Tám năm nay đã thành lệ, cứ đến rằm tháng giêng khắp cả nước đồng loạt tổ chức các lễ hội thơ rất xôm trò. Nói lễ hội thơ để tôn vinh thơ tất nhiên là đúng rồi nhưng chả cần quan trọng đến thế, chỉ cần bày ra được trò chơi thú vị cho thơ được tiếp xúc với công chúng cũng đã quí hoá lắm . Cho dù năm nào Hội thơ cũng xảy ra lắm chuyện để thiên hạ bàn ra tán vào ỏm tỏi thì trò chơi thơ này cũng thật đáng nể.
Chả biết thời Tiền chiến dân tình mến mộ thơ ca đến mức nào nhưng một loạt nhà thơ sinh ra từ thời ấy cùng với một thơ ca họ để lại cho đời đủ cho thấy thơ ca vô cùng được trọng vọng . Thời đó ít thấy ai coi thơ như một nghề, cũng chẳng ai giao nhiệm vụ gì cho thơ, từ Hàn Mạc Tử đến Lưu Trọng Lư viết thơ đọc thơ in thơ cũng chỉ để chơi thơ. Thơ không kiếm ra tiền nhưng mua được niềm vui, thế là quá đủ để các nhà thơ ném cả cuộc đời cho cuộc chơi thơ viễn vông nhưng sang trọng này.
Làm được bài thơ, rung đùi đọc một mình đã sướng, sà vào cuộc rượu vuốt râu đọc cho năm bảy người, nhận được vài cái gật đầu, chép miệng xuýt xoa càng sướng. Còn như cầm micro đứng trước đám đông vài ba trăm người, vừa đọc vừa ngắm nghía những cái nhìn ngưỡng mộ, nhận được vài tràng pháo tay thì sướng đến củ tỉ, nhà thơ khi đó mãn nguyện lắm rồi, không còn mơ gì thêm nữa.
Thời đó chơi thơ loanh quanh chỉ có thế, in được bài thơ, một tập thơ thật quá khó, nhiều người cả đời không in nổi tập thơ, chơi ngông lắm cũng chỉ khắc thơ lên đá, viết thơ lên tường, thả thơ xuống sông, treo thơ lên đọt tre, lên cánh diều… thế thôi nhưng sao thấy thơ sang trọng kinh hồn, thơ đến với người vừa gần gũi vừa cao vời, vừa âu yếm như lời hát ru vừa thiêng liêng như thánh ca.
Cái thời thật sướng, nhà thơ như con trời ở xa tít mù, mỗi lần xuất hiện như thiên sứ từ trời sa xuống, cho dù đi đứng nghênh ngang, nói năng ngông ngạo cũng không ai lấy đó làm vì, lại còn được tán tụng như là cuộc chơi ngạo nghễ của con trời. Nhà thơ bỗng trở thành niềm tự hào vô biên của vợ con, bạn bè, họ hàng chòm xóm.
Vợ nhà thơ chạy ăn từng bữa, tần tảo nuôi con cực khổ vô cùng cũng không để chồng nhúng tay vào mấy việc trần tục. Chỉ cần chồng chơi thơ thật hay, con có thể đói cơm chồng không thể thiếu rượu, ngoài nhà chồng nhấp hớp rượu đọc một câu thơ, trong nhà vợ tay bịt miệng con khóc đói đòi ăn, tai vẫn nắc nỏm nghe thơ chồng, lâng lâng niềm tự hào thầm kín.
Đến thời chống Mỹ thơ ca được giao đủ loại nhiệm vụ, nhà thơ phải gồng gánh đủ loại vai trò, các nhà thơ lớp trước chỉ quen chơi thơ bỗng lúng túng không biết xoay xở ra sao, thơ họ kém hẳn đi, bao nhiêu tán tụng cũng không sao giữ thơ họ đến với người đời. Công chúng vẫn yêu thơ vẫn nể trọng nhà thơ phần vì dư vọng thời trước đó, phần vì thơ “ cùng đổ mồ hôi sôi giọt máu” với người yêu thơ, buồn vui sướng khổ cùng thế sự.
Tuy vậy đã dần dần hình thành một loại công chúng chỉ biết thẩm thơ theo nghĩa đúng sai, đánh đồng đúng sai với hay dở, nhà thơ cũng hoang mang không dám chơi thơ nữa, chơi ngông lại càng không dám. Loay hoay với đúng sai đã mướt mồ hôi rồi, sao còn đủ hứng để còn chơi thơ hay dở.
Nhà thơ đi đến đâu vẫn được đón tiếp trọng thị, công chúng vẫn háo hức chào đón nhưng ít ai dám phô giữa công chúng những gì mình làm cho mình, những gì mình tâm đắc. Có hai loại thơ, thơ làm cho tất cả vả thơ làm cho mình. Bố bảo cũng chẳng ai dám phô thơ riêng tư ra trước đám đông, đôi khi ngứa mồm đọc đôi ba câu liền bị nhắc nhở, sợ mất ăn mất ngủ.
Thơ làm cho tất cả vẫn hay đấy, nhiều là đằng khác nhưng cái hay của anh cán bộ làm thơ, không còn là thơ của thiên sứ con nhà trời nữa. Vả, thơ tâm tình nỉ non ngâm vịnh vu vơ bị coi là thứ vớ vẩn của mấy ông không dở hơi cũng chập mạch, thơ tuyên giáo ngày càng nhiều trở thành dòng chính đạo. Bây giờ nhà thơ là ông cán bộ công tác làm thơ, ít ai còn dám chơi thơ. Có lẽ vì thế mà thơ vì thế xa cách dần, lạc điệu dần với công chúng yêu thơ chăng.
Đất nước đổi mới, nhà thơ được hưởng mọi sự phóng khoáng ở đời, chẳng ai ép nhà thơ làm thơ tuyên giáo, nhà thơ là nhà thơ, chẳng phải ông cán bộ làm thơ nữa nhưng cái thời thơ được nồng nhiệt chào đón hình như đã mất. Khi các nhà thơ được thoải mái chơi thơ, người sang kẻ hèn người giàu kẻ nghèo đều in được thơ thì thơ chẳng còn là sản phẩm được công chúng đón đợi. Trong các hiệu sách thơ là mặt hàng ế ẩm nhất. Xưa có tập thơ in vài vạn cuốn vẫn bán hết vèo nay ai khoe bán được một ngàn bản thơ đều bị coi là bóc phét.
Từ trước tới nay chỉ thấy mỗi nhà thơ Hữu Loan bán được bài thơ hơn trăm triệu, nhà thơ Kiều Anh Hương bán bốn câu thơ được hơn chục triệu, thế thôi, không còn thấy ai bán thơ được giá cao. Nhà thơ Nguyễn Duy tiếp thị thơ hơi bị giỏi, thu được khá nhiều thành công. Ông làm lịch thơ bán chạy như điên nhưng cũng chỉ được hai mùa, sang đến mùa thứ ba thì tịt ngỏm. Ông triển lãm thơ, vẽ thơ trên chum vại rổ rá, chơi thơ với ảnh, chơi thơ với hoạ, chơi cả thơ tiếng Anh dịch từ thơ cổ, xôm trò lắm nhưng chỉ đôi lần rồi cũng dần mất khách.
Nhà thơ làm đủ trò tiếp thị, kẻ tổ chức đêm thơ để bán rao thơ, người ôm thơ đến thư viện bán mớ. Nhiều người đến công sở, mỗi nơi bán dăm mười cuốn, lắm kẻ vờ tặng thơ để nhận tiền lại quả, cũng chẳng thu được bao nhiêu đôi khi còn mang tiếng, lắm chuyện thật bẽ bàng.
Nhà thơ mang cả chồng thơ đến doanh nghiệp, được đón tiếp trọng thị kiểu đãi bôi, doanh nghiệp xuýt xoa khen bìa đẹp khen thơ hay, rồi rút ra một xấp tiền trân trọng nhét vào túi nhà thơ. Đến khi nhà thơ ra về thì chồng thơ lập tức được nhét xó. Ngay cả thơ tặng cũng vậy, bạn bè quí nhau lắm mới tặng nhau tập thơ, nhận được thơ lập tức reply cảm ơn rối rít, hỏi có mấy ai chịu khó mở ra xem đôi bài, đừng nói là cả tập.
Ngay cả nhà thơ đến công sở đọc thơ, nói chuyện thơ cũng thế. Xe con kính cẩn đưa đón, công chúng có cả ngàn, mỗi bước đi nhà thơ đều có kẻ lóm thóm chạy theo sau, cơm bưng rượu rót, tiếng vỗ tay ngất trời, lời cảm ơn nhà thơ nồng nàn say đắm. Đến khi nhà thơ Good bye thì dư vang cũng good bye, cuộc chơi thơ lấy lệ, đầy tính thủ tục nhân ngày abc nào đó thường diễn ra như vậy.
Cho nên cứ mỗi mùa lễ hội thơ tôi thường ngồi nhà ngóng ra chứ không dám đến. Tôi sợ phải gặp những nụ cười giả tạo, phải nghe tiếng vỗ tay lấy lòng, lời tán tụng bốc đồng, thói nịnh bợ truyền kiếp. Nói thật mất lòng, những trò chơi rắm rối, thoạt nhìn có vẻ sang nhưng kì thực rất quê mùa, từ lá cờ thơ đến việc thả thơ lên trời.. nhìn rõ sự cố tình sắp đặt khiên cưỡng, hơi bị tội nghiệp cho thơ, hu hu.
Một khi thơ phú văn chương chưa được lòng người thì mọi trò xiển dương, tôn vinh thơ, vuốt ve thơ, truyền bá thơ dù được tổ chức khá công phu, tốn kém cũng chỉ để cho các nhà thơ tự sướng mà thôi, than ôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét