Thứ Hai, 24 tháng 5, 2010

Qui hoạch Thủ đô, cộng vào hay trừ đi?

Đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo đó Hà Nội sẽ có diện tích 3.200 km2 gấp 3,4 lần diện tích hiện nay với dân số 10 triệu người và “ trở thành thủ đô số 1 châu Á”, đã gây sốc cho không ít người.


Vấn đề quan trọng nhất, cũng là vấn đề căn bản đầu tiên, là tại sao lại phải  mở rộng Hà Nội to lớn như vậy?  Thoạt tiên câu hỏi rất dễ trả lời, rằng hiện nay dân số Thủ đô đã lên tới 3.400.000 người , tức là đã gấp 3 lần sức chứa của hệ thống hạ tầng vốn có, dự kiến đến năm 2030 dân số Hà Nội lên đến 10 triệu người. ; và rằng chúng ta cần phải xây dựng một thủ đô to đẹp “là  trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ… không chỉ của Việt Nam, mà còn của cả khu vực và thế giới”.


Câu trả lời có vẻ có lý kia ngẫm kĩ sẽ thấy rất nhiều bất cập. Trước hết mở rộng Thủ đô để giải quyết dân số là một biện pháp hết sức thụ động và sẽ không có hồi kết. Nếu tính đến năm 2030 dân số 10 triệu dân để mở rộng Thủ đô chứa được số dân đó thì đến năm 2050 dân số ức đoán  sẽ là 20 triệu , khi đó diện tích Hà Nội phải gấp đôi, tức diện tích lên đến 6.400 km2. Cứ theo đó mà suy thì đến năm 3000 Thủ đô Hà Nội phải chiếm gọn cả đồng bằng  Bắc Bộ.


Bài toán dân số cho Thủ đô phải là bài toán trừ đi chứ không phải cộng vào. Với tầm nhìn đến năm 2050 việc cần làm và phải làm cho được là giảm đến tối đa chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá và kinh tế giữa nông thôn và thành thị, giữa Thủ đô và các thành phố khác, đặc biệt các thành phố vệ tinh của Thủ đô. Một khi người dân sống ở Thủ đô không có một đặc lợi nào so với dân các thành phố khác thì tự khắc bài toán dân số vụt tăng của Thủ đô sẽ được giải quyết. Ở Mỹ người ta không chen nhau vàoWashington bởi vì mức sống ở  Washington  chẳng tốt hơn các nơi khác, thậm chí kiếm sống ở  hai bang Maryland và Virginia cạnh đấy còn tốt hơn cả kiếm sống ở Washington.


Rất dễ thấy việc giảm bớt dân số Thủ đô theo cách bình đẳng hoá mức sống dân Thủ đô với dân các thành phố vệ tinh tốt hơn rất nhiều so với việc ra sức cơi nới Thủ đô để chạy đua với việc dân số leo thang, và dù việc bình đẳng hoá mức sống không dễ dàng gì, thậm chí vô cùng khó, cũng dễ hơn đỡ tốn kém hơn việc liên miên mở rộng Thủ đô.


Bài toán trừ đi cho Thủ đô phải được tính đến định nghĩa Thủ đô, nó  là trung tâm chính trị của quốc gia hay là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, công nghệ…? Nếu xác định Thủ đô Hà Nội chỉ là trung tâm chính trị quốc gia còn các trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục, công nghê... thuộc về các thành phố vệ tinh và các thành phố lớn gánh vác thì có thể nói ngay chúng ta không cần mở rộng một tấc nào Thủ đô Hà Nội vẫn “ đàng hoàng hơn to đẹp hơn”.


 Việc giảm tải cho Thủ đô, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi cho các thành phố chẳng những tạo điều kiện cho các thành phố phát triển ngang bằng như Thủ đô mà còn tạo nền móng vững chắc cho sự bình đẳng hoá mức sống của dân, bài toán dân số cúa Thủ đô nhờ thế được giải quyết khá dễ dàng.


Trong một bài viết ở Việt nam net , khi giải thích vì sao  thủ đô Washington của nước Mỹ, từ năm 1790 đến nay vẫn chỉ có diện tích 260km2 với số dân 1 triệu người, ông Hiệu Minh đã nói rất hay rằng: “Thủ đô Mỹ  không cần to nhất thế giới, rộng nhất thế giới, đông người nhất thế giới...Nơi đây là trung tâm chính trị, ngoại giao, hành chính và đầu não quân sự, không phải là trung tâm “của tất cả” như nhiều nước khác”.



 Liệu chúng ta có từ bỏ được những cái  nhất rởm đời như nước Mỹ đã từ bỏ  để xây dựng một Thủ đô Hà Nội xinh đẹp bên sông Hồng thơ mộng hay là vẫn say sưa ham hố xây dựng một Thủ đô số 1 châu Á, một thủ đô là “trung tâm của khu vực và thế giới”? Tất cả tuỳ thuộc vào bản lĩnh văn hoá của chúng ta.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét