[caption id="attachment_5826" align="alignleft" width="268" caption="Thạch Quỳ, ký họa của Đỗ Trung Quân"][/caption]
Mấy hôm đi chơi khu 4, tới Vinh vào buổi trưa nắng gắt, mấy anh em tìm chỗ nào mát mẻ nghỉ ăn trưa, nhác thấy khách sạn 3 sao có tên Thượng Hải, bình thường chẳng dám sờ vào mấy khách sạn lắm sao này đâu nhưng thấy cái tên hơi lạ, nói thật là ngứa mắt nên rủ nhau kéo vào, xem thử chủ khách sạn có phải là ông Tàu không.
Té ra không phải, chủ khách sạn có tên là Thượng Hải thì lấy tên khách sạn thế thôi. Giám đốc điều hành là một anh đẹp trai lồng lộng thấy Đỗ Trung Quân thì mừng lắm hết lòng đón tiếp, anh em được bữa no say nhờ Quân, ai nấy cười tít mắt. Khi tiễn mình ra xe, anh Giám đốc điều hành ghé sát tai mình thì thầm, nói anh Lập về Vinh không ghé thăm bác Thạch Quỳ chút à, mình chẳng biết nói sao chỉ cười trừ.
Mình gọi điện cho Tuyết Nga, nói Thạch Quỳ dạo này thế nào. Tuyết Nga cười hi hi, nói ôi giời như một bộ rể bị bật ra khỏi đất, đắp chăn ngủ suốt ngày, chán đời lắm. Lại còn đẻ ra trường phái thơ bộ xương. Mình nói thơ gì, Tuyết Nga lại cười hi hi hi, nói thơ bộ xương. Mình nói thơ bộ xương là thơ gì, Tuyết Nga cười hi hi hi, nói em có biết thơ gì đâu, ông này mỗi ngày không đẻ ra một cái gì mới là không chịu nổi.
Kỳ thực trong bụng cũng muốn gặp Thạch Quỳ lắm nhưng chương trình đã set up từ Hà Nội mình chẳng dám thay đổi, sợ phiền anh em. Thêm nữa mình đã hai chục năm rồi không đến nhà anh, quên mất nhà, điện thoại lại không có. Đó cũng chỉ là chuyện nhỏ, cái chính là mình sợ anh em không quen tính cách ông đồ gàn xứ Nghệ, mất vui.
Cái ông đồ gàn này đẻ ra dưới chân núi Quỳ tính cách cứng như đá, đến xứ Nghệ hỏi trăm người thì có đến trăm rưỡi người biết anh nhưng đa phần đều nể sợ, chơi thân thì rất hiếm. Mình đến Hội văn Nghệ hỏi nhà Thạch Quỳ đâu, ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn, hẹn đến chơi nhà anh thì mắt trước mắt sau nói cười nhàn nhạt, kiếm cớ chuồn hẳn.
Tính gàn có từ thời trẻ, làm giáo viên toán dạy cực siêu nhưng soạn giáo án chẳng giống ai, lên lớp chẳng giống ai, chấm điểm chẳng giống ai, đối xử với học trò cũng chẳng giống ai. Anh nói với học trò tôi ăn lương nhà nước không phải để đi truyền thụ kiến thức đâu nhé, các anh chị đừng có mơ, lương nhà nước trả tôi chỉ vừa đủ cho tôi gợi mở kiến thức thôi, kiến thức không phải mấy món đồ mồi thầy cô bày ra cho các anh chị chén đâu, muốn giỏi giang thì liệu thần hồn tự đi mà kiếm lấy .
Có người nghe được hỏi anh tại sao lại nói với học trò như vậy, anh cười khấc khấc, nói bởi vì học trò của tôi không phải là những con vẹt, chúng là con người, con người viết hoa hẳn hoi đấy nha chứ không phải hạng cá ươn như các anh đâu. Từ khi vác ô đi làm anh công chức nhà nước Thạch Quỳ đả đồng sự kiểu đó nhiều vô thiên lủng, người ngoài nghe sướng rêm, kẻ trong giận tím ruột.
Khoảng năm 1967, 1968 chi đó khi anh còn dạy ở miên tây Nghệ An, nghe có người xin ra HTX, nhà trường cử anh về tận nhà gặp gỡ động viên giải thích cho người này. Anh tới hỏi răng bác bỏ HTX? Người này cười cái hậc, nói tui như con gà, muốn ở trong chuồng lắm chớ! Nhưng trong chuồng có con cáo, có ai bắt cáo cho mô mà vô. Thạch Quỳ gật gà gật gù, nói hay hay giỏi giỏi, rồi đi kể chuyện khắp nơi. Ông xếp huyện gặp Thạch Quỳ, nói anh là thầy giáo tại sao lại đi tuyên truyền lời lẽ của bọn phản động. Thạch Quỳ cười khấc khấc, nói chính bác mới là thằng phản động, bởi vì bác cấm đoán những lời nói thật.
Tất nhiên sau đó Thạch Quỳ mất dạy, hi hi. Anh bỏ giáo dục sang hẳn làng văn nghệ, tình hình chẳng khá hơn, đồ gàn gặp đồ lót đồ hèn đồ dơ chịu làm sao thấu. Năm 1979, 1980 chi đó anh làm bài thơ Với con ai cũng khen hay, báo Nhân dân đăng lại đàng hoàng nhưng trong tỉnh nổi lên một cơn sóng thần phản ứng dữ dội. Xuân Diệu ba chân bốn cẳng chạy về Vinh, Hội nhà văn cử hết đoàn này sang đoàn khác về giải thích này nọ nhưng chẳng ăn thua, cơn sóng thần ngày một lan toả, ai cũng lo cho anh, mình cũng lo. Mình gặp anh ở Hà Nội, nói răng rồi tình hình răng rồi, anh nhăn răng cười, nói tình hình là rất tình hình. Rồi anh nốc cạn ly rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói è he, mần cặc chi tao.
Dạy học bỏ dạy, làm tạp chí văn nghệ được mươi số cãi nhau với mấy ông khóm róm không xong, anh phất áơ “ từ quan”, nói è he ẻ ẻ quẹt quẹt, ba vạn cũng bỏ. Năm 1996 gặp anh ở Hà Nội, anh kéo mình vào quán, nói này, ông làm báo với tôi nhé, thằng bạn tôi ở Bộ giao thông mời tôi ra làm báo Tiếng còi. Mình cười hì hì, nói anh thổi còi hay bạn anh thổi còi? Nếu hơi của anh còn việc thổi là của bạn, anh có chịu không. Anh uống cạn chén rượu, nhổ nước bọt cái toẹt, nói rứa thì ẻ vô.
Được vài tháng gặp anh ở ga, anh kéo vào quán, nói tôi lại về Nghệ đây. Mình hỏi sao, anh ngồi yên không nói, uống rượu tì tì, một lúc nhổ nước bọt cái toẹt, vỗ vai mình cái bộp, nói này ông, tôi sống với mấy đứa ác còn dễ chịu hơn sống với mấy đưa ngu. Mình chẳng biết nói sao, chỉ khẽ vỗ nhẹ vai anh, nói thôi anh về quê tiếp tục công tác rượu chè gái gú cho khoẻ xác. Anh nhăn răng cười, nói phải phải, mạng tôi chỉ hợp với gái thôi, chẳng hợp với thằng đéo nào.
Mình cười khì, nói anh phét vậy thôi chứ anh tán gái vụng bỏ cha. Mấy cô yêu thương ngưỡng mộ thì anh coi người ta bằng nửa con mắt, mấy cô coi anh bằng nửa con mắt thì anh đánh đu suốt đời, cuối cùng xôi hỏng bỏng không. Anh cười khấc khấc khấc, nói rứa mới đồ gàn. Tôi mê gái từ lúc sáu tuổi, không nói phét đâu nhé, các cô gái đẹp trong làng tôi đều mê, bất kể họ hơn tôi vài chục tuổi. Ra đồng tôi cứ bám theo họ, lắm khi họ phát điên, đuổi đánh chí chết. Đường từ làng ra đồng có hai hàng cây xương rồng, cứ một đoạn tôi lại khắc tên một cô tôi mê vào cây xương rồng, sáu bảy chục cô cả thảy. Cô nào cười chồng tôi mò đến đám cưới đứng đầu ngõ đái một phát rồi bỏ chạy, coi như trả thù xong. Dứt lời anh cười to, nói bây chừ thì đi mô cũng mò về mụ Nhã, ẻ vô gái gú, quẹt quẹt.
Chị Nhã vợ anh xưa xinh đẹp nhất làng, yêu anh từ 13 tuổi, đến 16 tuổi thì theo anh bôn ba cho đến bây giờ, khổ đau đói nghèo đắng cay đủ hết không một lời ca thán. Hôm mình đến chơi nhà, bất ngờ thấy chị quá xinh đẹp so với anh. Chị lúi húi tất tả hết vào bếp xáo nấu, ra vườn hái rau, xuống bể rửa chén, nói mãi chị mới chịu ngồi vào mâm. Hồi này xứ Nghệ có phong trào nuôi hươu sao, một con hươu cái đến mấy chục triệu. Anh khoác vai chị hôn cái chụt, nói em có biết anh mơ gì không, anh mơ sáng mai ngủ dậy, bên anh không phải là em mà là một con hươu sao.
Mọi người cười, chị cũng cười rất tươi. Mình nói anh nói thế mà chị không giận anh à. Chị lườm yêu anh, nói cả tỉnh cả nước giận ông này rồi, chị giận nữa thì ông sống với ai. Anh cười khấc khấc khấc, nói anh nói chơi vậy thôi, bây giờ anh vô dụng rồi, anh ước anh biến thành con hươu sao để em bán đi lấy tiền nuôi con không thì cực quá.
Chị không cười, nước mắt rân rấn. Anh cười khấc khấc khấc, chẳng phải cười, nghe như anh cố khạc ra mấy cục đắng ngắt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét