Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Chỉ cần có một tấm lòng

Câu chuyện anh Trần Hữu Lưu và Đội qui tập 584 Quảng Trị lặn lội dọc các cánh rừng Trường Sơn để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là điểm sáng ngời trong năm 2010, cũng là điểm sáng ngời trong suốt 15 năm qua ( 1996-2010). Trong suốt 15 năm ấy, anh và đồng đội đã đi không biết bao nhiêu cánh rừng, lội qua không biết bao nhiêu suối khe, vượt qua không biết bao nhiêu đèo cao dốc đứng… để tìm được 2.268 hài cốt liệt sĩ. Không một ai, kể cả những người có tâm hồn lạnh lẽo, lại không cảm phục trước việc làm cao cả ấy.


            Thời buổi mọi thứ đều có thể qui ra tiền, nếu biết người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để có được hài cốt người thân thì sẽ biết sự hy sinh của Trần Hữu Lưu và đồng đội to lớn nhường nào. Ai cũng biết anh và Đội qui tập 584 của anh đã được Nhà nước phong danh hiệu anh hùng nhưng ít biết nỗi cay đắng của anh khi cả hai đứa con anh đều nhiễm chất độc da cam, anh con trai 25 tuổi thiểu năng trí nhớ, cô con gái 20 tuổi thì bị liệt. Ít ai biết khi anh Lưu ngược xuôi kiếm tìm đồng đội thì vợ anh phải túc trực ở nhà để chăm sóc hai đứa con tật nguyền, không làm được gì để kiếm thêm. Cuộc sống nhà anh đã khốn khó lại càng thêm khốn khó. Thật quá cảm động về sự hy sinh vô bờ bến của một người lính.


            Rất nhiều người có thể không hiểu nổi tại sao ngày nay còn có những  người suốt mười lăm năm trời lao vao gian khó nghìn trùng để làm những việc không có thêm được một xu nào, giống như chị Năm Nghĩa ngày xưa đã dành trọn nửa cuộc đời còn lại của mình để đi vào những cánh rừng già kiếm tìm đồng đội, người ta đã gọi chị là “Chị Năm Khùng”, trong khi gia đình còn nhiều nỗi cam go? Anh Lưu và đồng đội chỉ nghĩ đơn giản: “Biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của mình đã hi sinh, cống hiến trọn đời cho quê hương, đất nước, nay chưa được quy tập về nghĩa trang, về với gia đình. Biết bao nhiều người bố, người mẹ đau đáu chờ con trong  mỏi mòn khắc khoải..." và “ Mình không làm việc này thì ai làm?” Hoá ra để làm những việc mà người ta gọi là “khùng” kia, người ta chỉ cần có một tấm lòng. Hoá ra chỉ cần một tấm lòng người ta không những làm được những việc thiện như anh Lưu, chị Năm Nghĩa và đồng đội đã làm mà có thể tránh được vô vàn những việc bất nghĩa vô lương khác.


Chỉ cần một tấm lòng sẽ không có chuyện cô giáo mắng chửi học sinh như hàng tôm hàng cá, bảo mẫu coi con trẻ như chó mèo. Sẽ không có hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, doanh nhân đấu giá ảo từ thiện ảo, kẻ giết người chỉ vì “nhìn mặt dễ ghét” v.v. Chỉ cần có một tấm lòng sẽ không có chuyện đập nát thành nhà Mạc xây lên “cái lò gạch”, in tờ rơi tuyên truyền ATGT thành những tờ rơi khiêu dâm thô tục. Sẽ không có gạo cứu đói cho người nghèo để quên đến mốc xanh, ruộng nông dân ngang nhiên biến thành những dự án lậu và người thi hành công vụ ngang nhiên đánh đập sĩ nhục người dân.v.v.


Cách đây nửa thế kỉ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Đúng như vậy, chỉ cần có một tấm lòng ta sẽ có bao nhiêu việc nghĩa ở đời như Trần Hữu Lưu và đồng đội đã làm; cuộc sống sẽ mất đi những bất công và oan trái; bạo tàn giả trá theo đó cũng mất theo. Nhưng liệu có được bao nhiêu tấm lòng như vậy, khi mà triết lý vinh thân phì gia được coi như lẽ sống người đương thời?

Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Chuyện trai gái thời bao cấp

 Bây giờ trai gái yêu đương ôm vai hót cổ thoải mái, hôn hít ngay giữa đường giữa chợ cũng không ai lấy đó làm điều. Ngay việc quan hệ tình dục cũng không còn là vấn đề gì nếu là trai chưa vợ gái chưa chồng. Ngày xưa thì khiếp lắm, cấm kị đủ đường. Là nói cái thời bao cấp thôi, chứ trước đó nữa lại càng kinh khủng khiếp. Cái thời mà trai gái yêu nhau chỉ được đánh mắt đưa mày, muốn  cầm tay cầm chân, ôm vai hót cổ phải vào nơi kín đáo, nếu để cho người khác nhìn thấy thì bị coi là yêu đương không đứng đắn. Chàng đạp xe đạp chở nàng trên đường, nàng chỉ có việc hai tay nhét đùi ngồi yên như khúc gỗ. Cô nào bạo lắm cũng chỉ nắm hờ ngang thắt lưng, chẳng có cô nào ôm eo áp ngực chàng như các cô gái thời nay. Những chiều mùa hạ, trai gái  hẹn hò nhau ra bờ đê ngồi, chỗ này một cặp, chỗ kia một cặp rủ rỉ tâm tình. Nàng nhổ cỏ chàng bẻ ngón tay, nói chuyện chán thì về, chẳng dám làm gì.


 Hôn hít thời này bị liệt vào hành vì giao cấu, rất xấu xa. Đừng nói ngày xưa, ngay bây giờ vẫn còn quan niệm như thế. Năm ngoái Nguyễn Quang Thiều chả kêu ầm lên về dự luật cấm hôn nơi công cộng, may có ông Thiều kêu, báo chí làm ầm ầm người ta mới dẹp đi, nếu không thế nào luật cấm ấy cũng lọt vào top ten những luật cấm hài hước.


 Thời bao cấp những chuyện cụ thể chẳng có luật lệ gì, đa phần làm theo chỉ thị khi thì bằng văn bản khi thì chỉ thị mồm. Đôi khi một xếp nào đó ngồi nhậu chợt nhớ chuyện gì đó nhắc khẽ một câu, thế là thành chỉ thị. Chuyện trai gái yêu đương các xếp cũng nhắc nhở nhẹ nhàng thôi nhưng xuống cơ sở thành ra chuyện rất nghiêm trọng. Chuyện hôn hít cũng vậy, không chỉ cấm nơi công cộng mà cấm khắp nơi, sách báo phim ảnh tuyệt cấm kị. Nếp sống thời này cho đó là hành vi thiếu đứng đắn, không lịch sự. Cầm tay nhau cũng đã quá đáng lắm rồi, hi hi.


Mình nhớ xem phim, khi nào trai gái nhìn nhau đắm đuối, “mắt trong mắt tay trong tay âu yếm”, thì cả rạp lặng ngắt, nín thở chờ. Nhưng rồi đến khi môi này sắp dính môi kia là màn hình tối mò. Người chiếu phim đã che ống kính. Anh naò ngứa mồm la làng, nói thả tay ra cho người ta xem, lập tức có năm bảy người khác mắng cho là vô văn hoá. Sau đó thế nào cũng có người báo về cơ quan, đoàn thế, thế nào anh ta cũng bị “ cạo” cho một mẻ. Suốt cả năm đó chuyện anh ta luôn được đem ra làm ví dụ một khi các xếp nói về nếp sống mới, nói có đồng chí còn dám yêu cầu chiếu phim thả tay ra để xem cảnh hôn hít, rất đáng xấu hổ. Một câu đó thôi xếp có thể đem ra “ ví dụ” cả trăm lần. Khốn khổ thế đó.


Thành thử cái gì cũng lén lút, đọc sách xem phim ảnh cũng phải lén lút. Nơi mình học là trường cấp 3 Bắc Quảng trạch, một trường tiên tiến, nhiều năm liền là lá cờ đầu giáo dục tỉnh Quảng Bình, những năm 1969- 1970 bỗng đâu xuất hiện cuốn sách Bí mật thành Paris. Truyện chẳng có gì, chỉ kể chuyện anh chàng cắt móng tay yêu đương mấy mụ nạ dòng giàu sang phú quí. Mấy màn yêu đương chỉ tả sơ sịa, thế mà học trò đua nhau bí mật chép tay lại cả cuốn, bí mật truyền tay nhau thì thà thì thầm vô cùng nghiêm trọng. Nhà trường ra sức truy bắt, may không bắt được ai, nếu thầy cô túm được cuốn sách trong cặp đứa nào thì đứa đó bị đuổi học là cái chắc.


Anh Thắng, anh trai của mình, hồi đó nổi lên như một thanh niên xuất sắc, mới lớp 10 đã được kết nạp Đảng, làm đến chức phó bí thư đoàn trường, uy danh lừng lẫy. Anh yêu chị L.A đẹp nhất trường. Nói thật từ bé đến giờ mình chưa thấy ai đẹp như chị L.A. Mình đang học lớp 7, mới bé tí nhưng toàn sưu tầm mấy chuyện “ bậy bạ” lén lút đọc say sưa. Đa phần sách đó đều là sách chép tay, chị L.A cho mượn. Một hôm anh Thắng tóm cổ được mình đang nằm tùm hum trùm chăn đọc cuốn  Bí mật thành Paris. Anh hỏi sách của ai, mình khai của chị L.A cho mượn. Tưởng khai thế thì anh Thắng sẽ cho qua, ai dè anh tịt thu luôn cuốn sách. Anh không đưa chị L.A anh ra chi đoàn kiểm điểm nhưng gọi chị L.A ra riêng “xạc” cho một trận và cắt đứt chị luôn. Hi hi ngu thế không biết.


Sau này chị L.A yêu anh H rất đẹp trai. Đêm trăng hai người rủ nhau ra bãi cát chơi, hai người nằm hai góc, lăn qua lăn lại, ném cát đùa nhau, chỉ thế thôi chứ chẳng có gì bậy bạ cả. Chẳng ngờ ông nông dân xách quần  ra bãi cát đi ngoài, bắt được hai người, liền báo cho nhà trường. Từ đó anh H và chị L.A được Nhà trường mô tả như cặp học sinh sa đoạ, đàng điếm nhất trong lịch sử của Nhà trường. Kinh. Hi hi.


Trai gái muốn yêu nhau đàng hoàng thì phải báo cáo tổ chức, gia đình muốn báo thì báo chả báo thì thôi nhưng tổ chức thì phải báo cáo, nếu không thì bị coi là yêu đương bất chính. Dù yêu đương đàng hoàng, cả tổ chức lẫn gia đình đều biết vẫn hết sức ý tứ, vì biết đằng sau lưng mình luôn có người theo dõi. Ngồi nói chuyện bình thường thì không sao, chẳng có ai sau lưng mình hết. Máu lên ngồi dịch lại sát nhau cũng không sao, máu nữa mà quàng vài nàng kéo nàng vào lòng là lập tức có tiếng đằng hắng phía sau cảnh cáo. Nếu không biết hoặc bất chấp cái đằng hắng cảnh cáo kia, cứ ẩn nàng nằm xuống vệ cỏ rồi hôn hít sờ soạng thì chỉ một phút sau đã thấy ba bốn người đứng vây quanh, nói yêu cầu hai người về uỷ ban giải quyết.


Hồi đầu mình không hiểu ở đâu ra lực lượng này. Chính quyền không hề tổ chức, đoàn thể cũng không. Trừ một vài người có “ lối sống bê tha”, “ chậm tiến” họ cần phải theo dõi để “giúp đỡ”, còn lại chẳng ai hơi sức đâu đi theo dõi hết lượt trai gái yêu nhau. Về sau mới biết ở đâu cũng có những người rất nhiệt tình làm việc này, họ tự thấy trách nhiệm cuả mình ở khắp mọi nơi, đặc biệt việc giữ gìn nếp sống mới thì họ nhiệt tình lắm, hăng hái lắm.


Mình có ông thầy dạy thể dục cấp 3 rất hăng say làm chuyện này. Nhà trường không hề giao nhiệm vụ cho thầy, tự thầy tập hợp một số học sinh lập thành một đội gọi là Đội săn bắt hủ hoá. Tối nào cũng vậy, thầy dắt cả đội đi đi bò bò vào rừng trâm bầu, cồn hoang, bãi cát, bờ đê… săn lùng các “cặp đối tượng”. Từ năm 1965 đến 1975, trong vòng mười năm hàng trăm “ cặp đối tượng” bị Đội săn bắt hủ hoá của thầy hoặc tóm gọn hoặc đuổi chạy bán sống bán chết.


Có lần mình rủ thằng Thuỷ, con cậu ruột của mình, lừa Đội Săn bắt hủ hoá cái chơi. Trong nhà mình có mấy đứa con gái ở trọ, mình lấy áo quần chúng nó mặc vào, lấy giẻ độn ngực rồi đeo cooc sê vào, đội nói lên để che cái đầu trọc. Tối đó trăng sáng, mình khoác tay thằng Thuỷ đi ra rặng trâm bầu. Vừa vào rặng trâm bầu đã thấy vài cái bóng bám theo sau lưng. Mình và thằng Thuỷ cứ đi sâu vào rặng trâm bầu, rồi chui vào bụi rậm. Hai đứa ôm nhau vờ rên rỉ giọng Bắc, nói anh ơi xướng xướng, em ơi  xướng xướng. Thầy và mấy đứa học trò nhảy đại đến bụi cây, lên đạn đánh rốp, nói yêu cầu anh chị ra khỏi bụi ngay. Mình giả giọng con gái Bắc, nói em xợ nắm, xin nhà chường tha cho em. Thầy hét lên, nói các đồng chí, bắt sống khẩn trương bọn dâm ô truỵ lạc. Mấy đứa học trò lôi cổ mình và thằng Thuỷ ra. Có thằng còn tranh thủ bóp hai nùi giẻ trên ngực mình mấy bóp. Biết bị mắc lừa thầy tức lắm, nói học sinh mất dạy, dám lừa cả thầy. Nói rồi thầy phủi đít quần đi một mạch về nhà. Từ đó cho đến khi mình rời trường cấp 3 thầy không bao giờ nhìn sửa mặt mình, hi hi.


 Bây giờ thầy già rồi, mỗi lần gặp thầy mình đều nhắc lại chuyện đó trêu thầy. Thầy nhăn răng cười, nói thừa nhận tui ngu, có ai yêu đương chỉ bằng nước bọt không đâu, sao lại bắt người ta mấy chuyện đó chớ. Mình nói giả sử cấp trên bảo thầy đi bắt thì cũng không sao, đằng này thầy tự nguyện  tự giác đi làm mấy chuyện đó mới tức cười. Thầy cười cái hậc, nói rứa mới ngu, tui nghèo khó từ hồi đó đến giờ cũng vì mấy cái ngu đó thôi, suốt đời ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, ngu chi ngu tàn bạo.

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Văn hoá tuyên truyền

Chúng ta rất trọng tuyên truyền, bất kỳ một chủ trương nào của Đảng và Nhà nước đều được tổ chức tuyên truyền khá rầm rộ. Thế nhưng việc tuyên truyền của ta hơn nửa thế kỷ qua không hề đổi mới, chỉ một bài lặp đi lặp lại năm này sang năm khác. Đó là một sự thật.


Chỉ cần đặt câu hỏi: Tuyên truyền thế nào, nội dung phải ra sao, hình thức phải thế nào cho mới mẻ và ấn tượng, lập tức không ít thì nhiều người ta cũng đã làm mới sự tuyên truyền. Nhưng không, không hề. Xuân thu nhị kỳ, đến hẹn lại lên, lại dựng pa-nô, treo khẩu hiệu qua loa đại khái, làm chiếu lệ cho xong, vậy thôi. Năm nay nhiệt liệt hoan nghênh, năm sau vẫn cứ nhiệt liệt hoan nghênh. Các tranh cổ động dù có thay mới thì vẫn lặp lại một phong cách vẽ vời cũ kĩ với nền đỏ chữ vàng, nửa thế kỷ nay vẫn nguyên xi như thế.


Đã thế lại vội vàng và cẩu thả. Rất nhiều pa-nô chỉ là sự tô quét lại pa nô cũ, có vẽ mới thì nếu không nguệch ngoạc cũng copy từ những tranh cổ động nơi khác, xứ khác. Khẩu hiệu viết sai chính tả kinh khủng, sai cả kiến thức lịch sử văn hóa sơ đẳng nhất. Ngay cả việc treo khẩu hiệu ở đâu, dựng pa-nô chỗ nào cũng không mấy quan tâm. Rất nhiều pa-nô xiêu vẹo, khẩu hiệu mất chữ, rơi đổ cũng không ai để ý. Nực cười có một pa-nô dựng ngược ở ngay cửa ra vào của một phòng văn hóa quận cả tuần lễ người ta mới phát hiện ra.


Việc Ban ATGT Sở giao thông Kiên Giang bóp méo nội dung tuyên truyền ATGT thành câu chuyện khiêu dâm hầu như ít ai lấy đó làm bài học về sự kém văn hóa trong tuyên truyền, người ta chỉ tặc lưỡi cho là sơ suất. Chính sự tặc lưỡi nhẹ tênh đó cùng với tư duy cũ kỹ, nông nổi, hời hợt đã làm phương hại đến các giá trị cần tuyên truyền. Gần đây, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia đã lên tiếng về các giá trị Hà Nội sẽ bị phá hỏng bởi chính văn hóa tuyên truyền cũ kỹ, thô lậu đó.


 Ông nói về một cuộc trưng bày quá nghiệp dư ở tòa nhà bảo tàng hiện đại nhất vừa mới xây xong. Cuộc trưng bày vội vàng, chủ yếu để khỏa lấp các không gian rỗng, “vì không kịp chuẩn bị nội dung nên tạm lấp vào đó những cổ vật Thăng Long của những nhà sưu tầm tư nhân”.


Ông nói người ta không quan tâm đến hiệu quả tuyên truyền mà chỉ chăm chú đến cái gọi là cờ đèn kèn trống. Thậm chí ở một trung tâm văn hóa lớn lại có thể có “nhiều pa-nô câu chữ không đạt yêu cầu", "đá nhau”. Trong khi đó, nhà 5D Hàm Long, nơi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập thì “Bảo tàng Hà Nội lấy làm một trụ sở của mình suốt bao nhiêu năm nay”, còn căn hầm ngôi nhà 90 phố Thợ Nhuộm, nơi đồng chí Trần Phú viết Cương lĩnh “trở thành nơi để xe máy hàng ngày của cán bộ Ban Quản lý di tích”. Đó là một sự xúc phạm lịch sử, ông Nguyễn Văn Huy đã nói vậy và hoàn toàn đúng như vậy.


Bác Hồ rất quan tâm đến tuyên truyền, Người từng nhiều lần nhắc nhở: “Tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền”. Điều Bác nhắc nhở chính là văn hóa tuyên truyền. Một khi kém văn hóa tuyên truyền, một khi tư duy tuyên truyền cũ kỹ, hời hợt, thì vô hình chung gây ra nhàm chán, phản cảm cho công chúng. Đó không phải là tuyên truyền mà là phản tuyên truyền. Còn như lợi dụng tuyên truyền để trục lợi thì đó là báo hại tuyên truyền, nguy hiểm vô cùng.

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2010

Hot girl thời bao cấp

Thời bao cấp trai gái thời thượng không ai gọi là hot boy, hot girl. Không biết miền Nam gọi là gì chứ ở miền Bắc trai gái thời thượng đều gọi là người yêu lý tưởng. Ngay cả cái từ hot hình như cũng chỉ được dùng hơn chục năm trở lại đây thôi, nó bắt đầu từ ngôn ngữ chat chít của lớp trẻ. Mình đã viết hot boy thời bao cấp rồi, giờ kể thêm hot girl cho vui.


            Khác với hot boy có dăm bảy loại, thời bao cấp hot girl chỉ có một loại thôi, ấy là những cô gái mậu dịch viên. Tất nhiên thời nào gái đẹp, gái nổi tiếng đều hot cả, thời bao cấp cũng thế, nhưng thời này gái mậu dịch được trọng vọng nhất, hầu như họ không có đối thủ trong tình trường. Cái thời dân chủ yếu sống bằng tem phiếu, đường sữa mắm muối vải vóc.. nhất nhất đều phải dựa vào tem phiếu, đồng lương cán bộ chỉ có thể sống được nhờ các cửa hàng cung cấp, không thể sống nhờ chợ búa được thì ai đứng cửa hàng kể như cầm mạng sống của cả nhà.


            Các cửa hàng luôn ở tình trạng thiếu hàng, mọi người xếp hàng chầu chực chờ hàng về để được mua đầu tiên. Chỉ cần  chậm chân một chút hoặc là xách túi về không, hoặc là phải lấy mấy thứ đầu thừa đuôi thẹo. Mình nhớ ngày đó ba mình cất phiếu thịt chờ con cái đi học, đi làm ở xa lâu ngày về thăm, ông mới đem phiếu ra cửa hàng thịt. Ông dậy từ 4 giờ sáng ra cửa hàng đứng xếp hàng chờ đến 7 giờ cửa hàng mở cửa. Thế mà nhiều khi ông phải xếp thứ mấy chục. Chưa khi nào ông mua được cân thịt ngon. Thịt ngon đều để dành cho cấp trên, người nhà, người quen, người trong cửa hàng trong công ty của mậu dịch viên. Mua được cân thịt là may rồi, chẳng ai dám mơ có được cân thịt ngon. Ba mình xách cân thịt về, mồ hôi muối trắng lưng áo, nói cười hể hả như là nhặt được cân thịt ở đâu về chứ không phải đi mua thịt tiêu chuẩn. Lúc nào ông cũng khoe mình đã gặp may. Khi thì khoe đứa học trò nó nhường cho mua trước. Khi thì khoe đến lượt ông mua xong là hết sạch thịt chỉ còn lòng. Khi thì khoe hết thịt rồi nhưng cô bán thịt nhận ra người quen, cô linh động bán cho phần thịt cô để dành cho người nhà. Cả nhà nghe ông kể ai nấy mừng húm, nói may hè may hè.


            Khổ thân, tiêu chuẩn của mình mà mỗi khi mua được thì mừng hơn cha chết sống lại. Một cân thịt có khi về nhà cân lại chỉ còn tám lạng vẫn mừng, có tám lạng còn hơn không có lạng nào. Chả ai ngu xách cân thịt ra  cửa hàng yêu cầu cân lại. Người sắp hàng mua rất đông, chẳng ai cho mình chen ngang để kiện cáo. Nếu chen vào được, nói chị ơi tôi cân lại chỉ có tám lạng thôi. Cô mậu dịch một là không thèm trả lời; hai là lườm cái, nói thừa thiếu phải nói ngay tại quầy, bác đã đem thịt ra khỏi quầy còn đem lại đây bảo thiếu a; ba là cô cầm tám lạng thịt ném vào thớt, nói bác chê thiếu thì để người khác mua. Lập tức có cả chục người nói đây đây tôi mua tôi mua, tám lạng thì tám lạng. Xong om.


            Kể qua  vậy để nói quyền thế của cô mậu dịch viên lớn lắm. Bán ai trước, bán đúng cân hay thiếu cân, hàng nguyên chất hay đầu thừa đuôi thẹo đều thuộc quyền cô cả. Nếu ai thấy cô cân thiếu yêu cầu cân lại, hoặc muốn đổi hàng chất lượng cao hơn cũng không được. Mình chưa nói xong câu thì cả chục người đứng sau réo ầm ầm, nói ông kia mua nhanh cho người khác mua. Mua được hàng là tốt rồi còn đổi chác, ngu thế, tham thế. Nếu mình còn chần chừ nhất địch bị đám đông đứng sau đánh bật mình ra khỏi hàng khi nào không biết.


            Muốn mua hàng nhanh, đạt chất lượng chỉ có cách quen biết mậu dịch viên, hoặc cửa hàng trưởng, không còn cách nào khác. Quen được họ rồi thì là được mua đầu tiên, hàng đã không thiếu lại ngon lành. Sáng sớm đi làm gửi phiếu gửi sổ mua hàng cho họ, đến trưa thì viếng qua cửa hàng lấy, khoẻ re. Nếu không cứ đến thẳng cửa hàng, cố dơ mặt ra cho người ta thấy, búng ngón tay cái tách ra hiệu. Cô Mậu dịch thấy rồi, vờ gọi tên hai ba người là đến tên mình ngay. Ai thắc mắc, nói anh này mới đến sao mua nhanh thế thì vờ cau mặt cười nhạt, nói bác đến sau biết gì, tôi sắp hàng từ ba giờ sáng, giờ mới đến lượt đây. Hi hi.


             Các cô mậu dịch viên chẳng những có quyền thế lại được hưởng lộc từ các trò cân thiếu, đánh tráo chất lượng hàng, thậm chí còn đánh tráo cả tem phiếu mua rồi thành tem phiếu chưa mua, thành thử thời này tất cả các mậu dịch viên nếu không giàu có cũng không khi nào túng thiếu. Lấy được mấy cô này khác gì chuột sa chĩnh gạo. Nhà nào kiếm được cô dâu là mậu dịch viên thật mừng hết lớn. Cả họ mừng chứ không riêng gì nhà đó mừng.


            Mình chưa tán được cô nào là mậu dịch viên cả, mặc dù rắp ranh rất nhiều lần, lần nào cũng thất bại. Hễ cô nào là mậu dịch viên thì nhất định gia đình mấy người quyền thế đều thửa trước. Nếu không thì mấy ông hot boy thời này cũng cua ngay, chẳng cô nào “vườn không nhà trống” cả, rất khó tán. Mậu dịch viên thường mặt mày không đến nỗi, đa số đều sạch nước cản. Cũng có cô xấu, xấu mấy thì xấu, dù xấu ngang tầm Thị Nở cũng không đến lượt mình.


Chẳng phải cưa đổ tán được, anh nào quen được mấy cô cũng đã vinh dự lắm rồi. Quen được một cô mậu dịch là giá mình lên hẳn, từ gia đình, bà con đến thầy cô, bạn bè ai ai cũng nể trọng, ra sức chiều nịnh để nhờ cậy. Vì thế quen được cô mậu dich viên còn phấn khởi gấp mấy lần được thăng chức lên lương ( Tất nhiên là lương nhỏ chức quèn).


            Mình nhớ hồi ở Huế, mình làm việc cùng phòng với thằng T. Thằng này thiên tài về quan hệ, thích quen ai là nó quen được liền. Một hôm có cô mậu dịch tìm đến phòng mình tìm nó. Nó kéo cô vào phòng, nói đây là cô A. ở cửa hàng B. Cả phòng bỗng ngẩng phắt lên mặt mày sáng trưng, không ai bảo ai tất cả đều xúm đến rồi rít hỏi han mời mọc. Thằng T. vắt chân chữ ngũ, mặt vênh lên y chang nó vừa quen được ông thủ tướng.


            Anh M. là con ông phó chủ tịch huyện. Anh đi bộ đội lên đến hàm đại uý, hàm ấy gọi là siêu, cũng là “đồ quí hiếm”. Ở nhà bố anh dấm sẵn cho một cô mậu dịch viên. Khi anh về phép bố anh dẫn đến xem mặt.  Anh chê xấu. Bố anh trừng mắt lên, nói ngu lắm, vàng đó con ơi, tao quyền thế lắm mới kiếm được cho mày đấy, đừng có tưởng bở. Anh vẫn chê. Cô này biết được, cười cái xoẹt, nói đó chê thì đây cũng nỏ thèm, tưởng đại uý là to à. Chỉ trong tuần lễ cô cưới ngay một ông thiếu tá trước mặt anh, ông này còn đẹp trai hơn cả anh nữa.


            Thời mình đi lính chơi thân với thằng Q. Thằng này cực đẹp trai lại hát hay đàn giỏi, đi đâu gái chạy theo cả đàn. Chị nó ở nhà viết thư cho nó, nói chị đã dấm cho em một cô rất xinh xắn, khoẻ mạnh, nết na. Mày đồng ý thì để chị nói chuyện với nó. Thằng Q. làm chảnh, viết thư nói chị cứ từ từ, để em về xem có đồng điệu tâm hồn không đã. Thư sau chị nó dục, nói em quyết nhanh lên, ba mạ chờ ý kiến em để làm lễ bỏ trầu. Thẳng Q. vẫn thờ ơ, viết thư nói chị ơi em làm sao quyết được khi chưa biết tâm hồn người ta có đồng điệu hay không. Chị nó lại viết thư, lần này kể chuyện kĩ hơn, nói con bé hiện bán ở cửa hàng tổng hợp huyện em ạ. Thằng Q. đọc thư đến câu này, vội vàng tót ra bưu điện đánh điện khẩn về, nói em đồng ý, chị nói ba mạ làm lễ bỏ trầu cho em. He he.

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Bài học Bruce Weigl

Tiến sĩ Bruce Weigl là một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị, nay ông là nhà thơ khá nổi tiếng ở Mỹ. Với 25 cuốn sách và nhiều giải thưởng danh giá,  B.Weigl nổi lên như một tài năng văn chương của nước Mỹ. Hồi kí Vòng tròn của Hạnh  là cuốn sách “best-seller” ở Mỹ sắp được nxb Phụ nữ ấn nhất định sẽ dành được tình cảm đặc biệt của bạn đọc Việt Nam. Nhưng điều chúng tôi muốn nói không phải là những thành đạt của ông sau chiến tranh, chính là những gì ông đã ứng xử với người Việt, với văn hoá Việt, nơi chính ông đã cầm súng bắn giết trong cuộc đối đầu thảm khốc của Chiến tranh.


 Cũng giống như các cựu chiến binh Mỹ khác, sau chiến tranh ông đã viết sách về Việt Nam, về con người Việt Nam và văn hoá Việt; đã tìm về các nghĩa trang liệt sĩ, lặng lẽ thắp hương lên những ngôi mộ của những người lính Việt; đã vào tìm đến các trại mồ côi nhận những đứa bé Việt  về nuôi; đã tham gia nhiều hoạt động cho sự hàn gắn quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau chiến tranh. “Không ai tha thứ cho chúng tôi về quá khứ nhưng quan trọng chúng ta làm gì cho hiện tại và tương lai”. Không chỉ riêng ông đã nghĩ vậy, hầu hết các cựu chiến Mỹ đều đã nghĩ như ông. Điều khác biệt ông đã làm, cũng là điều khiến nhiều người Việt ngạc nhiên và cảm động, là cô  bé người Việt tên Hạnh năm nay đã 23 tuổi, con nuôi  của ông, đã sang Mỹ từ lúc rất nhỏ và lớn lên trong một ngôi nhà không có ai là người Việt, không ai nói thạo tiếng Việt, lại nói tiếng Việt như người Việt và vẫn giữ được cốt cách, tâm hồn Việt đậm đà đến như vậy.


Cô bé Hạnh quê ở Bình Lục, Hà Nam được ông nhận từ một trại trẻ mồ côi. Ông đã nói với mọi người rằng: “Tôi nhận từ các bạn một bé gái Việt và một ngày kia khi nó khôn lớn tôi sẽ trả lại các bạn một cô gái Việt Nam, tôi sẽ không biến nó thành người Mỹ”. Nói là làm, mười mấy năm qua vợ chồng ông đã chăm sóc tâm hồn cô bé Việt hướng về cội nguồn nơi quê cha đất tổ, ăn thức ăn Việt, nghe nhạc Việt, xem phim Việt, nói tiếng Việt. Ông luôn dặn con hãy nói tiếng Việt bất kì lúc nào có thể. Hàng tuần ông chở con đến những người bạn Việt ở Mỹ để cô bé “sống” với dân Việt và chuyện trò với họ.


Cô bé Hạnh đã kể: “Bố đã dạy tôi từng chút một, từ những việc đơn giản nhất trong ứng xử của đời sống thường nhật đến những suy nghĩ, hành động. Bố luôn muốn tôi phải là một người VN, phải nói tiếng Việt thật giỏi,  để khi tiếp xúc với tôi, người ta không được nói tôi là một Việt kiều gì đó”. Cô bé còn kể  để giúp cô thấm nhuần được văn hoá Việt một cách chuẩn xác nhất, bố cô, tức ông B. Weigl. đã lặng lẽ học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa VN từ đền chùa, miếu mạo đến phong tục tập quán hằng ngày. Thật quá cảm động trước tình cảm của một người Mỹ không muốn con mình mất gốc Việt.


Vì sao B. Weigl làm như vậy? Một khi biết trân trọng, yêu quí văn hoá dân tộc mình, chứ không phải tự ti mặc cảm hay tự đắc và thổi phồng, thì nhất định người ta biết trân trọng, yêu quí văn hoá dân tộc khác. Ông B. Weigl hiểu rằng nếu tước đi hồn Việt trong bé Hạnh và nhồi nhét vào đấy thứ văn hoá Mỹ sống sượng thì nước Mỹ sẽ không có thêm một người Mỹ trong khi một người Việt sẽ mất đi. Cao hơn cả điều đó, ông hiểu rằng hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng của một con người chính là khi họ có quê hương, có gốc gác, có đất nước và đồng bào của họ và được sống cùng với tất cả những điều đó. Vì thế sẽ không có gì đau khổ hơn khi một người Việt không có  hồn Việt hoặc là một hồn Việt méo mó bệnh hoạn.


Bài học Bruce Weigl khiến mỗi người Việt chúng ta giật mình tự hỏi:  ta đã làm gì để nuôi dưỡng hồn Việt trong tâm hồn con cháu chúng ta, trong chính tâm hồn mỗi một chúng ta?


 

 

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Nhớ thời bao cấp

Đã có vài ba phim truyền hình kể về thời bao cấp rồi nhưng chưa có phim nào ghi lại thật đúng thời ấy cả. Mình rất muốn làm một phim về thời bao cấp, làm thật chuẩn để mọi người nhớ lại cái thời đã qua. Nhiều chuyện bây giờ kể lại cho trẻ con chúng nó không tin, chỉ có phim kể lại may ra chúng nó mới tin.


            Cái thời bao cấp cái gì cũng ngược đời, giá cả không đi kèm với giá trị. Một bát phở 5 hào trong khi một ngọn thuốc lá có lúc lên đến 1 đồng. Một chỉ vàng là 80 đồng, nếu biết kinh doanh thì chỉ cần một vườn thuốc cũng đã có vài chục cây vàng như chơi. Nhưng hồi đó không ai tính chuyện kinh doanh, kinh doanh là buôn bán, con người mới ai lại đi buôn bán. Ai nghĩ đến kinh doanh thì tự mình cũng thấy xấu hổ, chưa cần đến người khác chê cười.


            Cái thời ấu trĩ kinh khủng khiếp. Nhà cửa chật chội bê tha nhưng ai cũng bám lấy cái nhà Nhà nước phân cho, ít ai nghĩ chuyện mua bán đổi chác nhà đất. Hồi ở Huế, mình mới về Sở văn hoá, được phân một cái gọi là “căn hộ” 12 mét vuông, vợ chồng con cái cứ yên tâm ở vậy cho đến khi chia tỉnh. Trong khi đó một căn hộ 28 mét vuông chỉ 1,4 cây, một cái nhà vườn cách trung tâm 3, 4 km cũng chỉ giá ấy. Đồ hàng vợ mình đi Nga về nếu bán cũng được 2 cây nhưng cả vợ lẫn chồng không hề nghĩ bán đi để mua nhà, cứ ở vậy chờ Nhà nước phân nhà mới, thế thôi.


            Giải phóng miền Nam, ông bác mình xin được suất di cư sang Pháp ở. Ông bác gọi ba mình vào cho cái nhà bốn lầu ở Q.1 ( tp HCM). Ba mình chẳng những không lấy lại còn trách ông bác, nói cho gì lại cho nhà, ai vô đó mà ở. Ba mình là một cán bộ cách mạng, không đời nào ông nghĩ đến lấy cái nhà đó rồi bán đi. Mua bán nhà là một cái gì rất xa lạ với ông. Đến khi ông bác bàn giao cái nhà cho Chính quyền, cho ba mình lấy đồ đạc trong nhà thì ông lại mừng húm, hí hửng khiêng khiêng dọn dọn mấy ngày mới xong, mừng như cha chết sống lại.


            Mình cũng thế thôi, ngày ở lính, cả tiểu đội phát hiện một cái hang chứa đầy đồ quân trang lính Mỹ. Áo quần vải vóc hồi đó khan hiếm vô cùng, nếu khôn ngoan như bây giờ thì cái kho ấy đem bán hết cũng kiếm được cả trăm cây vàng chứ không ít. Nhưng chẳng ai nghĩ thu gom áo quần Mỹ làm gì, chỉ tranh nhau cắt dây dù đem về buộc võng. Xe hon đa 67 lính cộng hoà bỏ chạy vứt đầy sân trung đoàn, ai biết đi thì lấy đi, đi xong rồi vứt đấy, chẳng ai thèm ngó ngàng, trong khi tiền để mua một chiếc xe đạp thì nằm mơ cũng không có.


 Thời này kẻ giàu có thường bị khinh rẻ, coi thường. Mình nhớ hồi học lớp 5 mình ngồi gần con B., mẹ nó là  mậu dịch viên ( mậu dịch viên là hot girl thời bao cấp, số sau mình sẽ kể) . Con B. ăn trắng mặc trơn, rõ là đồ tiểu tư sản, trong lớp đứa nào cũng ghét.  Mới tí tuổi đầu mà đi học lúc nào cũng xức nước hoa thơm lừng. Sau này mình mới biết nó thích mình, ăn cắp nước hoa cuả mẹ nó để xức. Mình đã ngồi dịch ra, nó cứ lấn tới, điên tiết mình vùng đứng dậy, nói thưa cô cho em ngồi chỗ khác. Cô hỏi sao, mình nói thưa cô bạn B. xức nước hoa khai mù em chịu không nổi. Vì chuyện đó mà từ đó cho đến lớp 10 con B. nhìn mình bằng nửa con măt, hi hi.


Chuyện đó không ngờ đến tai thầy hiệu trưởng. Hồi đó mình tương đối nổi tiếng trong trường, không phải phải vì học giỏi mà vì “con thầy Đạng”, ba mình là thầy của rất nhiều lãnh đạo to nhỏ trong tỉnh, cũng là thầy của thầy hiệu trưởng. Chào cờ sáng thứ hai hàng tuần, thầy hiệu trưởng nói có một số học sinh còn nhỏ tuổi đã mang tư tưởng tiểu tư sản, áo quần là lượt, chải chuốt xức nước hoa rất kinh. Nước hoa là gì các em có biết không, đó là thứ của bọn ăn trên ngồi tróc chuyên đem ra để lừa bịp giai cấp công nông. Mình liếc sang con B., mặt nó cúi gằm, vô cùng sợ hãi.


  Thầy hiệu trưởng còn đến nhà mình khoe với ba mình, nói thưa thầy em đã chuyển thằng Lập sang bàn khác. Ba mình hỏi sao. Thầy nói nó ngồi gần con bé hôm nào cũng xức nước hoa khai mù. Ba mình trợn mắt há mồm, nói thế à? Chà chà… nguy hiểm quá! Anh chuyển đi là phải. Năm lớp 7 mình đạt giải  cả văn lẫn toán học sinh giỏi tỉnh, ba mình mừng lắm, ôm lấy thầy hiệu trưởng, nói công anh lớn quá, gia đình tôi ơn anh lắm lắm. Thầy hiệu trưởng mới khiêm tốn nói thưa thầy, nhờ thầy rèn cặp em Lập đó. Ba mình lắc đầu xua tay, nói không không, nếu anh không chuyển thằng Lập tránh xa con bé tiểu tư sản kia thì làm sao nó có thành tích như thế được. Hi hi chết cười.


 Cái thời gíàu có là xấu xa nhiều chuyện cười ra nước mắt. Ai cũng thích giàu nhưng hết thảy đều ra vẻ coi khinh lũ giàu có. Nhà nào kha khá một chút đều chẳng dám phô ra ngoài, đặc biệt nhà cán bộ có chức có quyền một chút thì phải hết sức giữ gìn, làm con gà ăn cũng phải lén lút, giấu tiếng bịt hơi, sợ nhỡ may hàng xóm biết được thì bỏ mẹ. Người nghèo nếu có mổ heo cũng chả việc gì nhưng nếu là cán bộ có chức có quyền thì chỉ một bữa cá rán cũng đã thành vấn đề. Mình nhớ hồi mình học lớp 2, ba mình có khách trong tỉnh ra chơi, ông mổ gà đãi bạn. Ông sai mình ra ngoài ngõ đứng canh, rồi nhét con gà vào bao tải nhúng nước cho đến chết, không dám cắt tiết, sợ nó kêu. Khi ông luộc hay rán gà, mình phải chạy quanh vườn ngửi xem mùi có bay ra ngoài không. Khi ngửi thấy mùi thơm thì lật đật chạy vào, nói ba ơi thơm rồi thơm rồi. Ba mình lập tức lấy cái chăn trùm kín nồi.  Đến khổ.


            Cán bộ đi làm chủ yếu dựa vào đồng lương, ai muốn kiếm thêm cũng phải giấu diếm, nếu lộ ra nhất định sẽ bị kiểm điểm  lập trường không vững vàng, tư tưởng không ổn định, chân trong chân ngoài. Ít ai sống đủ bằng lương, thường thì đến nửa tháng là sạch bách. Khi đó phải tính chuyện bán cái gì đó để sống tiếp nửa tháng còn lại, đa phần chẳng biết bán gì ngoài việc đem tem phiếu tiêu chuẩn đi bán. Phiếu vải đem bán đầu tiên, sau đến phiếu thực phẩm. Chỉ cần có đủ gạo ngày hai bữa là xong, ăn gì chẳng được, mặc gì chả xong. Thời đó nhiều người chỉ có một bộ áo quần tươm tất, gọi là áo quần đi làm, ngày mặc đi làm, tối về giặt là phơi khô ngày mai lại mặc đi làm tiếp.


            Mình ở khu chung cư 24 Lê Lợi- Huế, cạnh nhà thằng Thịnh (Nguyễn Thế Thịnh) và anh T. Anh T. làm cùng sở với mình, anh hiền lành nhu mì, suốt ngay có khi không nói được một tiếng. Anh ở với thằng con trai trong cái phòng nhỏ hẹp như phòng mình. Cứ mỗi kì lĩnh lương, anh chia lương ra 30 phần bằng nhau, lấy dây chun cột thành 30 “bó” nhỏ, cất kín vào tủ. Mỗi ngày anh đem một “ bó” tiền ra tiêu, chỉ tiêu đúng “ bó” ấy thôi, thiếu thì nhịn, kiên quyết không chi lạm sang “ bó” khác. Ngày nào có khách, anh buộc phải chi thêm “ bó” khác thì ngày sau hoặc anh xách xe đi “ thăm” nhà bà con, bạn bè kiếm bữa cơm, họăc anh nằm co nghiến răng nhịn đói.


            Năm 1988, Đảng phát động công cuộc Đổi mới, anh em họp chi bộ phê phán cơ chế bao cấp rất hăng, anh T. vẫn ngồi yên không nói gì. Đến khi anh em tranh nhau phê phán hăng quá, anh dơ tay, nói tui có ý kiến. Anh đứng dậy mếu máo, nói các đồng chí nói chi thì nói, không được nói xấu chế độ. Nói xong anh đứng khóc oà như trẻ nhỏ. He he

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

Bọ phỏng vấn cụ phó tổng Trần Đăng Tuấn

Ông Trần Đăng Tuấn: "Nói chung tôi là người lãng mạn"


Ông Trần Đăng Tuấn nguyên là phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, tháng 11 vừa rồi ông đột ngột từ chức, gây xôn xao dư luận. Ông đã công tác tại VTV từ hơn 20 năm nay, là tiến sĩ chuyên ngành truyền hình đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản từ trường ĐH tổng hợp Lomonoxop và Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ).


Ông được cho là người nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có 1 kênh và đề xuất ý tưởng tự thu, tự chi từ những năm cuối thập kỷ 90. Giải thích cho việc từ chức của mình, ông mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Nếu thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh, góc độ khác, để thêm những trải nghiệm khác, thì đó cũng là việc đáng làm.”


Chúng tôi đã tìm đến ông trong một cuộc trà dư tửu hậu để có cuộc phỏng vấn này.


Nguyễn Quang Lập (NQL): Truyền hình nước ta đã có một bước tiến dài, đặc biệt 10 năm trở lại đây. Một cách thật khách quan, anh đánh giá truyền hình nước ta đang ở đâu trong bản đồ truyền hình khu vực và thế giới?


Trần Đăng Tuấn (TĐT): Người khó tính nhất cũng sẽ đồng ý là truyền hình nước ta (hay truyền hình ở nước ta) đã có bước tiến rất, rất dài những năm qua. Nhưng câu trả lời về việc truyền hình nước ta đang ở vị trí nào nếu so với người ta thì khó tìm được sự nhất trí cả ở người dễ tính nhất. Vì bản thân câu hỏi nó khó, chứ không phải tôi rào đón gì. Thứ hạng theo tiêu chuẩn nào – Công nghệ? Nội dung? Nghiệp vụ? Dịch vụ?...


Nếu nói về công nghệ, tôi xin kể chuyện này: Tôi có dịp thay mặt lãnh đạo VTV tiếp một đoàn chuyên gia truyền hình Nhật Bản. Trước đó họ đã tham quan cơ sở vật chất kỹ thuật của Đài. Họ nói rằng họ ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam kỹ thuật truyền hình tốt như vậy. Tôi hỏi lại họ: Nói vậy thì các ông khen Việt Nam hay khen Nhật Bản? Vì hầu hết máy móc chúng tôi mua từ Nhật Bản. Nếu liên quan đến Việt Nam, xin các ông nói cho biết: việc tích hợp các thiết bị ấy ra sao, tính đồng bộ thế nào, cái gì lạc hậu rồi, cái gì tiên tiến mà sử dụng không hiệu quả, v.v.? Hay là chúng tôi bằng các bạn rồi? Họ cười và nói rằng: “Cũng có thể có những góp ý, nhỏ thôi, rất nhỏ”. Khách nước ngoài đến Việt Nam thường không thấy có cái gì là sơ suất lớn cả. Họ thường nói chúng ta chỉ có vài vấn đề bé tí tẹo thôi!


Tôi biết rằng những người làm kỹ thuật truyền hình ở Việt Nam rất sáng tạo. Có những cách tổ chức công việc mà người nước ngoài ngạc nhiên. Nhưng nếu nói một cách tổng quát thì thế này: cái gì thế giới có, ta cũng đã có, đang có, hoặc sẽ có. Vì họ bán chứ không làm ra để giữ. Cho nên nếu nói ta gần như giống họ, ngang với họ (cái này mạnh mồm một chút), họ cũng chẳng phản đối đâu. Vấn đề là ta sử dụng thế nào. Và việc ta sử dụng hệ thống kỹ thuật, công nghệ mới có có làm ta thay đổi toàn bộ cung cách tác nghiệp không. Cũng có người sử dụng máy vi tính như máy chữ. Cũng có sao đâu? Câu hỏi đặt ra là: công nghệ mới, nhưng con người chúng ta thì sao, mới được bao nhiêu?


Nhưng mà công nghệ dễ xác định. Hàng năm các chuyên gia truyền hình Việt Nam đi dự triển lãm công nghệ phát thanh truyền hình thế giới ở Las Vegas. Họ biết hơn tôi cái gì Việt Nam đã có, cái gì chưa. Nhưng hình như đi dự xong về, họ cũng ít nói lắm. Tôi cũng thế.


So sánh về nội dung và trình độ nghiệp vụ mới là cái khó. Mỗi nước có nền văn hóa riêng, cuộc sống chính trị - xã hội riêng, thị hiếu khán giả riêng. Vậy căn cứ vào đâu để nói mình hay hơn họ hoặc kém hơn họ. Có dịp ra nước ngoài, tôi xem nhiều truyền hình sở tại. Có cái kênh truyền hình từ sáng đến đêm chỉ phát trò chơi. Mà trò chơi rất đơn giản, ví dụ: Hai người cầm hai đầu cây gậy dài, người thứ ba bò qua dưới gậy. Rồi hạ thấp gậy nữa, thấp nữa… làm sao bò chứ không toài người mà vẫn qua gậy. Chạm gậy thì thua. Cứ thế thôi. Khán giả cười thoải mái. Không ai bảo mua vui nhảm nhí, hời hợt. Rồi có một lần, xin đừng ngạc nhiên, lần đó ở Bình Nhưỡng, tôi xem kênh truyền hình của Nga phát bên đó, có chương trình thám tử tư. Họ rình xem anh chồng đi lén lút với cô nào, báo cho vợ, rồi cùng ập vào bắt quả tang. Một môtip ấy thôi, nhưng các tình huống khác nhau. Xem mãi không chán. Và các bạn Bắc Triều Tiên rất thích xem. Nhưng mà xem kênh của Triều Tiên thì toàn hội nghị. Cũng chẳng ai dám nói cái nào hay hơn cái nào, vì nó khác nhau thế thì so thế nào được? Tại Anh, khi theo các đồng nghiệp đi khảo sát họ làm trò chơi truyền hình thế nào, tôi thấy nửa ngày họ mới quay xong một chương trình “Ai muốn thành triệu phú”. Về Việt Nam, anh Sâm một buổi chơi vài chương trình, phát thoải mái. Vậy mình giỏi hơn họ? Hay là mình buộc phải làm cho nhanh vì ít trường quay? Trên truyền hình cáp của ta cũng có kênh phim truyện đấy chứ, nhưng có ai so với HBO không nhỉ? Mà so thì để nói ai kém? Toàn bộ phim truyện điện ảnh của ta nếu phát hết thì được bao nhiêu ngày? Vậy lỗi ở truyền hình hay ở ai? Mà nếu cứ bàn nữa thì kết luận là chẳng ai có lỗi. So sánh là khập khiễng.


Tiếp tục, về cung ứng dịch vụ truyền hình. Cái này dễ nói hơn. Đây là lĩnh vực có nhiều chuyển biến nhất thời gian qua. Các con số khác nhau, nhưng đại loại có thể thấy hàng triệu hộ ở Việt Nam đã là thuê bao của truyền hình có trả tiền. Tức là được xem nhiều kênh. Nhưng nếu so với trên hai chục triệu hộ, thì đó là số lẻ. Thì cái bước tiến nó cũng rõ, mà mình nằm ở đâu trên bản đồ phát triển truyền hình nó cũng rõ.


Cho nên, tôi muốn đổi lại câu hỏi (!). Thành ra là : “Xét về mặt khả năng thực tế để hưởng thụ sản phẩm truyền hình, khán giả Việt Nam so với nước ngoài thế nào?”. Và trả lời là: “Quá nửa thế giới xem truyền hình đa kênh từ lâu. Nửa non còn lại hoặc chưa, hoặc bắt đầu xem, hoặc xem từ lâu nhưng chỉ ít người được xem. Người xem Việt Nam ở cái non nửa sau, nhưng không ở cuối hàng.”


NQL: Thế mạnh truyền hình nước ta là gì, và những tồn tại cần phải khắc phục? Điểm yếu nào cần khắc phục ngay nếu không sẽ hỏng và hỏng nặng?


TĐT: Tôi phải chọn cách trả lời “lướt sóng” như thế này: Cái mạnh nhất của truyền hình Việt Nam: cũng trong cuộc tiếp kiến đồng nghiệp Nhật Bản, sau phần về kỹ thuật, công nghệ, họ nói rằng: “Con người vẫn là quan trọng nhất. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải mạnh dạn bổ sung người trẻ vào truyền hình. Các bạn đã làm như vậy chưa?”. Tôi đề nghị được trả lời sau giải lao. Lúc giải lao, chúng tôi đứng ngoài hành lang, gần cầu thang máy, vì nhiều người hút thuốc. Sau đó, trở lại họp, tôi nói: “15 phút vừa rồi, có nhiều người trẻ đi lại qua chỗ chúng ta, có nhiều người chào tôi không?”. Họ nhìn nhau rồi thống nhất nói: “Hầu như không ai chào ông cả”. Tôi nói: “Đơn giản vì họ chẳng biết tôi là ai, dù tôi là một thành viên trong lãnh đạo Đài. Họ mới vào làm ở Đài. Nhưng họ là thành phần chủ chốt làm ra sản phẩm phát sóng.”


Có thể nảy sinh câu hỏi: Đào tạo thế nào? Đào tạo là cần. Nhưng nên nhớ rằng không có trường nào đào tạo tốt bằng cái tivi trong nhà những cô cậu ấy. Nhất là nếu đó là tivi có thuê bao nhiều kênh. Còn cái tồn tại cần khắc phục trước hết ư? Ở một tỉnh, lúc đang lũ lụt, tôi xem truyền hình phỏng vấn một lãnh đạo về việc cứu trợ, trời mưa, phóng viên và lãnh đạo đều mặc áo mưa, đứng giữa trời, nước mưa ướt át không rõ mặt. Nhưng mà cách đấy mấy bước chân thôi là mái che cửa ra vào hội trường Ủy ban. Đứng đó hoàn toàn khô ráo. Nhưng có lẽ phóng viên cho rằng đứng chỗ khô ráo sẽ không có “không khí”. Chuyện này nhỏ hay lớn, tùy từng người. Nhưng tôi nghĩ nó là vấn đề đầu tiên của truyền hình: Sao cho cuộc sống trên truyền hình là cuộc sống thật.


NQL: Truyền hình nước nhà đã có rất nhiều kênh, rõ ràng đã có sự trăm hoa đua nở. Nhưng có vẻ các bông hoa giống nhau quá, lý do ở đâu là chủ yếu?


TĐT: O2 TV là kênh về sức khỏe. Info TV là kênh tài chính - chứng khoán. Hai kênh như vậy không thể nói giống nhau. Nhưng nếu so các kênh tài chính với nhau, thì có giống nhau. Và nếu một đài nào đó nữa, ngoài VTV, nảy ra ý định làm kênh sức khỏe, thì có thể lại giống nhau. Tại sao thế? Trong khi thế giới cũng có nhiều kênh về một lĩnh vực nhưng không giống nhau?


Thứ nhất, vì cách làm khá giống nhau. Nghiệp vụ giống nhau. Quay phim giống nhau, hỏi giống nhau, trả lời giống nhau, kỹ xảo hình giống nhau, định dạng chương trình giống nhau... Vì vậy nếu nội dung khác nhau còn thấy là hai kênh khác biệt, chứ nếu đều là về một nội dung thì…


Thứ hai: nó giống nhau đấy, nhưng nhà tài trợ nó khác nhau, thì cớ gì không có nhiều kênh?


Thứ ba: ở đây, hoặc là thuê bao mạng này, thì không xem được kênh của chỗ khác hay mạng khác. Do vậy, chẳng kênh nào ảnh hưởng đến kênh nào. Chứ cạnh nhau, hai kênh giống nhau thế nào cũng dẫn đến kết cục một kênh phổng phao ra, một kênh teo tóp đi, trước khi mất hút.


Chắc còn nhiều lý do nữa. Nhưng tôi không thấy chuyện nhiều kênh là vấn đề. Chuyện có những kênh nhác nhác giống nhau cũng chẳng phải là vấn đề. Vì mọi cái, theo quy luật tự nhiên, đều bung ra rồi thanh lọc dần.


NQL: Nếu được ước một điều ước cho truyền hình nước nhà, anh ước điều gì?


TĐT: Trăm phần trăm người dân Việt Nam xem truyền hình đa kênh, cả trăm kênh tùy theo ý thích và nhu cầu (cái này chẳng phải ước, ngày đó cũng sẽ đến nhanh thôi). Nhưng khi đó, họ vẫn xem các kênh truyền hình Việt nhiều nhất (kể cả khi ngoại ngữ không còn là vấn đề). Nói chung, tôi là người lãng mạn!


( Đời thế mà vui-SGTT)

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Khi thầy không ra thầy

Câu chuyện cô giáo tiếng Anh mắng chửi học trò, thiên hạ bàn tán chưa xong, lại đến chuyện cô giáo tin học chửi mắng học trò, gây một cú sốc lớn trong xã hội. Người ta không thể tin được cô giáo lại có thể nói năng kiểu hàng tôm hàng cá, mày mày tao tao với học trò, lại còn đòi vả vỡ mồm học trò, thật là kinh khủng!


Thực ra chuyện trên chỉ là chuyện nhỏ trong vô vàn những ví dụ về vấn nạn “thầy không ra thầy” đang là nỗi bức xúc toàn xã hội. Nếu vào Google gõ ba chữ “thầy tham ô” sẽ thấy trong 0,18 giây có 2.060.000 kết quả, còn nếu gõ ba chữ “thầy đánh nhau” thì trong 0,12 giây sẽ có 3.020.000 kết quả, vân vân. Tất nhiên những kết quả nói trên là của toàn thế giới, nhưng nếu đi sâu vào tìm kiếm "đặc sản nội địa" ta sẽ thấy hàng trăm, thậm chí hàng nghìn những câu chuyện thầy đánh nhau, thầy tham ô, thầy gian lận bằng cấp, thầy gạ tình lấy điểm v.v.


Sở dĩ clip ghi lại cảnh cô giáo mắng chửi học trò được tung lên mạng gây xôn xao dư luận, bởi vì chỉ hơn một phút thể hiện trên clip, người ta thấy rất rõ ba điểm căn bản của người thầy đã bị đánh mất. Thứ nhất là tính mô phạm của người thầy đã biến mất tiêu, thay vào đó là hình ảnh cá mè một lứa. Thứ hai là việc cho điểm không còn là việc đánh giá chất lượng, nó như là sự ban thưởng hay trừng phạt theo ý muốn của người thầy, đúng như cô giáo này quát nạt: “Còn lâu tôi mới tha cho lớp này”. Thứ ba là sự thiếu văn hóa đã toát lên từ hành vi và lời nói của cô giáo.


Trong tất cả các xung đột giữa học trò và người thầy xưa nay, thường học trò phải hứng chịu mọi nguyên nhân, ấy là do học trò hư thân mất nết, dốt nát, lười biếng, gian dối v.v. Chỉ có qua những clip như thế này, người ta mới thấy rõ, lỗi trước hết là ở người thầy chứ không phải là học trò. Tìm hiểu hai trường hợp cô giáo Anh văn và cô giáo tin học chửi mắng học trò, ta thấy nguyên nhân đầu tiên là chính các cô chưa đủ chuyên môn để đứng trên bục giảng. Cô giáo tiếng Anh thì liên tục phát âm sai, sai đến nỗi học trò phải kêu lên: “Lớp nào cũng phản đối khi cách phát âm của cô là không chuẩn: good-s-morning, writ-s-ting, part-s-ty, to-picture (two pictures)...”. Cô giáo tin học lại không quản được lớp, “để cho lớp ồn ào mất trật tự.” Khi học trò xúm lại xin điểm, cô chẳng biết làm gì hơn là xua đuổi, chửi mắng.


Chuyên môn yếu kém cùng với tư cách dưới chuẩn, một khi bị học trò phản ứng, họ sẽ không cách nào hơn là dùng điểm để thị uy hoặc chửi mắng dọa dẫm, thậm chí đánh đập để lấy lại cái gọi là “uy tín”. Sự đời tất phải thế.


Một phụ huynh nghe nhà trường thông báo con mình dọa đánh thầy giáo đã rụng rời chân tay, không hiểu tại sao con mình lại ra nông nỗi ấy. Tìm hiểu kỹ thì biết ông thầy quá kém, giải toán sai bét nhè, trò chỉ ra cái sai thì chống chế quanh co, trò vẫn không chịu thì chửi mắng, đánh đập. Trò chịu hết nỗi, điên lên mới nói: thầy còn đánh em nữa em sẽ đánh lại. Thầy đã không giật mình tỉnh ngộ, xin lỗi mình đã quá tay mà còn lấy đó làm bằng chứng về sự mất dạy của trò, báo cáo lên nhà trường, đòi đuổi trò cho bằng được.


Kể lại chuyện này để nói, trước khi mắng học trò vô đạo phải xét xem đức, trí của người thầy ra sao. Thầy tài đức kém cỏi, vô luân bại lý, sao bắt học trò phải tôn sư trọng đạo? Cho nên cái câu “Tiên học lễ” có ở khắp nơi trong các trường học không chỉ dành cho học trò mà trước hết nó phải dành cho người thầy.


THẦY GIÁO HẸN HS ĐÁNH NHAU


Trong khi lang thang trên mạng tìm tư liệu để viết bài trên, tui vào một trang web có tên là Trường Tồn chắc là của một nhóm học sinh PTTH và tìm được bài dưới đây. Tui cóp nguyên xi cả lối viết, cả lỗi chính tả để thấy các cháu ngày nay viết lách như thế nào. Chuyện dươí đây nếu được ghi thành clip rồi tung lên mạng chắc thiên hạ lại một phen sốc nặng.


Nghe có vẻ như đùa vậy , nhưng là thật . Thầy Anh văn lớp mình là giáo viên mới chuyển về trường , đầu năm vào thấy thầy cũng dễ thương lắm , nhí nhảnh . Nhưng mà lớp thì có tật nói nhìu , thấy thầy hiền nên cả lũ cũng bắt đầu quậy phá giờ Anh , k ai nghe giảng bài


Đương nhiên là thầy rất bức xúc , tiết nào ồn , thầy ko chịu giảng bài , ngồi chửi cả lớp mình là thú vật ko bik nghe lời , xong rùi chửi thề tùm lum . Lớp mình cũng rất ngạc nhiên về tính tình của ổng . Thầy nói , hồi đó thầy dạy bên trường cấp 3 , thầy từng cầm cây thước chọi thằng3 vào mặt em hs kia – bể mắt kinh => thầy bị đuổi luôn


Cả lớp thấy như thầy đùa , cười . Ai dè hnay , vẫn cứ ồn ào như mọi khi , thầy la khan cổ họng vẫn ko ai nghe . Tức quá thầy ngồi im 1 chỗ ko giảng bài nữa . Thằng bạn ngồi kế mình cầm cái khăn lau bảng chọi giỡn . Thầy hùng hổ đi tới cầm cây thuớc phang lên đầu 1 cái … ! Thằng nhỏ ứa nước mắt lun …


Tên kia , ngồi sau lưng la lên : “ Thầy ơi , nó chọi cái thầy làm gì thấy ghê mà đánh nó dữ zậy “ . Chời ơi , thầy cầm cây hùng hổ la lên , chửi tục , giơ nắm đấm vào mặt tên ấy . Cả lớp hoảng luôn , tên kia cũng nóng tính , đứng thách thức thầy .


Rồi thầy nhặt 1 cây gỗ từ bàn học lên , giơ thẳng vào mặt tên ấy , rựơt khắp lớp , cả lớp kéo thầy lại , năn nỉ bỏ qua . Mặt thầy đỏ gay , vẫn cứ rựot đánh tên kia . Tên kia thì cũng thách thức thầy , kiu tụi nó bỏ ra , coi ổng làm gì … !


Tức quá , ông thầy quăng cây xuống đất , bước ra ngoài , cả lớp phải kéo ổng vào


Xong , thầy chỉ thẳng mặt tên kia mà nói : “ Tao ở đây tao là giáo viên , còn mày là hs , ở đây tao đánh mày thì ko đc . Gìơ chơi ko ? Mày cho tao 1 cái hẹn đi , tao với mày kím công viên nào giải quyết – tay đôi luôn . ( lại chửi thề ) “


Cái lớp năn nỉ ổng bỏ qua , nhưng ổng cứ khăn khăn đòi “tay đôi “


5p sau , ổng cầm đt lên , gọi cho Vợ nói là sẽ bỏ việc . Cả lớp năn nỉ quá chừng , ổng ko nói gì hết


Lát tiết sau , ổng kiu tên kia lại nói chuyện , ko bik hoà chưa mà sao mặt tên ấy nhăn nhó ghê lắm . Thầy nói với bọn tớ là : “ thầy đã từng rựơt đánh 1 em hs như vậy bên lớp kế rồi , tụi nó méc thầy hiệu trưỏng , thầy bị kỉ lụât . Bây giờ , các em bỏ qua nha , ko là thầy bị kỉ luật lần nữa là ra khỏi trg lun đó … ! “


Thật tình ko hỉu sao hết . Lần đầu tiên thấy 1 người giáo viên như vậy luôn á . Mình đồng ý là lớp mình sai , nhưng hình như ông thầy này có gì lạ lạ ấy , đòi đánh tay đôi với hs , chẳng hiểu đc . Lớp mình tính nói cô CN để cô CN xử lí , nhưng thấy cũng tội nghiệp thầy … theo mọi ng , bọn mình nên làm sao ?

Thứ Năm, 9 tháng 12, 2010

TIẾC MÓN "VĂN NÔ" & Lời trần tình của bọ

Còn trời còn nước còn non

Nếu còn “Chiếu riệu” anh còn say sưa

Từ ngày “Chiếu riệu” của Bọ chuyển thành quán “To go”*, khách ghé qua cũng không hề giảm đi. Nhưng chẳng ai còn chào hỏi ai như ngày xưa. Chủ quán đã có biển treo: “Đề nghị im lặng”.


Nhớ hồi Bọ mới quẳng “Chiếu” ra sân, dọn đồ cất rượu mời bạn bè đến chơi. Khách thân, sơ Bọ cũng “Mời ‘em’ ly rượu tay nâng ngang mày” (Thơ Nguyễn Duy). Chẳng hiểu Bọ lấy đâu ra sức lực và thời gian ngồi trả lời hàng trăm cái comm mỗi ngày. Chưa kể ngày nào cũng có “mồi” mới. Không kịp chế biến thì giật tạm của bạn bè. Cũng toàn cỡ “anh hùng hảo hán”, “cao thủ võ lâm”. Mồi ngon, rượu thơm, khách kéo đến mỗi ngày cả ngàn vạn. Ai đã từng gặp Bọ sẽ cảm thấy áy náy nếu quẳng vào Chiếu riệu một cái còm lãng nhách: Bọ gõ phím chỉ bằng một tay.


Có dạo Bọ “đọa”, định thôi không blog-bleo. Đám chị em khóc như ri. Đám nhậu kiêm còm sỹ quyết liệt “một tấc không đi, một ly không dời”, cam kết cắt cử nhau trông coi “Chiếu” và đáp lễ thay chủ nhà. Bí thư Hồng Chương, Tổng quản Mèo Hen, Thư ký Bạch Dương… ban bệ đủ cả. (Ban quản lý Pờ-mu này không thấy đăng tuyển công khai, chẳng biết có phong bao gì không, hay toàn văn bằng tại chức?). Nhiều còm sỹ “ham vui” bỏ bê nhà cửa, mang đồ nhậu đến góp vui. Đầu ngày chủ Chiếu” dọn ra món “Hai không” của bác Nguyễn Thiện Nhân, quá trưa trên Chiếu đã đủ cả anh Tô – Hà Giang, anh Khoa – Vân Tảo. Nhiều bác còn vui chân sang tận bên trời Tây Anh, Mỹ góp vào rượu xịn không pha cồn, còn nguyên tem thuế nhập khẩu. Nhiều người nhậu ở Chiếu chưa hả lòng, còn “gói mang về”, thỉnh thoảng nhâm nhi. Cũng là để có đồ đãi khách.


Tiếng lành đồn xa, dân nhậu từ hơn 70 quốc gia đổ về. Lúc cao điểm có tới mấy trăm nhậu sĩ cùng nâng chén khề khà, bàn chuyện nhân tình, thế sự. Mặt trời hầu như không bao giờ lặn trên chiếu riệu “Quê choa”.


Rượu vào lời ra. Nhiều còm sỹ khi “phiêu” đã “chém gió” hơi quá tay. Hình như có lần Chiếu riệu bị các bác dân phòng nhắc nhở vì tội “mất trật tự”. Bọ đã nhiều lần ra thông báo, có lần phải ra cả “tối hậu thư” cũng chẳng ăn thua. Vào Chiếu rượu chứ có phải đi qua cửa hải quan sân bay đâu mà bắt tháo cả thắt lưng, giày, tất… Cực chẳng đã, Bọ cho sẵn thức ăn vào hộp “to go”. Nhậu sĩ ghé chơi cứ việc nhận phần. Bức xúc quá thì rủ nhau ra sông đào hố mà hét to: “Vua mọc tai lừa”. Gặp hôm gió to đành “bụng làm dạ chịu”. Nhiều còm sỹ bị đẩy ra đường thành vô gia cư. Nói Bọ chơi khó hơn cả Trạng Quỳnh ngày xưa, mời rượu nhưng lại dán băng keo vào miệng nhậu sĩ. Thôi thì ai nói gì cũng mặc. Bọ phải giữ mình không “ra gió”.


Mấy hôm trước nhà Bọ dọn món “Hồn Việt – văn nô” “ngon tuyệt”. Giá còn như hồi đông vui, các nhậu sĩ, còm sĩ góp mồi thì vui phải biết. Mình chạy tứ tung mới tìm được nhà của bác Ngô Minh thả vào vài lời chia sẻ với vợ con bác tiến sĩ PHG. “Rượu ngon chằng có bạn hiền”. Tự nhiên thấy mình “hoài cổ”. “Bao giờ cho đến ngày xưa.


Thanh Chung


(Nguồn: Blog Thanh Chung)


 LỜI TRẦN TÌNH CỦA BỌ


Suốt tháng nay bà con luôn hỏi bọ: bao giờ thì nhà bọ mới mở khoá để bà con vào chơi? Nhiều tin nhắn, email và các cuộc gặp gỡ ngoài đời đã hỏi bọ câu đó. Thực tình bọ cũng không biết nói thế nào.


Việc khoá còm đối với bọ là một cực hình. Vì bà con biết từ ngày bọ bị tai nạn, chấn thương sọ não, liệt nửa người, suốt ngày bọ phải đối dịên với sự cô độc. Vợ đi làm suốt ngày đêm, con cái đi học, bạn bè ở xa, bọ sống giữa bốn bức tường lạnh lẽo. Chính vì lẽ đó bọ đã lập blog để ngồi nghe tiếng lao xao của comments bốn phương trời. Đến nay đã hơn 6 triệu lượt người từ 146 nước trên thế giới ghé thăm chiếu rượu của bọ và để lại cho bọ 17.297 comments. Chính vì thế bọ cảm thấy hạnh phúc hơn, khát sống hơn.


Tuy nhiên một số comments đã không hề để ý đến gia chủ, họ nói năng bạt mạng, bất kể số phận của gia chủ sẽ ra sao vì chính những phát ngôn của họ. Cũng có người quá hồn nhiên, cho là mình nói đúng nghĩa là mình không có tội, và tất nhiên mình sẽ không gây hoạ cho gia chủ. Họ không nhớ rằng một khi mình cho là đúng là chân lý thì sẽ có người khác cho là sai, là phản động. Bọ thì không thể kiểm soát hết các comments, mỗi entry có từ 200- 800 comments làm sao mà kiểm soát nổi. Có người khuyên nên để comments ở chế độ pending nhưng bọ không muốn. Không gì chán bằng lời mình phát ra lại biến mất tăm, đến khi mình ra về rồi lờì ấy mới xuất hiện. Cho nên đã mở còm thì mở thóải mái, nếu không thoải mái được thì đành phải khóa còm đợi ngày mưa thuận gió hoà.


Vì vậy mong bà con hết lòng  cảm thông cho bọ.


Thư bất tận ngôn


Kính.

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2010

Tính gây nghiện của văn chương Nguyễn Nhật Ánh

Nhân đọc:Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh


Tôi không biết cuốn: “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”  là cuốn sách thứ bao nhiêu của Nguyễn Nhật Ánh. Cuốn thứ 100 hay 101? Có thể nhiều hơn có thể ít hơn, nhưng cũng như các cuốn sách đầu tiên Chú bé rắc rồi, Bàn có năm chỗ ngồi …cho đến cuốn này, Nguyễn Nhật Ánh luôn luôn cho tôi những bất ngờ thú vị. Câu chuyện hai anh em Thiều và Tường, người anh ích kỉ hẹp hòi người em giàu lòng vị tha với những ghen tuông và đố kị, yêu thương và đùm bọc thủa “ yêu và ăn”, tưởng chỉ có thể viết được một truyện ngắn nho nhỏ chừng một hai nghìn chữ cũng đã giỏi lắm rồi, chẳng ngờ “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là cuốn sách dày dặn gần 400 trang đã buộc tôi sấp mặt vào đó từ trang đầu đến trang cuối.


            Trong văn học và điện ảnh, nếu một tác phẩm chỉ tóm gọn trong một câu hấp dẫn và tìm đến bất kì một một trường đoạn nào ta cũng bắt gặp ít nhất một chi tiết thú vị thì đảm bảo đó là một tác phẩm hay. Kinh nghiệm nửa thế kỉ đọc sách và xem phim của tôi, điều này chính xác đến 90%. “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là câu chuyện của người anh kể về người em, đó là cậu bé Tường, hay nói khác đi, số phận của người em dưới cái nhìn của người anh. Cậu bé Tường tuồng như sinh ra để hy sinh và nhường nhịn cho người khác, và cuộc đời đã ban tặng cho cậu hạnh phúc ngọt ngào mà cậu mong mỏi. Trong khi anh trai của cậu, một cậu bé ích kỉ hẹp hòi tưởng có được tất cả thì hoá ra chẳng có gì. Bài học đó thú vị ở chỗ, nó do chính người anh ích kỉ hẹp hòi rút ra chứ không phải ai khác.


            Với một giọng kể chân chất hồn hậu, khi dí dỏm khi ngọt ngào, cả tếu táo và nghịch ngợm nữa, mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh giống như một ống kính vạn hoa. Với các em, chỉ cần xoay khẽ một chút các em sẽ thấy biết bao quen thân và lạ lẫm để rồi ngồi cười khúc khích với nhau, hoặc lặng đi, nhìn nhau rưng rưng tiếc thương một cái gì đã mất. Còn với tôi, mỗi lần xoay khẽ kính vạn hoa kia, cả tuổi thơ lộng lẫy và đau đớn tưởng đã chìm sâu khuất lấp vào lãng quên bỗng rực lên trước mắt tôi làm cho tôi lắm khi khó cầm được nước mắt. “ Được tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”, Nguyễn Nhật Ánh đã nói vậy và anh đã đúng.


            Có thể nói mỗi cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh như mỗi chuyến tàu về tuổi thơ, ở đó có nhiều toa, mỗi toa là mỗi bất ngờ mỗi thú vị mỗi háo hức mỗi say mê, khi làm ta bật cười khi làm ta rưng rưng, hoặc ngồi lặng đi suy ngẫm. “ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng vậy. Ở toa này ta gặp những câu chuyện hài hước vui nhộn, chuyện ông Cả Hớn trúng vé xổ số, chuyện cu Tường làm chim Xanh hay chuyện lá thư tình đầu đời của cu Thiều chẳng hạn. Ở toa khác ta lại gặp những câu chuyện ngậm ngùi, thương xót. Chuyện cha của bé Mận bị bạo bệnh đã trốn nhà ra đi vì không muốn vợ con khốn khổ vì mình, chuyện ông Tám Tàng giả điên làm vua vì đứa con gái tâm thần luôn nghĩ mình là công chúa, ai đã đọc rồi dù muốn quên đi cũng rất khó.


 Khi ta nhớ về kí ức không chỉ để mà nhớ, chính là ta đang tự kiểm điểm đời mình, rút ra bài học nhân sinh để sống tốt hơn, có ý nghĩa hơn. Có một lần nào đó Nguyễn Nhật Ánh đã nói: anh viết sách cho các em nhưng hướng tới người lớn, đến bây giờ tôi mới thật sự hiểu câu nói đó. Hoá ra anh viết cho chính anh, cho chính thế hệ của anh, điều đó giải thích vì sao không chỉ các em mà ngay cả người lớn cũng vậy, ai đã đọc sách của anh rồi thì như một kẻ nghiện, khó lòng rời bỏ các trang sách của anh được.


             Tính gây nghiện của văn chương Nguyễn Nhật Ánh trước hết là triết lý sống vì nhau xuyên suốt trục sáng tác của anh, với các em nó là bài học luân lý, là sự khám phá về cái gọi là tình người; với người lớn nó là chìa khoá mở ra biết bao nỗi ăn năn. Ai cũng vậy thôi, ít nhất một lần trong đời gây khổ đau cho người khác vì sự vô tâm, tắc trách của mình. Chìa khoá sống vì nhau đã giúp cho tâm hồn con người tìm về những nỗi ăn năn để thao thức cùng với nó. Những trang sách của Nguyễn Nhật Ánh nói với chúng ta rằng, tôi đã ăn năn như thế đấy, còn bạn thì sao? Cậu bé Thiều trong cuốn sách có thể không phải là Nguyễn Nhật Ánh thủa bé thơ nhưng chắc chắn đó là một nỗi ăn năn của chính anh, chính thế hệ của anh. Cái chết con Cu Cậu đã làm cho cậu bé Thiều hoảng loạn không phải chỉ vì cái chết  một con cóc, nó là sự tước đoạt niềm vui của kẻ khác. Khi bạn tước đi niềm vui của người khác thì một phần trong trẻo trong tâm hồn bạn cũng sẽ chết theo, vì thế nó sẽ ám ảnh bạn đến trọn đời. Nào ai có dám chắc trong đời không một lần vô tình hay hữu ý đã tước đi niềm vui của người khác?


            Trong diễn từ đọc tại lễ trao giải thưởng văn học ASEAN tại Thái Lan, Nguyễn Nhật Ánh đã nói: “Mỗi dân tộc  đều có treo một quả chuông trước cửa sổ tâm hồn của mình. Nhà văn có sứ mạng phải rung những quả chuông đó lên, bằng văn chương.” Và thế là, với ““ Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, quả chuông của Nguyễn Nhật Ánh lại rung lên. Khi đã theo con tàu của Nguyễn Nhật Ánh để đi về tuổi thơ một lần, tôi tin mỗi lần Nguyễn Nhật Ánh rung chuông, người ta khó lòng bỏ qua một tấm vé để lại được cùng anh háo hức lên tàu.


 


 

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

HỒN VIỆT KẾT “VĂN NÔ NQL“ (BLOG QUECHOA) TỘI BÊU RIẾU TỔ TIÊN CÓ VÚ TO

KHÔNG ĐƯỢC BÊU RIẾU DANH NHÂN LỊCH SỬ ( Trích )


Phan Hàn Giang ( Tiến sĩ Sử học )


Ngày nay, bất cứ người Việt nào, kể cả học sinh tiểu học, đều biêt sự tích Bà Triệu. Công củ bà với dân tộc này được xếp sao Hai Bà Trưng. Trong cả nước, tỉnh nào cũng có trường, có đường mang tên bà. Năm 2008, Chính phủ phát hành tem bưu chính nhằm kỷ niệm lần thứ 1760 cuộc khởi nghĩa Núi Tùng ( Thanh Hóa ). Thế mà vừa qua, trên mạng nhật ký điện tử ( blog ) quechoa, một người tự xưng là “ văn nô NQL “ đã bêu riếu danh nhân lịch sử bằng lời lẽ thô tục hạ cấp. Bạn đọc nghĩa gì khi đọc những “sang tác “ dưới đây của “ văn nô NQL “?!


SỰ TÍCH BÀ TRIỆU TRONG BLOG QUECHOA...


Chuyện người trinh nữ anh hùng là vậy. Thế mà, trên blog quechoa ngày 12/10/2010 vừa qua, một người tự xưng là “ văn nô NQL“ đã bêu riếu danh nhân lịch sử bằng những lời lẽ thô tục hạ cấp:” “Mới 13 tuổi vú Ẩu đã dài đến rốn. Ẩu sợ, không biết vì sao vú mình lại thế, ngồi ôm vú khóc. 18 tuổi vú Ẩu dài đến đầu gối lại càng sợ hãi khôn xiết. Quốc Đạt nói vú to là phúc lớn của đàn bà sao lại khóc? Ẩu nói em sợ chị dâu không có vú lại ghen với em.Vợ Quốc Đạt, tên gì không biết, người khô quắt, trên dưới phẳng lì, tính tính nhỏ nhen, thường hành Ẩu đủ việc trên đời. Ẩu tức lắm nhưng không làm gì được. Một hôm Ẩu cùng vợ Quốc Đạt đi tắm sông, Vợ Quốc Đạt nói mày vú to hơn tao nhưng tao lông dài hơn mày, huề, ke ke ke.Ẩu nói vú to để chồng bóp sướng, sữa nhiều cho con bú no, chứ lông nhiều thì để làm gì. Vợ Quốc Đạt tức, nói để cột cổ ba họ nhà mày. Ẩu tức, cầm vú quất một phát vào mặt vợ Quốc Đạt, chẳng ngờ vợ Quốc Đạt hốc máu mồm, chết tốt.Ẩu sợ quá trốn biệt vào rừng, chiêu mộ hơn nghìn tráng sĩ làm thủ hạ, lấy tên là Nhuỵ Kiều tướng quân.


Cuộc khới nghĩa Núi Tùng bị “ văn nô NQL “ xuyên tạc như sau:


“Thứ sử Lục Dận hớt hãi chạy về dập đầu trước vua Ngô, kêu to khởi tấu khởi tấu bọn Triệu Ẩu làm loạn ở quận Cửu Chân. Vua Ngô là Ngô Vĩnh An đang xem bọn cung nữ làm trò thoát y vũ, ngoảnh mặt nói Triệu Ẩu là thằng mô gan to rứa hè.


Lục Dận nói muôn tâu đấy là một con đàn bà. Vua Ngô nói è he, mấy con đó tụi bay không trị được, răng kêu tao? Lục Dận nói muôn tâu con này vú dài ba thước, không lấy chồng, vắt vú lên vai cưỡi voi xông trận, kinh lắm kinh lắm.


Vua Ngô nghe nói vú dài ba thước thì há mồm trợn mắt nói ua chầu chầu hay hè hay hè, rồi lập tức xua quân sang biên giới.


Vua Ngô nói bớ ba quân, Triêụ Ẩu vú dài ba thước rất ghê tởm, đã thế còn dám làm loạn, quân sĩ dốc lòng quyết đánh, đứa mô can trường trẫm cho bóp vú nó. Quân sĩ sung sướng reo hò như sấm hoàng thượng vạn tuế vạn vạn tuế!


Giặc Ngô bao vây bốn phương tám hướng, Triệu Ẩu vẫn không hề nao núng, chống trả kiên cường. Vua Ngô nói bớ Triệu Ẩu vú mi mô, chìa ra cho tao coi, tao tha! Triệu Ẩu lôi hai vú ra, nói bớ giặc già Ngô Vĩnh An, vú ta đây! Rồi bà bóp vú, sữa bắn ra như thác,


( dòng sữa trắng thơm khi bắn vào lũ giặc bỗng biến thành bùn đỏ như máu trùm lên cả vạn quân Ngô. Quân Ngô bị bùn đỏ bắn cho tung tóe, kẻ mù mắt đứa hộc máu mồm mà chết. Vua Ngô há mồm trợn mắt, nói chi rứa bay chi rứa bay. Quan quân hét Bô xít Bô xít muôn tâu muôn tâu. Vua Ngô nói rứa a rứa a, sợ hãi vung gươm hét lớn bớ ba quân không được lui, tụi bay lùi tụi nó được lướt đòi chủ quyền chủ queo, tau lấy ai mà cai trị. Nói rồi xua quân tiến lên- Đoạn này HV cắt vì văn nô NQL mô tả trong sữa Bà Triệu có bauxite, một chất cấm kỵ...-P.V.Đ chú thích.)


Quân Ngô ba bề bốn bên bao vây Bà Triệu. Bà cầm hai vú quất lia lịa, đứa dập mũi, đứa gãy răng, ôm đầu máu bỏ chạy, than khóc như ri. Về sau sữa hết vú xẹp, quân ít thế cô, bà Triệu tính kế lui binh cố thủ.”


Bài viết của “ văn nô NQL “ được các trang Web “ đồng hội đồng thuyền “ tiếp tay phổ biến.


Cho dù “ văn nô NQL “ viết những dòng trên đây nhằm ý đồ gì, mục đích gì, người đọc vẫn không thể chấp nhận việc bôi nhọ hình ảnh một vị anh thư hy sinh vì dân tộc ở tuổi hai mươi, mãi mãi được toàn dân yêu mến, kính trọng.


Nhớ ơn các anh hung liệt sĩ là đạo lý của dân tộc ta. Nhà văn cũng là một công dân, nên phải tôn trọng đạo lý đó. Bêu riếu tổ tiên của dòng họ mình là một tội không thể tha thứ. Bêu riếu tổ tiên của cả dân tộc, tội ấy càng nghiêm trọng gấp trăm ngàn lần.


Trước đây, một “ văn nô” đã từng xúc phạm hoàng đế Quang Trung. Phản ứng xã hội lúc đó quá yếu ớt nên đến nay đến lượt “ văn nô “ khác bôi nhọ Bà Triệu.Trong tương lai, những danh nhân nào khác sẽ là nạn nhân củ họ ? Phải chăng, những vị anh hung trong lịch sử dân tộc bị đem ra bêu riếu vì họ đã có “ tội “ dám chống lại quân ngoại xâm để giải phóng đất nước hay bảo vệ độc lập cho Tổ quốc ?


Mong các nhà hoạt động văn hóa và các tổ chức văn học nghệ thuật hãy lên tiếng để chấm dứt nạn xuyên tạc lịch sử và bêu riếu tiền nhân.


( Nguồn: Hồn Việt số 12/2010 )


( Vì không cóp đươc bài này trên Hồn Việt, bọ cóp lại bài này trên blog Phạm Viết Đào. Mời bà con đọc truyện: Sự tích cao nguyên Lâm Viên và Đak Nông)

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Buôn từ thiện

Ngu Ngơ vừa bước vào nhà đã thấy Mũm Mĩm ngồi ôm bụng cười rũ. Ngơ hỏi chuyện gì thế, trúng xổ số à? Mũm Mĩm cười he he he, nói lại chuyện mít ớt anh ơi, hay lắm hay lắm! Ngu Ngơ ngạc nhiên nói "mít ớt" là cái gì, bà nội vừa gửi mít ra à? Mũm Mĩm lại cười he he he, nói không phải, mít ớt là Miss Earth, tại ông tổ chức phát âm như thế ấy chứ. Ngu Ngơ cười cái hậc, nói ui giời, thế mà ôm bụng cười rũ từ sáng đến giờ, rõ là vô duyên! Mũm Mĩm lườm Ngu Ngơ, nói ai người ta cười chuyện đó, cười là cười mấy ông đi "buôn" từ thiện.


Ngu Ngơ đầu lắc tay xua, nói lại chuyện đấu giá từ thiện vì miền Trung chứ gì, thôi thôi không nói nữa, xấu hổ lắm. Mấy ông mua giả đấu xạo nói một lần cho biết chứ ở đời đám háo danh nhiều lắm! Mũm Mĩm vênh mặt lên, nói anh có cái tính ghét gớm, người ta chưa nói hết câu đã lắc đầu xua tay! Em đâu có nói chuyện mấy ông háo danh. Ngu Ngơ ôm Mũm Mĩm cười nịnh, nói ok ok, thế chuyện gì nói anh nghe nào.


Mũm Mĩm đẩy Ngu Ngơ ra, nói anh không nghe thì thôi, không nói nữa! Vả lại chuyện này nói ra cũng xấu hổ lắm! Ngu Ngơ nói chuyện gì nói đi, anh đang sẵn sàng nghe đây, hay là để anh đi rửa tai để nghe cho thông suốt. Mũm Mĩm cười phì, nói anh giỏi nịnh lắm, định không nói nữa nhưng lại phải nói, đấy là chuyện mấy ông buôn gian bán lận nhân danh từ thiện. Chuyện này còn xấu hổ hơn cả chuyện mua giả đấu xạo.


Lúc đầu mới nghe người ta đem bộ tứ linh giá 2 triệu đô ra đấu giá, ai nấy tưởng thật, té ra bây giờ mới biết bộ tứ linh chỉ có 1 triệu đô thôi. Ban tổ chức hô lên 2 triệu đô để ăn lời? Giả sử đấu giá thành công thì Ban tổ chức kiếm được 1 triệu đô ngon ơ?! Ngu Ngơ gật gù, nói chuyện này anh cũng biết, một ông trong Ban tổ chức nói họ hô lên 2 triệu đô thì 1 triệu đô lời kia họ sẽ dành cho đồng bào bão lụt. Mũm Mĩm nhăn mặt đập lưng Ngu Ngơ, nói người ta nói vậy mà anh cũng tin, người ta nói vậy chứ người có thấy người ta cộng vào khoản chênh lệch 1 triệu đô này vào tiền ủng hộ miền Trung đâu!


Ngu Ngơ ôm vai Mũm Mĩm, nói thôi em, bớt nóng bớt nóng! Dù sao cuộc đấu giá cũng đã đổ bể rồi, có nói thêm thì cũng thế. Mũm Mĩm vụt đứng dậy, khoa chân múa tay, nói đổ bể cũng phải nói, nói để lần sau bỏ cái thói mượn tiếng từ thiện để buôn bán đi. Xưa nay các vụ đấu giá từ thiện thì các vật phẩm từ thiện đều được người ta tặng ban tổ chức để đấu giá. Thế mới phải, chứ nếu đem vật phẩm ra đấu giá để thu tiền giá gốc cho ông chủ vật phẩm hoá ra ông này đem đồ đi bán à? Đi bán đồ trong buổi đấu giá từ thiện vừa được tiếng vừa được miếng. Được cái tiếng làm từ thiện trong khi đồ anh đem bán không phải nộp thuế. Thế có phải khôn lõi không?


Mũm Mĩm đang cao đàm khoát luận thì thằng cu lớn đi học về, nói bố mẹ có biết bộ tứ linh giá thực của nó bao nhiêu không? Nó chỉ có 20 triệu đồng thôi. Ngu Ngơ, Mũm Mĩm giật mình nhìn nhau, nói có thật không con, hay mày nghe người ta đồn thổi? Cu Lớn xoè ra tờ báo, nói báo đăng đây này bố mẹ ơi! Giá bộ tứ linh chỉ có 20 triệu đồng, ông chủ hô lên 1 triệu đô, Ban tổ chức hô lên 2 triệu đô, 2 triệu đô là 40 tỷ đồng chứ không là chuyện nhỏ.


Ngu Ngơ, Mũm Mĩm trợn mắt há mồm, nói ối cha mẹ ơi, buôn gian bán lậu một vốn bốn lời, "buôn" từ thiện một vốn hai chục nghìn lời, kinh quá kinh quá, hu hu!

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Kinh doanh Từ thiện?

Hằng năm có rất nhiều đợt quyên góp ủng hộ cho vì người nghèo, người tàn tật, nhiễm chất độc Da Cam, vì đồng bào bị thiên tai, lũ lụt… Những cuộc quyên góp như thế đã giúp những con người khổ đau, đói nghèo  vượt qua số phận khắc nghiệt hướng tới một cuộc sống an lành. Đó là một sự thật, đó cũng là điều đáng cho ta khâm phục và ca ngợi. Nhiều chương trình từ thiện được tổ chức bài bản, hiệu quả, minh bạch, gây được niềm tin trong công chúng. Chương trình từ thiện như “Nối vòng tay lớn” được UBMTTQ Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam tổ chức thường niên là một ví dụ.


            Tuy nhiên có một sự thật khác làm ta không yên tâm khi tham gia đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Băn khoăn lớn nhất khiến nhiều người có tâm và có tiền là liệu tiền bạc và của cải mà họ đóng góp  có đến tận tay những con người đói nghèo, khổ đau thật hay không. Câu chuyện dân một xã nhận tiền quà xong lại phải nộp lại cho xã để xã phân phối lại mà báo chí đã nêu chắc chắn không phải là một ngoại lệ.


            Băn khoăn khác thuộc về các nhà tổ chức các hoạt động từ thiện, ấy là số phần trăm chiết khấu số tiền quyên góp được chi cho Ban tổ chức. Đành rằng hoạt động quyên góp từ thiện cũng rất tốn kém nhưng không ai biết nó tốn kém bao nhiêu và số 10%-20% được trích lại là bao nhiêu. Nếu một cuộc quyên góp lên tới hàng trăm tỉ đồng thì số 10%-20% ấy là không nhỏ.


            Người ta chưa có một bằng chứng nào về sự ăn lãi lấy lời của các tổ chức quyên góp từ thiện. Sự nghi hoặc đôi khi làm mếch lòng những người đã dồn hết công sức làm từ thiện. Nếu đêm đấu giá từ thiện ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt đêm 11/11 vừa rồi không vỡ lỡ thì không ai biết đây là hoạt động có tính kinh doanh chứ không đơn thuần là một hoạt động từ thiện. Trong cuộc đấu giá này “Theo bản thỏa thuận, nếu bán đấu giá được, Hội chuyển cho chủ sở hữu số tiền bằng với giá gốc của vật phẩm, số chênh lệch mới được hỗ trợ cho đồng bào miền Trung bị mưa lũ”. Tiêu chí sáng sủa trên không ai ngờ lại ẩn giấu một phép “biến thủ”, đó là sự định giá gốc các vật phẩm đấu giá.


 Đơn cử bộ tứ linh chẳng hạn, giá trị gốc của nó là 1 triệu đô đã được Ban tổ chức công bố là 2 triệu đô. Giả sử cuộc đấu giá thành công và thu về 47,9 tỉ đồng cho bộ tứ linh thì Ban tổ chức sẽ có 1 triệu đô, tức 20 tỉ đồng. Sau khi chuyện này được “ phanh phui”, một người trong Ban tổ chức nói rằng sẽ trích 50% phần chênh lệch “giá gốc” bộ Tứ linh cho ủng hộ miền trung và công tác tổ chức. Câu hỏi đặt ra: thế thì 50% ( tức 10 tỉ) còn lại sẽ vào túi ai? Nhà báo Trần Minh Quân đã chỉ ra: ngay cả khi Ban tổ chức được hưởng một nửa của 10 tỉ kia thì Ban tổ chức đã ăn lời 2 tỉ. Đơn giản là tổng chi phí cho đêm đấu giá được công bố là 4,1 tỉ, trong khi đã thu được 1,1 tỉ nhờ bán vé và quảng cáo. Nếu Ban tổ chức được chi thêm 5 tỉ, ta sẽ có phép toán: ( 5 tỉ+ 1,1 tỉ)- 4,1 tỉ= 2 tỉ. Đó chỉ là phép toán dành cho bộ tứ linh, còn giá gốc thật của chiếc trống đồng, bức tranh bằng đá quí và hòn Rubi 10 kg là bao nhiêu thì chưa ai biết. Cuộc đấu giá đổ bể, những kẻ đấu giá đã chạy làng cho thấy trình độ yếu kém của Ban tổ chức, cũng cho thấy luôn cái “ đuôi chuột”  của tổ chức này. Có thể nói đây là cuộc kinh doanh nhân danh từ thiện.


Không phải nghi ngờ các hoạt động từ thiện xưa nay nhưng từ vụ việc này đã dóng một tiếng chuông cảnh tỉnh, rằng ở đời còn lắm kẻ vô luân bại lý, nhân danh nỗi khổ đau của người khác để kinh doanh, hãy cảnh giác hỡi những tấm lòng hảo tâm.


 

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Phùng Quán khi yêu

Đã viết chuyện Phùng Quán nhiều rồi, định bụng không viết gì thêm nữa. Sau ngày anh mất, bác Ngô Minh và chị Bội Trâm ( vợ Phùng Quán) đã cho xuất bản nhiều cuốn sách về đời anh và các sáng tác chưa công bố của anh, ai đọc hết sẽ thấy cuộc đời Phùng Quán, khỏi phải nói gì thêm. Chiều nay vào trang web người quen cũ,  nữ nhà văn Phong Điệp, mình đã từng làm việc với cô ở tờ Văn nghệ trẻ, tình cờ thấy  bài : “ Đi tìm Như của Phùng Quán” của một người mình không quen, tên là Thu Dịu, đọc xong ngồi ứa nước mắt. Lại nhớ anh.


Mình chơi thân với Phùng Quán hơn mười lăm năm, anh vẫn hay đùa, nói thằng Lập chơi với tui từ thời hắn hỉ chưa sạch mũi. Thực ra khi đó mình cũng gần ba chục tuổi rồi, có điều mắc bệnh viêm mũi, cứ se lạnh là nước mũi lòng thòng như con nít. Mỗi lần ra mình ra Hà Nội, anh lại dắt mình đi các tòa soạn báo, các nhà xuất bản cho mình làm quen, sau này có chỗ gửi bài. Đến đâu anh cũng vỗ vai mình cười cười, nói đây là thằng nhà văn hỉ chưa sạch mũi, dân bọ gộc. Mau làm quen đi, sau này hắn thành nhà văn lớn còn có cớ để mà khoe.


Một hôm anh đưa mình đến nxb Văn hóa, vào phòng chị Q. Chị Q. lúc này cũng đã trên bốn mươi nhưng hãy còn dòn lắm, xinh nữa. Anh Quán vào phòng không gõ cửa, chị Q. thấy anh cũng không chào, chỉ chào mình không thôi. Anh Quán đến bàn chị kéo cái hộc bàn ra, chị trừng mắt lên đập tay anh, nói hộc bàn của người ta, tìm cái gì. Anh cười cười, nói em có cất thuốc  lào của anh đây không. Chị lại trừng mắt lên, đẩy anh ra, nói em dư hơi đi cất thuốc lào cho anh à. Cút đi, vô duyên. Nói thế nhưng chị ném cho anh một bọc thuốc lào to tướng, nói thuốc lào Vĩnh Bảo thật  đấy, em vừa đi Vĩnh Bảo về.


Xem thế là biết hai người có tình ý với nhau rồi. Mình hỏi anh Quán, nói chị Q. là anh đang yêu hay đã yêu. Anh thong thả tra thuốc lào vào nỏ, mồi lửa rít một hơi dài, ngửa  cổ nhả khói, nói đã yêu, đang yêu. Anh dừng lại nhấp một ngụm nước, nghĩ ngợi gì lung lắm, rất lâu sau anh mới nói rồi chắc cũng sẽ yêu. Mình biết cái sự ngập ngừng của anh, vì khi đó anh đang yêu cô N. ở Huế, cô N. và chị Q. đang có “ xung đột” mạnh vì bài thơ Phùng Quán tặng cô N.  Bài thơ này được in lên có lời đề tặng cô N. của Phùng Quán. Chị Q. nói đó là bài thơ anh Quán tặng chị hơn chục năm trước. Cô N. nói chị Q. nhận xằng. Chị Q. tức mới trưng bản gốc lên, thế là cãi nhau, hi hi.


Mình nhăn răng cười hỏi anh Quán, nói  răng rứa răng rứa. Anh cười khì, nói kẹt thơ chơ răng. Yêu nhiều rứa mần thơ răng kịp. Thừa nhận anh Quán có nhiều người yêu, người yêu một ngày người yêu một đời, rất nhiều. Thời trẻ anh cực đẹp trai, lớn lên một chút thì tiếng tăm nổi như cồn, anh đi tới đâu có người theo anh ở đó. Ngay cả khi anh đóng vai ông già, để râu dài, mặc áo quần bà ba, đi guốc mộc thì vẫn có người yêu anh. Anh không khoe chuyện yêu đương cũng chẳng giấu diếm, ai biết chuyện mà hỏi anh là anh thừa nhận liền, không hề chối cãi quanh co, kể  cả vợ anh.



Gia đình Phùng Quán: Phùng Quán, Con gái Phùng Quyên, con trai Phùng Quân và chị Bội Trâm


Năm 1990, sau chuyện lình xình giữa cô N. và chị Q. anh thấy nhức đầu mới rời Huế ra Quảng Trị ở nhà mình cả tháng. Anh em tối tối ngồi uống rượu với nhau, chuyện văn chương thơ phú chán rồi thì quay sang chuyện gái gú. Mình nói em hỏi thiệt anh nha, anh còn làm ăn chi được nữa không. Anh cười phì, nói thằng ni chủ quan. Mình không tin lắm, thấy anh đi đứng không được nhanh nhẹn hoạt bát, mấy chuyện sexy không còn mặn nữa, đụng sự thì đánh trống lãng thì dù anh có kể thế nào mình cũng không tin.


Một hôm mình nói chuyện  này với Ngô Minh, nói anh Quán có làm ăn chi được nữa mà yêu đương hè. Ngô Minh cười sật sật, nói lúc đầu tao cũng nghĩ như mi, té ra không phải. Đêm ngủ với anh, tao sờ anh, oa chà…. cứng ngắc. Từ đó mình mới tin, không dám coi thường anh nữa, hi hi. Anh ít khi kể chuyện yêu đương, chuyện trong buồng tối lại càng không. Nhưng một hôm đang cao đàm khoát luận đột nhiên anh hỏi mình, nói mi yêu đương lăng nhăng rứa, có mối tình mô tử tế không.


Mình kể anh nghe mối tình đầu bảy năm của mình, chuyện qua lâu rồi mà thỉnh thoảng mình vẫn bị nghẹn giọng, rưng rưng. Nghe xong anh cười cái hậc, nói chuyện thường, mối tình đầu của tao hay hơn.  Rồi anh vừa nhấp rượu vừa thong thả kể chuyện. Phùng Quán rất có tài kể chuyện, bất kì chuyện gì anh cũng đều có thắt nút mở nút, có cao trào, có vĩ thanh, đặc biệt cái kết lúc nào cũng bất ngờ. Anh nói anh yêu đương nhiều nhưng có ba người đàn bà đến chết anh cũng không bao giờ quên, đó là chị Bội Trâm, chị Q. và bà Nhủ ( không phải Như), người mà nửa thế kỉ sau cô Thu Dịu bôn ba đi tìm và tìm được.


Chị Bội Trâm thì tất nhiên rồi, đó là người đàn bà vô cùng tuyệt vời, khi khác mình sẽ kể. Chị Q. vừa là người tình vừa là bạn vừa là ân nhân của anh. Những năm bị án “treo bút”, rượu chịu cá trộm văn chui, nếu không có chị Q. thì nhà anh sẽ rơi vào túng quẫn, nếu không muốn nói là chết đói. Khi đó chị Q. làm biên tập ở  nxb Văn Hóa đã đặt hàng cho anh viết lời cho hàng chục tập truyện tranh, mười mấy cuốn văn xuôi, tất nhiên là lấy tên người khác.  Đây là việc cực kì nguy hiểm, nếu lộ ra chẳng những chị bị mất việc mà có thể chị bị rơi vào vòng lao lý. Nhưng chị Q. không sợ, suốt ba chục năm chị luôn tạo điều kiện cho anh Quán làm văn chui, bất chấp mọi sự dè bỉu đe nẹt của người đời. Chị làm việc đó vì yêu, vì thương và vì cảm phục Phùng Quán, có một lần chị đã nói với mình như vậy. Tiếc là thiên tình sử của chị với anh Quán mình chỉ biết đến đó thôi, không biết được nhiều hơn.


Anh Quán cũng không kể nhiều về chuyện tình với chị Q., khi nào hỏi đến`thì anh nói khi thì Q. hay lắm khi thì  Q. ngon lắm, tuyệt tuyệt, vậy thôi. Riêng mối tình với cô Nhủ thì anh kể với mình suốt đêm, kể khi say, kể đi rồi kể lại, đôi khi bật khóc. Những khi kể chuyện cảm động thì anh không mày tao nữa, anh xưng mình. Anh nói hồi đó mình mới 22 tuổi, là phóng viên quân đội, đi xuống Sầm Sơn đón tù Côn Đảo, hỏi chuyện và viết báo. Chẳng ngờ chuyện tù Côn Đảo hay quá, mình quyết định viết hẳn một cuốn sách, gọi là Vượt Côn Đảo. Cô Nhủ hồi đó mới 16 tuổi, là con gái nhà mình ở trọ, tối nào cũng  kéo đội Chim hòa bình, như kiểu đội thanh niên xung kích bây giờ, của thôn cô đến nhà cô nghe mình kể chuyện.


Nghe mình kể chuyện các cô thích lắm, mắt trố miệng há hết lượt. Vài cô trong đội Chim hòa bình cố ý với mình, mình biết nhưng lờ đi, kỉ luật quân đội hồi này nghiêm lắm, tơ lơ mơ là bị cạo trọc đầu. Nhưng rồi mình cũng không trốn được ái tình. Mình đã yêu Nhủ, yêu nồng nàn, trong khi cô chuẩn bị lấy chồng. Đến`chết cũng không quên nụ hôn đầu của mình. Tối đó cả nhà đi vắng. Mình đang hí húi viết thì Nhủ đến bịt mắt, mình quờ tay ra sau vô tình chạm ngực Nhủ.  Rứa là tối tăm mặt mũi, rứa là hôn vày hôn vò em. Hôn xong rồi ngồi ngẩn ngở, không biết mình vừa hôn vô chỗ mô. Chỉ một lần hôn đó thôi mà nhớ nhau suốt đời.


Anh dừng lại mắt rưng rưng, nói mình nhớ như in buổi chiều mình trốn Nhủ ra đi. Trốn là vì không thể cưới Nhủ được, yêu một cô gái sắp cưới chồng là trọng tội, chẳng những đơn vị trừng trị mà làng xóm cũng không tha. Mình khoác ba lô tìm đường về Hà Nội. Ra đến giữa cánh đồng bỗng nghe Nhủ gọi thất thanh, nói anh Quán ơi đừng đi đừng đi. Nhủ chạy đến, ôm chầm lấy mình, nói để em trả lễ cho nhà trai rồi em theo anh, anh đi đâu em cũng đi.  Và Nhủ gục mặt vào ngực mình nấc lên, nói anh ơi đừng bỏ em…tội nghiệp. Kể đến đây thì Phùng Quán nghẹn lại, trong giây lát mặt anh đầm đìa nước mắt.



 Bà Nhủ  nay đã 70 tuổi, đang ngồi xem ảnh Phùng Quán

Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010

Hư danh và thực họa

Thích hư danh, lấy hư danh để lừa phỉnh người đời ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nhưng chưa thời nào hư danh tràn ngập khắp nơi như thời này; từ những danh hiệu, những giải thưởng, những danh xưng đến nạn bằng cấp giả, học hàm giả, học vị dởm…


Một ông phó bí thư thường trực tỉnh ủy có bằng tiến sĩ chỉ sau sáu tháng “đào tạo”. Một giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có bằng tiến sĩ của Mỹ trong khi một câu tiếng Anh bẻ đôi không biết. Một giám đốc Sở Y tế có bằng thạc sĩ chỉ sau 40 ngày “học”, v.v… và v.v… Không cần nói thêm nữa vì ai cũng biết quá nhiều rồi, có thể nói chúng ta đã quá quen với đại nạn này, đã cay đắng sống chung với nó, cơ hồ còn khốn khổ hơn sống chung với lũ. Cay đắng vì buồn, đau và xấu hổ. Vì sao hư danh lấn lướt chính danh? Vì sao người ta nô nức rời bỏ chính danh chạy theo hư danh ghê gớm đến như vậy? Đó là những câu hỏi đau buốt. Ở cái thời mà đạo đức giả lên ngôi thì tìm kiếm câu trả lời vừa dễ lại vừa khó. Dễ là nhìn thấy mười mươi, khó là ít ai công khai thừa nhận nó.


Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách trọng dụng hiền tài. Ngay trong Luật Công chức cũng đã ghi rất rõ: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”. Vấn đề ở chỗ thế nào là tài năng thì luật không nói đến. Từ đó người ta tự do thoải mái định danh theo cách người tài là người có bao nhiêu giải thưởng, bao nhiêu huân huy chương, học hàm thế nào, học vị ra sao… Ở thời buổi tham nhũng là quốc nạn này thì đó là cơ hội để cho người ta mua danh bán tước, thoải mái ban thưởng cho nhau.


Chính bổ nhiệm cán bộ, công chức dựa trên bằng cấp, không cần biết bằng cấp gì đã dẫn đến có rất nhiều lãnh đạo có trình độ học vấn giả danh. Đồng thời lôi kéo cán bộ, công chức vào một cuộc biến hình trên quy mô xã hội, bất chấp các quy chuẩn tối thiểu của đạo đức và học thuật. Khi đó người trung thực, kẻ thực tài không có đất sống, họ bị đẩy ra rìa. Đây chính là điều làm nên thực họa. Ở bất kỳ nơi đâu, khi hiền tài bị ruồng bỏ, kẻ bất tài khoác áo hư danh hoành hành xã hội, thì ở đó cái họa lớn đã chất đầy. Vô cùng đáng sợ.


Hơn hai ngàn năm trước, Khổng Tử (551-479 TCN) đã khuyến cáo về tệ nạn hư danh như thế này: “Danh bất chính tất lời nói không thuận. Lời nói không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành tất lễ nhạc không hưng. Lễ nhạc không hưng tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép tất dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy”. Lời cảnh báo đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Khi các công trình giao thông thiếu tính nhân văn

Hằng năm chúng ta có hàng chục công trình giao thông được hoàn tất, được đưa vào sử dụng. Có những công trình lớn, rất lớn, thậm chí rất vĩ đại, như đại lộ Thăng Long chẳng hạn, làm cho bộ mặt đất nước đổi thay, chất lượng cuộc sống được gia tăng rõ rệt. Rất đáng mừng.


 Tuy nhiên có một băn khoăn lớn, cũng là nỗi lo thường trực của người dân, rằng ở đâu có công trình giao thông được đưa vào sử dụng là ở đó cuộc sống của người dân bị xáo trộn, nhiều bất cập nảy sinh do chính công trình đó gây ra.


Thử đọc lướt qua các tiêu đề báo chí cũng đã thấy rất rõ. Ví dụ Đường cao tốc TP.HCM-Trung Lương: Ngày đầu thông xe đường cao tốc TP HCM – Trung Lương: Dân bỡ ngỡ, cán bộ mệt nhoài -Sợ hãi trên đường cao tốc xịn nhất nước-Thêm nhiều sai phạm tại Dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương …v.v. Ví dụ Đại lộ Thăng Long: Bì bõm 'bơi ao' lên đại lộ hiện đại nhất VN- Cảnh bi hài trên đại lộ dài nhất Việt Nam -Bát nháo giao thông trên Đại lộ Thăng Long. v.v.


 Rất dễ thấy nguyên nhân căn bản gây ra những “ hỗn loạn”, “bát nháo” nói trên. Đấy là khi xây dựng, các nhà chức trách chỉ quan tâm đến công trình mà không quan tâm đến việc công trình đó sẽ sống với dân như thế nào, tức tính nhân văn của công trình bị thiếu vắng nghiêm trọng, nếu không muốn nói là không có.


Đơn cử Đại lộ Thăng Long chẳng hạn, đấy là đại lộ lớn nhất, hiện đại nhất, đường cao tốc tốt nhất, với tổng kinh phí trên 7.500 nghìn tỉ, tuồng như gây cho dân nhiều thất vọng nhất. Khi đại lộ được đưa vào sử dụng thì hầu hết các tuyến đường  huyết mạch của các địa phương  dẫn lên Đại lộ Thăng Long đã biến thành những bài lầy…Lý do là nhà thầu đã sử dụng các tuyến đường này để vận chuyển vật liệu xây dựng cho công trình. Khi thi công xong công trình, nhà thầu dường như đã “quên” trả lại mặt đường, cũng như hoàn thiện các tuyến đường gom dân sinh.


Các nhà thiết kế Đại lộ thì quên mất Đại lộ đi qua vùng dân sinh, ở đó dân phải qua đường ra đồng, ngày thường chỉ mất vài trăm mét, bây giờ muốn ra đồng người ta phải đi  vòng chỗ thì ba bốn cây số, chỗ thì chín mười cây số, lại còn phải gồng gánh, dắt trâu bò nữa. Đó là lý do các rào chắn bị phá, dân tự mở lối ra đồng, gây nguy hiểm vô cùng trên đường cao tốc.


Đó cũng là lý do khiến dân đổ trộm đồ phế thải suốt một dọc dài hàng chục km. Những bãi phế thải xuất hiện sau một đêm trên Đại lộ, đường gom bên cầu vượt Phú Đô, tại nút giao thông Đại học Tây Nam, bên cầu chui đê hữu sông Nhuệ, ngay các hầm qua đường cũng được tận dụng làm nơi đổ phế thải… chẳng những gây ô nhiễm môi trường, làm mất vẻ đẹp cảnh quan mà con gây tai nạn giao thông rất nguy hiểm trên tuyến đường cao tốc này.


Các nhà thi công cũng quên mất mình đang thi công qua vùng dân sinh nào, dân trí đến đâu, đời sống kinh tế thế nào để tính toán việc bảo vệ các thiết bị cho Đại lộ. Đó là lý do Đại lộ chưa kịp đưa vào sử dụng đã thấy xuất hiện việc “chôm chỉa” tôn lượn sóng (hàng rào bảo vệ hai bên đường), nắp hố ga, cáp điện chiếu sáng... Có thể nói Đại lộ đã hỏng ngay khi nó chưa được sinh ra.


Rồi các biển báo từ kí hiệu đến vị trí lắp đặt được nhà thầu cho lắp đặt chỉ để nhà thầu hiểu chứ không phải cho dân hiểu. Thậm chí nhiều nơi khi công trình được đưa vào sử dụng cả tháng rồi vẫn không thấy có biển hiệu, trong khi trên một chặng đường dài ba chục km không có một trạm CSGT nào để giúp dân chúng làm quen với Đại lộ nhiều làn đường này. Đó là lý do ô tô tải, ô tô bán tải, ô tô con, xe mô tô, xe đạp, xe thồ… đủ  loại chạy ngược chiều chạy bát nháo trong những tuần đầu Đại lộ mới khai trương., gây ra cảnh bi hài cười chảy nước mắt trên Đại lộ lắm cái nhất này.


Khi được hỏi vì sao, các nhà chức trách thường đổ lỗi cho dân, rằng do dân trí thấp, ý thức người dân không cao, người dân xem thường luật lệ giao thông… vân vân và vân vân. Điều đó không sai. Nhưng chính các công trình thiếu tính nhân văn, tức thiếu tính vì dân, mới là nguyên nhân đầu tiên cần phải nói đến.  Tiếc thay không một nhà chức trách nào dám đứng ra thú nhận.