Thứ Sáu, 31 tháng 12, 2010

Chỉ cần có một tấm lòng

Câu chuyện anh Trần Hữu Lưu và Đội qui tập 584 Quảng Trị lặn lội dọc các cánh rừng Trường Sơn để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là điểm sáng ngời trong năm 2010, cũng là điểm sáng ngời trong suốt 15 năm qua ( 1996-2010). Trong suốt 15 năm ấy, anh và đồng đội đã đi không biết bao nhiêu cánh rừng, lội qua không biết bao nhiêu suối khe, vượt qua không biết bao nhiêu đèo cao dốc đứng… để tìm được 2.268 hài cốt liệt sĩ. Không một ai, kể cả những người có tâm hồn lạnh lẽo, lại không cảm phục trước việc làm cao cả ấy.


            Thời buổi mọi thứ đều có thể qui ra tiền, nếu biết người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu để có được hài cốt người thân thì sẽ biết sự hy sinh của Trần Hữu Lưu và đồng đội to lớn nhường nào. Ai cũng biết anh và Đội qui tập 584 của anh đã được Nhà nước phong danh hiệu anh hùng nhưng ít biết nỗi cay đắng của anh khi cả hai đứa con anh đều nhiễm chất độc da cam, anh con trai 25 tuổi thiểu năng trí nhớ, cô con gái 20 tuổi thì bị liệt. Ít ai biết khi anh Lưu ngược xuôi kiếm tìm đồng đội thì vợ anh phải túc trực ở nhà để chăm sóc hai đứa con tật nguyền, không làm được gì để kiếm thêm. Cuộc sống nhà anh đã khốn khó lại càng thêm khốn khó. Thật quá cảm động về sự hy sinh vô bờ bến của một người lính.


            Rất nhiều người có thể không hiểu nổi tại sao ngày nay còn có những  người suốt mười lăm năm trời lao vao gian khó nghìn trùng để làm những việc không có thêm được một xu nào, giống như chị Năm Nghĩa ngày xưa đã dành trọn nửa cuộc đời còn lại của mình để đi vào những cánh rừng già kiếm tìm đồng đội, người ta đã gọi chị là “Chị Năm Khùng”, trong khi gia đình còn nhiều nỗi cam go? Anh Lưu và đồng đội chỉ nghĩ đơn giản: “Biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của mình đã hi sinh, cống hiến trọn đời cho quê hương, đất nước, nay chưa được quy tập về nghĩa trang, về với gia đình. Biết bao nhiều người bố, người mẹ đau đáu chờ con trong  mỏi mòn khắc khoải..." và “ Mình không làm việc này thì ai làm?” Hoá ra để làm những việc mà người ta gọi là “khùng” kia, người ta chỉ cần có một tấm lòng. Hoá ra chỉ cần một tấm lòng người ta không những làm được những việc thiện như anh Lưu, chị Năm Nghĩa và đồng đội đã làm mà có thể tránh được vô vàn những việc bất nghĩa vô lương khác.


Chỉ cần một tấm lòng sẽ không có chuyện cô giáo mắng chửi học sinh như hàng tôm hàng cá, bảo mẫu coi con trẻ như chó mèo. Sẽ không có hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, doanh nhân đấu giá ảo từ thiện ảo, kẻ giết người chỉ vì “nhìn mặt dễ ghét” v.v. Chỉ cần có một tấm lòng sẽ không có chuyện đập nát thành nhà Mạc xây lên “cái lò gạch”, in tờ rơi tuyên truyền ATGT thành những tờ rơi khiêu dâm thô tục. Sẽ không có gạo cứu đói cho người nghèo để quên đến mốc xanh, ruộng nông dân ngang nhiên biến thành những dự án lậu và người thi hành công vụ ngang nhiên đánh đập sĩ nhục người dân.v.v.


Cách đây nửa thế kỉ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát lên: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”. Đúng như vậy, chỉ cần có một tấm lòng ta sẽ có bao nhiêu việc nghĩa ở đời như Trần Hữu Lưu và đồng đội đã làm; cuộc sống sẽ mất đi những bất công và oan trái; bạo tàn giả trá theo đó cũng mất theo. Nhưng liệu có được bao nhiêu tấm lòng như vậy, khi mà triết lý vinh thân phì gia được coi như lẽ sống người đương thời?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét