Mình từ Sài Gòn về, vào mạng thấy bác Hữu Thọ nói, hơi buồn. Đến bấy giờ bác vẫn còn lo dân phân tâm về những phản biện. Nếu những phản biện chính đáng ích nước lợi dân thì có lý gì sợ dân phân tâm, còn những phản biện kiểu không ăn thì đạp cho đổ thì chính dân sẽ bóp miệng lũ này, khỏi lo đi.
Tất nhiên làm việc gì cũng bị dân lý hội đến, bàn vô bàn ra thì cũng nhức đầu mệt người thật. Nhưng như cụ Khổng nói Thiện hạ hữu đạo, tắc thứ nhân bất nghị.- Thiên hạ có đạo chính đáng thì dân bất tất phải nghị luận lung tung. Viết đến đây chợt nhớ đến Huy Đức, lập tức bỏ ngay entry nói lại với bác Hữu Thọ, viết Bạn văn 29 cái chơi, dù bây giờ Huy Đức hiển nhiên là nhà báo.
Chẳng nhớ quen Huy Đức từ lúc nào, hình như hơn hai chục năm rồi, thời nó viết truyện ngắn Dòng sông cụt thì phải. Truyện đó nó ký tên Trương Huy San, in ở Văn Nghệ Quân đội, ai đọc cũng thích. Nó viết về cái thời duy ý chí làm thủy nông ở Nghệ Tĩnh, nghe lời Trương Kiện đào bới lung tung, giọng văn tưng tửng không hề xốc xỉa nhưng mà đau, đau lắm.
Đám văn trẻ tụi mình sướng lắm, văn chương giả cầy vô thiên lủng, chỉ cần xòe tay khua nhẹ cái được cả nắm, kiếm được ông văn miệng có gang có thép thời nào cũng khó, thời này càng khó hơn.
Khi đó nó vừa rời quân ngũ, mình cũng thế. Nghe tin nó ra Hà Nội, thằng Nguyên ( Phạm Xuân Nguyên) dắt mình đi gặp nó. Mới gặp hơi thất vọng, nó bắt tay mình, nói chào anh, cái bắt tay nhẹ không, lời chào cũng nhẹ không, chỉ có cái miệng cười tươi. Mà cũng chẳng biết nó có cười hay không nữa, có khi nó chỉ xòe bộ răng vẩu ra thôi, hi hi
Khác với mấy ông văn trẻ, hễ gặp nhau là ôm vai hót cổ, kéo nhau vào quán liền, Huy Đức ít khi vồ vập ai. Bạn bè lâu ngày gặp nhau cũng chỉ cái bắt tay nhẹ y chang Võ thủ tướng bắt tay, nói mới vô à, rồi lặng lẽ kéo ghế ngồi, lâu lâu nói đôi ba câu không mặn cũng chả nhạt, chỉ đôi mắt lộ sáng với cái nhìn ấm áp chí thiết khiến người ta yên tâm nó vẫn quí mình.
Huy Đức ngoài bộ giàn rất nam tính, chẳng có nét gì khả dĩ là đẹp trai, mắt mũi cũng chả đẹp nhưng ánh mắt nhìn ai như hút hồn người ta, ấm áp và tin cậy, tin yêu và say đắm, gái chết như rạ cũng vì ánh mắt này đây, hi hi.
Nó giống thằng Nguyên, từ ngày vợ bỏ đắt sô kinh khủng, ngồi đâu cũng thấy nó lúi húi reply tin nhắn đám chân dài, nhưng cũng chỉ thấy các em vè vè lượn quanh, không thấy em nào dám cắn câu, hoặc cắn hờ phát rồi bỏ chạy cả.
Mình có giới thiệu Huy Đức cho một cô, cô này nghe mình tán dương Huy Đức thì háo hức lắm, bố trí năm lần bảy lượt mới gặp được, gặp xong cô này nhắn tin, nói ui ui chú ơi, xấu xấu. Ít lâu sau mình nhắn tin, nói Huy Đức thế nào, hay không. Cô ta reply tức thì, nói hay hay, chú ơi hay cực ke ke ke.
Chẳng hiểu thế nào mối tình sét đánh hay thế cuối cùng cũng hỏng, tiếc thế, âu cũng là số trời. Cũng như nó đang làm văn hay ho thế trời lại bắt nhảy sang làm báo, chuyên chuyện pháp đình, bài nào bài nấy hay điếc tai, người khen kẻ chê cũng điếc tai luôn.
Trông cái dáng lờ vờ, ngồi đâu cũng nhường phần sắc sảo cho người khác, ít ai mới gặp đã ấn tượng, chỉ khi nói chuyện cà chớn, trêu chọc nhau mới ló chút thông minh, còn thì như gà rù, nói chuyện như người đời sơ nói, ấy thế mà bất kì bài báo nào cũng đạt đến cái tầm khái quát cao, sức nghĩ sâu rộng, nếu không đủ độ để thán phục thì cũng không thể coi thường.
Hôm ngồi uống bia với thằng Tín ( Nguyễn Trọng Tín), Tín cũng làm Sài Gòn tiếp thị với Huy Đức, nhân nói chuyện Huy Đức thôi việc, nó uống cạn cả cốc to bia đen, khà một tiếng rõ to, vuốt mặt hai ba cái, nói tui nghĩ chán ra rồi, nước Nam mình có mấy thằng làm báo được như Huy Đức, hổng có, hổng có ai… đú má.
Có thể vì bức xúc mà thằng Tín nói quá đi, mình nghĩ thế. Mình chạm cốc với thằng Tín, nói có trí lự để viết những bài báo như Huy Đức cũng không ít người, cũng không ít người có thể viết hay hơn, nhưng có cái tâm sáng trưng như thằng Huy Đức để nói thẳng, nói to những điều tâm huyết như nó thì quả là hiếm. Người ta hay tán cái dũng của nó nhưng tôi nghĩ không phải, nó có chống đối ai đâu mà nói đến cái dũng.
Nghe nói đến cái dũng, thằng Tín cười sặc, phun cả bia ra bàn, nói đúng đúng, ông nói làm tôi nhớ đến câu thơ của Yevtushenko – Sống cái đời gì kì cục quá thôi/ dám lương thiện với mình cũng đủ thành dũng cảm.
Mấy hôm ở Sài Gòn, ngồi đâu cũng nghe chuyên Huy Đức thôi việc, nhiều người bức xúc đôi khi nói quá lên. Mình nghĩ chuyện đó cũng bình thường, đối với người coi báo không chỉ là nghề kiếm cơm mà là cái nghiệp như Huy Đức, một khi buộc phải chọn Sài Gòn tiếp thị hay blog Osin thì hiển nhiên nó phải chọn blog Osin.
Huy Đức sống với bạn chân tình, chí thiết, chẳng có khi nào nó để bạn thất thiệt vì mình, nên khi buộc phải chọn Tâm Chánh và Sài Gòn tiếp thị, tất nhiên nó phải chọn Tâm Chánh. Đêm trước khi ra Hà Nội, mình có ngồi với Tâm Chánh và Huy Đức, chúng nó vẫn nói chuyện bình thản như chưa có gì xảy ra, vẫn ấm áp và thân thiện, có phần còn thân thiết và quí trọng nhau hơn, mới hay dại dại khôn khôn, mất mất được được thật khó lường, mấy ai đo đếm phân minh.
Mình hỏi Tâm Chánh, nói ông thử nói một câu vì sao Huy Đức thôi việc. Tâm Chánh ngồi ngẩn rồi cười, nói anh hỏi khó, một câu thì khó nói lắm. Mình nói thế thì ba câu vây, Tâm Chánh nói ba câu càng khó nói hơn. Tâm Chánh nhăn răng cười, Huy Đức cũng nhăn răng cười.
Thế là xong, mình có thể kê cao gối mà ngủ. Ở đời sợ nhất là mất cái tình chứ vì cái lý gì đó mà mất thì cái mất ấy cũng nhẹ tựa lông hồng, cần gì phải lo nghĩ. Nói thế để bà con thôi bàn tán chuyện này đi, vả, được được mất mất, dại dại khôn khôn mỗi người tự biết lấy, người ngoài bàn tán đôi khi đâm rách việc.
Cũng vì mạng méo ầm ĩ, BBC phỏng vấn phỏng veo, bà con nó ở quê lật đật kéo nhau chạy vào Sài Gòn, góp lại cho nó 2 triệu, ôm lấy nó cuống quít, nói ôi con ơi, răng rứa con ơi. Nó nói con thôi việc này kiếm việc khác, có gì đâu. Bà con lườm nó, nói có gì đâu, mày đừng có chủ quan. Nó cũng chỉ biết nhăn răng cười.
Buổi sáng quán cà phê phố Hàn Thuyên, mình với nó đang tán chuyện ba lăng nhăng giải sầu, một em chân dài chạy đến vừa nguýt vừa cười, nói chết chưa chết chưa, đáng kiếp đáng kiếp, còn chủ quan nữa không. Nó tủm tỉm nhìn cô nàng, nói em cũng bảo anh chủ quan à. Cô bé dẩu môi nguýt nó, nói chủ quan.
Nó cười, vui vẻ khoác vai cô bé, nói điều tôi sợ mất nhất là tình yêu mọi người dành cho tôi, như cô bé này chẳng hạn. Cô bé véo Huy Đức cái rõ đau, nói yêu anh bao giờ hả hả.
Nó lại nhăn răng cười.
THƯ GỬI OSIN
Hiệu Minh
Xin giới thiệu, tôi là độc giả thường xuyên của Blog Osin nổi tiếng Việt Nam. Chưa bao giờ gửi comment nhưng hôm nay tôi lại muốn viết thư. Thấy anh tự gọi là Osin nên người đọc hay kêu Huy Đức là đầy tớ. Thời đại “nhân dân làm chủ, cán bộ là đầy tớ”, thiết nghĩ, vai chủ-tớ đã rõ ràng.
Tôi thường vào blog Osin đọc “chùa”. Những vấn đề đặt ra trong nhật ký đều nóng, nhậy cảm và hấp dẫn mà báo chí lề phải không đăng vì nhiều lý do tế nhị. Có entry với 400-500 comments, 700 tờ báo do Bộ 4T quản lý có lẽ phải ghen tỵ. Còn niềm tự hào nào hơn thế, món ăn do người ở nấu được chủ hết lòng khen ngợi.
Đó là điều mừng, vì bạn đọc còn quan tâm đến vận mệnh đất nước, tỏ lòng yêu Tổ quốc bằng những chính kiến riêng mà không phải cơ quan ngôn luận chính thống nào cũng dám đăng, không phải ai cũng muốn nghe.
Viết thư này, xin cảm ơn Osin đã để đám “chủ” là các độc giả được thoải mái phản hồi mà không bị kiểm duyệt trong một thời gian dài. Tuy nhiên, lợi dụng lòng cả nể của anh, nhiều phản hồi có sức mạnh hủy hoại như những “hũ rượu lậu được người lạ vùi vào ruộng lúa, rồi gọi lính nhà đoan đến bắt”, như anh than thở.
Thú thật, lần anh mất chìa khóa, người ta lo nhà Osin bị kẻ gian vào lấy hết đồ đạc hay phá phách. Rất may mọi việc lại đâu vào đó, người đọc tiếp tung chưởng với bàn phím, con chuột, “ném đá” vào màn hình.
Mấy hôm trước, Osin quyết định sẽ kiểm duyệt và biên tập các comment. Hóa ra “công bộc vì dân” này cũng mắc bệnh trầm kha về quản lý yếu kém, chưa đủ tầm vĩ mô để nhìn ra vấn đề vi mô, không quản được thì cấm :) .
Tuy nhiên, đó là quyết định đúng đắn của Osin. Hy vọng, khách tới thăm nên tôn trọng, giữ gìn blog với những phản hồi mang tính xây dựng và có văn hóa.
Nhiều bạn chán ngán nói từ nay không thèm comment nữa. Thật tiếc, blog không có phản hồi như nước không có cá, vì nước sẽ rất…buồn.
Nhưng quá nhiều phản hồi hay comment cẩu thả gây không ít khó khăn cho blog. Trong thế giới đa chiều, giá trị đôi khi bị đảo lộn. Ý kiến đưa ra theo kiểu ném đá, không lọt tai, có thể gây bất ổn cho người đọc, người viết và cao hơn là xã hội.
Hôm nay nghe tin Osin thôi việc ở Sài Gòn Tiếp thị, điều có thể dự đoán được… Nghiệp bút nghiên giúp cho tiếng tăm nhưng cũng làm tác giả trải qua không ít đớn đau vì thế thái nhân tình.
Quay lại chuyện “chủ tớ” như đầu thư đã nói, chúng tôi cũng nhận ra, hình như cánh Osin thời nay thường mạo nhận. Do không tuyển dụng một cách dân chủ và minh bạch, một số Osin giả vờ dọn dẹp rồi tranh thủ bán cả tài sản mà không được phép. Số khác lạm quyền, chủ nhờ “quét nhà” phải có phong bì mới xong, gây ra nạn tham nhũng và hối lộ tràn lan, đạo đức xuống cấp, và người chủ mất niềm tin.
Tuy thế, với Huy Đức, tôi tin độc giả sẽ mãi chọn anh là người đầy tớ chân chính của nhân dân, mãi đi với nhân dân. CV được kiểm chứng bởi hàng vạn bạn đọc, TOR rõ ràng như anh nói trong entry mới đây: “Báo chí, cho dù của nhà nước thì vẫn là một tài sản của xã hội. Báo chí phải là nơi chuyển tải những bài viết trung thực, những phân tích, phản biện; những bài viết mà người làm báo tin rằng nó phụng sự xã hội”.
Mong anh Osin bảo trọng.
( Nguồn: blog Hiệu Minh)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét