Hồi chiến tranh dân Quảng Bình mê nhất hai thứ, một là đi kiếm dù, hai là bắt phi công. Dù có hai loại, dù pháo sáng là dù trắng và dù phi công là dù đỏ. Dù pháo sáng là chủ yếu, không đêm nào máy bay Mỹ không thả pháo sáng, vì thế không đêm nào dân Quảng Bình không nhặt được dù. Thỉnh thoảng vẫn nhặt được dù phi công, dù này quí hiếm vô cùng, ai nhặt được dù này còn mừng hơn bắt được vàng. Thật là như thế, một chỉ vàng hồi này chỉ 80 đồng, trong khi một cái dù đỏ phi công có thể bán 300 đồng, có khi lên tới 500 đồng.
Dù là thứ vải rất bền và đắc dụng, làm vỏ chăn cũng tốt, may áo quần cũng hay, đặc biệt làm rèm che, làm phông màn thì quá đẹp. Đám cưới nào có ba bốn cái dù vừa làm mái che rạp vừa làm phông màn gọi là đám cưới sang. Thà rằng cắt tóc đi tu/ cưới xin không có tấm dù ra chi. Những chiếc dù trọn vẹn rất hiếm, thường khi có một chiếc dù rơi xuống thì cả mấy trăm người tay dao tay câu liêm nhào tới xâu xé, may lắm mới kiếm được một rẻo. Có khi chẳng kiếm được rẻo nào, còn đánh nhau sứt đầu mẻ trán. Những chiếc dù trọn vẹn thường nhặt nơi rừng rú xa xôi, hoặc vận đỏ rơi trúng đầu, nửa đêm khuya khoắt thiên hạ ngủ cả, chiếc dù rơi trúng nhà mình.
Bắt phi công không được dân chúng hồ hởi phấn khởi như đi kiếm dù nhưng cũng rất hấp dẫn. Ai bắt được phi công sẽ được huyện đội thưởng một con bò, lại được giấy khen bằng khen, được đi báo cáo thành tích, được báo tỉnh chụp ảnh đưa tin rất oách. Mình nhớ anh cu Cá ở Ba Đồn ở quê mình là người dân đầu tiên của tỉnh Quảng Bình bắt được phi công. Thường khi máy bay cháy, phi công Mỹ nhảy dù thì dân quân, bộ đội đã bố trí sẵn để chụp cổ chúng rồi, dân khó lòng “ tranh phần” với dân quân, bộ đội.
Nhưng thỉnh thoảng phi công nhảy dù trong đêm không ai nhìn thấy, hoặc gió thổi dù bay lạc hướng phán đoán của dân quân, bộ đội thì khi đó dân mới bắt được. Anh cu Cá do đoán được hướng dù rơi mà bắt được phi công. Chuyện anh cu Cá bắt phi công mình đã kể rồi, không kể nữa.
Mình nhớ năm 1967, ở làng Thuận Bài có một anh chuyên nghề mò cua bắt cá ở Sông Gianh, tên gì không nhớ nữa. Nhà anh nghèo, vì nghèo quá mà không sao cưới được vợ. Yêu nhau ba bốn năm rồi nhưng hễ đặt vấn đề cưới xin là tắc tị. Đừng nói mổ heo mổ bò, chỉ cần sắm cái giường cưới cho tử tế nhà anh cũng không có khả năng. Anh chầu chực bắt phi công để kiếm một con bò cưới vợ nhưng hai ba năm trời không cách sao bắt được.
Một hôm bộ đội pháo cao xạ bảo vệ cảng Gianh bắn cháy một chiếc F4H, thằng phi công nhảy dù rơi tõm xuống giữa sông Gianh. Một cuộc tranh giành phi công giữa bộ đội, dân quân với máy bay Mỹ xảy ra rất ác liệt suốt cả buổi chiều. Máy bay Mỹ mười mấy chiếc thi nhau quần nát một vùng rộng lớn bốn xung quanh sông Gianh, rồi đem máy bay trực thăng từ Hạm đội 7 bay vào nhằm trục vớt thằng phi công. Trực thăng bay thấp thế nhưng không ai làm gì được vì quanh nó có cả đàn phản lực vừa bắn rốc két vừa thả bom bảo vệ.
Không phải một chiếc trực thăng mà ba chiếc, một chiếc trục vớt phi công, hai chiếc bay kèm hai bên, hễ thấy ai đưa thuyền hay bơi ra sông là chúng bắn như như vãi đạn. Mọi người tính bó tay, để mặc cho thằng phi công được cứu thoát. Khi đó anh ở trong làng Thuận Bài vừa bò vừa chạy ra, nhảy xuống sông, lặn chừng ba hơi thì đến giữa dòng. Khi chiếc trực thăng thả thang dây xuống, thằng phi công vừa túm lấy thì anh này cũng vừa nhô lên, túm lưng quần thằng phi công kéo xuống.
Anh vừa bơi vừa kéo thằng phi công vào bờ. Mấy chiếc trực thăng đều thấy cả nhưng không dám bắn, bắn thì chết luôn thằng phi công. Anh bắt thằng phi công giải đi, còn tụt quần vỗ đít chĩa về phía mấy chiếc trực thăng, nói vơ Đế quốc Mỹ…khu ( đít) tau đây nời. Nghe nói huyện đội xét anh này có công lớn, thưởng cho anh hai con bò với ba trăm đồng, chẳng những đủ tiền cưới vợ mà còn làm được mái nhà tranh. Nhà báo tìm đến hỏi anh, nói vì sao đồng chí vượt qua lửa đạn để bắt phi công Mỹ. Anh nói bá cáo vì tui cần tiền cưới vợ. Nhà báo “ mớm cung”, nói khi đó lòng căm của đồng chí rực cháy phải không. Anh nhăn răng cười, nói bá cáo tui quen biết chi hắn mà căm thù.
Hồi sơ tán ở làng Đông, nhà mình ở đầu làng, từ đấy cứ đi ngược lên phía Tây Bắc, băng qua rặng trâm bầu là gặp một cái bàu sen cực rộng, rộng đến nỗi đứng bên này bờ cứ tưởng mặt trời chui lên từ bờ bên kia. Bên kia bàu là một xóm nhỏ, có mấy túp lều tranh cất tạm, núp dưới rặng trâm bầu, xưa gọi là Xóm Bàu, bây giờ ai cũng gọi là Xóm gái hoang. Ba người đàn bà ở đấy không phải gái chửa hoang, họ là những người đàn bà ế chồng. Một chị tên là Đóc Xấu, cao quá không ai lấy. Một chị tên Mai bị thương ở cổ, tụt lưỡi không nói được, nói gì cũng dá da da… dá da da, thành thử đàn ông ai cũng chê. Một chị tên Cà bị tây hiếp, chán đời không thèm lấy ai nữa, chị là người lớn tuổi nhất, năm 1968 đã hơn bốn mươi tuổi, vẫn gọi là Mụ Cà. Cả ba kéo nhau ra đây dựng nhà lập trại ăn ở với nhau như chị em, vô cùng thân thiết.
Một đêm, bộ đội dưới cảng Gianh bắn trúng máy bay, chiếc F105 cháy rùng rùng, đâm đầu xuống chân núi sau làng Trung Thuần, dân các làng sung sướng reo vang. Ba chị cùng nhảy cà tẩng, lấy soong nồi gõ ầm ĩ. Chợt nghe cái bụp phía bàu sen, ngó ra thì thấy một cái dù đỏ xoè rộng trên bàu. Ba chị sướng rêm, lội ra ngay. May tối hôm đó hình như mọi người mải xem máy bay cháy, không để ý, chẳng thấy có ai chạy ra, ba chị lần đầu được một cái dù trọn vẹn, lại dù đỏ, sướng ngây ngất. Cuốn xong dù thì thấy một cái đầu nhô lên, ba chị rú lên chực bỏ chạy. Cái đầu nói rốp rít xốp xít, ba chị nhìn lại, hoá ra là thằng phi công Mỹ, họ cứ đứng trơ nhìn nhau.
Mụ Cà sực tỉnh chĩa dao vào thằng Mỹ, nói dơ tay lên. Thằng Mỹ nói rốp rít xốp xít. Mụ Cà dơ dao đe, nói cha tổ mi, tau nói mi dơ tay lên. Thằng Mỹ cứ đứng trơ, nói rốp rít xốp xít. Chị Đóc Xấu nói bộ đội dặn khi mô bắt phi công Mỹ phải nói bút dò nó mới dơ tay lên. Thực ra bộ đội dặn phải nói put your hands up nhưng chị Đóc Xấu quên, hi hi. Mụ Cà nói mi nói đi, chị Đóc Xấu hô to bút dò bút dò! Mặt thằng Mỹ đực như ngỗng ỉa. Chị Mai thấy thế liền vung hai tay lên, nói dá da da… dá da da! Thằng Mỹ dơ hai tay lên liền. Mụ Cà, chị Đóc Xấu trố mắt ngạc nhiên, nói con Mai nói chi mình cũng không hiểu mà thằng Mỹ hiểu liền. Mụ Cà chỉ tay vào xóm, trợn mắt với thằng Mỹ, quát dá da da … dá da da! Thằng Mỹ vội vàng đi vào xóm liền. Mụ Cà cười he he he, nói tưởng răng, tiếng Mỹ dễ òm!
Ba chị được huyện đội thưởng một con bò, họ dắt về làng mổ bò khao cả làng. Làng xóm xúm lại khen ngợi, nói giỏi hè giỏi hè. Mụ Cà vênh mặt lên, nói phải biết tiếng Mỹ mới bắt được phi công, nỏ phải chuyện chơi. Làng xóm xúm lại hỏi, nói tiếng Mỹ ra răng nói nghe coi. Mụ Cà nói è he dễ òm, dá da da… dá da da. He he.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét