Đã từ lâu chúng ta đã quá quen với cách tuyên truyền này: hễ kỉ niệm một ngày lễ lớn nào đó thì bất kì sự kiện hoạt động bề nổi nào diễn ra cùng thời gian đều đựơc dán mác ngày kỉ niệm đó. Nhiều sự kiện chẳng có dính dáng gì đến ngày kỉ niệm cũng cứ dán mác kỉ niệm như thường. Đó là cách tuyên truyền cũ kĩ, lấy số lượng làm căn bản, vừa nghèo nàn đơn điệu vừa tốn kém, tạo sự nhàm chán, vô bổ, nhiều khi rất phản cảm. Hướng tới Đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn các công trình và sự kiện, nhiều đến nỗi người ta phải giật mình tự hỏi: có nên quá nhiều như thế không và tại sao lại phải quá nhiều như thế.
Nhiều ý tưởng về con số một ngàn bị trùng lắp đến ngạc nhiên. Từ ý tưởng một ngàn chữ long của nhà thư pháp Lê Thiên Lý được mọi người chú ý và khen ngợi, lập tức có một ngàn bức ảnh, một ngàn con rồng bằng đồng, một ngàn hiện vật gửi tới mai sau… Không biết bao nhiêu thứ một ngàn như thế đựơc bày đặt từ đây cho đến ngày Đại lễ? Chắc sẽ có một ngàn con bồ câu được thả lên trời, một ngàn bóng đèn được mắc lên cây, một ngàn người đứng trong giàn đại hợp xướng vân vân và vân vân. Ý tưởng về con số một ngàn là hay, rất có ý nghĩa nhưng nó được lặp đi lặp lại quá nhiều liệu còn hay, còn độc đáo nữa không.
Hà Nội được tập trung làm đẹp trước Đại lễ là chuyện rất nên nhưng liệu có quá phí phạm không khi có đến vài chục công trình được phá đi làm lại mới. Bỏ ra hàng chục hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ đồng để tôn tạo, xây mới những công trình dù rất quan trọng cho cuộc sống nhưng không liên quan đến Đại lễ nghìn năm bằng kinh phí mừng Đại lễ nghìn năm là vô cùng lãng phí.
Tôn tạo khu di tích Cổ Loa, chỉnh trang lại Hồ Gươm là việc cần làm nhưng liệu xây rạp Kim Đồng, rạp Đại Nam… và hàng chục công trình khác chẳng ai hiểu vì sao nó liên quan đến Đại lễ, thật quá ngạc nhiên. Đến như công trình nhà văn hoá thiếu nhi ở một tỉnh xa lắc cũng được dán mác Đại lễ nghìn năm thì không sao hiểu nổi.
Chỉnh trang lại khu phố cổ là ý tưởng tốt, nhưng liệu việc sơn quét đồng loạt mặt phố cổ bằng một màu chắc chắn là một dự án sai lầm, chẳng những phố cổ không còn vẻ đẹp cổ kính của nó nữa, mà sẽ rất buồn cười nếu toàn phố cổ đều khoác một màu áo mới. Viết một ngàn chữ long gửi lên Đại lễ vừa đẹp vừa hay nhưng đúc một ngàn con rồng, một trăm trống đồng liệu có phí phạm quá không? Một khi đã phí phạm thì cái hay tự nó cũng biến mất.
Những dự án như thế không thể không gây cho mọi người những nghi ngờ, rằng liệu người ta có nhân danh Đại lễ nghìn năm để đốt tiền Nhà nước, phá tiền dân hay không.
Càng gần đến Đại lễ thì khắp các phố phường, từ các diễn đàn đến các sự kiện chính trị kinh tế văn hoá, ở đâu người ta cũng nhắc đến Nghìn năm, các diễn văn bất luận nói về vấn đề gì người ta cũng cố nèo cho được hai chữ Nghìn năm. Rồi đến các áp phích, các băng- rôn tràn ngập Nghìn năm, bất kể nó chứa đựng thông tin gì, kể cả thông tin vệ sinh phòng bệnh. Nhiều lễ hội, festival, liên hoan văn nghệ, các cuộc thi… vẫn xảy ra thường niên, đến dịp này đều được dán mác Nghìn năm.
Có cảm giác là chúng ta đang rơi vào nạn dịch, ấy là dịch ngàn năm, nó làm phương hại nghiệm trọng đến ý nghĩa cao cả của Đại lễ. Để lên bàn thờ kỉ niệm những ngày lễ trọng cần phải tính toán cân nhắc, biết chọn lọc kĩ lưỡng cái gì cần cái gì không, không thể ào ào đưa lên bừa bãi cả thượng vàng lẫn hạ cám. Khéo không trên bàn thờ Nghìn năm thiêng liêng, bên những sơn hào hải vị còn những thứ tâm thường, thấm chí cả rác rưởi.
Một lời tình thật xin thưa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét