Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Bài học Bruce Weigl

Tiến sĩ Bruce Weigl là một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở chiến trường Quảng Trị, nay ông là nhà thơ khá nổi tiếng ở Mỹ. Với 25 cuốn sách và nhiều giải thưởng danh giá,  B.Weigl nổi lên như một tài năng văn chương của nước Mỹ. Hồi kí Vòng tròn của Hạnh  là cuốn sách “best-seller” ở Mỹ sắp được nxb Phụ nữ ấn nhất định sẽ dành được tình cảm đặc biệt của bạn đọc Việt Nam. Nhưng điều chúng tôi muốn nói không phải là những thành đạt của ông sau chiến tranh, chính là những gì ông đã ứng xử với người Việt, với văn hoá Việt, nơi chính ông đã cầm súng bắn giết trong cuộc đối đầu thảm khốc của Chiến tranh.


 Cũng giống như các cựu chiến binh Mỹ khác, sau chiến tranh ông đã viết sách về Việt Nam, về con người Việt Nam và văn hoá Việt; đã tìm về các nghĩa trang liệt sĩ, lặng lẽ thắp hương lên những ngôi mộ của những người lính Việt; đã vào tìm đến các trại mồ côi nhận những đứa bé Việt  về nuôi; đã tham gia nhiều hoạt động cho sự hàn gắn quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sau chiến tranh. “Không ai tha thứ cho chúng tôi về quá khứ nhưng quan trọng chúng ta làm gì cho hiện tại và tương lai”. Không chỉ riêng ông đã nghĩ vậy, hầu hết các cựu chiến Mỹ đều đã nghĩ như ông. Điều khác biệt ông đã làm, cũng là điều khiến nhiều người Việt ngạc nhiên và cảm động, là cô  bé người Việt tên Hạnh năm nay đã 23 tuổi, con nuôi  của ông, đã sang Mỹ từ lúc rất nhỏ và lớn lên trong một ngôi nhà không có ai là người Việt, không ai nói thạo tiếng Việt, lại nói tiếng Việt như người Việt và vẫn giữ được cốt cách, tâm hồn Việt đậm đà đến như vậy.


Cô bé Hạnh quê ở Bình Lục, Hà Nam được ông nhận từ một trại trẻ mồ côi. Ông đã nói với mọi người rằng: “Tôi nhận từ các bạn một bé gái Việt và một ngày kia khi nó khôn lớn tôi sẽ trả lại các bạn một cô gái Việt Nam, tôi sẽ không biến nó thành người Mỹ”. Nói là làm, mười mấy năm qua vợ chồng ông đã chăm sóc tâm hồn cô bé Việt hướng về cội nguồn nơi quê cha đất tổ, ăn thức ăn Việt, nghe nhạc Việt, xem phim Việt, nói tiếng Việt. Ông luôn dặn con hãy nói tiếng Việt bất kì lúc nào có thể. Hàng tuần ông chở con đến những người bạn Việt ở Mỹ để cô bé “sống” với dân Việt và chuyện trò với họ.


Cô bé Hạnh đã kể: “Bố đã dạy tôi từng chút một, từ những việc đơn giản nhất trong ứng xử của đời sống thường nhật đến những suy nghĩ, hành động. Bố luôn muốn tôi phải là một người VN, phải nói tiếng Việt thật giỏi,  để khi tiếp xúc với tôi, người ta không được nói tôi là một Việt kiều gì đó”. Cô bé còn kể  để giúp cô thấm nhuần được văn hoá Việt một cách chuẩn xác nhất, bố cô, tức ông B. Weigl. đã lặng lẽ học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa VN từ đền chùa, miếu mạo đến phong tục tập quán hằng ngày. Thật quá cảm động trước tình cảm của một người Mỹ không muốn con mình mất gốc Việt.


Vì sao B. Weigl làm như vậy? Một khi biết trân trọng, yêu quí văn hoá dân tộc mình, chứ không phải tự ti mặc cảm hay tự đắc và thổi phồng, thì nhất định người ta biết trân trọng, yêu quí văn hoá dân tộc khác. Ông B. Weigl hiểu rằng nếu tước đi hồn Việt trong bé Hạnh và nhồi nhét vào đấy thứ văn hoá Mỹ sống sượng thì nước Mỹ sẽ không có thêm một người Mỹ trong khi một người Việt sẽ mất đi. Cao hơn cả điều đó, ông hiểu rằng hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng của một con người chính là khi họ có quê hương, có gốc gác, có đất nước và đồng bào của họ và được sống cùng với tất cả những điều đó. Vì thế sẽ không có gì đau khổ hơn khi một người Việt không có  hồn Việt hoặc là một hồn Việt méo mó bệnh hoạn.


Bài học Bruce Weigl khiến mỗi người Việt chúng ta giật mình tự hỏi:  ta đã làm gì để nuôi dưỡng hồn Việt trong tâm hồn con cháu chúng ta, trong chính tâm hồn mỗi một chúng ta?


 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét