Mình gọi điện hỏi thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh), nói anh cu Cá còn ở Ba Đồn không? Nó nói chết rồi. Trời đất, thế mà định bụng hè này về gặp anh cái.
Anh cu Cá cao tuổi hơn mình nhiều, bình thường phải gọi bằng chú, bác nhưng bà con, chi trên chi dưới chi đó, anh em trong nhà đều gọi anh cu C á cả, mình cũng gọi anh cu Cá. Mình ít khi gặp anh, nếu gặp cũng thấy anh trong tình trạng say, anh nát rượu sớm, 4 chục tuổi đã nát rồi. Những năm gần đây khi nào cũng thấy anh vặt vẹo, đi đứng loạng quạng, run rẩy, cứ được chục bước lại ôm cây đứng thở. Vậy mà vẫn cứ say, say ngả say nghiêng. Lần nào gặp, anh cũng nói mới về hả mi? Mình dạ rồi đi, anh kéo tay lại, nói cho anh năm nghìn. Buổi sáng gặp xong, chiều gặp lại anh lại nói mới về hả mi, cho anh năm nghìn.
Ai biết ngày xưa, thời chiến tranh, dân thị trấn coi anh như anh hùng.
Ngày đầu tiên máy bay Mỹ bắn phá, 5/8/1964, dân thị trấn sợ xanh mặt. Mạ mình với chị Viên ngồi trong hầm tay vái miêng rên lạy trời lạy phật! Có lẽ khi đó cả Thị Trấn chỉ có anh cu Cá là gan nhất. Anh 17, 18 tuổi chi đó, vác khẩu súng trường K44 chạy đuổi theo máy bay vừa bắn vừa chửi. Anh chửi đ. mạ đế quốc Mỹ rồi bắn phát, lại chửi đ, mạ đế quốc Mỹ lại bắn một phát.
Sau thấy đuổi theo máy bay không ăn thua, anh trèo lên nốc nhà cho gần máy bay, cũng vừa bắn vừa chửi. Bắn hết đạn thì tụt quần vỗ háng hét vang lên, nói vơ Đế quốc Mỹ nời…cu tau đây nì ! Mình mới 8 tuổi, chưa thấy sợ, chỉ thích nhào ra khỏi hầm xem máy bay, mạ mình vừa hét vừa đánh cho nát đít. Mình nhìn ra cưả hầm thấy anh cu Cá leo lên chạc ba cây xoan đầu hồi nhà mình bắn máy bay, vừa bắn vừa chửi. Mạ mình kêu to, nói đi chỗ khác chửi em ơi, không đế quốc Mỹ nó tưởng mự chửi nó thì chết thôi.
Sau này mọi ngườì đều hiểu máy bay không phải như ô tô, nó bay cao đến đâu, tốc độ siêu âm là như thế nào, nhưng hồi đầu đúng là ấu trĩ như thế.
Cứ sau một đợt máy bay oanh tạc, thế nào anh cu Cá cũng được Thị đội tuyên dương. Anh cu Cá cho mình một mớ ca- tút để chơi, sướng rêm. Một hôm mình đi học về, chị Nghĩa nói anh cu Cá bắt đựơc phi công, mình vứt xắc chạy đến nhà anh liền. Anh đang ăn khoai, mình hỏi phi công mô rồi, anh nói nộp huyện đội rồi. Mình tiếc ngơ ngẩn, hỏi phi công ra răng, anh nói to cao chơ răng. Mình mếu máo, nói răng anh không giữ lại cho tui coi với. Anh đưa mình củ khoai, nói được rồi lần sau bắt được tau cho coi.
Những chuyện anh đi báo cáo thành tích mình không biết, chỉ nghe kể lại. Người ta viết sẵn cho anh một bản báo cáo dài tám trang, đại khái gia đình chịu nhiều đau khổ, quê hương lầm than, tội ác trời không dung đất không tha, lòng căm thù chất cao, rực lửa căm thù... vân vân. Anh đánh vần mãi chưa được nửa trang, vứt tờ giấy vung tay hô đá đảo Đế quốc Mỹ, rồi nói báo cáo hội nghị cho em nghỉ. Những lần sau hễ thấy ai gọi anh đi báo cáo là anh trốn. Có hôm chạy sang nhà mình, trốn trong hầm. Mạ mình nói thằng ni dại, được thành tích lại không đi báo cáo, anh nói ẻ vô mự, cực lắm.
Hai năm sau có luật ai bắt được phi công Mỹ huyện sẽ thưởng một con bò. Anh chạy lên huỷện đòi thưởng bò, huyện không cho, nói chỉ giải quyết từ nay về sau, trước đó không tính. Anh không thắc mắc gì, nhưng hễ uống rượu say lại chạy lên uỷ ban huyện hét ầm lên: Vơ ủy ban... bò tui mô! Lúc đầu còn hét, sau vừa hét vừa chửi đ. mạ uỷ ban... bò tau mô!
Người ta gọi vào giải thích, hỏi hiểu chưa, anh nói hiểu rồi, hỏi thắc mắc chi không, anh nói không, hỏi đã vui vẻ chưa, anh nói vui vẻ rồi. Nhưng hễ uống rượu say anh lại mò lên uỷ ban hét, nói vơ uỷ ban nời, bò tau mô!
Chiến tranh qua lâu rồi, chẳng ai nhớ đến anh nữa, chừng bốn, năm chục tuổi, anh bắt đầu nát rượu.Anh chẳng làm gì ngoài việc đi liệm xác. Trong vùng, hễ có ai chết là gọi anh cu Cá, chưa khi nào anh từ chối, kể cả lúc nửa đêm, phải đi xa năm mười cây số anh cũng không từ.
Người chết có đủ loại, người khoẻ mạnh, sạch sẽ không nói làm gì; người bẩn thỉu, bệnh tật, lại bệnh truyền nhiễm mà chết thì đến ruột cật cũng chẳng ai dám mó tay vào. Anh Cá ok hết. Anh ngậm rượu phun toẹt cái nói một câu, lại ngậm rượu phun toẹt cái nói một câu. Cứ như anh đang nói với người sống chứ không phải người chết.
Hôm chị Qui mình chết anh cũng tới liệm. Khi đó anh Huy đang làm cầu Thăng Long, không về kịp. Mình con trai ngồi ngoài, không cho vào nhưng nghe anh nói đủ cả. Anh nói con ni mặt đen nhưng người ngợm trắng gớm hè, rồi phun rượu cái toẹt. Anh nói mới 28 tuổi chết tội hè, không biết thằng Huy làm được chi không mà chết tội hè .Mạ mình khóc hét lên mi nói cái chi rứa Cá ơi là Cá. Anh phun rượu cái toẹt nói mự hay, tui nói thiệt đó, mấy con bụ to hay chết non, tội lắm.
Vào lúc tang tóc anh lại nói bậy bạ nhiều ngươì tức lắm, có người còn dọa đánh, nhưng đụng sự không thể không mời anh.Anh làm cẩn thận, sạch sẽ, tiền công chẳng đáng bao nhiêu.Thực ra ngậm rượu phun vậy, đến khi xong việc đã say nhừ, ai nhét vào túi anh bao nhiêu anh cũng chẳng thèm để ý.Anh chân nam đá chân chiêu vừa đi vừa hát, vấp ngã đâu là nằm đó ngủ cho tới sáng, nhiều khi con cái đi tìm toát mồ hôi.
Một điều lạ, khắp thị trấn anh không sợ ai, chỉ sợ con. Vợ anh chết sớm, anh sống với ba cô con gái và thằng Minh, con trai cả. Con gái anh không sợ, anh chỉ sợ mỗi thằng Minh.
Anh đi suốt ngày, chiều tối mới ngật ngưỡng về nhà, lật cái nắp soong cơm lên, nếu không có thằng Minh, bất kể cơm còn ít hay nhiều, anh đều dập mạnh cái nắp, trợn mắt hét đ. mạ, bay để cơm cho bọ bay ri đa! Anh vừa ăn vừa chửi, nói công tao giáo dưỡng sinh thành mà đến đọi cơm tụi bay còn tiếc. Tao chết coi thử tụi bay có bốc cứt mà ăn không. Nhưng khi thằng Minh bước vào, nghiêm giọng hỏi chi rứa bọ, lập tức ông im ngay, cười cái xoẹt nói có chi mô con. Rồi ông ngước mặt nhìn mấy cô con gái ngọt ngào răng tụi bây phần cho bọ nhiều ri, đứa mô ngoan hái cho bọ trái ớt.
Đám tang mẹ Tiểu Hoa, nghệ sĩ kịch đoàn kịch Bình Trị Thiên, ở sát nhà ông. Liệm xong ông còn ở lại, lăng xăng làm cái này làm cái nọ suốt đêm. Tiểu Hoa thì ngồi khóc vùi, chẳng biết ông làm gì, sáng mai chỉ gửi ông tiền công liệm. Ông trợn mắt hỏi mi trả tau từng ni tiền a. Vừa dứt lời thì thằng Minh vào hỏi chi rứa bọ. Ông cười cái xoẹt đưa tiền cho Tiểu Hoa, nói Hoa ơi, dượng nói rứa chớ dượng không lấy mô con. Bất kì ai đụng sự là ông chửi, khoa chân múa tay giống anh hùng hảo hán, nhưng hễ gặp thằng Minh là ông nhũn như con chi chi, khi say mềm y chang thằng con nít ba bốn tuổi.
Ba ngày mở cửa mả chị Qui, mạ mình đưa gói xôi thịt cho mình nói đưa sang cho anh cu Cá. Bà còn dặn thêm nhớ đưa tận tay anh, không anh đến nhà chửi cha mình đó. Mình sang, không có anh, ngồi đợi. Thằng Minh ngồi tiếp mình một lát thì anh về, chân nam đá chân chiêu. Thằng Minh trừng mắt, nói bọ uống mô về say rồi. Ông dựa vách len lén nhìn thằng Minh, len lén đi vào, lập cập nói không không… bọ mới uống có.. hai chén thôi con. Thằng Minh rút cái roi mây chỉ mặt ông, nói vô phản nằm xuống!
Mình ngạc nhiên quá trời.
Anh len lén leo lên phản nằm sấp, cái mông chổng cao, sợ hãi nói bọ mới uống có hai chén thôi con. Thằng Minh quất cái roi cực mạnh xuống phản, nói bọ hứa tui răng. Anh giật mình đánh thót, nói bọ mới uống hai chén thôi mà, tha cho bọ đi con. Thằng Minh dứ dứ cái roi, nói bọ nợ mấy roi rồi. Ông nói 14 roi con, thằng Minh hét răng lại 14, ông lập cập nói ngay 20, 20..., thằng Minh hét tui không đùa với bọ mô nghe. Ông mếu máo nói ba chục roi rồi, nhưng bữa ni cho bọ nợ con ơi. Thằng Minh nói rứa là cả thảy 33 roi nghe chưa. Anh nói ừ, 33 roi..., bọ nhớ rồi con. Thằng Minh quát vô ăn cơm, ông len lén đi vào bếp.
Thằng Minh dắt cái roi lên vách nháy mắt với mình cười, nói doạ cho ông sợ chứ ông hư lắm. Hôm anh Cá tới thăm ba mình ốm, ba mình nói nghe thằng Lập nói mày bị thằng Minh doạ đánh à? Anh nói mô có cậu, tại con dạy nó lâu ngày quên, chừ nó dạy lại cho nhớ thôi, có chi. Chuyện này mình kể cả trăm lần, ai cũng cười nhưng chẳng có ai tin, hi hi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét