Nhàn đàm
[caption id="attachment_5197" align="alignleft" width="300" caption="Thầy Ngô Đức Bình: “Tôi thương học trò nhưng cũng phải được bảo vệ tính mạng mới thể hiện tình thương yêu đó được”."][/caption]
Sự kiện giờ ra chơi hai học sinh Thúy Tuyền và Anh Tú đã đánh bạn đến ngất xỉu dẫn đến hiệu trưởng trường PTCS Lê Lai (Q.8/ t/p HCM) Ngô Đức Bình phải đệ đơn thôi việc, xin từ chức hiệu trưởng để về hưu sớm, bề ngoài không có gì ghê gớm nhưng ngẫm kĩ nó là giọt nước tràn ly của thực trạng giáo dục đương thời: tuồng như người thầy bị bỏ rơi, bị đẩy vào thế cô độc, không nơi nương tựa.
Rất dễ thấy cùng một nền giáo dục nửa đầu người thầy được tôn vinh, được kính trọng, tất thảy đều ngước lên khi nói về người thầy. Nửa sau thật đáng buồn, hình ảnh người thầy bị hoen ố nghiêm trọng, người ta đã nhìn xuống khi nói về người thầy, kể cả chính những học sinh của họ, đó là tấn bi kịch đau đớn nhất của giáo dục đương thời.
Cố nhiên có quá nhiều ví dụ về sự băng hoại đạo lý của người thầy, chỉ cần gõ google một chút ta sẽ thấy hàng chục hàng trăm cái tít đau lòng, tỉ như hiệu trưởng mua dâm, giáo viên đánh nhau, thầy giáo hiếp dâm v.v…Ở đây người thầy không thể đổ lỗi cho bất cứ ai, dù đó là một tỉ lệ quá nhỏ so với hơn một triệu giáo viên nhưng con sâu làm rầu nồi canh, những chuyện tệ hại đó khó lòng xoá được ấn tượng xấu vể người thầy.
Bi kịch của người thầy ở chỗ, trong khi giáo dục chịu tác động tơi bời môi trường xã hội nhiều cạm bẫy, cái xấu như thác lũ tràn đến từng ngõ ngách, hầu như vô phương chống đỡ, thì họ vẫn phải gánh trách nhiệm giáo dục là môi trường sạch nhất, trong nhất, nề nếp nhất. Những hành vi xấu xảy ngoài đời ít ai để ý, đôi khi vẫn được coi là chuyện bình thường, nếu xảy ra trong nhà trường thì cả một cơn sóng thần dư luận đổ lên đầu người thầy. Người thầy không còn cách nào khác hơn là phải cúi gầm mặt nhận lãnh lấy trách nhiệm.
Bi kịch của người thầy còn ở chỗ, trong khi họ chịu sức ép tứ bề của căn bệnh thành tích, căn bệnh trầm kha của toàn xã hội, hội chứng trăm phần trăm đã làm mục ruỗng mọi niềm tin, thì hầu như người thầy không được một cái quyền gì ngoài cái quyền phải thực thi cho được những hai tốt, bốn tốt, năm tốt.. vân vân và phải giữ cho kì được những gì gọi là đạo lý của người thầy. Lương cho người thầy đủ sống vẫn là bài ca xuyên thế kỉ, năm nào ta cũng có quá nhiều trường hợp thầy giáo bị chậm trả lương, bị quỵt tiền thưởng không biết kêu ai.
Chưa bao giờ như thời nay thầy giáo bị sĩ nhục, bị doạ giết, bị đánh đập, bị ném đủ thứ rác rưởi như thời kì này. Người thầy cũng chỉ biết cắn răng nhịn nhục chẳng biết kêu ai, vì họ biết có kêu chẳng thấu trời, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Trường hợp cô giáo Trường Tiểu học Đồng Kho (Tánh Linh, Bình Thuận) bị làm nhục trước cổng trường, toà cũng chỉ xử phạt án treo lũ du côn cho thấy tấn bi hài của cái gọi là tôn sư trọng đạo.
Trở lại trường hợp hiệu trưởng Ngô Đức Bình xin thôi việc, bà Ngọc Bích, Phó Chủ tịch UBND quận 8 – TPHCM đã nói rất hay: “ Vai trò của người thầy là phải giáo dục nhân cách, truyền đạt kiến thức cho HS. Đáng tiếc thầy cũng cảm thấy sợ hãi! Chúng tôi cần những người thầy mạnh dạn và bảo vệ được HS trước những lời đe dọa.” (Theo báo Tuổi trẻ)
Bà Ngọc Bích nói không sai chút nào nhưng thử hỏi khi chính thầy hiệu trưởng bị đánh hai lần, bị phụ huynh học sinh hành hung ngay trước cổng trường, bị học sinh ném rác, nước tiểu vào người… liệu bà có biết không, và nếu biết bà đã làm gì để bảo vệ thầy hiệu trưởng? Một khi tính mạng và danh dự của chính thầy hiệu trưởng không được bảo vệ thì bà Ngọc Bích lấy đâu ra “Những người thầy mạnh dạn và bảo vệ được HS trước những lời đe dọa.” ?
Để khôi phục lại hình ảnh của người thầy không chỉ là trách nhiệm của người thầy, đó là trách nhiệm toàn xã hội. Để người thầy xứng đáng là một người thầy, đằng sau bục giảng là cả một hệ thống xã hội có trách nhiệm phục vụ đắc lực cho người thầy, đấy là điều không mới nhưng tuồng như ai nấy đã quên. Người ta đã quá quen buộc người thầy câm lặng cố thực thi hết mệnh lệnh, hết phải làm như thế này đến phải làm như thế kia. Khi đó người thầy không còn là người thầy, họ là nô lệ giáo dục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét