng một cái tên trác tuyệt. Nếu cụ Hồ còn sống cũng sẽ chọn một cái tên bình dị như cụ đã làm năm 1945.


Từ “Dân chủ” và “Cộng hoà” xuất hiện ở hầu hết trong tên của các quốc gia dù là Hồi giáo hay đạo Tin lành, dù tư bản hay không tư bản, từ Âu sang Á, từ châu Mỹ sang châu Phi.


Tên nước “Việt nam Dân chủ Cộng hoà” đã đi suốt những năm tháng khó khăn nhất, đổ nhiều máu nhất. Nó được khai sinh trên một lễ đài mong manh nhưng bất diệt của người thanh niên 33 tuổi Nguyễn Hữu Đang.


Những người đứng trên đó năm xưa chắc chẳng còn ai. Rất ít người dự lễ trên sân Ba Đình ngày 2-9-1945 còn sống. Người viết bài này hoài niệm về mùa Thu tháng Tám trên sách vở, vì năm 1945, tôi chưa cất tiếng khóc chào đời.


Lúc này, chính là thời khắc những gì thế hệ Cách mạng Tháng 8 có thể làm được cho hôm nay và cho mai sau. Thời đó, họ còn trẻ nhưng bây giờ đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”. Họ chính là những nhân chứng sống của một thời với những ánh hào quang pha chút bi tráng.


Ngoài việc suy tư về hội nhập, định hướng cho tương lai, một cái tên quốc gia chính thức khác cho xứng tầm thời đại cũng nên được các vị lão thành để tâm đến.


Quốc hiệu trong thời đại toàn cầu hoá cần mang theo sứ mạng của dân tộc trong một ngữ cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Thế hệ trẻ hôm nay cần mang trên vai trọng trách đó như cụ Hồ đã từng tin chàng trai Nguyễn Hữu Đang xây dựng lễ đài Ba Đình sau cuộc họp vài phút.


Tên “Việt Nam” sẽ mãi trường tồn, nhưng quốc hiệu thay theo thời gian. Đó cũng là điều bình thường của cuộc sống. Giữa dòng đời tấp nập ngược xuôi, mỗi chúng ta với tư cách một dân thường, thử dành “ba phút sự thật” như Phùng Quán, để nghĩ về một quốc hiệu mới cho đất nước.


Biết đâu chẳng phải tìm quá lâu. Tên “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” cách đây 65 năm trên lễ đài Độc lập lại là sự lựa chọn của số đông. Nó gợi cho thế hệ tương lai biết về quá khứ hào hùng và hướng tới ngày mai tốt đẹp, như ước mong của kẻ ngồi trên lưng trâu thuở trước.


Hiệu Minh. 2-9-2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét