Bảo Ninh hơn mình hai ba tuổi gì đây nhưng mình vẫn mày tao với nó từ thời mới gặp nhau đến giờ, mấy chục năm rồi. Mình vốn cục bộ địa phương, hồi mới gặp nhau ở Huế nó hầu như vô danh trong khi mình đang rất nổi, vô danh hữu danh chẳng quan trọng, miễn dân Quảng Bình là kéo nhau vào quán bù khú được rồi.
Sau này biết nó thuộc dòng danh gia vọng tộc, bố nó là nhà ngôn ngữ mình vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ, ông cố nội nó là thượng thư bộ lại ba đời vua Triều Nguyễn, có tên đường ở Đồng Hới thì nể lắm, đôi khi thấy mình cũng vinh lây. Chẳng cần nó làm gì, văn veo viết lách ra sao, chỉ cần nhìn cung cách ngồi uống rượu của nó cũng biết nó thuộc giống người sang, lịch lãm có từ trong máu.
Trong giới văn nghệ mình đã ngồi uống với hầu hết anh tài trong nước, chỉ thấy có hai người uống rượu cực quí phái đó là Văn Cao và Bảo Ninh, chưa thấy người thứ ba. Có người bảo cụ Nguyễn Tuân nữa nhưng mình không thấy, cụ Nguyễn giống anh Tường ( Hoàng Phủ Ngọc Tường) thạo văn hoá chơi nhưng chơi thì không thạo. Đã uống rượu dùng trà với cả hai người rồi, mình biết. Cụ Nguyễn thiên về diễn cái sự chơi chứ chơi thì cũng thường.
Nhìn Bảo Ninh cầm chai rót rượu, nâng cái ly ngang mày, khoan thai nhấp một ngụm, mắt hơi ngước lên mơ màng như đang tận hưởng mùi thơm toả ra, vị cay thấm xuống, tự nhiên thấy rượu quí hẳn, sang hẳn. Về món văn hoá chơi này rất khó rèn tập, nó thuộc gen di truyền quí phái, cái thằng nhà quê ba đời ăn củ chuối như mình có cố làm như nó thì chỉ thấy lố không thấy hay.
Dạo này mình ít gặp Bảo Ninh, có khi vài tháng mới gặp nhau một lần, phần vì mình ngại ra khỏi nhà, phần vì nó cũng đã hạn chế đàn đúm rượu chè, nghe nói nó đang viết cuốn tiểu thuyết mới, nếu là cuốn Thảo Nguyên thì mình đã đọc mấy chục trang đầu từ năm 1996.
Cuốn ấy đến giờ vẫn chưa thấy ra, cũng không nghe nó nói năng gì, hay là viết được nửa chừng rồi bỏ cũng chẳng biết. Bảo Ninh kín tiếng, có hai thứ nó không bao giờ nói ra đó là nó đang viết gì và tiền túi nó còn bao nhiêu. Ai hỏi thì gằn gằn gừ gừ rồi đánh trống lãng.
Ngồi đâu cũng chỉ tán văn người khác, tán rất hăng nhưng chỉ văn người khác thôi, chưa bao giờ nó nhắc đến văn nó dù nửa câu. Ai nhắc đến văn nó bất luận khen hay chê nó đều gằn gằn gừ gừ, ngứa ngáy khó chịu, ý chừng muốn nhổm đít bỏ đi.
Tiền nong cũng thế, ngồi nhậu đâu nó cũng móc túi ra trả trước, nếu có người gạt đi thôi, không, nó trả hết. Tiền túi chẳng biết bao nhiêu cứ móc ra đưa chủ quán, ai hỏi ông có không, hay để tôi trả, nó cứ gằn gằn gừ gừ không nói có chẳng nói không. Nhiều lần mình nói ông lịch dự rởm kiểu đó có ngày chết đói, nó chỉ cười khì khì.
Có những cuộc nhậu trời ơi, đi dọc đường có kẻ kéo vào, tàn cuộc nó cũng móc tiền trả. Nhiều khi mình thấy nó trả nhiều sốt ruột, nói thôi đừng sĩ diện hão nữa ông ơi. Nó cười khì khì, nói mẹ, biết là hão nhưng không móc túi ra cứ thấy mình quê quê thế nào.
Ngày trước hầu như ngày nào cũng gặp nhau, không gặp chịu không nổi, cứ thấy thiêu thiếu một cái gì. Gặp nhau không bao giờ chịu ngồi nói chuyện suông, nhất định kiếm quán rượu nhâm nhi. Ngồi với nhau từ sáng đến tối, sáng mai lại í ới gọi nhau, lại ngồi với nhau từ sáng đến tối. Có một nhúm chuyện mà nói mãi không biết chán. Hôm qua nói rồi, hôm nay cũng chỉ mấy chuyện đó vẫn cứ say sưa.
Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy thằng, nó, mình, thằng Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên), thằng Cường ( Nguyễn Việt Hà), thằng Đạo ( Trần Quang Đạo), thằng Tiến (Phạm Ngọc Tiến), anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh). Sau này có thêm hai thằng là thằng Sơn ( Nguyễn Thanh Sơn) và thằng Vân ( Nguyễn Thanh Vân). Xưa có thêm mấy em mặn mà xinh đẹp còn đánh đu theo hội này, lập thành một hội gọi là Hội ốc bươu, lâu lâu kéo nhau lên Hồ tây ăn ốc chọc ghẹo nhau chán thì về. Bây giờ các nàng bận rộn chồng con, cũng có lẽ họ đã ngấy “mấy thằng cha già” người đã cũ mà chuyện trò còn cũ hơn, nay đã biến sạch, hi hi.
Những năm 1990- 2000, trong khi thiên hạ đang đọc Nỗi buồn chiến tranh, bàn tán xôn xao, nó đang là ngôi sao sáng rất nhiều người muốn gặp, nhiều nơi mời mọc, nó cứ mặc kệ, chạy rong với đám bạn suốt ngày. Có cảm tưởng nó chỉ nằm chờ đến sáng là vọt ra khỏi nhà, đi lòng vòng tối ngày mới tha xác về, đang uống thì nói thôi tôi phải về đây, về đến cổng cứ lần chần không muốn vào, ai ới cái là quay đầu xe vọt liển. Cũng chẳng cần ai ới, tự nhiên nảy ra một cái cớ nào đấy vô cùng quan trọng, không đi không được, lại vọt đi.
Chưa khi nào thấy Bảo Ninh đổ gục vì rượu, uống đến say mềm vẫn làm chủ đươc hành vi, nhớ đường về nhà, ít khi thấy nó chân nam đá chân chiêu ngất ngưỡng trước mặt mọi người. Khi say nó đi xe hay cực, cứ đến ngã tư đèn đỏ đáng lẽ dừng xe chờ thì nó vọt sang lối khác, chạy vòng vòng cả khu phố cho đến khi gặp lại đường cũ. Nếu đến đó lại gặp đèn đỏ nó lại rẽ lối khác, lại chạy vòng vòng cả khu phố, rất buồn cười. Hình như trong vô thức nó rất ghét cái qui củ nhưng không dám nói cũng không dám chống, chỉ muốn tránh đi thôi.
Nói chung Bảo Ninh là cả một khối mâu thuẫn, ở nhà cũng như giữa đám đông nó vừa muốn tách ra vừa muốn hoà hợp, vừa muốn chia sẻ vừa muốn giấu mình, vừa muốn vùng lên vừa muốn yên phận. Ngồi đâu cũng vậy, khi rượu ngấm rồi gật gù chọc người này nửa câu rồi gằn gằn gừ gừ, chọc người kia nửa câu lại gằn gằn gừ gừ.
Bảo Ninh ham chuyện nhưng không hoạt khẩu, nói gì cũng chỉ nửa câu thôi rồi để lửng bằng gằn gằn gừ gừ. Mình nói ông toàn phun ra dấu chấm lửng làm sao ai hiểu, nói cười khì khì, nói mẹ… Đến văng tục nó cũng chấm lửng nốt. Nhỡ có ai cãi lại nó chỉ cười cái xoẹt, chắp hai tay ngang trán, nói à vâng vâng, kính anh.
Hình như trong nó có một khối ấm ức, ngày một phình to ra, nó cứ loay hoay ông biết xử lý thế nào, không biết ngõ cùng ai. Những gì nó đã chứng kiến trong cuộc chiến cũng như giữa đứờng đời, với sự nhạy cảm kì lạ, đã làm cho cái khối ấm ức của nó không có cơ thoát ra được. Rượu chưa đủ đô không ngủ được, ngủ được rồi thì giấc ngủ như một cuộc chiến tranh, tay đập chân đạp miệng gầm gừ, ai không quen sợ lắm. Bạn bè nhiều khi nhận được những tin nhắn điên điên của nó, nó chửi loạn cả lên.
Có lần mình ba giờ sáng mình nhận được tin nhắn của nó, nói đ. mẹ chúng mày, tao giết hết, tao bắn hết. Sáng ra gặp nó hỏi chuyện gì mà nhắn tin như thế, tất nhiên nó chẳng nhớ, những gì nó nói hoặc làm trong khi say thì tuyệt không bao giờ nó nhớ. Mình nói ông vừa cãi nhau với ai à, nó bảo đâu có, tối qua tôi uống một mình, có ai đâu mà cãi. Thì ra nó đòi đánh nhau, chửi nhau, thậm chí bắn nhau với khối ấm ức của nó thôi.
Bạn bè chơi với nhau mấy chục năm, chưa thấy khi nào nó động đến văn của ai, hễ ngồi với nhau là chửi nhau trêu vui, hết mẹ mày thằng đểu đến mẹ mày thằng bố láo. Đến nhà thằng nào nó cũng khen vợ thằng đó rối rít, rồi xoa đầu nói cẩn thận đấy em ơi, vợ mày mê tao đó.
Chỉ khi ngồi riêng với nhau, khi không có giọt rượu nào, nó cứ ngồi mở to mắt đỏ ngầu không nói một lời. Có một nỗi buồn thăm thẳm nào đó trùm lên gương mặt nhầu nhĩ vì rượu của nó.
Hôm mình bị tai nạn, cứ hễ mở mắt là thấy nó ngồi cạnh mình, tay nắm chặt tay mình, mở to mắt nhìn mình, không nói một lời nào, cái nhìn buồn thăm thẳm. Cách đây mấy ngày cũng vậy, nó đi đâu về ghé vào nhà mình, ngồi bệt bó gối giữa sàn nhà, bảo uống rượu không uống, uống trà không uống.
Rất lâu sau nó mở to mắt nhìn mình, thở hắt ra, nói viết đi ông ạ, không viết không ra cái đéo gì đâu. Nói xong thì đứng dậy phủi đít quần, nói tôi về đây. Rôì đi, không nói thêm một lời nào. Mình biết nó đang nói với nó thôi, chẳng phải nói mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét