Tôi và tất cả những ai có tên trong cuốn sách này đều do tôi tạo ra, kể cả bố mẹ tôi.
Tôi ở chiếc trứng số 161 trong buồng trứng bên trái của mạ tôi. Vào thời khắc bác Thông gái kêu lên một tiếng xé lòng: “Chết hết rồi anh còn muôn năm ai anh Đạng ơi ” thốt nhiên tôi có nhu cầu được làm người. Vâng, đúng như vậy. Tôi muốn được đi lại và chạy nhảy lại, được nói năng và ca hát, được yêu thương và bị ghét bỏ, được nâng niu chăm bẵm và bị đày đọa dập vùi, được kính trọng và bị khinh bỉ, được hưởng lộc và bị tước đoạt, được trị người và bị người trị giữa càn khôn bất diệt của nhân loài.
Tôi biết mạ tôi đã ngao ngán việc sinh nở, tấy nhiên không một lúc nào bà nghĩ đến việc cho tôi được ra đời, bà không muốn có thêm tôi trong cái chuồng bò đã quá chật cho một gia đình tám nhân khẩu. Ba tôi cũng vậy, con cái đã làm ông quá mệ mỏi trong bổn phận làm cha. Ông muốn chấm dứt tức khắc và vĩnh viễn việc sinh con đẻ cái.
May mắn thay thời này không có bao cao su, việc nạo thai được coi là hành động nguy hiểm và ngu xuẩn, thành ra tôi có cơ hội tiềm tàng, bất chấp mọi nổ lực hạn chế sinh đẻ của ba mạ tôi. Tôi vẫn kiên trì bám lấy vị trí số 161 trong buồng trứng dồi dào sinh lực của mạ tôi, chờ đợi thời khắc một canh ba nào đó, nguồn năng lượng mạnh mẽ của ba tôi vụt phóng vào mở cửa.
Canh ba đã đến, tiếng gà gáy râm ran ngoài ngõ, tôi xốn xang chờ đợi. Ba tôi đã thôi khóc, nằm im lìm bên mạ tôi, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Tiếng gà gáy canh ba không hề làm ba tôi xao động, thậm chí ông cũng chẳng hề nhớ đến bên ông là người đàn bà lúc nào cũng chờ đợi ông âu yếm, sẵn sàng đáp ứng tức thì mọi ham muốn của ông, đã ba đêm nằm không trong tuyệt vọng cùng cực, lúc này đây âm thầm chờ đợi ông đền đáp.
Mái tóc dày ngậy mùi lá sả đang phủ tràn trên ngực ông cùng với cánh tay mập tròn mềm mại đang dần xiết lại và hơi thở nhè nhẹ nong nóng bên tai ông, cách thức đánh thức thiên tài của mạ tôi đã không được ba tôi lưu ý. Mãi tới khi mạ tôi gần như trườn lên ba tôi, ông mới sực tỉnh. Ba tôi hôn mạ tôi, chiếc hôn da diết yêu thương lần đầu tiên mạ tôi được hưởng, nhưng buồn thay cũng là lần đầu tiên ba tôi không tài nào vưc dậy con giống khỏe mạnh của mình.
Nó nằm vắt ngang vô cảm mặc cho mọi mơn trớn kiên trì và khéo léo của mạ tôi, ngay cả khi mạ tôi đã bỏ hết mọi e dè, áp mặt vào nó, ban cho nó được nằm kề bên chiếc lưỡi mềm mại đỏ hồng, kẹp giữa bờ môi dày ấm nóng của bà, nó cũng chẳng hề hưởng ứng. Nó đã chết. Cái chết lặng lẽ âm thầm sau ba ngày ba tôi nhận đủ hết mọi sợ hãi ở đời và một giờ đột khởi trút hết năng lượng cảm khoái trong buổi chiều tái sinh đắng ngắt.
Tôi hoàn toàn không biết điều này. Ở vị trí số 161 trong buồng trứng vốn dĩ đã tối tăm, tôi không tài nào nhận được đầy đủ thông tin đáng buồn kia. Trong vòng mười chín tháng, không biết bao nhiêu trứng đã rụng, vĩnh viễn tan thành dòng máu bất hạnh tôi không nhớ nỗi, chỉ biết chiếc trứng số 161, nơi tôi cư trú tạm thời, vẫn chưa hề được đánh thức.
Mạ tôi vẫn làm như không có gì quan trọng xảy ra, tuy dễ nhận thấy bà trở nên ít nói hơn, chứng mất ngủ đã hằn rõ trên khuôn mặt bà với vệt thâm quầng kéo dài trên mí mắt. Ba tôi cũng trở nên ít nói hơn, dễ cáu gắt hơn và cố tình ở lại cơ quan nhiều hơn. Trong mười chín tháng ông nhận được không ít may mắn khiến cho đường công danh của ông sáng sủa không bao giờ hết.
Bất kì một cuộc bầu cử nào ba tôi được dự phần ông đều thu được số phiếu vào hàng cao nhất. Người bạn học của ông vẫn bám chắc vị trí số 6 của Chính phủ thỉnh thoảng vẫn gọi điện về nỉ non, úp mở về một khả năng ông có thể rời chuồng bò khốn khổ ở Thị Trấn đi thẳng ra biệt thự sang trọng trên đường Hoàng Diệu ở Thủ đô.
Thời của dòng họ Nguyễn quang có thể đã bắt đầu, trong vòng mười chín tháng, từ cửa tử ba tôi leo thẳng một lèo bốn nấc thang quan trọng nhanh đến không ngờ, ung dung bước lên vị trí số 2 của tỉnh trước sự ngỡ ngàng một vạn hai dân Thị trấn. Việc khăn gói ra Thủ đô, nhận lấy vị trí số 20 của Chính phủ chỉ còn ngày một ngày hai. Chuông điện thoại của nhân vật số 6 không tuần nào không réo, lời hứa hẹn mỗi lúc mỗi rõ ràng hơn.
Nói ba tôi không khấp khởi mừng thầm chỉ là nói dối nhưng chứng bất lực trời hành đã đè bẹp hết mọi khát vọng của ông. Vốn xuất thân từ một dòng tộc dâm đãng và hiếu thắng, ông cay đắng nhận ra rằng, đối với đàn ông thật không gì vinh dự hơn việc làm cho đàn bà sung sướng, mất thứ đó coi như chẳng còn gì, anh chỉ là một hình nhân trống rỗng.
Ba tôi gầy rộc đi, bỗng nhiên nổi những chứng bệnh lạ lùng xưa nay chưa từng có. Ông tự thổi phồng mình trước đám đông và rất ưa nghe cấp dưới nịnh hót, thói đời vốn dĩ ông ghét cay ghét đắng. Ông từ chối việc trở lại căn nhà cũ, kiên trì bám trụ lấy cái chuồng bò. Ở vị trí số 2 của tỉnh như ông, căn nhà ấy chỉ tổ làm cho ông thiên hạ bịt mũi cười thầm, tự ông cũng thấy ngu xuẩn nhưng ai nói gì mặc lòng ông vẫn không nghe.
Ông đâm nghiên nặng những bài diễn văn tràng giang đại hải, tràn ngập thứ ngôn từ trống rỗng, tự ông cũng thấy trống rỗng nhưng không cưỡng được mỗi khi đứng trước đám đông. Chỉ khi ngồi một mình hoặc trong cái chuồng bò mười bốn mét vuông hoặc trong căn phòng làm việc bốn mươi sáu mét vuông, ông mới giật mình ngơ ngác không hiểu tại làm sao và tự bao giờ mình lại trơn môi bẻm mép như vậy.
Chứng giật mình mỗi khi ai đó đột ngột gọi tên là nỗi xấu hổ không phải ba tôi không biết, nó tước đi vẻ đĩnh đạc tối thiểu, làm nhem nhuốc uy danh suốt một đời lao tâm khổ tứ ông mới có được. Cán bộ văn phòng ủy ban tỉnh, những cô gái xinh tươi phong nhũ phì đôn không dấu diếm thèm khát được ba tôi chiếm dụng, bị ông từ chối thẳng thừng bằng cái nhìn nghiêm trang và lạnh lẽo, đã trả thù ông bằng cách bất ngờ réo gọi tên ông vào thời điểm ông cầm một cái gì dễ vỡ trên tay.
Bất kì ai gọi “anh Đạng”, “thủ trưởng Đạng”, “đồng chí Đạng”, miễn là có tiếng “Đạng” ba tôi tất phải giật mình đánh thót. Cốc chén vỡ liên miên cùng với những tiếng cười bịt miệng khoái chí đám phong nhũ phì đôn, bình thường chỉ cần một cái vẫy tay của ông đã vội vã tụt quần.
Dù sao chứng bệnh ấy cũng không ảnh hưởng gì lắm đến con đường sáng ba tôi đang dấn bước, thậm chí nhiều người cùng cảnh ngộ lắm lúc phải mủi lòng. Chứng bệnh đã đẩy ba tôi nhanh chóng rời bỏ quyền cao chức trọng, trở lại với một chút tước phẩm bèo bọt, thấp hèn không phải, quí phái càng không, ấy là chứng ghét ruồi.
Không ai ghét ruồi đến khốn khổ như ông, hễ thấy ruồi là ông không chịu nỗi, dù thế nào ông cũng giết cho bằng được mới thôi. Tuồng như ruồi là mối bận tâm duy nhất và cuối cùng của ba tôi. Không một bữa cơm nào ba tôi ăn được ngon miệng, một buổi nghỉ trưa nào ba tôi được ngon giấc.
Việc tìm diệt ruồi chiếm gần hết thời gian ăn uống nghỉ ngơi của ông. Ba tôi gầy tọp đi vì ruồi, , đầu óc chỉ lởn vởn những con ruồi vồ trượt. Nếu thấy một con ruồi trong phòng làm việc, dù đến giờ cần phải ra khỏi phòng ba tôi cũng mặc kệ, cứ thế đuổi bắt, bày mưu tính kế cực kì nghiêm túc nhằm diệt cho bằng được.
Nếu bắt sống được nó thì thật tuyệt vời. Ba tôi lập tức nhét nó vào lọ thủy tinh bé bằng ngón tay, lúc nào ông cũng thủ sẵn trong túi, cẩn thận nhét nắp cao su bịt kín lọ và say sưa ngắm nó hàng giờ. Đặc biệt lúc con ruồi giãy chết, đấy là thời khắc ba tôi hân hoan tận hưởng với niềm cảm khoái không gì so sánh được.
Ba tôi thừa biết đấy là trò không ngớ ngẩn cũng điên rồ, khốn thay không tài nào ông kiềm chế được. Lắm lúc đến giờ đi công tác, người lái xe vào phòng mời ba tôi ra xe, thấy ông vẫn loay hoay dưới gầm giường với một con ruồi chết tiệt nào đó, nói thế nào ông cũng không chịu chui ra. Thế cùng, người lái xe đành phải túm tay lôi ông ra khỏi phòng, nhét vào xe. Ba tôi lên xe với nỗi ấm ức không gì làm cho khuây khỏa được, dọc đường cứ lẩm bẩm hàng giờ về con ruồi vừa thoát khỏi tay ông.
Buổi sáng một ngày như mọi ngày năm 1955, sáu trăm cán bộ cốt cán đang nín thinh nghe ba tôi diễn thuyết, thứ ngôn từ trống rỗng nhiều người đã thuộc lòng, họ có thể nói đúng y xì câu tiếp theo ba tôi định nói. Những bộ mặt nghiêm trang, chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng khẽ gật đầu tán thưởng chẳng qua chỉ để dấu diếm nỗi ngán ngẩm vô biên, sốt ruột chờ đợi tiếng cuối cùng để đồng loạt tặng ba tôi tràng vỗ tay ngất trời, vừa thưởng cho công khó ông ba hoa suốt buổi vừa thổi phồng niềm kiêu hãnh rỗng toếch của ông.
Ba tôi biết người ta đang nghĩ gì, đang chờ đợi điều gì và sẽ làm điều gì nhưng ông không cách gì kìm được, vẫn hồ hởi phấn khởi kéo dài đến bài diễn thuyết gần như vô tận nếu không có con ruồi bỗng nhiên sà xuống đậu thản nhiên trên micro. Lập tức ba tôi dừng lại. Một giây để định thần, một giây cho quyết tâm tiêu diệt. Sáu trăm cán bộ cốt cán không hiểu vì sao cấp trên đang lên giọng bỗng nhiên im bặt, họ nhìn ông lo lắng và căng thẳng.
Ba tôi vung hai tay đập cái bốp, micro rơi xuống đất còn con ruồi thì bay vụt ngược lên. Bây giờ người ta đã hiểu. Lác đác vài tiếng cười rúc rích. Ba tôi rời bục diễn thuyết, chăm chú lần theo dấu vết con ruồi. Nó đang lượn vân vi, ra cái vẻ bất cần đời, cách mũi ông không đầy một mét. Sáu trăm cán bộ cốt cán đã hiểu nhân vật số 2 của tỉnh đang làm gì, đang muốn làm gì và sẽ làm gì. Một số người ngồi yên bịt miệng cười, số còn lại, tiếc thay là hầu hết hội trường, kẻ trước người sau rón rén theo ba tôi.
Ba tôi đập cái bốp, liền sau tiếng đập tay của ông, đột khởi rộ lên tràng bốp bốp liên thanh. Ba tôi đập cái bốp, tiếp theo tiếng đập tay của ông, đột khởi rộ lên tràng bốp bốp liên thanh. Ba tôi đập cái bốp, liền sau tiếng đập tay của ông, đột khởi rộ lên tràng bốp bốp liên thanh.
Tiếng đập ruồi nghiêm trang và quyết liệt kéo dài hết buổi sáng ngày hôm đó, thu được kết quả không ngờ: năm trăm hai mươi tám con ruồi gom lại được hai vốc đầy, nâng số lượng diệt ruồi của ba tôi lên đến con số vạn, chính xác là một vạn ba trăm linh chín con cả thảy, đồng thời chấp dứt luôn sự nghiệp đẹp như mơ của ông.
Chuông điện thoại nhân vật số 6 vĩnh viễn không bao giờ réo, ba tôi trở lại quê nhà với vai trò phó ban tuyên giáo huyện, thứ trọng trách dành cho một người thất thế chưa đến tuổi về hưu.
Buổi chiều buồn thiu ba tôi về cái chuồng bò không bằng chiếc Moscovis màu sữa non, niềm kiêu hãnh của cả nhà tôi, nỗi thèm khát cháy bỏng lũ trẻ con xóm Long Hòa mỗi lần anh Tường, anh Thắng tôi ngồi vênh vang trong xe, bấm còi inh ỏi.
Mạ tôi đón ba tôi ở cửa, lẳng lặng tháo cái tạp dề sau yên xe đưa vào giúp ông. Không một lần bà dám ngước lên nhìn ông, chỉ lúi cúi làm hết việc này đến việc khác, nơm nớp lo ông bỗng nhiên nổi coạu rất dễ tan nát cả buổi chiều. Ba tôi ngồi tựa cửa nhìn ra đường, cái nhìn trống rỗng, vô hồn. Mấy anh chị của tôi thấy ông về, mừng lắm nhưng không dám chào, đứng túm lại một góc, len lén nhìn.
Mâm cơm đã dọn, không ai dám mở mồm mời ông một tiếng. Mạ tôi cũng không dám, bà đánh tiếng bằng cách quát nạt con tại sao ăn cơm lại không mời ba. Cả nhà sấp mặt gắp gắp chan chan. Mạ tôi cắm mặt vào bát cơm, thỉnh thoảng liếc sang ông dò ý, thở dài một tiếng chừng như để ông nghe, rồi lại cắm mặt vào bát cơm. Bữa cơm chiều lặng ngắt như một bữa cơm tang.
Anh Thắng tôi cắm thìa hết trân trố nhìn ba tôi lại trân trố nhìn mấy con ruồi đang sà xuống mâm. Lúc đầu không ai để ý, mãi sau rồi ai cũng biết, cả nhà ngơ ngẩn hết nhìn ba tôi lại nhìn ruồi. Kì lạ thay ba tôi không còn quan tâm đến ruồi nữa, ông ngạc nhiên thấy cả nhà cứ trương mắt nhìn ông, nói ăn đi, nhìn chi rứa.
Không ai dám lên tiếng, chỉ duy nhất anh Thắng chỉ mấy con ruồi, nói ba nhòi tề…ba nhòi tề. Ba tôi khẽ đuổi mấy con ruồi đi, nói ăn đi con. Chợt ông chợt sững lại, mắt sáng lên, ông đã nhớ ra chứng ghét ruồi mới cách đây một ngày ông đang mắc phải giờ đây đã hết mất tiêu. Ông cười, lúc đầu còn cười mũi khịt khịt khịt sau cườì họng khì khì khì, cuối cùng ông há miệng cười khơ khơ khơ, kha kha kha, ha ha ha cùng với nước mắt sống chảy dàn dụa.
Đêm đó ba tôi chủ động xiết chặt mạ tôi vào lòng, nói anh có lại rồi anh có lại rồi em ơi… Ba tôi dằn ngửa mạ tôi ra đâm hối hả, đâm như chưa bao giờ được đâm, như đâm lần cuối để mà chết. Tôi ở vị trí 161 bên tráí buồng trứng của mạ tôi thốt nhiên nhận được luồng khí mát rượi cùng với một vầng sáng màu lá mạ toả rực rõ. Lúc đó đúng 3 giờ 11 phút sáng, tôi nhớ như in bởi vì đó là thời khắc tôi nhận được chứng chỉ làm người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét