Thích hư danh, lấy hư danh để lừa phỉnh người đời ở đâu cũng có, thời nào cũng có. Nhưng chưa thời nào hư danh tràn ngập khắp nơi như thời này; từ những danh hiệu, những giải thưởng, những danh xưng đến nạn bằng cấp giả, học hàm giả, học vị dởm…
Một ông phó bí thư thường trực tỉnh ủy có bằng tiến sĩ chỉ sau sáu tháng “đào tạo”. Một giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch có bằng tiến sĩ của Mỹ trong khi một câu tiếng Anh bẻ đôi không biết. Một giám đốc Sở Y tế có bằng thạc sĩ chỉ sau 40 ngày “học”, v.v… và v.v… Không cần nói thêm nữa vì ai cũng biết quá nhiều rồi, có thể nói chúng ta đã quá quen với đại nạn này, đã cay đắng sống chung với nó, cơ hồ còn khốn khổ hơn sống chung với lũ. Cay đắng vì buồn, đau và xấu hổ. Vì sao hư danh lấn lướt chính danh? Vì sao người ta nô nức rời bỏ chính danh chạy theo hư danh ghê gớm đến như vậy? Đó là những câu hỏi đau buốt. Ở cái thời mà đạo đức giả lên ngôi thì tìm kiếm câu trả lời vừa dễ lại vừa khó. Dễ là nhìn thấy mười mươi, khó là ít ai công khai thừa nhận nó.
Đảng và Nhà nước ta luôn có chính sách trọng dụng hiền tài. Ngay trong Luật Công chức cũng đã ghi rất rõ: “Nhà nước có chính sách để phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng”. Vấn đề ở chỗ thế nào là tài năng thì luật không nói đến. Từ đó người ta tự do thoải mái định danh theo cách người tài là người có bao nhiêu giải thưởng, bao nhiêu huân huy chương, học hàm thế nào, học vị ra sao… Ở thời buổi tham nhũng là quốc nạn này thì đó là cơ hội để cho người ta mua danh bán tước, thoải mái ban thưởng cho nhau.
Chính bổ nhiệm cán bộ, công chức dựa trên bằng cấp, không cần biết bằng cấp gì đã dẫn đến có rất nhiều lãnh đạo có trình độ học vấn giả danh. Đồng thời lôi kéo cán bộ, công chức vào một cuộc biến hình trên quy mô xã hội, bất chấp các quy chuẩn tối thiểu của đạo đức và học thuật. Khi đó người trung thực, kẻ thực tài không có đất sống, họ bị đẩy ra rìa. Đây chính là điều làm nên thực họa. Ở bất kỳ nơi đâu, khi hiền tài bị ruồng bỏ, kẻ bất tài khoác áo hư danh hoành hành xã hội, thì ở đó cái họa lớn đã chất đầy. Vô cùng đáng sợ.
Hơn hai ngàn năm trước, Khổng Tử (551-479 TCN) đã khuyến cáo về tệ nạn hư danh như thế này: “Danh bất chính tất lời nói không thuận. Lời nói không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành tất lễ nhạc không hưng. Lễ nhạc không hưng tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép tất dân không biết đặt tay chân vào đâu để nhờ cậy”. Lời cảnh báo đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét