Cha ông ta không có văn hóa phong bì. Văn hóa ứng xử theo kiểu bánh ú đi bánh chì lại, gái có công chồng không phụ, một ứng xử rất văn hóa, đầy tình người, đã bị lòng tham lợi dụng.
Thay vì hai tiếng cảm ơn, người ta hành xử theo cách “bánh chì lại”, chính cái sự “bánh chì lại” là lý do đẻ ra văn hóa phong bì. Văn hóa phong bì gặp cơ chế quan liêu mệnh lệnh giấy tờ, cơ chế xin-cho đã sinh sôi nảy nở, nhanh chóng trở thành một tệ nạn. Lâu ngày nó trở thành nếp nghĩ, nếp sống của người Việt. Ngày nay nó tồn tại như một lẽ đương nhiên. Rất đáng sợ.
Nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Những chi phí không chính thức, chi phí “qua gầm bàn” đối với việc thực hiện thủ tục hành chính là vấn đề mà xã hội vẫn đang rất bức xúc. Vậy ai làm vấn đề đó, ai đã gây ra bức xúc đó? Chính là cán bộ”. ĐB QH Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đã khẳng định: “Nếu phong bì đi trước thì có muốn mua một mảnh đất cũng sẽ có cán bộ đến tận nơi, tận nhà làm thủ tục cho ngon lành. Còn nếu vẫn không chịu “làm luật” thì còn phải xếp hàng chầu chực để vượt qua cả núi nghị định đang cản trở”. Còn ĐB QH Phạm Thị Hải (Đồng Nai) đã nói thẳng: “Đối với các doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến các thủ tục cần thiết cho công việc kinh doanh, việc bôi trơn, lót tay cho cán bộ để được giải quyết nhanh chóng là câu chuyện tuy không nói ra nhưng ai cũng phải biết, phải làm”.
Có thể viết vài trăm trang vẫn chưa hết những lời ca thán về cái gọi là văn hóa phong bì, nó không còn là một tệ nạn, từ rất lâu rồi nó đã trở thành một đại nạn. Câu hỏi là làm sao hạn chế và dẹp bỏ thứ văn hóa phi văn hóa này chứ không phải than thở một thực trạng tồn tại hơn nửa thế kỷ nay. Sự tiến bộ của chúng ta chỉ mới dừng lại ở chỗ không còn che giấu nó tại nghị trường, nhưng đưa ra một giải pháp thì hầu như không có. Chưa thấy ai đưa ra một giải pháp khả thi để yên lòng dân.
Có người cho rằng sở dĩ có nạn phong bì là vì đời sống cán bộ công nhân viên chức ta còn thấp quá, nâng cao đời sống cán bộ là để hạn chế nạn phong bì. Đó là sự ngộ nhận rất nguy hiểm. Bởi vì phong bì sinh ra vì lòng tham chứ không phải sinh ra từ đói nghèo. Vấn đề là ở đạo đức chứ không phải sự thiếu thốn hay đói nghèo. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về cải cách hành chính đã khẳng định: “Thủ tục hành chính dù có tốt bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng con người không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề gì”.
Ngay từ năm 1952, Bác Hồ đã cảnh báo: “Tham ô, lãng phí và tệ quan liêu là kẻ thù của nhân dân, nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta…”. Chính “tham ô, lãng phí và tệ quan liêu” đã sinh ra đại nạn phong bì, và chính chúng là “kẻ thù của nhân dân”, phải xác định đúng kẻ thù thì mới có thể tìm được giải pháp dẹp bỏ được đại nạn này.
Chúng ta đã vượt qua thời kỳ quan liêu bao cấp chưa? Hay nó đang tồn tại ở mức cao hơn, sâu hơn? Cơ chế xin-cho, mệnh lệnh giấy tờ đã dẹp bỏ được chưa hay nó vẫn tồn tại ngang nhiên dưới gầm bàn? Trả lời câu hỏi này, báo cáo của Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã chỉ rõ: “Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng còn khá phổ biến”.
Một khi lệnh rỉ tai, lệnh telephone vẫn cao hơn các văn bản pháp quy, luật rừng vẫn mạnh hơn luật pháp thì không thể nói các cơ chế của thời quan liêu đã được dẹp bỏ. Một khi cơ chế quan liêu chẳng những không bị dẹp bỏ mà còn được kín đáo nuôi dưỡng thì không ai có thể đưa ra một giải pháp nào khả dĩ để hạn chế đại nạn phong bì chứ đừng nói dẹp bỏ. Đó là một sự thật đau lòng.
( Bài viết cho báo Phụ nữ tp. HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét