Lịch sử sân khấu nước nhà có hai thảm hoạ lớn nhất chưa từng thấy trong thế kỉ 20, đó là hai cái chết tập thể của hai đoàn kịch, một của Đoàn kịch nói Bắc Thái năm 1986, một của đoàn ca kịch Quảng Bình năm 1974.
Hai thảm hoạ vô cùng thương tâm, một vì tai nạn không may, một vì sự chủ tâm của một người, gây xôn xao một thời cách đây ba mươi năm về trước. Thời này báo chí còn hạn chế đưa tin thất thiệt, viết về những thảm hoạ như thế này ít ai dám. Cái chết của Đoàn kịch Bắc Thái còn đưa được một vài mẩu tin, cái chết của đoàn ca kịch Quảng Bình thì đến một mẩu tin cũng không, dân chúng chỉ xì xào bàn tán thôi, ít ai biết thực hư như thế nào.
Bây giờ sau ba mươi năm, khi nỗi đau đã lắng lại mình mới dám kể, cũng là để chia sẻ nỗi buồn với sân khấu nước nhà, ngõ hầu có thể rút được kinh nghiệm để không bao giờ bị mắc phải những sai lầm như thế nữa, đặc biệt là thảm hoạ của Đoàn ca kịch Quảng Bình.
Riêng về đoàn kịch Bắc Thái đến nay đã nhiều người biết, một số báo cũng đã viết lại kỉ niệm buồn đau này cùng với nhân chứng sống, vì thế mình sẽ không nhắc nhiều.
Đấy là một ngày tháng tám năm 1986, đoàn kịch Bắc Thái ăn mừng thành công của vở kịch Đôi dòng sữa mẹ, hình như kịch bản của Lưu Quang Vũ, kéo nhau đi du thuyền trên hồ Núi Cốc. Hồi này hồ Núi Cốc còn hoang sơ, du thuyền trên hồ là việc chưa quen của ngành du lịch, ai thuê thuyền đi thì có dân phục vụ thôi, mọi phương tiện cứu sinh cả trên bờ lẫn trên thuyền đều không có.
Những đồn đại thì nói rằng có một cơn lốc lạ đã nhấn chìm chiếc thuyền chở 29 người trong giây lát, không ai trở tay kịp, chỉ có 6 người sống sót, 19 nghệ sĩ đang độ tuổi xuân xanh và tài năng đang độ chín cùng với bốn em nhỏ đã vĩnh viễn không bao giờ trở về.
Thực ra không có cơn lốc nào cả, thuyền nhỏ người đông, anh em nghệ sĩ thấy cảnh hồ đẹp thì kẻ đứng người ngồi, kẻ chụp ảnh, người đi laị, vào đúng thời điểm thuyền vào cua gấp, ngay lập tức thuyền lật và chìm ngay xuống vực sâu.
Một số người đã bơi thoát ra khỏi nơi tai nạn nhưng không cầm lòng được bởi tiếng kêu của đồng nghiệp, của người thân, của nhưng em bé đang ngập ngụa trong lòng hồ, đành quay trở laị. Chẳng những không cứu được ai, họ đều chịu chết chung với mọi người. Khi vớt xác lên, nhiều người vẫn còn ôm nhau, níu chặt nhau, rất thương tâm.
Khi đó mình đang làm việc tại Sở văn hóa thông tin Bình Trị Thiên, tin này đến ai cũng sững sờ, chua xót. Thảm hoạ kinh hoàng của Đoàn kịch Bắc Thái đã làm mọi người nhớ đến thảm hoạ của Đoàn ca kịch Quảng Bình năm 1974 cách đó 12 năm.
Đây là thảm hoạ do một nghệ sĩ tên Hoan ( họ gì không nhớ nữa) gây ra, một mình anh đã giết chết 14 người trong đoàn vì một chuyện mà nếu thời này thì đã không bao giờ xảy ra.
Anh Hoan là một nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn, yêu cô Phượng 18 tuổi, rất xinh đẹp, hát hay diễn giỏi, cũng là một nghệ sĩ chủ chốt của Đoàn. Thời này cán bộ công nhân viên muốn yêu nhau công khai đều phải báo cáo với lãnh đạo cơ quan. Dù chưa vợ chưa chồng nhưng nếu không báo cáo thì đều bị coi là yêu đương không đứng đắn, thậm chí bị coi là yêu đương bất chính, ngang với tội hủ hoá, là tội rất nặng.
Anh Hoan đã có vợ, có con lại yêu một cô gái trẻ đã là một tội. Gia đình cô Phượng phản đối quyết liệt và đề nghị Đoàn can thiệp, nhiều lần Đoàn đã phê bình kiểm điểm nhưng cả anh Hoan lẫn cô Phượng đều không nghe, vẫn lén lút yêu nhau.
Đến khi cô Phượng có thai thì câu chuyện trở nên trầm trọng. Giá như thời này thì chẳng có sao. Nếu anh Hoan bỏ vợ và lấy cô Phượng mà vợ anh Hoan cũng thuận tình thì chẳng ai lấy đó làm vì, âu cũng là phúc phận ở đời.
Nhưng thời này thì khác, bất tuân yêu cầu của tổ chức là một tội, đã có vợ lại đi hủ hoá là một tội nữa. Khi gia đình cô Phượng và Đoàn yêu cầu anh và cô Phượng chia tay thì cả hai đều bỏ ngoài tai thì tội ấy không thể tha thứ được. Đoàn ca kịch Quảng Bình họp kiểm điểm liên miên, mẹ cô Phượng bám đoàn suốt ngày đêm “ Yêu cầu anh Hoan tha cho con gái tôi”.
Thực ra cái sự kiểm điểm các vụ yêu đương linh tinh, hủ hoá tầm bậy thường vẫn diễn ra không gay gắt gì, chẳng qua việc phải làm, trên bảo kiểm điểm thì kiểm điểm thôi, chỉ đôi ba người tính cự đoan thích ăn to nói lớn cho oách, chứ thực lòng chẳng ai muốn. Người ta vừa kiểm điểm vừa khuyên giải cốt để cho yên chuyện, trong đoàn tuyệt không ai ghét bỏ hai người.
Nhưng anh Hoan không nghĩ vậy, âu cũng là tâm trạng của một thời, những người bị tổ chức kiểm điểm, bị kỉ luật đều cho đời mình thế là tàn. Như bây giờ nếu không sống trong cơ quan này thì đi tìm cơ quan khác, nhiều người chuyển cơ quan năm bảy lần, chín mươi lần cũng là chuyện bình thường. Xưa thì không, một khi anh bị kỉ luật đều bị coi là xấu xa, bị đuổi việc càng xấu xa, đừng có hòng cơ quan nào nhận. Cái thời mà không ai nghĩ đến chuyện bỏ việc công ra làm riêng, bị đuổi việc được coi như cùng đường sống.
Cuộc họp đêm đó kéo dài đến 11 h đêm, anh Hoan bỏ ra ngoài, mọi người cứ tưởng anh đi vệ sinh, cứ yên chí ngồi chờ. Anh Hoan quay trở lại, ném ngay vào giữa cuộc họp một quả mình tự tạo đựng trong lon sữa bò. Mình nổ. Hai người chết ngay tại chỗ. Anh Hoan cầm khẩu AK đánh cắp được của bảo vệ Đoàn đi tìm từng người một, có người anh tha, có người anh bắn chết, bình thản như không.
Chị Tùng vợ nhà thơ Văn Lợi kể: khi đó chị nghỉ đẻ không tham gia kiểm điểm. Nửa đêm nghe mình nổ chị chạy ra thấy anh Hoan đang ôm súng lăm lăm đi đi lại lại tìm kiếm sục sạo, chị kêu lên răng mi bắn chết anh em Hoan ơi, anh nói kệ tui, chị chạy đi, chạy lối tê, đừng chạy lối ni, lạc đạn chết đó.
Đoàn ca kịch sơ tán, đóng ở đồi Giao Tế thôn Đức Mỹ, dân quân nghe tiếng súng chạy vào bao vây khu chung cư, chưa ai hiểu chuyện gì, đêm lại tối đen, thỉnh thoảng nghe một tiếng hét lên cùng với tiếng nổ đanh gọn. Đến 4 giờ sáng bộ đội công an từ Đồng Hới kéo lên, ập vào thì cả đoàn ca kịch tan nát, anh Hoan chị Phượng nằm chết kề lưng nhau, mẹ cô Phượng nằm gần đấy, bà cũng đã chết.
Anh Hoan đã chết cùng cô Phượng sau khi đã bắn chết cả thảy 14 anh em nghệ sĩ. Người chết hết chuyện, cho đến nay cũng không ai còn kết tội ai, nhớ đến chuyện này ai cũng cất một tiếng thở dài, âu cũng là lỗi của một thời, cái thời mà cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc mỗi cá nhân luôn bị gia đình và tổ chức áp đặt nặng nề.
Đoàn kịch Bắc Thái sau thảm hoạ một tháng đã gượng lại được bằng chính vở diễn Đôi dòng sữa mẹ, cả người diễn lẫn người xem đều đầm đià nước mất. Đoàn ca kịch Quảng Bình thì không, họ mất tinh thần đến nỗi cả năm sau đó vẫn không dựng nổi được một vở nào cho đến khi nhập tỉnh năm 1976, sát nhập vào đoàn ca kịch Bình Trị Thiên. Không một ai muốn nhắc lại, hễ ai nhắc thì người khác gạt đi, nói thôi, nhắc làm cái chi nữa mà nhắc. Tất cả dường như muốn quên đi một kỷ niệm đau lòng cùng với cái thời khốn khổ ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét