Ông Trần Đăng Tuấn: "Nói chung tôi là người lãng mạn"
Ông Trần Đăng Tuấn nguyên là phó tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, tháng 11 vừa rồi ông đột ngột từ chức, gây xôn xao dư luận. Ông đã công tác tại VTV từ hơn 20 năm nay, là tiến sĩ chuyên ngành truyền hình đầu tiên của Việt Nam được đào tạo bài bản từ trường ĐH tổng hợp Lomonoxop và Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô (cũ).
Ông được cho là người nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có 1 kênh và đề xuất ý tưởng tự thu, tự chi từ những năm cuối thập kỷ 90. Giải thích cho việc từ chức của mình, ông mỉm cười nhẹ nhàng nói: “Nếu thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh, góc độ khác, để thêm những trải nghiệm khác, thì đó cũng là việc đáng làm.”
Chúng tôi đã tìm đến ông trong một cuộc trà dư tửu hậu để có cuộc phỏng vấn này.
Nguyễn Quang Lập (NQL): Truyền hình nước ta đã có một bước tiến dài, đặc biệt 10 năm trở lại đây. Một cách thật khách quan, anh đánh giá truyền hình nước ta đang ở đâu trong bản đồ truyền hình khu vực và thế giới?
Trần Đăng Tuấn (TĐT): Người khó tính nhất cũng sẽ đồng ý là truyền hình nước ta (hay truyền hình ở nước ta) đã có bước tiến rất, rất dài những năm qua. Nhưng câu trả lời về việc truyền hình nước ta đang ở vị trí nào nếu so với người ta thì khó tìm được sự nhất trí cả ở người dễ tính nhất. Vì bản thân câu hỏi nó khó, chứ không phải tôi rào đón gì. Thứ hạng theo tiêu chuẩn nào – Công nghệ? Nội dung? Nghiệp vụ? Dịch vụ?...
Nếu nói về công nghệ, tôi xin kể chuyện này: Tôi có dịp thay mặt lãnh đạo VTV tiếp một đoàn chuyên gia truyền hình Nhật Bản. Trước đó họ đã tham quan cơ sở vật chất kỹ thuật của Đài. Họ nói rằng họ ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam kỹ thuật truyền hình tốt như vậy. Tôi hỏi lại họ: Nói vậy thì các ông khen Việt Nam hay khen Nhật Bản? Vì hầu hết máy móc chúng tôi mua từ Nhật Bản. Nếu liên quan đến Việt Nam, xin các ông nói cho biết: việc tích hợp các thiết bị ấy ra sao, tính đồng bộ thế nào, cái gì lạc hậu rồi, cái gì tiên tiến mà sử dụng không hiệu quả, v.v.? Hay là chúng tôi bằng các bạn rồi? Họ cười và nói rằng: “Cũng có thể có những góp ý, nhỏ thôi, rất nhỏ”. Khách nước ngoài đến Việt Nam thường không thấy có cái gì là sơ suất lớn cả. Họ thường nói chúng ta chỉ có vài vấn đề bé tí tẹo thôi!
Tôi biết rằng những người làm kỹ thuật truyền hình ở Việt Nam rất sáng tạo. Có những cách tổ chức công việc mà người nước ngoài ngạc nhiên. Nhưng nếu nói một cách tổng quát thì thế này: cái gì thế giới có, ta cũng đã có, đang có, hoặc sẽ có. Vì họ bán chứ không làm ra để giữ. Cho nên nếu nói ta gần như giống họ, ngang với họ (cái này mạnh mồm một chút), họ cũng chẳng phản đối đâu. Vấn đề là ta sử dụng thế nào. Và việc ta sử dụng hệ thống kỹ thuật, công nghệ mới có có làm ta thay đổi toàn bộ cung cách tác nghiệp không. Cũng có người sử dụng máy vi tính như máy chữ. Cũng có sao đâu? Câu hỏi đặt ra là: công nghệ mới, nhưng con người chúng ta thì sao, mới được bao nhiêu?
Nhưng mà công nghệ dễ xác định. Hàng năm các chuyên gia truyền hình Việt Nam đi dự triển lãm công nghệ phát thanh truyền hình thế giới ở Las Vegas. Họ biết hơn tôi cái gì Việt Nam đã có, cái gì chưa. Nhưng hình như đi dự xong về, họ cũng ít nói lắm. Tôi cũng thế.
So sánh về nội dung và trình độ nghiệp vụ mới là cái khó. Mỗi nước có nền văn hóa riêng, cuộc sống chính trị - xã hội riêng, thị hiếu khán giả riêng. Vậy căn cứ vào đâu để nói mình hay hơn họ hoặc kém hơn họ. Có dịp ra nước ngoài, tôi xem nhiều truyền hình sở tại. Có cái kênh truyền hình từ sáng đến đêm chỉ phát trò chơi. Mà trò chơi rất đơn giản, ví dụ: Hai người cầm hai đầu cây gậy dài, người thứ ba bò qua dưới gậy. Rồi hạ thấp gậy nữa, thấp nữa… làm sao bò chứ không toài người mà vẫn qua gậy. Chạm gậy thì thua. Cứ thế thôi. Khán giả cười thoải mái. Không ai bảo mua vui nhảm nhí, hời hợt. Rồi có một lần, xin đừng ngạc nhiên, lần đó ở Bình Nhưỡng, tôi xem kênh truyền hình của Nga phát bên đó, có chương trình thám tử tư. Họ rình xem anh chồng đi lén lút với cô nào, báo cho vợ, rồi cùng ập vào bắt quả tang. Một môtip ấy thôi, nhưng các tình huống khác nhau. Xem mãi không chán. Và các bạn Bắc Triều Tiên rất thích xem. Nhưng mà xem kênh của Triều Tiên thì toàn hội nghị. Cũng chẳng ai dám nói cái nào hay hơn cái nào, vì nó khác nhau thế thì so thế nào được? Tại Anh, khi theo các đồng nghiệp đi khảo sát họ làm trò chơi truyền hình thế nào, tôi thấy nửa ngày họ mới quay xong một chương trình “Ai muốn thành triệu phú”. Về Việt Nam, anh Sâm một buổi chơi vài chương trình, phát thoải mái. Vậy mình giỏi hơn họ? Hay là mình buộc phải làm cho nhanh vì ít trường quay? Trên truyền hình cáp của ta cũng có kênh phim truyện đấy chứ, nhưng có ai so với HBO không nhỉ? Mà so thì để nói ai kém? Toàn bộ phim truyện điện ảnh của ta nếu phát hết thì được bao nhiêu ngày? Vậy lỗi ở truyền hình hay ở ai? Mà nếu cứ bàn nữa thì kết luận là chẳng ai có lỗi. So sánh là khập khiễng.
Tiếp tục, về cung ứng dịch vụ truyền hình. Cái này dễ nói hơn. Đây là lĩnh vực có nhiều chuyển biến nhất thời gian qua. Các con số khác nhau, nhưng đại loại có thể thấy hàng triệu hộ ở Việt Nam đã là thuê bao của truyền hình có trả tiền. Tức là được xem nhiều kênh. Nhưng nếu so với trên hai chục triệu hộ, thì đó là số lẻ. Thì cái bước tiến nó cũng rõ, mà mình nằm ở đâu trên bản đồ phát triển truyền hình nó cũng rõ.
Cho nên, tôi muốn đổi lại câu hỏi (!). Thành ra là : “Xét về mặt khả năng thực tế để hưởng thụ sản phẩm truyền hình, khán giả Việt Nam so với nước ngoài thế nào?”. Và trả lời là: “Quá nửa thế giới xem truyền hình đa kênh từ lâu. Nửa non còn lại hoặc chưa, hoặc bắt đầu xem, hoặc xem từ lâu nhưng chỉ ít người được xem. Người xem Việt Nam ở cái non nửa sau, nhưng không ở cuối hàng.”
NQL: Thế mạnh truyền hình nước ta là gì, và những tồn tại cần phải khắc phục? Điểm yếu nào cần khắc phục ngay nếu không sẽ hỏng và hỏng nặng?
TĐT: Tôi phải chọn cách trả lời “lướt sóng” như thế này: Cái mạnh nhất của truyền hình Việt Nam: cũng trong cuộc tiếp kiến đồng nghiệp Nhật Bản, sau phần về kỹ thuật, công nghệ, họ nói rằng: “Con người vẫn là quan trọng nhất. Kinh nghiệm của chúng tôi là phải mạnh dạn bổ sung người trẻ vào truyền hình. Các bạn đã làm như vậy chưa?”. Tôi đề nghị được trả lời sau giải lao. Lúc giải lao, chúng tôi đứng ngoài hành lang, gần cầu thang máy, vì nhiều người hút thuốc. Sau đó, trở lại họp, tôi nói: “15 phút vừa rồi, có nhiều người trẻ đi lại qua chỗ chúng ta, có nhiều người chào tôi không?”. Họ nhìn nhau rồi thống nhất nói: “Hầu như không ai chào ông cả”. Tôi nói: “Đơn giản vì họ chẳng biết tôi là ai, dù tôi là một thành viên trong lãnh đạo Đài. Họ mới vào làm ở Đài. Nhưng họ là thành phần chủ chốt làm ra sản phẩm phát sóng.”
Có thể nảy sinh câu hỏi: Đào tạo thế nào? Đào tạo là cần. Nhưng nên nhớ rằng không có trường nào đào tạo tốt bằng cái tivi trong nhà những cô cậu ấy. Nhất là nếu đó là tivi có thuê bao nhiều kênh. Còn cái tồn tại cần khắc phục trước hết ư? Ở một tỉnh, lúc đang lũ lụt, tôi xem truyền hình phỏng vấn một lãnh đạo về việc cứu trợ, trời mưa, phóng viên và lãnh đạo đều mặc áo mưa, đứng giữa trời, nước mưa ướt át không rõ mặt. Nhưng mà cách đấy mấy bước chân thôi là mái che cửa ra vào hội trường Ủy ban. Đứng đó hoàn toàn khô ráo. Nhưng có lẽ phóng viên cho rằng đứng chỗ khô ráo sẽ không có “không khí”. Chuyện này nhỏ hay lớn, tùy từng người. Nhưng tôi nghĩ nó là vấn đề đầu tiên của truyền hình: Sao cho cuộc sống trên truyền hình là cuộc sống thật.
NQL: Truyền hình nước nhà đã có rất nhiều kênh, rõ ràng đã có sự trăm hoa đua nở. Nhưng có vẻ các bông hoa giống nhau quá, lý do ở đâu là chủ yếu?
TĐT: O2 TV là kênh về sức khỏe. Info TV là kênh tài chính - chứng khoán. Hai kênh như vậy không thể nói giống nhau. Nhưng nếu so các kênh tài chính với nhau, thì có giống nhau. Và nếu một đài nào đó nữa, ngoài VTV, nảy ra ý định làm kênh sức khỏe, thì có thể lại giống nhau. Tại sao thế? Trong khi thế giới cũng có nhiều kênh về một lĩnh vực nhưng không giống nhau?
Thứ nhất, vì cách làm khá giống nhau. Nghiệp vụ giống nhau. Quay phim giống nhau, hỏi giống nhau, trả lời giống nhau, kỹ xảo hình giống nhau, định dạng chương trình giống nhau... Vì vậy nếu nội dung khác nhau còn thấy là hai kênh khác biệt, chứ nếu đều là về một nội dung thì…
Thứ hai: nó giống nhau đấy, nhưng nhà tài trợ nó khác nhau, thì cớ gì không có nhiều kênh?
Thứ ba: ở đây, hoặc là thuê bao mạng này, thì không xem được kênh của chỗ khác hay mạng khác. Do vậy, chẳng kênh nào ảnh hưởng đến kênh nào. Chứ cạnh nhau, hai kênh giống nhau thế nào cũng dẫn đến kết cục một kênh phổng phao ra, một kênh teo tóp đi, trước khi mất hút.
Chắc còn nhiều lý do nữa. Nhưng tôi không thấy chuyện nhiều kênh là vấn đề. Chuyện có những kênh nhác nhác giống nhau cũng chẳng phải là vấn đề. Vì mọi cái, theo quy luật tự nhiên, đều bung ra rồi thanh lọc dần.
NQL: Nếu được ước một điều ước cho truyền hình nước nhà, anh ước điều gì?
TĐT: Trăm phần trăm người dân Việt Nam xem truyền hình đa kênh, cả trăm kênh tùy theo ý thích và nhu cầu (cái này chẳng phải ước, ngày đó cũng sẽ đến nhanh thôi). Nhưng khi đó, họ vẫn xem các kênh truyền hình Việt nhiều nhất (kể cả khi ngoại ngữ không còn là vấn đề). Nói chung, tôi là người lãng mạn!
( Đời thế mà vui-SGTT)